Danh sách 10 loài rùa nguy cấp nhất thế giới vừa được tổ chức Bảo tồn Quốc tế (CI) công bố, trong đó loài rùa ở hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, ở mức báo động cao nhất.
Một cá thể rùa giống loại ở hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Discovery.
Thông tin này được chuyên gia bảo tồn rùa Peter Paul Van Dijk, giám đốc tổ chức Bảo tồn Quốc tế tiến hành nghiên cứu và đưa ra hôm 10/9.
Rùa Hoàn Kiếm và rùa Trung Bộ đều thuộc Chương trình nghiên cứu và bảo vệ của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP). ATP đã và đang tiến hành nghiên cứu, khảo sát nhằm tìm kiếm các cá thể loài còn lại ngoài tự nhiên và môi trường sống phù hợp cho việc bảo tồn chúng; tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và nỗ lực kêu gọi, hợp tác với chính quyền và cơ quan bảo tồn của các địa phương.
Chương trình đang tiến hành xác định xem có cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô nữa hay không, nhằm tiến hành ghép đôi sinh sản với hy vọng duy trì nòi giống “cụ rùa.”
Loại rùa Trung Bộ (Mauremys anammensis) là loài rùa đặc hữu quý hiếm sống tập trung ở những vùng ngập thuộc các tỉnh, thành phố như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên, nhưng do phần lớn môi trường sống mất đi hoặc bị chia cắt, tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất rừng sang đất nông nghiệp, phát triển đô thị đã làm cho môi trường sống bị thu hẹp dần.
Bên cạnh hai loài rùa trên, một số loài rùa khác của Việt Nam cũng đang trong tình trạng cực kỳ nguy cấp, gần như các loài trong danh mục trên là rùa Hộp trán vàng (bao gồm rùa Hộp trán vàng miền Bắc (Cuora galbinifrons), rùa Hộp trán vàng miền Trung (Cuora bourreti) và rùa Hộp trán vàng miền Nam (Cuora picturata).
Hiện nay nhiều người đang quan tâm và lo ngại cho tính mạng cụ Rùa ở hồ Hoàn Kiếm khi “cụ” đang phải sống với một lưỡi câu chùm mắc ở lưng cùng nhiều vết thương khác. Theo ông Tim McCormack, Giám đốc Chương trình bảo tồn rùa châu Á, nếu để tình trạng Rùa Hồ Gươm với lưỡi câu thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cụ rùa. Tuy nhiên, theo PGS.TS Hà Đình Đức, việc lưỡi câu dính trên mai cụ Rùa không ảnh hưởng đến tính mạng cụ.
Tiến sĩ Peter Paul van Dijk, cho hay: “Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ để bảo vệ môi trường sống của rùa và áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn trong việc ngăn chặn mua bán rùa làm vật nuôi và thức ăn thì chúng ta sẽ phải đứng trước một viễn cảnh thực thế là không còn nhìn thấy rùa vĩnh viễn”.
“Cụ” rùa Hồ Gươm dính lưỡi câu chùm
Thương tích đầy mình
Theo thông tin được cung cấp, cụ Rùa Hồ Gươm đang bị thương do những kẻ câu trộm cá tấn công bằng lưỡi câu chùm. Ảnh chụp ngày 1-8-2010 cho thấy rõ ràng có một vật hình dáng như lưỡi câu chùm cắm vào phần mai cụ.
Cũng theo thông tin chúng tôi nhận được, nhiều khả năng lưỡi câu này không phải mới, mà đã mắc ở cổ cụ ít nhất năm tháng ròng!
Trước đó, vào ngày 12-3-2010, trên một trang mạng xã hội đưa tin kèm video cảnh cụ rùa bị tấn công. Theo người đưa tin, hôm đó, cụ nổi bắt đầu từ mặt hồ khu vực Sở Điện lực Hà Nội, sau đó đi dọc theo mép hồ, xuôi về Bưu điện. Sau khoảng nửa tiếng, cụ đi qua hướng ngã tư Tràng Thi – Bà Triệu rồi hướng ra Tháp Rùa. Tại đây, cụ bị một thanh niên dùng lưỡi câu chùm tấn công.
Không biết lưỡi câu khi quăng đi có trúng cụ Rùa hay không, nhưng dây cước căng như dây đàn và đứt ngay sau đó. Đối tượng này sau đó đã bỏ chạy khi bị quay phim, chụp ảnh. Trong phần video được đăng tải, không rõ chi tiết cụ Rùa có bị tấn công không ngoài hình ảnh một thanh niên đang quấn đoạn dây cước đã bị đứt.
Theo PGS Hà Đình Đức, người được mệnh danh là nhà rùa học, sự việc cụ Rùa bị tấn công bởi những kẻ câu cá trộm đã diễn ra nhiều năm nay. Đây cũng không phải là lần đầu tiên cụ bị thương. Trên lưng và cổ cụ còn chi chít những vết thương khác do những kẻ vô ý thức gây ra. Lần giở lại tài liệu chép những lần trước đây cụ Rùa bị thương, PGS Đức cho biết.
“Ngày 1-1-1997, tôi gửi thư lên Thủ tướng Võ Văn Kiệt phản ánh về rùa bị thương và đề nghị cho kiểm tra lại những cọc đóng chung quanh chân Đảo Ngọc, cho nhổ bỏ hết những cọc lởm chởm trên hồ và triệt để cấm những kẻ câu cá trộm xung quanh hồ để rùa có thể bơi lội an toàn”.
Ngày 01- 4-1998, PGS Đức tiếp tục gửi thư lên Thủ tướng trình báo về rùa bị thương kèm theo hình ảnh do phóng viên Trần Mạnh Lân – Đài Truyền hình Việt Nam cung cấp ngày 23 – 4 năm đó. Hình ảnh cho thấy trên dọc cổ bên phải rùa bị sưng tấy, màu đỏ hồng trông như có vết cứa chéo có thể do các chướng ngại vật trong hồ, hoặc bọn câu trộm bằng lưỡi câu chùm gây nên.
Năm 2002, những hình ảnh cụ Rùa bị thương tiếp tục được cung cấp cho PGS Hà Đình Đức. Trên bức ảnh chụp vào ngày 25-11-2002, nhìn rõ vết sẹo to bên cổ cụ Rùa.
Hai bức ảnh khác chụp vào ngày 03-11-2005 và 08-11-2007, lại cho thấy lưng cụ chi chít vết thương. Trong các bức ảnh này, cụ đang nằm phơi nắng trên thảm cỏ bên chân Tháp Rùa. Phần mai trông rõ các vết lõm to (có thể là vết đập) và vết lõm nhỏ “có thể do lưỡi câu chùm” xé rách.
Xót xa thân phận “cụ” Rùa
Ngay sau khi được cung cấp những hình ảnh mới nhất về cụ Rùa bị dính lưỡi câu chùm trên mai, ngày 3-9-2010, chúng tôi tới gặp tổ bảo vệ an ninh trật tự Hồ Gươm. Một số nhân viên trong kíp trực cho hay chưa từng biết về việc này, cũng chưa chứng kiến cảnh cụ Rùa mắc câu bao giờ.
Cụ Rùa với lưỡi câu chùm trên lưng |
Được biết, tổ bảo vệ có 50 người, chia làm 3 kíp trực. Ngoài việc bảo vệ hồ Gươm, tổ bảo vệ còn kiêm trông coi, giữ gìn trật tự khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ.
Theo PGS Hà Đình Đức, nếu không có các biện pháp hữu hiệu ngay lập tức để bảo vệ cụ Rùa, e rằng Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung sẽ vĩnh viễn mất đi một biểu tượng tâm linh, văn hóa.
“Trước hết, phải lấy được lưỡi câu khỏi mai cụ Rùa. Làm việc này không đơn giản. Chỉ còn cách đợi cụ bò lên phơi nắng trên Tháp Rùa rồi tiếp cận cụ. Nhưng ngay cả khi đó, chưa chắc đã tới gần được cụ. Nếu không lấy được lưỡi câu ra thì cụ sẽ phải mang theo nó đến lúc vướng vào đâu đó lưỡi câu xé rách mảng da đó ra…” – PGS Đức lo ngại.
Nhà rùa học cũng bày tỏ sự xót xa cho thân phận cụ Rùa hàng chục năm qua đã phải chống chọi với sự vô ý thức của rất nhiều người. “Trước đây mỗi khi phát hiện cụ Rùa bị thương, tôi đều gửi thư ngay tới lãnh đạo thành phố để báo cáo sự việc và đề nghị có biện pháp giải quyết. Nhưng đợt này thành phố còn bận lo tổ chức Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, nên…”.
Cơ quan chức năng có biết sự việc này hay không và phản ứng như thế nào nhằm bảo vệ cụ Rùa thiêng? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Nếu lưỡi câu không ra thì cụ Rùa Hồ Gươm có thể chết
Thông tin cụ Rùa Hồ Gươm đang phải sống qua ngày với một lưỡi câu chùm mắc ở lưng cùng nhiều vết thương khác ngay trước thềm Đại lễ 1000 năm khiến người dân hết sức quan tâm. VTC News đã có cuộc phỏng vấn với ông Tim McCormack, Giám đốc Chương trình bảo tồn rùa châu Á để đánh giá mức độ “nguy hiểm” đối với cụ Rùa.
– Ông nhận xét gì khi nhìn cụ Rùa Hồ Gươm đang bị thương do lưỡi câu chùm? Đây là lần đầu tiên biết và nhìn thấy cụ Rùa bị dính lưỡi câu, nhưng tôi cũng không quá ngạc nhiên vì Trung tâm cũng có thời gian theo dõi về cụ khá nhiều. Tôi cũng biết rằng hoạt động câu cá diễn ra khá thường xuyên ở Hồ Gươm, việc cụ mắc lưỡi câu trở thành chuyện dễ hiểu.
Chúng tôi cũng từng thấy người dân sử dụng lưỡi câu chùm để bắt rùa tai đỏ làm cảnh, sau khi lớn lên, họ thả về hồ. Khi đó, nhiều người lại tiếp tục thả lưỡi câu để câu loài rùa này, dẫn đến khả năng cụ Rùa bị dính phải lưỡi câu là rất lớn, vì cụ có kích thước lớn hơn rất nhiều so với rùa tai đỏ. Dù tôi không ngạc nhiên về vấn đề này, nhưng đây đúng là lần đầu tiên nhìn thấy bức ảnh cụ Rùa dính lưỡi câu như thế.
– Tính mạng của cụ Rùa đang bị đe dọa nghiêm trọng?
Có thể kể ra rất nhiều mối hiểm họa cho cụ Rùa ở Hồ Gươm. Đầu tiên là có quá nhiều sinh vật và nhiều hoạt động xung quanh Hồ Gươm; vấn đề ô nhiễm môi trường, xả thải cũng là mối họa. Hiện tại UBND TP Hà Nội đang cố gắng cải thiện môi trường nước là giải pháp tốt, nhưng đến nay không thấy tiến hành nạo vét nữa.
Như đã nói ở trên, người dân sử dụng lưỡi câu để câu cá, nhưng chẳng may con cá đó to và nuốt cả lưỡi câu. Nếu lưỡi câu tồn tại trong bụng con cá đó, cụ Rùa mà ăn phải thì càng nguy hiểm hơn.
Bên cạnh đó, vấn đề vứt túi nilon, vật chất khó phân hủy xuống dưới hồ, khi cụ Rùa ăn vào cũng là điều đáng lo ngại. Chúng ta từng thấy có trường hợp khi rùa chết, người ta mổ ra và có thấy túi nilon trong bụng không phân hủy. Từ đó, nên xem xét bảo vệ rùa Hồ Gươm và khu vực sinh cảnh bên ngoài nữa, vì đây là một trong 4 cá thể còn sống sót trên thế giới.
– Theo ông điều cần thiết phải làm ngay lúc này là gì, trong tình trạng cụ Rùa bị thương?
Cụ Rùa thể hiện điều gì đó thiêng liêng, vì thế không phải ai cũng được đụng vào cụ. Ban đầu nên chụp thật nhiều ảnh và theo dõi. Tuy nhiên, nếu lưỡi câu đó không ra thì trường hợp xấu nhất là cụ sẽ chết. Vì thế, sẽ tính đến phương án phải “đụng” vào người cụ để lấy lưỡi câu. Nhưng cũng sẽ có nhiều rủi ro khi bắt cụ Rùa, thế nên làm được điều này cần sự ủng hộ của cơ quan chức năng rất cao; đồng thời có thể nhờ chuyên gia tư vấn quốc tế có nhiều kinh nghiệm về cá thể rùa mai mềm có kích cỡ tương đương rùa Hoàn Kiếm.
Tôi nghĩ nếu ở hồ ngoài chắc cụ bị bắt lâu rồi. Còn hồ Hoàn Kiếm thì không ai dám bắt vì cụ biểu tượng cho sự bí mật, thiêng liêng.
– Vậy ở Việt Nam, nên thực hiện biện pháp bảo vệ cụ Rùa như thế nào?
Nếu như ở hồ Hoàn Kiếm có đội bảo vệ là rất tốt. Quan trọng là việc thực thi pháp luật, quy định bảo vệ cụ Rùa, đề ra chế tài biện pháp nào đó như bắt gặp người dân đánh bắt hoặc câu cá trái phép sẽ phạt số tiền nhất định sẽ giảm hiện tượng ảnh hưởng không tốt đến cụ Rùa hồ Gươm.
Nếu đội bảo vệ, người thi hành không thực hiện đúng chức trách, như từng thấy nhiều về vấn đề bảo tồn ở các vườn quốc gia của Việt Nam, thì có thể tiến hành sa thải để thành viên khác tốt hơn, cũng là biện pháp bảo vệ cụ Rùa.
– Điều đó có nghĩa công tác bảo tồn động vật quý hiếm nói chung và cụ Rùa nói riêng còn chưa hợp lý?
Ở Việt Nam có quy định về bảo vệ chung cho loài rùa, sách đỏ Việt Nam có tới 16 loài, Nghị định 32 quy định về 7 loài, nhưng việc thực thi lại không tốt. Nếu không thực thi theo pháp luật thì tất cả viết ra chỉ nằm trên giấy tờ.
Không những vậy, cần thay đổi thái độ và nhận thức của một số người. Người ta chưa nhìn thấy giá trị mỹ thuật, thiêng liêng, tự nhiên mà chỉ nghĩ đến giá trị kinh tế, cố gắng làm sao để bắt và buôn bán mang lợi cho cá nhân.
Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, có thể đề xuất giải pháp, tạo cuộc thi để mọi người đưa ra ý tưởng đề xuất bảo vệ cụ Rùa, từ đó có nhiều biện pháp bảo vệ cụ Rùa hơn. Đến khi kỷ niệm 2000 năm Thăng Long – Hà Nội thì hay xem mọi người nói gì về lễ 1000 năm này, làm được gì để bảo vệ giá trị lịch sử này. Trong lịch sử, Rùa có kích thước lớn, sống trong sông ao hồ phổ biến nên dễ làm thịt. Do đó cần có biện pháp ngay từ bây giờ nếu chưa quá muộn. Rùa Hoàn Kiếm đang bên bờ tuyệt chủng, cần tiến hành bảo vệ nếu không sẽ biến mất trong tương lai gần.
KAVITI [Nguồn Tổng Hợp]