Ông Trần Huỳnh Duy Thức, bị kết án trong vụ “lật đổ chính quyền nhân dân”, đang thụ án 16 năm tù giam- một bản án khắc nghiệt nhất từ trước tới nay dành cho các nhà hoạt động dân chủ.
Chúng ta thường nghe nói pháp quyền là quyền thượng tôn pháp luật – Pháp luật đứng trên hết mọi đối tượng – và áp dụng cho mọi người như nhau. Cách hiểu này còn được gọi là pháp trị (rule by law) tức cai trị bằng pháp luật. Tuy nhiên điều gì sẽ xảy ra khi Pháp luật lại bảo vệ một đối tượng nào đó trên hết, chẳng hạn một tư tưởng chủ nghĩa, một chế độ chính trị, một đảng phái trị nào đó, hay thậm chí là một con người nào đó? Câu trả lời đã quá rõ ràng: điều đó sẽ dẫn đến sự chuyên chế (hay chuyên chính theo cách nói của những người Cộng sản) mà ở đó Pháp luật được sử dụng làm công cụ cai trị của giới cầm quyền để duy trì quyền lực và quyền lợi cho mình. Đây chính là tính chất chính trị căn bản và đã trở thành bản chất của các chế độ phong kiến hay còn gọi là quân chủ chuyên chế mà đối tượng bảo vệ trên hết của nó là vua. Xâm phạm vua là tội đại nghịch, là tội đứng đầu trong luật hình sự và có mức hình phạt khủng khiếp nhất. Tương tự như vậy, ở các chế độ đảng trị thì bảo vệ đảng cũng là trên hết.
Các chế độ độc tài chuyên chế đang tồn tại ngày nay cũng với một bản chất như vậy, chỉ có khác về hình thức, chẳng hạn như vua bây giờ có thể là một (dù với một danh xưng khác), có thể là nhiều ví dụ như một nhóm chóp bu của một đảng hoặc là một chế độ chính trị gắn với một tư tưởng chủ nghĩa nào đó. Việc xâm phạm đến các chế độ và chủ nghĩa đó luôn bị quy là tội nặng nhất đứng đầu trong các tội hình sự. Ở Việt Nam các tội gọi là xâm phạm an ninh quốc gia được dành hẳn một chương đầu tiên của phần tội phạm của bộ luật hình sự, hầu hết có khung hình phạt cao nhất có án tử hình, như điều 79 – lật đổ chính quyền nhân dân, điều 88 – tuyên truyền chống phá nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bằng cách như vậy và theo tinh thần pháp trị – thượng tôn pháp luật, giới cầm quyền ở các chế độ như thế luôn dễ dàng đứng trên pháp luật, dùng pháp luật để bảo vệ đặc quyền riêng cho mình trên danh nghĩa bảo vệ an ninh quốc gia. Sự thượng tôn pháp luật kết cục là để bảo vệ tối thượng cho một nhóm đối tượng nhỏ hẹp nào đó dưới rất nhiều các danh nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Thực ra chế độ phong kiến chưa hoàn toàn chấm dứt, chỉ có cái tên của nó là không còn hợp thời nữa nên phải dùng đến những cái tên hình thức khác nhau để che đậy bản chất không thay đổi của nó.
Như vậy, sự thượng tôn pháp luật là không đủ để đảm bảo cho một chế độ dân chủ. Đây chỉ là ý nghĩa thứ cấp của pháp quyền (rule of law). Ý nghĩa sơ cấp của pháp quyền là sự bảo vệ các quyền của con người bằng pháp luật (hiến pháp và luật), kết hợp với ý nghĩa thứ cấp như trên sẽ dẫn đến kết quả là quyền con người sẽ được bảo vệ ở vị trí cao nhất của pháp luật. Và do đó Nhà nước Pháp quyền (The rule of law) là một nhà nước mà bất chấp hình thức của nó là gì đi nữa thì pháp luật của nó phải bảo vệ các quyền của con người trên hết mọi đối tượng khác một cách bình đẳng cho bất kỳ công dân nào của nó mà không được có bất kỳ sự phân biệt nào về các thuộc tính sinh học, địa vị xã hội lẫn quan điểm chính trị của họ, cho dù đó là những cái thuộc về thiểu số rất nhỏ. Nói cách khác, nhà nước pháp quyền là một sự ủy trị để đại diện cho từng công dân một để bảo vệ quyền con người của anh ta một cách bình đẳng với tất cả mọi công dân khác mà không có bất kỳ đối tượng nào khác được đặt lên trên các quyền đó của anh ta. Sự bảo vệ ở đây phải bao gồm sự đảm bảo để anh ta sử dụng được đầy đủ các quyền con người của mình, ngăn ngừa người khác xâm phạm các quyền này của anh ta và ngăn ngừa anh ta xâm phạm các quyền này của người khác. Cho dù anh ta có bỏ phiếu cho nhà nước đó hay không thì nó vẫn phải bảo vệ cho anh ta như vậy, ngay cả lúc anh ta bị phạm pháp đi nữa.
QUYỀN CON NGƯỜI TỐI THƯỢNG
Một nhà nước làm được như vậy thì tất yếu nó là một nhà nước dân chủ mà không cần phải gắn thêm thuộc tính “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân ” làm chi trừ khi chỉ sử dụng nó như là một khẩu hiệu. Dân chủ là một tính chất của xã hội được hình thành nên từ sự vận động trong thực tế cuộc sống của con người chứ không phải là một hình thức xã hội, một phương thức cai trị hoặc một mô hình chính trị. Do vậy chúng ta hay thấy rằng có rất nhiều nước mang những cái tên dân chủ hay nhân dân thường lại là những nước phản dân chủ nhất, áp đặt nhân dân chuyên chế nhất. Một xã hội sẽ có tính chất dân chủ chỉ khi nào người dân ở đó thực sự làm chủ chính mình – tức có thể sử dụng đầy đủ quyền con người của mình mà không cần xin phép ai và cũng không ai có quyền cho phép họ. Muốn làm được như vậy thì phải tuân thủ các nguyên tắc “Quyền con người trong nhà nước pháp quyền” như nêu trên. Nguyên tắc này chính là một quy luật tự nhiên khách quan mà loài người đã trải qua cả ngàn năm đúc kết thực chứng để hiểu rõ. Và nhờ tuân theo quy luật này mà rất nhiều dân tộc đã xây dựng được một xã hội dân chủ cho họ dưới rất nhiều các hình thức nhà nước khác nhau như Quân chủ lập hiến, Cộng hòa đại nghị, Cộng hòa tổng thống … cho dù nguyên thủ quốc gia là vua hay thủ tướng hay tổng thống thì vẫn phải ở dưới quyền con người được bảo vệ trên hết và bình đẳng ở các quốc gia đó.
Do vậy việc xây dựng dân chủ bằng các mô hình đều dẫn đến sai lầm vì dân chủ là tính chất được hình thành từ dưới lên theo quy luật khách quan nói trên chứ không thể bằng sự áp đặt từ trên xuống theo mô hình chủ quan. Nói cách khác, bản chất của dân chủ – tức thành tố căn cơ tạo nên dân chủ – là quyền con người phải được bảo vệ trên hết và bình đẳng để tất cả người dân có thể tự tin sử dụng chúng trọn vẹn. Bảo đảm được thành tố này – tức tôn trọng quy luật Quyền con người trong Nhà nước pháp quyền – thì chắc chắn sẽ tạo ra một nền dân chủ. Nền dân chủ đó có thể có những hình thái, mô hình khác nhau tùy thuộc vào ý muốn của đa số nhân dân. Chẳn hạn như, vì đa số người dân Anh thích có vua/nữ hoàng nên họ bỏ phiếu để duy trì hình thái quân chủ lập hiến để trao quyền tối cao của họ cho người này nhằm kiểm soát các đảng phái chính trị làm theo ý chí của họ và chống sự độc tài, và họ không cho phép người này được tham gia các hoạt động cầm quyền, điều hành đất nước để người đó không thể lạm quyền. Khi nào họ thấy mô hình này không phù hợp nữa thì họ sẽ bỏ phiếu thay đổi nó vì quyền của họ luôn đứng trên hết, trên cả mô hình đó. Ý muốn của nhân dân là mệnh lệnh bắt buộc.
QUY LUẬT ĐỂ PHÁT TRIỂN
Ý muốn đó có thể khác nhau bởi các thuộc tính sinh học, địa vị xã hội và quan điểm chính trị của những người khác nhau. Nhưng tất cả họ đều có một cái giống nhau và bình đẳng tuyệt đối là quyền con người của họ không hề khác nhau. Những ai có nổ lực vượt bậc thì sẽ đề ra được những mô hình, phương thức tốt nhất, phù hợp nhất với những hoàn cảnh, tình hình khác nhau thì sẽ thuyết phục được đa số ủng hộ để bỏ phiếu trao quyền cho họ áp dụng mô hình, phương thức đó cho đất nước. Do vậy những cái này liên tục thay đổi theo thời gian và bị tác động bởi bối cảnh lịch sử trong lúc sự bảo vệ quyền con người trên hết và bình đẳng là không được thay đổi để làm một nền tảng vững chắc – tức nền dân chủ – tạo sự ổn định cho những sự thay đổi liên tục nói trên. Vi phạm sự bảo vệ này là phản dân chủ, là không tuân theo quy luật khách quan nên không bao giờ có được sự phát triển bền vững, tạo ra những điều tốt đẹp. Sự phát triển cũng phải tuân theo quy luật phát triển tự nhiên thì mới luôn đạt được trạng thái cân bằng nên không bị đổ vỡ.
Nguyên tắc quyền con người trong nhà nước pháp quyền cũng chính là quy luật phát triển tự nhiên như thế. Hình vẽ dưới đây mô tả điều này:
Người Trung Hoa cổ có câu ”dĩ bất biến ứng vạn biến” rất hay. Phải dựa vào những cái không thay đổi để ứng phó với những cái liên tục thay đổi, nếu không thì mọi sự phát triển sẽ không có nền, mất gốc và do vậy sẽ sụp đổ. Mà đối với con người thì chỉ có quy luật của vũ trụ (tức vũ trụ quan) mới là bất biến không thể bị thay đổi theo ý muốn của con người được. Còn những quy tắc của con người (tức nhân sinh quan) thì luôn có thể thay đổi bởi chính họ hoặc người khác. Lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng khi loài người phát hiện và hiểu được các quy luật khách quan của vũ trụ thì xã hội của họ sẽ phát triển vượt bậc. Điển hình là Newton phát hiện luật Vạn vật hấp dẫn, Adam Smith phát hiện quy luật Bàn tay vô hình (tức kinh thế thị trường ngày nay), Albert Einsteins phát hiện thuyết Tương đối . Những phát hiện này đã khai sáng cho nhân loại hiểu rõ những quy luật của vũ trụ đã tồn tại từ thuở khai thiên lập địa. Từ đó thế giới đã phát triển nhanh chóng cho đến ngày nay, tạo ra một sự thịnh vượng và văn minh vĩ đại.
Nhưng sự phát triển của thế giới vật chất như trên sẽ không thể bền vững, tốt đẹp nếu không dựa trên những quy luật về tinh thần tự nhiên của con người. Sự không tốt đẹp của nó – đúng hơn là tồi tệ – mà loài người đã phải chịu đựng chính là những nạn nô lệ chà đạp con người, những cuộc chiến để giành giật của cải và hơn thua về ý thức hệ hủy diệt con người trải cả hàng nghìn năm lịch sử, hoặc dùng quyền lực và lợi ích vật chất để khống chế tư tưởng con người mới nổi lên gần đây ở các chế độ đảng trị. Thế giới chúng ta sẽ không thể phát triển tốt đẹp và hòa bình nếu căn nguyên của các thảm họa trên không được nhìn nhận đúng để trừ khử nó.
QUY LUẬT ĐỂ CÔNG BẰNG
Các thảm họa như trên đều xuất phát từ một nguồn gốc là quyền lực tuyệt đối của quốc gia bị rơi vào tay của một người hoặc một nhóm người cầm quyền – chính là tình trạng chuyên chế, hay nói cách khác chính là sự bất công trầm trọng – nên họ dễ dàng gây ra những thảm họa đó vì lòng tham cá nhân. Do vậy nếu chúng ta làm cho thế giới công bằng thì nhân loại sẽ tránh được những thảm họa tương tự. Có một thời, vào lúc mà chủ nghĩa Cộng sản đang thịnh hành, người ta đã tin rằng có thể đạt được sự công bằng bằng cách áp đặt tư tưởng giống nhau tuyệt đối cho con người và cào bằng nhu cầu vật chất của họ. Nhưng học thuyết đó đã thất bại ê chề, đơn giản vì nó không hợp với quy luật tự nhiên của con người – tư tưởng và nhu cầu của con người không bao giờ có thể đồng nhất như nhau được. Và chính sự đa dạng của những cái này làm cho xã hội loài người phát triển. Cưỡng bức để đồng nhất những cái đó đã làm cho sắc màu của cuộc sống xám xịt và xã hội lạc hậu đến mức nào thì chúng ta cũng đều đã chứng kiến.
Nhưng nếu có một quy luật về tinh thần giúp đạt được công bằng thì phải tồn tại một thành tố nào đó mà tính chất của nó đối với tất cả mọi người phải tuyệt đối giống nhau bất chấp sự khác biệt về thuộc tính của họ như màu da, sắc tộc, xuất thân, địa vị, tư tưởng, v.v… Tương tự như thành tố thời gian vậy: ai cũng có được 24 giờ một ngày như nhau tuyệt đối bất kể họ sống ở đâu. Cho dù không quá phức tạp nhưng phải mất mấy ngàn năm và phải sau khi đã trải qua thảm họa của Thế chiến II thì nhân loại mới có thể thừa nhận rộng rãi rằng: Quyền con người là tuyệt đối như nhau cho bất kì ai là con người đang sống bất kỳ đâu trên hành tinh này. Đây chính là nguyên tắc phổ quát của Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người mà Liên hợp quốc đã long trọng tuyên bố vào năm 1948. Nguyên tắc phổ quát đó cũng chính là quy luật của vũ trụ mà người ta không thể thay đổi được. Rõ ràng là như vậy vì không ai có thể làm cho người khác tự nhiên không muốn mình có quyền được sống, được tự do, được an toàn cá nhân để hạnh phúc. Dùng quyền lực có thể áp đặt, tước đoạt các quyền đó của con người nhưng không thể làm cho họ thôi khát khao có chúng.
Như vậy Quyền con người chính là thành tố có tính chất bất biến và tuyệt đối bình đẳng đối với mọi người. Và nếu đảm bảo tôn trọng thành tố này thì chúng ta sẽ có được sự bình đẳng tuyệt đối cho từng người có được tất cả quyền con người hoàn toàn giống nhau như ai cũng có 24 giờ/ngày vậy. Không ai có thể cho ai hoặc lấy đi của ai các quyền và thời giờ của họ cả. Đến khi đó ai nỗ lực tốt, biết tận dụng tốt hơn các quyền con người và thời giờ của mình thì sẽ có quyền sở hữu nhiều thành quả hơn nên sẽ vượt trội hơn. Đây chính là sự bình đẳng cơ bản mà nó không chỉ tạo ra động lực lành mạnh thúc đẩy con người nỗ lực vươn lên mà còn là một cái nền không thể thiếu để kinh tế thị trường vận hành một cách đúng đắn: muốn vươn lên phải cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu của người khác thay vì giành giật và chà đạp. Và khi đó xã hội loài người sẽ phát triển nhanh chóng vì nhu cầu vật chất lẫn tinh thần của họ liên tục được đáp ứng một cách tốt nhất. Quy luật bàn tay vô hình sẽ tự nhiên điều tiết nhu cầu và việc đáp ứng nhu cầu để đạt được một trạng thái cân bằng tối ưu. Tuy nhiên bàn tay vô hình không tự điều tiết được ở một số lĩnh vực và tình huống, chẳng hạn: đơn giản thì có bảo đảm an toàn thực phẩm phức tạp hơn là bảo vệ môi trường, hơn nữa là thuế và các chính sách vĩ mô khác như an sinh, lợi ích cộng đồng, … cho nên phải cần bàn tay hữu hình – chính là vai trò điều tiết của nhà nước. Mà khi sự bình đẳng tuyệt đối được đảm bảo thì nhà nước lúc đó chính là nhà nước pháp quyền để bảo vệ quyền cho mỗi người. Nhờ vậy nó sẽ điều tiết các vấn đề trên đạt đến trạng thái cân bằng quyền lợi cho mọi người theo quan điểm của đa số. Trạng thái đó là sự bình đẳng phổ biến mà sẽ thường xuyên biến đổi theo ý muốn thay đổi của con người, kéo xã hội phát triển lên theo đà tiến bộ về văn hóa của con người, làm cho con người ngày càng thịnh vượng hơn, văn minh hơn.
THỊNH VƯỢNG HOẶC BẤT ỔN
Trên là cách để chúng ta xây dựng một xã hội ngày càng công bằng hơn nhờ vậy mà thịnh vượng và văn minh hơn. Giá trị của cách này là ở chổ nó tạo ra một sự cân bằng thực chất giữa mọi người để họ thực sự chấp nhận trạng thái bình đẳng phổ biến vì họ đã có đủ quyền tự do để tranh đấu hoặc lựa chọn cho điều họ mong muốn. Chứ không phải giá trị của nó nằm ở chổ đúng sai của các quan điểm chuẩn tắc được lựa chọn. Ở đây không có đúng hoặc sai, chỉ có quan điểm nào thuyết phục được càng nhiều người thì càng phù hợp cho bối cảnh từng giai đoạn. Không bao giờ có chân lý tuyệt đối ở các quan điểm này. Mọi sự áp đặt quan điểm công bằng không những đã chứa đựng mầm mống bất công mà còn tạo ra sự bất mãn mà ngay cả có dùng quyền lực để ép buộc đi nữa thì cũng chỉ gây ra sự đè nén chứ không phải cân bằng, sự chịu đựng chứ không phải chấp nhận. Do vậy nó luôn tạo ra sự bất ổn triền miên rồi dẫn đến sụp đổ khi sự đè nén và chịu đựng đã tới hạn.
Tình trạng bất ổn lâu nay ở đất nước ta có nguồn gốc như thế nên nếu chúng ta không nhìn nhận và giải quyết vấn đề từ gốc thì mọi nỗ lực ổn định vĩ mô đều sẽ thất bại, gây thêm tai họa. Nhưng nếu nhìn nhận đúng thì chúng ta không những nhanh chóng ổn định mà còn sẽ tạo nên những thành tựu vượt bậc. Sự nhìn nhận đó sẽ giúp chúng ta tránh được một sự sụp đổ mà hậu quả của nó sẽ tàn phá chúng ta khủng khiếp trong nhiều năm. Sự nhìn đó sẽ giúp chúng ta có được một nền tảng chính trị vững chắc để xây trên đó những thượng tầng kinh tế, xã hội, văn hóa liên tục cao hơn mà vẫn ổn định, và có đầy đủ mọi quyền con người của mình như bao dân tộc tiến bộ ở các quốc gia phát triển để ngày càng thịnh vượng và văn minh. Nhờ vậy mà chúng ta hạnh phúc.
Sự nhìn nhận đó lại rất đơn giản. Chỉ cần chúng ta tự tin sử dụng hết tất cả các quyền mặc nhiên của mình theo Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người và đã được hiến định đầy đủ thành các quyền công dân của nhân dân Việt nam tại Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam. Đó là những quyền con người của chúng ta trong nhà nước pháp quyền của chúng ta. Sự TỰ TIN đó chắc chắn và nhanh chóng sẽ tạo nên một nền DÂN CHỦ thực chất cho chúng ta mà ở đó quyền con người thiêng liêng luôn ngự trị tối thượng để bất kỳ ai cũng có được sự bình đẳng tuyệt đối về quyền của mình so với người khác. Nhờ nền dân chủ đó mà chúng ta sẽ có được sự CÔNG BẰNG để xác lập các trạng thái bình đẳng phổ biến làm cân bằng – tức hài hòa ý muốn của chúng ta. Nhờ vậy mà nhu cầu vật chất lẫn tinh thần của mọi người luôn được đáp ứng tốt nhất, làm chúng ta giàu có và văn hóa. Chỉ khi đó Việt Nam ta mới THỊNH VƯỢNG và VĂN MINH được.
Và cũng chỉ có như vậy thì quyền lực tuyệt đối của các quốc gia trên thế giới mới không nằm trong tay của một nhóm nhỏ cầm quyền, giúp họ dùng nó để gây ra những thảm họa vật chất lẫn tinh thần cho nhân loại. Đó là cách chúng ta thúc đẩy hòa bình cho trái đất.
Khi chúng ta tự tin sử dụng các quyền bất khả xâm phạm của mình thì sẽ buộc những người cầm quyền ở bất cứ thời kỳ nào cũng tôn trọng nguyên tắc Quyền con người trong nhà nước pháp quyền, cũng tức là tuân thủ quy luật phát triển khách quan. Đất nước ta đang đối mặt với quá nhiều vấn đề, nhưng chỉ cần chúng ta tự tin như vậy thì tất yếu chúng sẽ được giải quyết tốt đẹp theo quy luật đó.
Vì vậy mục tiêu tối thượng của Phong trào con đường Việt nam là: “Quyền con người phải được bảo vệ trên hết và bình đẳng tại Việt Nam“.
Trần Huỳnh Duy Thức