Kẻ sát nhân, hay người quá tay vì nóng giận?
“Richard Lam Nguyen (Nguyễn Lâm Sơn) bóp cổ bà ấy! Bà cụ đã chết vì không thở được,” chỉ tay vào tấm hình của nạn nhân Nguyễn Thu Nương, chụp lúc nằm chết tại nhà, công tố viên Cameron Talley tố cáo, mở đầu cho phiên tòa xử Richard Nguyễn Lâm Sơn tội giết mẹ, tại tòa Thượng Thẩm Quận Cam ở Santa Ana.
Sơn, 31 tuổi, một cư dân Garden Grove, được hai cảnh sát viên tòa án đưa vào phòng xử trong bộ vest mầu đen, áo sơ mi trắng, và cà vạt đỏ. Sau khi được tháo còng tay, bị cáo Nguyễn Lâm Sơn, nét mặt hốc hác, ngồi xuống ghế quay mặt về phía cử tọa.
Vừa thấy Sơn bước ra, một bà bác của bị cáo đã mắt đỏ hoe. “Nó gầy quá!” Có tiếng thì thào trong nhóm thân nhân của Sơn, đa số là họ hàng về họ nội của bị cáo.
Trong lập luận mở đầu phiên tòa, công tố viên Talley đã cho bồi thẩm đoàn xem nhiều hình ảnh của nạn nhân, và một vài đoạn phim ngắn thu cảnh Sơn khai với cảnh sát về việc anh đã bóp cổ mẹ, và tuyên bố rằng, ông sẽ chứng minh là Sơn phạm tội giết mẹ. Khi những tấm hình phóng lớn (không mặc quần áo) của nạn nhân trên bàn mổ xác trong phòng giảo nghiệm được trưng ra, bồi thẩm đoàn, ba cảnh sát viên, và nhiều người tham dự phiên tòa đã tỏ ra bị ảnh hưởng. Có người phải quay mặt đi. Nhìn hình mẹ chết, Sơn hoàn toàn không biểu lộ cảm xúc.
Công tố viên Talley lập luận rằng mặc dù bà Thu Nương đã 71 tuổi, ốm yếu, nhỏ bé, chỉ cao 1.5 mét, nặng 36 ký, và bệnh tật đầy mình, mà bị cáo Sơn, con bà, một thanh niên khỏe mạnh, đã tốt nghiệp 4 năm ngành Sinh Vật Học, học qua 2 năm ngành Dược, và 1 năm ngành Y Khoa, có đầy đủ kiến thức chuyên môn về cơ phận của con người, rất hiểu rõ về nguyên nhân gây ra cái chết của con người, đã nỡ bóp cổ bà cho đến chết.
“Chứng cớ sẽ cho thấy là Nguyễn Lâm Sơn đã giết mẹ vì anh ta giận dữ, chứ không phải vì anh ta bị bệnh tâm thần, như luật sư biện hộ sẽ cố thuyết phục.”
“Những kẻ sát nhân giết người khi họ giận dữ!” Công tố viên Cameron Talley nhấn mạnh.
“Tại sao anh ta không bỏ đi, mà phải bóp cổ bà ấy?”
“Chứng cớ cũng sẽ cho thấy việc bị bóp cổ là nguyên nhân trực tiếp đã khiến bà Nguyễn Thu Nương bỏ mạng, chứ không phải vì trụy tim như luật sư biện hộ cũng sẽ cố chứng minh.”
Cũng theo công tố viên Talley thì mặc dù với một lịch sử có bệnh tâm thần, nhưng trong suốt thời gian học các trường đại học, bệnh của Sơn đã không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt hay việc học hành của mình.
“Tôi chỉ có 3 nhân chứng thôi, nhưng thế cũng đủ để chứng minh là Nguyễn Lâm Sơn phạm tội giết mẹ, và chỉ trong vòng một ngày trước thảm kịch, cũng như ngay sau đó Nguyễn Lâm Sơn là một người rất bình tĩnh và tỉnh táo.”
Trong phần mở đầu rất ngắn, và rất gọn, Luật Sư Robison Harley, biện hộ cho Sơn vẽ nên một khung cảnh hoàn toàn trái ngược.
“Ðây là câu chuyện của một người đàn bà bị ám ảnh vì giấc mơ muốn có con làm bác sĩ, vì chỉ làm dược sĩ thì chưa đủ!”
Luật Sư Robison Harley hứa hẹn sẽ đưa ra đủ chứng cớ để chứng minh nạn nhân Nguyễn Thu Nương là một người đàn bà độc đoán, và khắc nghiệt, và không những đã lấn át cả hai anh em Sơn, mà còn lấn át cả người chồng nhỏ hơn mình mười sáu tuổi.
“Cả cuộc đời, Nguyễn Lâm Sơn sống trong sự lo âu căng thẳng vì cha mẹ luôn luôn cãi cọ, đã thế Sơn luôn luôn phải tìm cách làm cho mẹ vừa lòng và nở mày nở mặt.”
Luật Sư Robison Harley nói,
“Sơn phải uống thuốc Zyprexa liên tục để chữa bệnh tâm thần phân liệt và trầm cảm!”
Theo Luật Sư Harley thì thuốc Zyprexa là một loại thuốc chữa bệnh tâm thần phân liệt loại nặng.
Cũng theo lời Luật Sư Harley thì bà Thu Nương rất ghen tuông và lúc nào cũng nghi là chồng ngoại tình với một đồng nghiệp.
Sơn rất thương mẹ, nên ở với mẹ sau khi cha mẹ ly dị, và luôn luôn vâng lời và tìm cách làm vui lòng mẹ. Hai mẹ con sống quấn quýt với nhau, trong một cuộc sống khiêm tốn, với một liên hệ rất gần gũi nhưng “bệnh hoạn,” và cùng phụ thuộc vào nhau.
Bà Thu Nương đầy rẫy bệnh tật, và có thể bị trụy tim bất cứ lúc nào.
“Hôm xảy ra thảm kịch, bà Thu Nương và Sơn rất quyết liệt, và không ai chịu ai!” Luật Sư Robison Harley diễn tả lại hoạt cảnh hôm đó, mà ông bảo ông sẽ chứng minh được.
“Tại sao con không chịu học bác sĩ như mẹ muốn để mẹ được nở mày nở mặt?”
“Tại sao mẹ không để cho con học Dược cho xong? Con chỉ còn một năm nữa là tốt nghiệp? Còn học Y Khoa, phải 6 năm nữa!”
“Người bạn thân của mẹ có hai người con học bác sĩ, tại sao con không học bác sĩ như mẹ hãnh diện?”
“Hãnh diện với bạn quan trọng hơn hay làm cho con hạnh phúc quan trọng hơn? Mình cũng không còn nhiều tiền cho con học. Mẹ thì bệnh tật!”
Ðến một lúc căng thẳng nhất hai bên đã cùng hét lên, và biến cố đó đã làm Nguyễn Lâm Sơn điên lên, mất hết cả bình tĩnh.”
Luật Sư Harley quả quyết rằng ông sẽ chứng minh được là thân chủ của ông vô tội, vì Sơn đã hành xử trong lúc đang bị xúc động mạnh, bị khiêu khích một cách bất chợt, không cố tình dùng sức mạnh của mình để hại mẹ, không dùng vũ khí nguy hiểm, không phải là kẻ ác tâm, không dự tính hay chủ mưu giết mẹ, và cũng không lỡ tay khi cố tình phạm tội.
Nhân chứng đầu tiên, cũng là nhân chứng quan trọng nhất của công tố viện là bác sĩ giám định y khoa Anthony Juguilon.
Trước tòa, bác sĩ giám định y khoa Anthony Juguilon giải thích với bồi thẩm đoàn tiến trình của việc giảo nghiệm xác, và khẳng định nhiều lần là “nguyên nhân gây ra cái chết của bà là bị bóp cổ.”
Luật Sư Harley đối chất tỉ mỉ với Bác Sĩ Juguilon với mục đích tạo ra những nghi ngờ là nạn nhân Thu Nương có thể đã không chết vì nguyên nhân bị bóp cổ, mà là vì bị đau tim.
Phiên tòa sẽ được tiếp tục vào Thứ Ba tuần sau.
Những ngày cuối phiên tòa con trai bóp cổ, giết mẹ Chiều Thứ Hai, trong đoạn cuối của vụ xử Richard Nguyễn Lâm Sơn tội giết mẹ, tại tòa Thượng Thẩm Quận Cam ở Santa Ana, luật sư biện hộ đưa ra một loạt những nhân chứng từ bên nội của Nguyễn Lâm Sơn. Ða số đều lên tòa khai rằng hai mẹ con bà Nương “rất thương yêu nhau,” và “Sơn là một người con ngoan, một mực nghe lời mẹ.”
Bà Maria Huỳnh, một người con bên nội, chị họ của bố Sơn, nói rằng, “bà Nương là một người điều khiển Sơn về mọi mặt, ngoài việc bảo Sơn theo học ngành gì, thậm chí ‘chọn cả quần áo cho Sơn mặc,’ đi nhà hàng thì bảo Sơn món nào được ăn, món nào không.”
Cô Audrey Thảo Nguyễn, 25 tuổi, em con chú bác của Sơn cho biết lần cuối gặp Sơn, khoảng 6 tuần trước khi xẩy ra án mạng, cô có hỏi Sơn, trước mặt bà Nương là việc học hành ra sao, thì “Sơn chỉ lắc đầu không trả lời,” bà Nương thì cũng lắc đầu, và “không khí lúc đó rất căng thẳng.”
Bà Phúc Nguyễn, chị chồng của bà Nương, đã giúp luật sư biện hộ rất nhiều trong vụ án cũng khai những lời tương tự là bà Nương “rất độc tài,” nhưng “cũng có nhiều điểm khiến cho tôi thương mến.”
Trước đó, người em ruột của bị cáo, tên là Hải Nguyễn, 29 tuổi, còn hai tháng nữa sẽ tốt nghiệp cao học ngành tâm lý học, chuyên về tâm lý trị liệu hôn nhân và gia đình đã lên làm chứng cho anh.
Lời khai của Hải Nguyễn, được nhiều người cho là cảm động nhất, và có lẽ sẽ là một trong những người chứng khiến bồi thẩm đoàn nghiêng hẳn cảm tình về cho bị cáo.
Ngày mai, cả hai bên sẽ lập luận kết thúc phiên tòa.
Sau phiên tòa, phóng viên báo Người Việt đã có dịp chuyện trò với Hải Nguyễn, và đã được nghe những tâm sự mà Hải đã không thể bộc bạch dễ dàng trong phiên tòa.
“Cuối cùng thì điều thê thảm nhất cũng đến!”
Hải thốt lên như thế khi được hỏi cảm tưởng của mình.
“Ðây là một thảm kịch mà lẽ ra phải chấm dứt từ lâu lắm rồi!
Hải nói thêm.
“Ý em muốn nói là…”
“Ðây là một thảm kịch mà em luôn nơm nớp lo sợ sẽ xẩy ra, thế nhưng lúc nhận được cú phôn báo tin, em đã ngã ngồi xuống, và vẫn không tin, ngỡ là ai đang phá mình.” Hải tâm sự.
“Ðiều gì khiến em luôn lo sợ thảm kịch sẽ xảy ra?” Tôi hỏi.
“Tại vì đây là kết quả của cuộc sống chung, của mối liên hệ không lành mạnh giữa hai người bệnh.” Hải nói.
Nhìn tôi ngơ ngác, Hải giải thích thêm.
“Anh Sơn bệnh tâm thần phân liệt do ba nguyên nhân, di truyền, tâm lý, và hoàn cảnh sống trong gia đình.”
“Di truyền?” Tôi lập lại.
“Vâng, di truyền vì mẹ em cũng là một người có một thơ ấu không bình thường.”
“Mẹ kể lúc còn nhỏ đã từng bị ông ngọai đổ cả một xô nước vào cổ họng, vì mẹ ngồi ở bàn, mà trên bàn không có sách để học.”
“Còn anh Sơn thì đã bị mẹ đánh từ lúc mới bốn tuổi.”
“Phải nói là chúng em lớn lên trong một môi trường mà những điều giảng dạy của cha mẹ rất lẫn lộn.”
“Trước hết, mẹ em là một người đàn bà rất thích liên minh (alliance kind of person).
Mẹ hay kéo người này người khác vào phe mình.”
“Thí dụ mẹ nói bố và gia đình nội là những người xấu. Bố rất ác, không biết thương vợ con.”
“Mẹ dạy chúng em bằng những thông điệp có tích cách muốn lôi kéo tụi em về phe bà, như “muốn là con ngoan, thì phải nghe lời mẹ,” hay “khi lớn lên thì phải thương con cái như mẹ yêu thương chúng con.”
“Bố mẹ chúng em cãi nhau suốt ngày!”
“Mẹ là chuyên gia kháng cự tiêu cực, hay nói những lời ngọt ngào nhưng mỉa mai làm bố em điên lên.”
“Mỗi khi bố đi làm về, hơi trễ một tí mẹ đều ngọt ngào hỏi, “Ði làm về trễ thế, đưa mấy cô bồ đi ăn có ngon miệng lắm không?”
“Còn bố thì rất hung hăng, dồn cả những giận dữ vào đầu chúng em.”
“Có lúc mẹ vừa nói xấu bố xong lại bảo, nếu con mang miếng cam lại cho bố ăn thì bố sẽ thương con hơn.”
“Có lần em mang cam đến cho bố thì không biết bố đang giận cái gì, lại tát cho em một cái.”
“Trở lại mối quan hệ giữa mẹ và anh Sơn, theo em, đó là một quan hệ rất ‘bệnh hoạn’ giữa hai người cùng mắc bệnh nặng.”
“Sau khi cha mẹ ly dị, mẹ dồn hết tình thương vào anh Sơn, còn anh Sơn cũng rất thương mẹ và oán giận bố, vì cho là bố đã bỏ rơi gia đình, vì thế cố gắng làm tất cả cho mẹ vui lòng.”
“Nhưng anh ấy cũng bệnh, mà không được chữa đúng mức. Thuốc uống chỉ giảm được những ảnh hưởng tích cực xấu khiến anh không tưởng tượng ra một giọng nói khác trong đầu, nhưng không giảm được những ảnh hưởng tiêu cực, như là đôi khi cảm giác bị cùn đi, không cảm nhận được điều gì nữa.”
“Trong một gia đình bình thường, thì khi các con hư, học dốt thì bị phạt, nhưng lúc học giỏi thì được khen thưởng, nhưng trong gia đình em thì học giỏi là chuyện đương nhiên.”
“Em nhớ lúc em ra trường mẹ em bảo học tâm lý học thì có gì hay ho đâu, ít ra cũng phải là dược sĩ hay bác sĩ mới đáng kể.” Ðiều đó làm em buồn rất lâu.
“Anh Sơn chịu tất cả những áp lực của gia đình, những kỳ vọng của mẹ, nỗi bực tức của bố. Sau này, anh là người đàn ông duy nhất trong nhà, phải săn sóc và làm vừa lòng một người mẹ bệnh hoạn cả về tâm lý lẫn thể chất, trong khi chính anh cũng có bệnh rất nặng.”
“Em có thương mẹ không?” Tôi hỏi.
“Em yêu và kính trọng mẹ nhất!”
“Mẹ em không phải là người xấu. Mẹ là người đàn bà thông minh và nhiều tình cảm nhất trên đời.”
“Nhưng cuộc sống chung của hai bệnh nhân đã tạo nên thảm kịch, rất tiếc em đã không ngăn ngừa được.”
“Cha em có buồn vì cái chết của mẹ em không?”
“Em nghĩ là không!”
“Cha em cũng thương con cái. Ông cũng có những vấn đề của ông, nhưng ông cũng đã cố gắng hết sức mình. Em nghĩ ông cũng cảm thấy có lỗi với anh Sơn.
Chị ạ, những lời khai của em ở trên tòa, tuy đã làm nhiều người cảm động, nhưng em không cho là mình đã nói được những gì muốn nói.
Vì luật sư biện hộ muốn em trả lời trong tư cách một chuyên gia tâm lý học, còn ông công tố viên đã tốn hai giờ đồng hồ để tấn công về khả năng chuyên môn của em.”
Nhưng điều chính mà em muốn nói là, con người là sản phẩm của những mối dây liên hệ của mình, nói một cách khác, những mối liên hệ chúng ta có, tạo nên con người chúng ta.
Khi phải sống trong một môi trường như gia đình em, con người trở nên bệnh hoạn, và không được chữa đến nơi đến chốn, thì hậu quả rất thê thảm.
Liên hệ của mẹ và anh Sơn là một tình mẫu tử rất thâm tình, hai người làm tất cả vì thương nhau, nhưng hai người đối với nhau bằng hành sử của những người có bệnh, và sự gần gũi của họ làm họ càng bệnh nặng thêm.
Mẹ em giờ đã chết rồi.
Nhưng anh Sơn là người rất đáng thương, anh ấy không đáng bị tù mà phải cần được chữa trị. Ðó là điều mà anh ấy cần. Ðó là điều mà em mong ước, cũng là điều mà mẹ em muốn, và, cũng là điều rất nhân bản nữa chị ạ.
Còn em, em có bệnh không?
Thú thật, em cũng bệnh nữa, nhưng phải thoát đi để tự chữa cho mình.
Hiện giờ, em chưa có thì giờ để đau buồn và để tang cho cái chết của mẹ!”
“Em biết cố tình không đối diện với cái tang của mẹ không tốt cho tâm lý của em, nhưng biết làm sao hơn. Có quá nhiều thứ trước mặt để em phải lo.”
“Nếu chúng ta có thể đi ngược lại thời gian cho thảm kịch đừng xẩy ra, thì em đi ngược lại từ khoảng nào, từ lúc cha mẹ em bỏ nhau? Hay từ lúc mẹ em bị ông ngọai đánh đập hà khắc?” Tôi hỏi.
“Có thế bắt đầu từ tất cả những điểm đó, nhưng có lẽ gần nhất là mẹ chấp nhận là chính mình cũng có bệnh và tiếp nhận sự giúp đỡ của người thân.”
“Theo em, thì các phụ huynh nên rút ra bài học nào?”
“Ðể ý đến con, quan tâm đến tâm lý của con.”
“Không phải chỉ có thành đạt, học giỏi là tâm lý của các em sẽ được bình thường.
Có nhiều đứa bị dồn nén, nhưng bệnh tâm lý không để lộ ra ngay.”
“Cho con cái cơ hội để bày tỏ quan điểm của mình, cởi mở để con có thể chia sẻ những giấc mơ của chúng.
Chia xẻ ước mộng của mình với con.”
“Tìm cách giúp con đạt được hoài bão của chính nó, mà không sai khiến hay ra lệnh cho con.”
“Nếu các bậc cha mẹ chỉ rút ra được những điều này, cái chết của mẹ em cũng phần nào có ý nghĩa.”
Hà Giang/Người Việt