Dư luận bên ngoài đặc biệt chú ý đến vụ khủng hoảng của tập đoàn đóng tầu Vinashin khi bộ Công An vừa khởi tố và tống giam thêm bốn cán bộ cao cấp sau khi đã bắt giữ Chủ tịch Hội đồng Quản trị của tập đoàn này vào tháng trước.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần thứ 21 tại Hà Nội hôm 24/5/2010. Cuộc họp hai ngày tập trung nhân lực cho phục hồi và phát triển kinh tế
Dư luận chú ý vì nội dung của vụ khủng hoảng thì ít mà vì quan tâm nhiều hơn đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Diễn đàn Kinh tế sẽ cùng tìm hiểu về những rủi ro trong môi trường đó qua phần trao đổi sau đây cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện hầu quý thính giả.
Cái khó ló cái khôn
Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Sau nhiều năm âm ỉ, vụ khủng hoảng của tập đoàn Vinashin đã bùng nổ với việc cách chức rồi bắt giữ nhiều viên chức cao cấp của tập đoàn. Cho đến nay, người ta chưa thấy hết sự thật ở bên trong một tập đoàn từng được coi là “quả đấm thép” của nền kinh tế nhà nước tại Việt Nam.
Tuy nhiên ở Việt Nam trước đây thường hay cổ võ quần chúng là “cái khó ló cái khôn”, trong khi thực tế cho thấy là giữa những rủi ro có thể tiềm ẩn nhiều cơ hội. Ông theo dõi vụ này, trước hết xin hỏi theo ông Việt Nam nên “ló cái khôn” như thế nào, tức là giải quyết hồ sơ Vinashin ra sao để trấn an giới đầu tư và thị trường nói chung, hầu có thể bắt lấy những cơ hội đó?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa ông, vụ khủng hoảng Vinashin là cơ hội thuận lợi để Việt Nam thể hiện quyết tâm cải cách, từ chiến lược phát triển tới chính sách quản lý kinh tế khi dư luận thế giới đang thất vọng về thị trường Trung Quốc và nhìn vào các quốc gia Đông Nam Á như nơi có triển vọng kinh doanh cao hơn và an toàn hơn. Đó là trên đại thể. Riêng về câu hỏi của ông, là Việt Nam nên giải quyết hồ sơ Vinashin như thế nào thì thật khó có câu trả lời thoả đáng, vì Việt Nam ở đây là ai, là những ai liên hệ đến một chuyện tầy trời như vậy?
Một số dư luận bên trong thì cho rằng đây là mặt nổi của đấu đá chính trị nội bộ để tranh giành quyền lực và quyền lợi trước khi đảng Cộng sản Việt Nam triệu tập Đại hội đảng vào năm tới. Nó cũng tương tự như vụ PMU 18 trước Đại hội đảng Khoá 10 lần trước. Tôi xin không đi vào lối suy luận theo hướng đó mà chỉ trộm nghĩ rằng nếu đúng như vậy thì Việt Nam quả là còn lạc hậu về chính trị khi việc quản lý sai trái làm thất thoát công quỹ tới bạc tỷ, tính bằng đô la, lại có thể xảy ra.
Rồi một vụ tham ô tầy trời như vậy chỉ được phanh phui một phần khi đảng chuẩn bị thay đổi nhân sự lãnh đạo. Sinh hoạt chính trị tại Việt Nam thiếu sự trong sáng minh bạch nên cấp lãnh đạo không chịu trách nhiệm trước quốc dân về từng quyết định tai hại của mình.
Việt Long: Trong giả thuyết lạc quan là Việt Nam cần chứng tỏ quyết tâm hay thiện chí cải cách như ông vừa nói thì người ta nên giải quyết vụ Vinashin như thế nào?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ là trong vụ này, nhiều cấp cao thấp khác nhau cần phải công khai hóa các quyết định của mình.
Thứ nhất, ở cấp chuyên môn về kinh doanh và giám sát thì những ai đã lấy quyết định đầu tư và thanh tra kiểm soát việc đầu tư tài sản của quốc dân? Trong việc đầu tư ấy, ai đã lấy quyết định sai lầm, khi nào, vì sao và phải chịu trách nhiệm như thế nào để trường hợp như vậy khỏi tái diễn? Câu hỏi ấy dẫn ta đến yêu cầu cải tổ toàn bộ cơ chế quản lý và giám sát của nhiều cấp bộ khác nhau, từ Bộ Chính trị xuống Văn phòng Thủ tướng, các cơ quan giám hộ và thanh tra.
Thứ hai, nếu trong quyết định kinh doanh không chỉ có sai lầm về chuyên môn – là điều có thể xảy ra cho mọi doanh nghiệp – mà còn có sự gian lận hay toa rập để trục lợi thì vấn đề hình sự phải đặt ra. Việc truy tố và xét xử phải được tiến hành khách quan và minh bạch về pháp lý, chứ không thể do chính những người đã can dự vào các quyết định đầu tư này chi phối. Cho đến nay, ta chưa thấy thể hiện điều tối thiểu đó nên không tin vào quyết tâm cải cách của Việt Nam.
Thứ ba, quan trọng hơn cả, vụ Vinashin cho thấy sự phá sản của mô hình xây dựng kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Định hướng này dẫn tới chiến lược phát triển các thành phần kinh tế nhà nước làm lực lượng chủ đạo mà thực chất chỉ là tập trung quyền lực và quyền lợi vào một thiểu số có khả năng lũng đoạn rất cao mà vẫn được đảng và nhà nước bao che và bảo vệ cho tới khi bùng nổ thành khủng hoảng làm công quỹ bị hao hụt nặng.
Nói chung thì ngoài yếu tố chuyên môn và pháp lý, vấn đề then chốt vẫn là chính trị. Đó là sự chọn lựa mô thức xây dựng các tập đoàn quốc doanh vĩ đại rồi giao việc quản lý cho người thiếu khả năng mà thừa quyền lực và lòng tham mà chẳng có ai giám định hay giám sát.
Việt Long: Trước khi đi qua phần phân tích những rủi ro kinh doanh tại Việt Nam, ông kết luận thế nào về vụ Vinashin?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Nói cho nôm na thì đây là một vụ ăn cướp có hệ thống, lại được nhà nước bao che từ quá lâu vì vụ khủng hoảng manh nha từ hai năm nay rồi mà vẫn cứ bị khỏa lấp. Nếu nhân vụ này mà bày tỏ quyết tâm cải cách thì trước hết, Việt Nam phải tiếp tục việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước như đã hứa hẹn với các nước viện trợ, và nghiên cứu việc chấn chỉnh để thu hồi Quyết định số 103/2006/QĐ-TTg và dần dần giải thể 17 Tổng công ty mang danh hiệu Tập đoàn này. Mô hình các “chaebols” Hàn Quốc đã phá sản từ năm 1997 mà 10 năm sau Việt Nam lại áp dụng thì không thể là một thị trường kinh doanh an toàn và có lợi. Mà gọi đó là “định hướng xã hội chủ nghĩa” thì đấy là một điều mỉa mai vì nó chỉ định chế hóa sự bất công.
Phân tích những rủi ro tại VN
Việt Long: Bây giờ, ta bước qua phần phân tích rủi ro tại Việt Nam. Thưa ông, từ nhiều tháng nay, giới đầu tư quốc tế đang xét duyệt lại chiến lược đầu tư của họ vì thấy môi trường đầu tư tại Trung Quốc không còn hấp dẫn, và họ nhìn vào thị trường gần 600 triệu dân của Đông Nam Á với nhiều thiện cảm hơn. Khu vực đầy hứa hẹn này có thị trường gần 90 triệu dân của Việt Nam với nhiều triển vọng mà cũng có lắm rủi ro khi so sánh với các thị trường khác. Dưới con mắt của giới đầu tư thì những rủi ro tại Việt Nam là gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Về thực tế thì kinh doanh là kiếm lời trong rủi ro. Mà rủi ro ấy hiện hữu ở mọi loại thị trường của mọi quốc gia, dù là tiên tiến như Âu Mỹ thì cũng làm nhiều doanh nghiệp vỡ nợ. Tuy nhiên, tại vài quốc gia vừa chuyển ra kinh tế thị trường mà chưa có chế độ chính trị tự do và minh bạch – như trường hợp Trung Quốc và Việt Nam – thì người ta gặp loại rủi ro bất lường, không tính trước được.
Trước hết là rủi ro về chính trị. Một số nhà đầu tư Đông Á, và cả Âu Mỹ dù ít hơn, vẫn nghĩ lầm rằng tại một xứ độc tài thì “quan hệ” với viên chức nhà nước là bí quyết thành công. Lý luận này có nghĩa là nếu mua chuộc được một đảng viên cán bộ cao cấp thì dự án đầu tư sẽ tiến hành tốt đẹp, từ việc xin giấy phép hay liên doanh với doanh nghiệp nhà nước hoặc lập nhà máy, tuyển nhân công, v.v… Thực tế chính trị lại không đơn giản như vậy.
Về thời gian thì thế lực có thể giúp nhà đầu tư đi ngang về tắt như vậy lại không bền vì mỗi lần thay đổi nhân lực lại là một lần rủi ro. Có khi quan hệ chính trị xây dựng được lại là gánh nặng và nhà đầu tư bị trừng phạt mà không biết tại sao vì luật lệ thiếu phân minh rõ ràng mà công an lại có lắm quyền. Nhiều nhà đầu tư cò con thuộc diện gọi là “Việt kiều” đã bị tai hoạ ấy. Về không gian cũng thế, vì thực tế bên dưới vẫn là “rừng nào cọp nấy”, mỗi chặng mỗi nơi lại đòi châm thêm tiền để làm trơn tru quan hệ chính trị ấy. Và về luật pháp thì các quốc gia Âu-Mỹ có luật lệ truy tố các trường hợp mua chuộc viên chức xứ khác để giật hợp đồng. Các nhà đầu tư quốc tế thấy rằng rủi ro chính trị đó gây ra quá nhiều phí tổn bất lường. Họ gọi chung tệ nạn ấy với mỹ từ là “môi trường đầu tư thiếu minh bạch và sân chơi không bình đẳng”.
Rủi ro thứ hai thuộc về diện văn hóa. Từ quan hệ chính trị tới việc đề cử và mua chuộc thân tộc làm tay chân, hoặc ký hợp đồng gia công, hợp đồng cung cấp nguyên vật liệu, v.v… ta vẫn có một số thói quen của văn hoá Á Châu là “một người làm quan cả họ được nhờ”, hoặc chỉ tin vào họ hàng thân quyến. Thực tế thì thói quen ấy dẫn tới một điều mà dân Á Châu có thể chưa hiểu. Đó là “mâu thuẫn về quyền lợi”, một khái niệm pháp lý rất mới lạ của các xã hội tiên tiến. Mâu thuẫn ấy dẫn tới nhiều quyết định nằm bên ngoài kinh doanh, thí dụ như việc thanh toán thù lao hay hoa hồng, và gây ra rủi ro bất ngờ vì tưởng rằng đã đóng chốt an toàn khi có thân quyến của một đảng viên cao cấp trong sổ lương của mình, mà cũng chẳng biết gì về khả năng của họ!
Việt Long: Ông nói tới rủi ro văn hoá vì chuyện quan hệ thân tộc. Ngoài ra lĩnh vực đó thì yếu tố văn hóa có thể giải thích những rủi ro khác nữa không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa là tất nhiên là có. Tôi xin lấy một thí dụ phổ biến là vụ sở hữu tác quyền, hay nạn ăn cắp tác quyền. Quan niệm “ăn của địch để đánh địch” thời chiến tranh đã đổi mới thành chuyện ăn cắp của địch để làm giàu cho ta, như một thứ chính nghĩa quái lạ, thậm chí một lẽ công bằng cho các nước đi sau. Từ nếp văn hoá đó mà suy rộng ra, ta có nạn ăn cắp bí mật kinh doanh, cũng lại rất chính đáng nếu lại là điều tra hay điều nghiên cho chi bộ đảng trong doanh nghiệp của nước ngoài vào làm ăn tại Việt Nam! Cũng vì tâm lý đó mà doanh nghiệp đầu tư có khi lại bị làm khó, thậm chí truy tố, nếu muốn nghiên cứu thị trường. Hệ thống chính trị chưa cải cách nếp suy tư này mà lại còn kiểm soát thông tin và báo chí thì càng gây thêm rủi ro.
Bước thứ ba là rủi ro về pháp lý. Môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn sự mập mờ trong định nghĩa đúng và sai, hợp pháp và phi pháp, được suy diễn khá tùy tiện. Vì vậy mà một chuyện bê bối vĩ đại như Vinashin vẫn xảy ra, trong khi một nghiệp vụ sa thải hay thanh toán nợ nần lại có thể bị chuyển qua hình sự mà cơ chế trọng tài lại không có thẩm quyền hòa giải. Trong một cơ sở liên doanh với doanh nghiệp nhà nước chẳng hạn, nhà đầu tư không được bảo vệ và thực tế vẫn bị quyền phủ quyết của đối tác Việt Nam, nhờ luật lệ suy diễn theo kiểu Việt Nam. Tranh chấp về lao động cũng vậy.
Việt Long: Ông mới chỉ liệt kê ra ba lĩnh vực là chính trị, văn hoá và luật lệ thì đã thấy quá nhiều trở ngại cho việc đón nhận đầu tư nước ngoài. Như vậy, vì sao mà nguồn đầu tư này vẫn đang đổ vào Việt Nam?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Chúng ta nhìn vào trục thời gian thì thấy có gia tăng so với trước đây, chứ nhìn vào không gian tức là so sánh với các xứ khác thì thật ra chưa đáng kể và còn có thể gia tăng nhiều hơn nữa, nhất là khi thiên hạ nhìn ra những bất trắc của thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, ta không thể quên những rủi ro thông thường đã được nói tới quá nhiều.
Thứ nhất là rủi ro về thay đổi chính sách vì những quyết định chính trị của đảng và nhà nước. Đầu tư là một tiến trình dài hạn được chuẩn bị cho nhiều năm sau này nên thay đổi về chiến lược và chính sách có thể gây ra nhiều vấn đề bất ngờ, nay là đúng mai là sai.
Thứ hai là các rủi ro về kinh tế vĩ mô, như rủi ro tín dụng vì lạm phát gia tăng, rủi ro ngoại hối vì đồng tiền mất giá và nhà nước đi vay quá nhiều, rủi ro ngân sách vì nhà nước bị bội chi và thay đổi luật lệ thuế khóa.
Thứ ba là rủi ro về môi sinh vì hạ tầng cơ sở lạc hậu không thể ứng phó với thiên tai, lũ lụt hay đơn giản là điện bị cúp, nước ngọt không có. Sau cùng, quan trọng nhất trong lâu dài là rủi ro về nhân dụng: Việt Nam thiếu nhân công có tay nghề và lợi thế nhân công rẻ chưa chắc đã bù đắp được năng suất quá thấp nếu so sánh với nhiều nước Đông Nam Á khác.
Để kết luận thì nhân vụ Vinashin và sự quan tâm của giới đầu tư, Việt Nam nên nói thật nói thẳng về những điều khuất tất bên trong và thông báo loại quyết định có tính cách chiến lược về ý chí cải cách cơ chế chính trị và quản lý và về quyết tâm cải tổ cơ cấu vĩ mô bằng những biện pháp cụ thể. Nếu không thì vẫn khó cạnh tranh được với các nước láng giềng để bắt kịp đà phát triển của họ.