Trong một xã hội tự do, văn minh, tiến bộ, sự khác biệt ý kiến, chính kiến là phản ảnh của một chế độ dân chủ và cần phải được tôn trọng và bảo vệ. Hiến pháp của bất kỳ quốc gia văn minh nào cũng đều bảo vệ quyền phát biểu ý kiến trong hòa bình (bất bạo động) của tòan thể công dân. Còn đối với các dân biểu, thượng nghị sĩ, họ được quyền bất khả xâm phạm khi phát biểu mọi ý kiến, dù là chống đối lại đảng cầm quyền, tổng thống, thủ tướng đương nhiệm. Giả dụ ngày mai đây, một dân biểu hay một thượng nghị sĩ, một nhà nhà báo, một công dân nào bị bắt vì có ý kiến ngược lại Tổng Thống. Obama, thì Hoa Kỳ đã biến thành một quốc gia độc tài và nền dân chủ Hoa Kỳ chết ngay từ lúc đó.
Tuy nhiên quyền được có ý kiến khác biệt – một mặt của quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận- phải được trình bày trong tinh thần trọng pháp, ôn hòa, tương kính, bình đẳng. Nếu như một ý kiến khác biệt – trái với ý muốn hoặc lòng yêu/ghét của mình, mới vừa phát biểu ra đã bị chửi rủa, mắng nhiếc, mạ lỵ, chụp mũ, bôi lọ, hoặc dùng bạo lực bịt miệng – là hình ảnh của một chế độ phát-xít, độc tài khắc nghiệt. Những người hành xử như vậy ngôn ngữ Tây Phương gọi họ là extremist, fanatic hoặc mạnh hơn nữa là militant. Những người như vậy sẽ gây rối lọan và khổ đau cho xã hội và cộng đồng mà họ sinh sống.
Đạt được điều tốt lành nói trên trong sinh họat của xã hội không phải dễ dàng. Ngòai sự bảo vệ và công minh của luật pháp, cần có sự giáo dục công dân và đạo đức bản thân nữa. Có ba yếu tố khiến cho tinh thần dân chủ trong đó quyền tự do ngôn luận được thể hiện tốt đẹp là:
1) Tinh thần cởi mở hay đầu óc rộng rãi (open-minded)
Theo Tự Điển Longman 2004, open-minded là sẵn sàng chấp nhận những ký kiến, quan điểm mà mình không thích hoặc trái với ý muốn của mình. Nếu một ý kiến trái ngược với quan điểm của mình vừa đưa ra, mình đã nổi xung thiên, chửi mắng người ta – là mình không có đầu óc cởi mở, dù mình có biện minh như thế nào đi nữa.
2) Sự chịu đựng lẫn nhau/ nhẫn nại hay nhẫn nhục:
Thế giới này không phải chỉ có ta, gia đình ta, chủng tộc của ta, quốc gia ta, tôn giáo của ta mà còn có người khác, gia đình khác, chủng tộc khác, quốc gia khác và tôn giáo khác. Ta có thể thích cái này nhưng người khác lại thích cái kia. Ta tôn thờ cái này nhưng người khác lại tôn thờ cái khác. Ta bảo cái này là chân lý nhưng người khác lại nói cái đó “trật lấc”. Ta yêu cái này nhưng người khác lại căm thù và khinh ghét cái đó…và còn muôn ngàn thứ ngang trái, mâu thuẫn nữa …đang diễn ra hằng ngày trên thế giới. Vậy thì phải làm sao đây? Chẳng lẽ người ta khác mình- thì đem lựu đạn quăng vào nhà người ta? đốt nhà người ta? chôn sống hoặc thiêu sống người ta ? Những hành vi này có thể làm được khi thế giới còn bán khai nhưng bây giờ thì không được. Không có một quốc gia văn minh nào bây giờ dám ghi những điều bất công, hung ác đó vào trong hiến pháp mà tất cả đều phải long trọng ghi những gì tốt lành như : Tự do, bình đẳng và công l ý .v.v Trước nhu cầu Quần Tụ, Sống Chung và Phát Triển tôi và bạn phải làm sao đây? Như trên đã nói, ngòai sự công minh của luật pháp, bản thân chúng ta cũng cần phải chịu đựng, nhẫn nại, cảm thông, tôn trọng và dung hòa với nhau. Điều chúng ta cần ghi nhớ là câu nói “Anh/chị cũng là người, tôi cũng là người. Anh/chị có quyền nói tôi cũng có quyền nói. Nếu muốn bình đẳng thì chúng ta phải tôn trọng nhau chứ?”
3) Điều quan trọng nữa cần phải tâm niệm là trong Vũ Trụ mọi sự không có gì vĩnh cửu. Cả Mặt Trời (Star) kia chỉ còn sống được 5 tỉ năm nữa. Nó đang chuyển hóa để biến thành Red Giant rồi rồi phóng ra những khối nóng khổng lồ rồi biến thành White Dwarf rồi đi vào giai đọan cuối cùng (Final stage) tức Thần Thái Dương tuyệt mệnh và lòai người tận thế. Còn trên Trái Đất (Planet) này muôn sự cũng biến đổi theo thời gian. Trước đây trái đất được coi là vuông rồi sau đó mới thấy tròn. Mặt trời tưởng xoay quanh trái đất nay hóa ra trái đất xoay chung quan mặt trời. Mưa tưởng Long Vương trên trời tưới nước xuống nào ngờ mây gặp lạnh thành mưa. Chế độ đa thê được cổ vũ, bây giờ một vợ một chồng. Nô lệ là đặc hữu của kẻ chiến thắng, bây giờ mọi chủng tộc đều bình đẳng. Trong cái Thế Giới Ta Bà ngang trái và huyễn hoặc này mọi thứ quay đảo không ngừng. Những thần tượng trong quá khứ bây giờ bị kéo sập. Những nạn nhân bị giết hại trong quá khứ nay được nhân lọai vinh danh. Những giá trị đạo đức trong quá khứ bây giờ mới vỡ lẽ ra là “ngụy quân tử” hay đạo đức giả hình. Mục Sư Martin Luther King tưởng đâu là kẻ gây bạo lọan xã hội, chết đi lại trở thành lãnh tụ nhân quyền vĩ đại. Ô. Mandela ở tù 26 năm vì chống lại chính quyền Da Trắng, sau trở thành tổng thống đầu tiên của Nam Phi. Kha Luân Bố (Columbus) trước được tuyên dương là người khám phá ra Mỹ Châu nay bị phanh phui là kẻ ác độc hủy diệt văn hóa bản địa, cải đạo, chặt tay thổ dân Nam Mỹ để đòi vàng và reo rắc đủ thứ bệnh dịch làm dân bản địa diệt chủng…Và còn nhiều thứ “Thiên thượng phù vân như bạch y. Tu du hốt biến vi thương cẩu.” cười đau khóc hận nữa. Chính vì thế – cái mà mình tưởng đúng bây giờ, ngờ đâu chỉ 5, 10 năm sau thôi lại trở thành sai. Cái mà bây giờ mà mình cho là sai và chống đối kịch liệt, 5, 10 năm nữa nó lại đúng. Nếu hiểu được Luật Vô Thường như thế thì mọi chuyện nên phản ứng từ từ, nhẹ nhàng trong tinh thần cảm thông và hiểu biết không ngòai mục đích tạo tốt lành cho cuộc sống và cho xã hội. Hành xử được như thế là từ bỏ được quan niệm cực đoan, quá khích cũng như cuồng tín, giáo điều.
4) Mặc dù được hưởng quyền tự do ngôn luận tức là muốn nói gì thì nói nhưng không phải không có hậu quả về mặt pháp lý. Luật pháp bất cứ quốc gia nào cũng qui định trừng phạt tội vu cáo hoặc phỉ báng không ngòai mục đích ngăn chặn những kẻ lợi dụng quyền tự do ngôn luận để làm tổn hại danh dự của người khác. Ngòai ra chế tài về mặt lương tâm lại càng quan trọng hơn. Bạn tưởng rằng những bài viết của bạn trên báo, phổ biến trên Internet hoặc in ra thành sách sẽ bay đi như một cơn gió thoảng ? Thưa không! Ngay giờ phút này đây bạn có thể rất thỏa mãn với những gì bạn đã và đang viết ra. Thế nhưng khi bạn chết đi, con cháu bạn sẽ đọc những tài liệu, những bài viết, những cuốn sách đó. Chúng nó có thể có những ý nghĩ, quan điểm khác với chúng ta. Chúng nó có thể đau khổ tự hỏi tại sao cha, ông nó lại có thể viết ra những điều hung ác, bất công và thiếu lễ độ như vậy. Xin nhớ rằng tất cả những gì chúng ta đang làm ngày hôm nay sẽ để lại một gia tài (tích sản) hoặc một gánh nặng (tiêu sản) cho thế hệ mai sau. Nếu nói theo thuật ngữ nhà Phật là chúng ta tạo nghiệp- nghiệp lành hay nghiệp dữ.
Thưa quý bạn:
Đọc những đoạn trên đây bạn thể có cho rằng tôi có ý “dạy đời”. Thưa không phải như thế. Chia sẻ (sharing) những gì mình trải qua, những gì mình suy nghĩ cho người khác biết đang là một nhu cầu bức thiết của xã hội. Một xã hội khép kín là xã hội mà con người không nói rõ hoặc không dám nói rõ cho người khác biết về con người mình, về điều mình thương, không thương, không thích. Đó là một xã hội ngột ngạt. Mà xã hội khép kín như thế sẽ tạo ngăn cánh và dễ đưa tới hiểu lầm và nghi kỵ. Từ hiểu lầm, nghi kỵ đưa tới chia rẽ. Từ chia rẽ đưa tới xung đột, từ xung đột sẽ đưa tới khủng bố hoặc giết hại lẫn nhau. Cho nên hầu hết các chính quyền đã và đang tạo rất nhiều diễn đàn (forum) hoặc các buổi nói chuyện, mạn đàm (talk show) để cho mọi người có dịp chia sẻ những suy nghĩ thật lòng của mình.
Thưa bạn:
Không có gì hạnh phúc cho bằng được sống trong một xã hội an lành, cảm thông, yêu
thương và hiểu biết. Mọi thứ đều là Vô Thường duy chỉ có Tình Thương, Lòng Từ Bi, Hỉ Xả là tồn tại vĩnh viễn với thời gian. Mọi chuyện xin cứ từ từ, đâu còn có đó. Tomorrow is another day. Chân lý, sự thật vẫn còn đó và sẽ hiển lộ với thời gian. Chúng ta viết, bạn bè chúng ta viết, con cháu chúng ta viết rồi thế hệ tiếp nối sẽ tìm hiểu và sẽ viết để cùng chung góp vào sự chân chính của lịch sử.
Trong một ly nước đục, bợn nhơ sẽ nổi lên trên. Nếu cứ khoắng mãi, bợn nhơ sẽ tiếp tục nổi. Nhưng khi để lắng yên thì bợn nhơ sẽ chìm xuống đáy. Thời gian là liều thuốc Tiên vì thời gian sẽ gạn lọc những cái xấu để chỉ tồn tại những gì tốt lành. Sự xung đột ý kiến là điều phải có mà đã có từ ngàn đời nay. Câu tục ngữ “Ông nói gà, bà nói vịt” cho thấy từ ngàn xưa ông bà mình cũng đã cãi nhau ghê lắm rồi. Tuy nhiên dù thế nào đi nữa thì: Mọi người đều bình đẳng. Mọi người đều đáng quý. Mọi ý kiến đều được lắng nghe.
Xin chúc quý bạn và bửu quyến trú dạ, lục thời An Lành để sống yên vui trong một thời đại quá nhiều căng thẳng (stress), quá nhiều thúc ép (pressure), quá nhiều bạo lực (violence), quá nhiều buồn chán (depressed) và quá nhiều thuốc an thần.
Đào Văn Bình
(Tháng 8, 2010)