Bài học ớn lạnh cho độc giả hiện nay bao gồm không chỉ là sự tàn bạo mà đúng ra là những chiến thuật của họ chống lại đội quân xâm lược Ba Tư của Darius vào đầu thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên. Khi bộ binh của Darius hành quân vào phía đông gần Biển Azov hy vọng đụng độ các cánh quân của Scythia trong một trận chiến quyết định, dân Scythia luôn lẩn tránh sâu trong lãnh địa của họ. Darius lấy làm khó hiểu và gởi vua Scythia, Idanthyrsus, một lời thách thức: Nếu ngài cho rằng ngài mạnh hơn, dừng lại và chiến; nếu không thì hãy quy phục.
Idanthyrsus trả lời rằng do dân của ông chẳng có thành phố cũng chẳng có đất canh tác cho kẻ thù tàn phá, họ chẳng có gì để phòng thủ. Vì thế chẳng có lý do gì để nghênh chiến. Thay vì vậy quân của ông quấy rối và đánh lẻ tẻ với những cánh quân lang thang của Ba Tư sau đó nhanh chóng rút lui, hết trận này sang trận khác. Mỗi lần như vậy, những nhóm nhỏ kỵ binh Ba Tư tháo chạy trong hỗn loạn trong khi đó quân đội của Darius suy yếu dần khi họ hành quân xa dần khỏi căn cứ và đường dây hậu cần. Rút cục Darius rút quân khỏi Scythia, về cơ bản là bị đánh bại, mà không có cơ hội để đánh lấy một trận.
Giết kẻ thù thì dễ; nói cách khác, tìm thấy hắn mới là khó. Điều đó càng đúng cho ngày nay. Chiến tranh ngày càng diễn ra trong không gian bao la hơn và ít có đơn vị tham chiến hơn là vào ngày xưa khi mà có những trận đánh độc lập của Thời Đại Công Nghiệp. Bài học liên quan: đừng săn hình bắt bóng và đừng để lún sâu vào trường hợp mà lợi thế nền văn minh của anh chẳng hỗ trợ được gì. Hay là, nói theo cách của nhà hiền triết cổ đại của Trung Quốc, Tôn Tử, “Biết khi nào thì đánh khi nào thì không thì thắng. Có những huyệt đạo không nên đi, đội quân không nên đánh, thành không nên công.” Tiền lệ cho điểm này là Đội quân Viễn chinh Sicily yểu mệnh ở cuối thế kỷ thứ năm trước Công Nguyên, được ký sự bởi Thucydides. Trong chuyện đó, dân Athen phái một toán quân nhỏ đến Sicily xa xôi để yểm trợ đồng minh ở đấy chỉ để bị kéo vào cuộc xung đột ngày càng càng sâu hơn cho đến khi danh tiếng của toàn bộ đế chế hàng hải trở nên phụ thuộc vào chiến thắng ở đó. Câu chuyện của Thucydide có điểm thấm thía khi nói đến Việt Nam và Iraq. Đối với dân Athen, cũng như đối với Darius, người ta ngạc nhiên là chuyện ám ảnh với danh dự và danh tiếng có thể đưa một cường quốc đến chỗ yểu mệnh. Hình ảnh quân đội của Darius hành quân vào chỗ không người hiểm ác ở thảo nguyên để tìm kiếm kẻ thù mà chẳng bao giờ lộ diện quả là có sức lôi cuốn đến nỗi nó có ý nghĩa sâu sắc hơn chỉ là tính biểu tượng.
Kẻ địch sẽ không giáp chiến anh theo ý của anh, hắn sẽ làm theo ý hắn. Đó là tại sao chiến tranh bất đối xứng là xưa như trái đất. Khi những phiến quân thoăn thoắt đặt bom xe và quấy rối thủy quân lục chiến và binh sĩ ở những góc phố của các thị trấn Iraq, họ hành động theo kiểu người Scythia. Và khi Trung Quốc quấy rối hải quân Philippines và tuyên bố chủ quyền lãnh thổ bằng tàu cá, tàu hải giám, và giàn khoan dầu, trong lúc tránh đối đầu với chiến hạm của Hoa Kỳ; họ hành động theo kiểu người Scythia. Và khi những chiến binh của Nhà nước Hồi giáo vũ trang với dao và máy quay video; họ cũng đang hành động theo kiểu người Scythia. Phần lớn là do những hành động kiểu người Scythia này, Hoa Kỳ chỉ có khả năng có hạn để định đoạt kết quả của những cuộc xung đột cho dù là một siêu cường. Hoa Kỳ đang học một bài học thực tế trớ trêu của một đế quốc: anh tồn tại bằng cách không phải trận nào cũng đánh. Vào thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên, Tiberius giữ vững thành Rome bằng chuyện không can thiệp vào những xung đột nồi da xáo thịt ngoài biên ải phía bắc. Thay vì vậy, ông ta kiên nhẫn chờ thời trong lúc xem cảnh tàn sát. Ông ta hiểu rõ những giới hạn của sức mạnh của Rome.
Hoa Kỳ không truy đuổi những nhóm sứ quân ở Yemen như Darius đã làm ở Scythia thế nhưng thỉnh thoảng họ tiêu diệt vài tên bằng không quân. Chuyện họ sử dụng máy bay không người lái không phải là bằng chứng của sức mạnh mà đúng ra là những hạn chế của Hoa Kỳ. Chính phủ Obama phải nhận ra những hạn chế này và không cho phép, nói ví dụ thế, quốc gia bị lôi kéo sâu vào cuộc xung đột ở Syria.
Nếu Hoa Kỳ yểm trợ việc lật đổ nhà độc tài Bashar al-Assad vào thứ Tư, thì họ phải làm gì vào thứ Năm khi mà họ khám phá ra rằng họ đã cho ra chính phủ thánh chiến Sunni, hoặc vào thứ Sáu khi mà thanh trừng sắc tộc nhắm đến người Alawite theo khuynh hướng Shia bắt đầu? Có lẽ đây là trận chiến, mà Tôn Tử có thể quyết định, mà không nên đánh. Thế nhưng Assad đã giết hàng chục ngàn người, và có thể nhiều hơn nữa, và ông ta đang được Iran yểm trợ! Đúng vậy, nhưng nên nhớ cho rằng cảm xúc, cho dù đúng đến đâu, có thể là kẻ thù của việc phân tích.
Vậy thì Hoa Kỳ có thể làm sao tránh được định mệnh của Darius? Làm thế nào họ có thể tránh bị hủy hoại bởi niềm tự hào trong khi đó vẫn làm tròn trách nhiệm đạo nghĩa của một cường quốc? Họ nên dùng người đại diện khi có tìm ra được, ngay cả giữa đám địch thủ. Nếu người Houthi được yểm trợ bởi Iran sẵn sàng chiến đấu chống al-Qaeda ở Yemen, tại sao người Hoa Kỳ lại phản đối? Và nếu người Iran khơi mào một giai đoạn mới của xung đột bè phái ở Iraq, hãy để điều đó là chuyện họ tự hủy diệt, một khi họ không học được bài học của người Scythia.
Chừng nào Trung Đông còn tự suy sụp qua những năm tháng của xung đột cường độ thấp giữa các nhóm như người Scythia, hãy để Thổ nhĩ Kỳ, Ai Cập, Do Thái, Saudi Arabia, và Iran tranh giành để đi đến cân bằng quyền lực, và Hoa Kỳ có phần rút lui—suy cho cùng thì sự thận trọng không giống như đầu hàng có điều kiện. Kết cục thì hãy để Hoa Kỳ quay trở về căn cơ của họ là một cường quốc hàng hải ở Châu Á và là một người bảo vệ trên bộ ở Châu Âu, nơi mà có ít kẻ hành động như người Scythia và nhiều kẻ côn đồ thông thường. Những kẻ Scythia là kẻ thù của những quốc gia thích khai phóng, những quốc gia mà không tuân theo sự hạn chế nào cả. Hẳn là Hoa Kỳ nên vươn đến—nhưng đừng như Darius—quá hăm hở.
Robert D. Kaplan
Neofob chuyển ngữ
Nguồn: The art of avoiding war, Robert D. Kaplan, The Atlantic, June/July 2015