Chiều Chủ Nhật ngày 18 tháng Tư, năm 2010 một buổi ra mắt tác phẩm “Từ Bauxite đến Uranium” của Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết, Tiến sĩ Phạm Văn Song và học giả Trần Minh Xuân đã được tổ chức tại Houston với sự hiện diện của nhiều quan khách. Buối ra mắt sách cũng là một buổi hội luận về ảnh hưởng của dự án Bauxite vào chính trị, văn hóa và an ninh của Việt Nam.
Tiến sĩ Mai Thanh Truyết đại diện cho 3 tác gỉả, đã có mặt trong buổi ra mắt sách. Người điều hợp chương trình là ông Nguyễn Tran Quý, giới thiệu tác giả Mai Thanh Truyết là một chuyên gia tốt nghiệp tại Pháp, đang làm việc tại California, có nhiều kinh nghiệm về địa chất và môi sinh cũng như có nhiều tác phẩm nghiên cứu đã được xuất bản.
“Từ khi đến Mỹ đến nay ông Mai Thanh Truyết đã giữ nhiều chức vụ trong guồng máy của chính quyền Hoa Kỳ. Ông là chủ tịch của hội đồng quản trị Hội Khoa Học Việt Nam. Tiến sĩ Mai Thanh Truyết đã bỏ rất nhiều thì giờ để nghiên cứu và viết rất nhiều những bài khảo cứu giá trị…”
Tác giả Mai Thanh Truyết cho biết nhóm ông đã bắt đầu công cuộc nghiên cứu về dự án Bauxite tại ViệtNam khi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành nghị quyết 197, cho phép Trung Quốc khai thác Bauxite tại cao nguyên Trung Phần. Ông và các vị đồng tác giả trình bày kết quả của cuộc nghiên cứu trong tác phẩm “Từ Bauxite đến Uranium”, nêu lên những nghịch lý về kinh tế, xã hội, môi sinh và kỹ thuật của dự án Bauxite Viet Nam và đi đến kết luận là việc khai thác Bauxite chỉ là một dàn cảnh để che dấu sự xâm lăng ngầm của Trung Quốc vì họ nhằm vào các mỏ quặng Uranium tại vùng này và họ đang có dụng ý xâm lấn từng phần vùng cao nguyên Trung Phần Việt Nam mà mọi người cần cảnh giác.
“Nhân từ nghị quyết 197 của Thủ tướng Cộng sản Nguyễn Tấn Dũng cuối năm 2008, nói về việc giao cho Trung Cộng khai thác Bauxite, thì từ đó chúng tôi theo dõi những cái tiến trình xây dựng cũng như những vấn đề môi trường. Kết luận của chúng tôi là vấn đề khai thác Bauxite của Trung Cộng chỉ là cái diện nhưng cái điểm chính là không phải vấn đề đó. Đó là bài toán mà chúng tôi cố gắng để chia sẻ với cộng đồng Houston hôm nay”
Sinh viên dược khoa Phan Hữu Chí là người giới thiệu tác phẩm nói rằng cuốn sách này nói lên những bí ẩn trong dự án Bauxite tại Việt Nam và có giá trị như một bó đuốc soi đường cho tuổi trẻ để biết hiện tình đất nước:
“Cuốn sách có giá trị như một bó đuốc để soi đường cho tuổi trẻ và hướng dẫn những người tuổi trẻ như chúng tôi để hiểu rõ mình sẽ làm gì cho quê hương, đất nước và dân tộc”
Bình luận về một nguồn tin gần đây là ngân hàng Citi Bank tại Hoa Kỳ loan báo sẽ đầu tư 200 triệu mỹ kim vào dự án Bauxite Viet Nam, TS Mai Thanh Truyết tỏ ý nghi ngờ, không tin đây là một việc đầu tư thực sự mà chỉ là một mánh khóe chính trị nhằm đánh lạc hướng sự chống đối của mọi người. Ông thêm rằng ông cần tìm hiểu và ông khằng định là nếu quả thực Citi Bank có việc đầu tư này thì ông sẽ phản kháng lên các giới có thẩm quyền với tư cách một công dân Hoa Kỳ vì Chính phủ Hoa Kỳ đang dùng tiền thuế của dân chúng để tài trợ cho Citi Bank qua khỏi sự phá sản.
“Chúng tôi nhìn vấn đề này dưới tính cách chính trị nhiều hơn là kinh tế. Với tư cách của một người đóng thuế cho chính phủ Hoa Kỳ, chúng tôi hoàn toàn không đồng ý và nếu đó là một ký ước thực sự giữa Citi Bank và Việt Nam thì chúng tôi với tư cách là một công dân sẽ lên tiếng phản đối”
Trong số những người tham dự buổi họp mặt, bà Lê Niệm nói lên sự quan tâm của bà là làm sao để nhà nước Việt Nam biết được kết quả cuộc nghiên cứu này để họ có những hành động thích ứng:
SB
Buổi hội luận có lúc sôi nổi và có nhiều ý kiến khác nhau về hậu quả của những dàn xếp chính trị nhằm vào các tài nguyên của Việt Nam, nhất là các mỏ Uranium cũng như những mối e ngại của mọi người trước viễn ảnh Việt Nam đang trở thành một Tây Tạng thứ hai và những phương thức bảo vệ đất nước trước những âm mưu chính trị đó.
Nguyễn Phục Hưng, tường trình từ Houston, Texas