Quê Hương Bỏ Lại
Hôm nay là Chủ Nhật. Chẳng bì với đời sống xô bồ, ồn ào và náo nhiệt ở trong nước, buổi sáng Chủ Nhật ở ngoại quốc thật yên lặng, êm đềm và nhẹ nhàng. Tiếng hát của Enrico Macias vang lên hòa quyện cùng tiếng đàn flamenco điêu luyện réo rắt ngọt ngào nghe thật thiết tha …
J’ai quitté mon pays
J’ai quitté ma maison
Ma vie, ma triste vie
Se traîne sans raison
J’ai quitté mon soleil
J’ai quitté ma mer bleue
Leurs souvenirs se réveillent
Bien après mon adieu …
Tạm dịch:
Tôi đã rời xa đất nước tôi
Tôi đã bỏ lại mái nhà xưa
Đời tôi, một cuộc đời buồn bã
Cứ trôi đi thật vô nghĩa
Tôi đã bỏ lại sau lưng ánh mặt trời
Tôi đã bỏ lại cả đại dương xanh thẳm
Những kỷ niệm trong tôi bừng trỗi dậy
Sau bao nhiêu năm từ biệt …
Đó là phần đầu của bài hát “Adieu Mon Pays” của Enrico Macias. Lời ca tiếng nhạc thật tha thiết, não nùng, làm nhức nhối tim gan của những người phải bỏ nước ra đi như tôi. Enrico Macias là một ca sĩ người Pháp, ở Algérie. Ông bỏ xứ ra đi năm 1961 và xin tỵ nạn tại Pháp cùng vợ con sau khi cách mạng Algérie bùng nổ. Bài “Adieu Mon Pays” được sáng tác vào thời kỳ đó đã trở thành bài tiêu biểu của Enrico Macias và của những người phải miễn cưỡng rời bỏ quê hương xứ sở.
Enrico Macias tên thật là Gaston Ghrenassia. Ông sinh năm 1938, trong một gia đình Do Thái ở Constantine, Algérie, lúc đó là thuộc địa của Pháp. Cha là nhạc sĩ vĩ cầm trong một dàn hòa tấu. Enrico chơi guitare từ nhỏ và năm 15 tuổi bắt đầu chơi trong dàn hòa tấu, và sau đó làm nhạc trưởng.
Năm 1961, kháng chiến dành độc lập bùng nổ ở Algérie, Enrico cùng vợ và con gái bỏ xứ sang Pháp tị nạn sau khi Mặt Trận Quốc-Gia Giải-Phóng của đảng Cộng Sản Algérie nổi dậy thanh toán cha vợ và nhạc sĩ Cheikh Raymond Leyris. Bản Adieu Mon Pays ra đời trên chuyến tàu rời quê hương sang Pháp tị nạn của Enrico nổi tiếng ngay ở Pháp năm 1962 và trở thành một hiện tượng trên thế giới.
Sang Pháp, Enrico tiếp tục cuộc đời âm nhạc. Những năm sau đó Enrico đi tour ở các nước Trung Đông và cận Á như Lebanon, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, … và tiếp tục có những big hit ở Paris như Tu m’as pris dans tes bras, La femme de mon ami, Non je n’ai pas oublié, La France de mon enfance, Les gens du nord, Les filles de mon pays và L’amour c’est pour rien (Tình cho không biếu không) mà người Việt mình hầu như ai cũng biết. Enrico hát nhiều thứ tiếng như Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Ả Rập cũng như nhiều loại thổ ngữ khác. Năm 1968 Enrico trình diễn lần đầu ở Mỹ, tại Carnegie Hall ở New York, vé bán sạch.
Năm 1968, bản Meslissa của Enrico đoạt danh hiệu đĩa vàng (Gold disc). Năm 1980, Enrico cống hiến toàn bộ số tiền thu được của bản nhạc “Malheur à celui qui blesse un enfant” cho cơ quan từ thiện Unicef giúp trẻ em và được Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc Kurt Waldheim trao tặng danh hiệu Ca Sĩ của Hòa Bình (Singer of Peace).
Adieu Mon Pays là bản nhạc đã làm cho hàng triệu triệu người trên thế giới phải bỏ nước ra đi xót xa và bao nhiêu người Việt xa quê hương nhỏ lệ trong thập niên 70s và 80s. Tôi giờ này vẫn còn ngậm ngùi ray rức mỗi lần nghe lại bản nhạc này.
Thật vậy, “Tôi đã rời xa đất nước tôi”, xa lâu lắm rồi và chưa một lần đặt chân trở lại. “Tôi đã bỏ lại mái nhà xưa”, à không, tôi không tự ý bỏ lại mà người “cộng sản” đã tịch thu “tư sản” của gia đình tôi cũng như của bao nhiêu gia đình “tư sản” khác rồi “cộng” lại làm “tư sản” cho riêng họ. Người ta ai cũng nói thành phố biển mà tôi đã sinh ra và lớn lên bây giờ thay đổi lắm! Người ta ai cũng nói khuôn mặt của cả nước giờ mang nhiều thay đổi lắm! Nghe vậy ai mà chẳng muốn về thăm quê hương một chuyến? Nhưng tôi thì không! Chỗ tôi đến và nơi tôi ở phải là TỰ DO, NHÂN QUYỀN, CÔNG BẰNG, NHÂN BẢN và NHÂN ÁI. Đã hơn ba mươi năm rồi tôi chưa một lần về lại quê hương, chưa một lần đặt chân trở lại trên bãi cát trắng ven thành phố của tôi. Có lẽ cũng nhờ chưa về mà hình ảnh thành phố biển và tổ quốc còn nguyên vẹn trong trái tim tôi.
3 VIDEOS BẤT HỦ, NHIỀU KỶ NIỆM:
Videos for Enrico Macias – Adieu mon pays
MỜI BẤM VÀO NHỮNG ẢNH & LINK DƯỚI ĐÂY
http://www.youtube.com/watch?v=43_l31uV3NA
Adieu Mon Pays – Enrico Macias
Đoản khúc này bắt đầu bằng bản nhạc Pháp có tên “Adieu Mon Pays”, tạm dịch là “Quê Hương Bỏ Lại” và kết thúc bằng bản nhạc Việt có cùng tên của Tô Thuỳ Vân như sau:
Những ngày xa quê hương
Là những ngày mang đau thương.
Một ngày xa quê hương
Là một ngày mang đau khổ
Một ngày không nắng ấm
Và một ngày mong mưa rào
Một ngày thiếu hơi thở
Của đồng cỏ nước Việt Nam
Đất nào sinh ra tôi
Mẹ hiền nào cưu mang tôi
Miền nào nuôi thân tôi
Mà giờ này tôi xa rồi
Này dòng sông phơi nắng
kìa đồng ruộng lúa chín vàng
Giờ này đã xa rồi
Và ngàn đời nhớ Việt Nam
Hãy nhớ và hãy nhớ
Người Việt Nam đang lạc loài
Hãy thương và hãy quý
Tình đồng bào ta với ta
Hãy biết và hãy biết
Rằng ngày mai khi ta về
Hãy nhóm ngọn lửa hồng
Đốt sáng vạn niềm tin
Gió chiều mang hương quê
Lòng giật mình trong cơn mê
Ngày dài ôi lê thê
Mà hồn mình như ê chề
Sài Gòn trong nắng cháy
Đà Lạt dấu trong sương mờ
Chiều nào biển Vũng Tàu
Sóng tận cùng đến Cà Mau
Nhớ chiều quê hương ơi
Thật tận cùng xa xôi thôi
Vùng trời Nha Trang xưa
Và dòng Đồng Nai hững hờ
Nào Cần Thơ nắng ấm
Kìa ruộng đồng lúa chín vàng
Giờ này đã xa rồi
Và ngàn đời nhớ Việt Nam
Trần Việt Trình
Chủ Nhật 14 tháng 11 năm 2010
(Kỷ niệm 35 năm người Việt tỵ nạn)