Chủ trì phiên họp cuối cùng nhằm từ biệt các thành viên nội các ngày 26 tháng 3, sau khi cám ơn mọi người, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khuyên những người sắp về hưu như ông “ráng giữ gìn sức khỏe, làm công dân tốt, đảng viên tốt, ráng làm người tử tế, sống tử tế”.
Lời khuyên trên bao gồm bốn ý chính. Chuyện “giữ gìn sức khoẻ”, “làm công dân tốt” và “đảng viên tốt” không có gì lạ. Lạ nhất là ý cuối “làm người tử tế”. Lạ vì nó ngược với thực tế: Muốn làm một đảng viên tốt thì khó mà sống tử tế được.
Nhớ, trong cuốn phim tài liệu “Chuyện tử tế”, sản xuất vào năm 1985, đạo diễn Trần Văn Thuỷ đã trăn trở đi tìm ý nghĩa của sự tử tế trong xã hội cộng sản thời bao cấp. Cuối cùng, ông tìm ra sự tử tế ở những nơi khuất vắng, ít người biết nhất: một bà mẹ bị bệnh cùi, hằng đêm làm gạch để xây nhà cho đứa con còn bé dại, và đặc biệt, ở bệnh viện cùi với các nữ tu Công giáo, bất chấp những hiểm nguy lây bệnh, tận tình chăm sóc cho các bệnh nhân lở loét đau đớn. Bộ phim đầy những hình ảnh tương phản: bên cạnh những người ăn nhậu thoả thuê là những người nghèo khổ rách rưới lam lũ đói khát dọc hai bên đường; bên cạnh hình ảnh hàng ngàn người chen chúc mua vé xe đò là hình ảnh những cán bộ cao cấp đi xe hơi và bước trên những chiếc thảm đỏ sang trọng mới tinh. Những sự tương phản ấy gợi lên ấn tượng: giới lãnh đạo cộng sản không hề tử tế.
Trong bài “Tao là đứa bé ngoẻo trên lưng Linda Lê”, Nguyễn Quốc Chánh, hiện sống trong nước, nhận định một cách khái quát:
“Có 3 thứ không thể kết hợp với nhau nổi. Đó là: Thông minh, lương thiện & cộng sản.
Một người thông minh & lương thiện thì không thể cộng sản,
Một người thông minh mà cộng sản thì không thể lương thiện, &
Một người lương thiện mà cộng sản thì chắc chắn không thông minh”.
Ở đây có hai vấn đề: Một, thế nào là tử tế (hay lương thiện)? Và hai, tại sao những người cộng sản, ít nhất là lúc tại chức, không thể tử tế?
Khái niệm tử tế, theo tôi, có hai nội dung chính: Thứ nhất, sống theo một chuẩn mực đạo đức phổ quát; và thứ hai, biết nghĩ đến người khác.
Đảng Cộng sản, bất cứ là đảng Cộng sản nào, khi lên cầm quyền, đều hăm he tiến hành ba cuộc cách mạng: cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng quan hệ sản xuất và cách mạng văn hoá tư tưởng. Một trong những nội dung chính của cuộc cách mạng văn hoá tư tưởng là xoá bỏ những bảng giá trị truyền thống mà họ cho là tàn tích lỗi thời của chế độ phong kiến cũng như những mầm mống hư hoại của chủ nghĩa tư bản. Ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc, cái gọi là giá trị truyền thống ấy chính là những hệ thống đạo đức gắn liền với Nho giáo cũng như với văn hoá làng xã. Những quan hệ tốt đẹp giữa người và người như tình nghĩa và nhân nghĩa vốn kết tinh trong xã hội cả hàng ngàn năm bỗng dưng bị phê phán và đả kích kịch liệt. Cuộc cải cách ruộng đất tàn khốc vào giữa thập niên 1950 phá vỡ mọi quan hệ tốt đẹp giữa người và người. Hậu quả là sau mấy chục năm cầm quyền, đảng Cộng sản làm cho mọi giá trị đạo đức truyền thống sụp đổ. Sau này, một số người cố gắng phục hồi lại Nho giáo nhưng đó chỉ là một nỗ lực lẻ tẻ và muộn màng: Những gì bị đánh sập thì khó mà vun đắp lại được. Thành ra, ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt trong giới đảng viên, hầu như không có một bảng giá trị phổ quát nào còn tồn tại.
Ngoài việc phá hoại những bảng giá trị truyền thống, đảng Cộng sản còn đề cao việc đấu tranh giai cấp. Một trong những nội dung chính của cuộc đấu tranh giai cấp ấy là giành giật quyền lợi từ những tầng lớp thượng lưu vào tay mình. Trong một bài viết ngắn trên facebook, nhà nghiên cứu âm nhạc và văn học Hoàng Ngọc-Tuấn phát hiện ra một điểm lạ trong bản tiếng Việt của bài “Quốc tế ca”. Câu “Le monde va changer de base / Nous ne sommes rien, soyons tout” trong nguyên tác tiếng Pháp của Eugène Pottier (viết năm 1871) có nghĩa là “Thế giới sẽ thay đổi từ căn bản / Chúng ta chẳng là gì, chúng ta hãy là tất cả” được Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của đảng Cộng sản, dịch là “Nay mai cuộc đời của toàn dân khác xưa / Bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình”. Bản dịch ấy, từ mấy chục năm nay, trở thành lời ca chính thức tại Việt Nam.
Điều đó cho thấy mục tiêu lớn nhất mà đảng Cộng sản Việt Nam nhắm tới, từ lúc mới sơ sinh, là giành giật “lợi quyền” vào tay họ. Khi giành được rồi, hầu như toàn bộ nỗ lực của họ là làm sao giữ được những quyền lợi ấy. Trong chiều hướng ấy, đứng trước nguy cơ “diễn tiến hoà bình”, để mua chuộc sự trung thành của các đảng viên, đặc biệt trong lực lượng công an, họ đặt ra câu khẩu hiệu “Còn đảng còn mình”. Để bảo vệ quyền lợi, có khi họ sẵn sàng hy sinh cả đất nước, điều được dân gian khái quát hoá qua câu nhận định sắc sảo: “Đi với Mỹ thì mất đảng, đi với Trung Quốc thì mất nước. Thà mất nước còn hơn mất đảng.” Có thể nói một cách tóm tắt, từ khi được thành lập đến nay, mục tiêu tối hậu của đảng Cộng sản là giành và giữ quyền lực và quyền lợi cho họ. Cái gọi là “vì dân” của họ chỉ là một chiêu bài rỗng tuếch.
Bởi vậy, khái niệm “đảng viên tốt” rất khó đi liền với khái niệm “sống tử tế”.
Tuy nhiên, có một vấn đề khác cũng cần được chú ý: Lời khuyên làm người tử tế và sống tử tế của Nguyễn Tấn Dũng chỉ được thốt ra khi ông sắp sửa về hưu. Hiện tượng ấy cũng khá phổ biến. Hầu hết những đảng viên lên tiếng phản biện lại chính quyền và đảng cầm quyền cũng như hô hào cho tiến trình dân chủ hoá tại Việt Nam hiện nay đều là những người đã nghỉ hưu. Điều ấy cũng cho thấy khi còn nằm trong bộ máy quyền lực, người ta không thể tử tế được.
Muốn tử tế, người ta phải đi ra ngoài bộ máy quyền lực của đảng, thậm chí phải đi ra khỏi đảng.
TS Nguyễn Hưng Quốc