Để chuẩn bị cho cuộc viếng thăm Trung quốc của Nguyễn Phú Trọng trong tư cách tân Tổng bí thư, mới đây hai Đảng Cộng sản Trung quốc và VN đã cử hai phái đoàn quân sự và công an cấp cao sang thăm lẫn nhau. Từ ngày 12 tới 15.4 Thượng tướng Quách Bá Hùng, ủy viên Bộ chính trị và Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Đảng cộng sản Trung quốc đã thăm VN. Đây là phái đoàn quân sự cao cấp nhất của Trung quốc đã thăm VN trong thời gian gần đây. Cùng trong thời gian này ủy viên Bộ chính trị và Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh cũng sang Bắc kinh.
Theo đài Bắc kinh, trong cuộc hội đàm với Phùng Quang Thanh ngày 13.4, Quách Bá Hùng đã nêu ra “đề nghị 3 điểm” trong việc hợp tác quốc phòng giữa hai nước Trung-Việt:
“Một là, tăng cường tiếp xúc chiến lược, nắm vững định hướng đúng đắn phát triển quan hệ Trung-Việt; hai là, coi trọng tuyên truyền hướng dẫn, tích cực tạo bầu không khí hữu nghị, đoàn kết, hợp tác Trung-Việt; ba là, làm phong phú nội dung giao lưu, nỗ lực nâng cao trình độ hợp tác thiết thực giữa quân đội hai nước.”[1].
Họ Quách nói là “đề nghị”, nhưng thực tế là họ muốn ép buộc chế độ CSVN phải thực hiện ba yêu sách của Bắc kinh. Trong đó yêu sách đầu tiên là VN phải tăng cường hợp tác chiến lựơc với Trung quốc theo “định hướng đúng đắn” của Bắc kinh. Cách dùng ngôn ngữ trịch thượng này của Quách Bá Hùng nói với Phùng Quang Thanh cũng giống như cách của Hồ Cẩm Đào đã dùng với Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm chính thức Trung quốc trước đây vài năm. Không những thế, người cầm đầu phái đoàn quân sự cao cấp Trung quốc còn đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN phải ra lệnh cho các báo, đài của VN phải viết tốt về bang giao hai nước, đồng thời chấm dứt những bài thông tin về những chính sách bành trướng bá quyền của Trung quốc trên biển Đông. Đây chính là nội dung của yêu sách thứ 2 “coi trọng tuyên truyền hướng dẫn, tích cực tạo bầu không khí hữu nghị, đoàn kết, hợp tác Trung-Việt”!
Sau khi hội đàm với bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Tướng Hùng đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng niềm nở tiếp. Trong bản tin của báo điện tử Chính phủ có nói việc Nguyễn Tấn Dũng đã coi vấn đề tranh chấp biển Đông vẫn là trở ngại trong bang giao giữa hai nước. Tướng Quách Bá Hùng xác nhận việc này, tuy nhiên lại nhấn mạnh “cũng như cùng Việt Nam cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ quan hệ hợp tác hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa 2 nước Việt Nam và Trung Quốc.“[2] Ý nói là, VN không được tìm cách quốc tế hóa và nhất là không để Mĩ can dự vào tranh chấp biển Đông! Và như thế Bắc kinh sẽ khống chế nhóm cầm đầu CSVN dễ dàng hơn!
Nhưng trong cuộc tiếp của Nguyễn Phú Trọng thì vấn đề biển Đông không thấy được nói đến trực tiếp. Phải chăng ông Trọng vẫn coi sự tăng cường quân sự của Trung quốc trong thời gian qua trên biển Đông là “không có gì mới”?, như ông đã nói trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm qua? Hay ông Trọng không dám nói thẳng với tướng Trung quốc? Ngược lại, người đứng đầu chế độ toàn trị ở VN lại chỉ ca tụng “16 chữ vàng” và “bốn tốt”:
“Về quan hệ hai Đảng, hai nước, đồng chí đánh giá, với phương châm 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Trung Quốc và Việt Nam không ngừng được củng cố và phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu; hai nước có nhiều điểm tương đồng, cùng kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa, kiên trì chủ nghĩa Mác –Lênin, không những có lợi cho sự phát triển của mỗi nước, mà còn có lợi cho sự phát triển của khu vực và thế giới, có lợi cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.“ [3]
Điều đáng chú ý nữa là, trong “Thông cáo báo chí chung” ngày 13.4 giữa Phùng Quang Thanh và Quách Bá Hùng vấn đề biển Đông cũng không được nhắc tới trực tiếp lần nào. Trong Điểm 4 của Thông cáo chung tuy nói giải quyết những bất đồng, nhưng từ biển Đông cũng không được dùng tới lần nào, trái lại chỉ nói tổng quát:
“4. Hai bên cho rằng, hai bên phải xuất phát từ góc độ lâu dài và tầm cao chiến lược, thông qua hợp tác cùng có lợi, mở rộng lợi ích chung, giải quyết thỏa đáng bất đồng, tập trung nhận thức chung, kiên quyết duy trì đại cục hữu nghị Trung-Việt. Quân đội hai nước Việt-Trung phải cố gắng trở thành lực lượng tích cực cùng nhau bảo vệ an ninh và lợi ích phát triển của hai nước, bảo vệ hòa bình và phát triển của khu vực.”[4]
Trong bản tin của đài Bắc kinh ngày 14. 4 tường thuật chuyến thăm của phái đoàn Quách Bá Hùng cũng không nhắc tới đề tài tranh chấp biển Đông. Trái lại, chỉ nói rất chung chung: Hai bên Việt-Trung “kiên trì giải quyết ổn thoả các vấn đề tồn đọng qua thương lượng hữu nghị”
Trong khi đó, trong Thông cáo chung hai bên lại nhấn mạnh đặc biệt tới “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”, trong đó nâng cao hợp tác quốc phòng về mọi lãnh vực giữa hai nước là nhiệm vụ quan trọng và:
“Không ngừng củng cố và phát triển mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc là phương châm không thay đổi của Đảng và Chính phủ hai nước. Mối quan hệ giữa hai quân đội là một bộ phận quan trọng của quan hệ hai nước; quân đội hai nước Việt-Trung sẽ từng bước đi sâu giao lưu và hợp tác trên các lĩnh vực theo nhận thức chung quan trọng mà lãnh đạo hai nước đã đạt được; thúc đẩy quan hệ Việt-Trung không ngừng phát triển; cùng bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực.”[5]
Giữa lúc phái đoàn quân sự cao cấp Trung quốc thăm VN thì ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh cũng đã thăm Trung quốc. Nhưng ông đã không được Chủ tịch và Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào cũng như Thủ tướng Ông Gia Bảo tiếp, như Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng đã trịnh trọng dành cho Quách Bá Hùng. Trái lại chỉ có Chu Vĩnh Khang, ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, tiếp Lê Hồng Anh. Điều đáng nói nữa là, cho tới nay chưa thấy báo chí của CSVN đưa tin chuyến đi Trung quốc của Lê Hồng Anh, kể cả tờ Công an Nhân dân. Trong dịp này Lê Hồng Anh đã xác nhận, tăng cường hợp tác trong lãnh vực an ninh với Trung quốc để bảo vệ sự lãnh đạo độc quyền của hai đảng Cộng sản của hai nước:
“Đảng và Chính phủ Việt Nam coi trọng cao hợp tác giữa cơ quan hành pháp và an ninh hai nước, sẵn sàng cùng với Trung Quốc bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa của hai nước”[6]
***
Chuyến thăm của phái đoàn quân sự và an ninh cấp cao của hai chế độ CS VN và Trung quốc đang thăm lẫn nhau được coi là những bước chuẩn bị cần thiết cho chuyến thăm Bắc kinh lần đầu tiên của Nguyễn Phú Trọng trong tư cách tân Tổng bí thư. Qua đó đã cho thấy, việc hợp tác quốc phòng và an ninh giữa hai chế độ toàn trị sẽ là đề tài quan trọng giữa Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào trong thời gian sắp tới.
Vấn đề cần lưu ý ở đây là về thái độ của Nguyễn Phú Trọng trong khi tiếp Tướng Quách Bá Hùng với sự có mặt của Tướng Nguyễn Chí Vịnh, tân ủy viên Trung ương đảng và Thứ trưởng Quốc phòng. Khi tiếp một tướng lãnh Trung quốc mà người cầm đầu chế độ CSVN đã tránh né không dám nói thẳng và minh bạch phản đối chính sách bành trướng của bá quyền phương Bắc ở biển Đông, mà lại chỉ lúng túng ca tụng “16 chữ vàng” và “bốn tốt”, những câu mà Bắc kinh đã khinh bỉ mớm cho Hà nội. Như vậy làm sao nhân dân VN biết rõ ý định thực sự của nhà cầm quyền CSVN và làm sao dư luận thế giới hiểu rõ thái độ thực sự của nhóm lãnh đạo CSVN trong vấn đề tranh chấp biển Đông. Vì thế, làm sao tạo được sự hậu thuẫn của nhân dân VN và sự ủng hộ mạnh mẽ của bạn bè quốc tế trong việc bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền của VN?
Một sự lo ngại rất có lí do chính đáng là, một khi tiếp một tướng Tầu mà Nguyễn Phú Trọng đã ấp úng, lúng túng như vậy thì khi sang gặp Hồ Cẩm Đào chắc là ông Trọng chỉ còn biết cúi đầu như các lần trước đây! Đặc biệt là trong lúc này chế độ toàn trị của CSVN đang gặp nguy khốn trong kinh tế và tài chánh, cho nên trọc phú Bắc kinh sẽ còn ngang ngược hơn nữa để đưa ra những yêu sách bá quyền trên biển Đông của VN!
Âu Dương Thệ
Ghi chú
[1] . Đài Bắc kinh 13.4
[2] . Chính phủ 13.4
[3] . Cộng sản 13.4
[4] . Quân đội nhân dân 13.4
[5] . Quân đội nhân dân 13.4
[6] . Đài Bắc kinh 13.4