Cũng giống như các nền văn chương của các quốc gia khác, Văn Chương Nga gồm nhiều tác phẩm rất giá trị. Các nhà văn người Nga đã dùng tất cả các thể loại để diễn tả nhưng hai bộ môn chính nổi tiếng nhất là tiểu thuyết và thơ phú. Đặc điểm của các nhà văn này là thể văn, nội dung của tác phẩm và cách phân tích tâm lý nhân vật rất sâu sắc. Các nhà văn Nga đã bận tâm về các vấn đề xã hội, tôn giáo, triết học và luân lý.
Nền Văn Chương Nga chịu ảnh hưởng lớn của các biến cố lịch sử. Vào khoảng cuối thế kỷ thứ 10, đạo Thiên Chúa đã được truyền sang đất Nga và các tác phẩm văn học đều mang dấu vết tôn giáo. Tới khi quân Mông Cổ tràn vào chinh phục đất Nga thì nền Văn Chương Nga trong thế kỷ 13 tới 15 đã chứa đựng các đề tài về Rợ Thát Đát (Tartar). Nước Nga bị cô lập với thế giới Tây Phương trong hơn 200 năm, cho tới cuối thế kỷ 17 các bản dịch nhiều tác phẩm của Tây Phương mới bắt đầu xuất hiện trên đất Nga rồi từ cuối thế kỷ 18, bắt đầu phổ biến các hình thức văn chương phản kháng các tham nhũng chính trị, suy đồi đạo đức, chống đối Sa Hoàng và chế độ nông nô.
Trong thế kỷ 19, nền Văn Chương Nga, kể cả thơ và kịch, đã phát triển rực rỡ và nền văn học này bước vào giai đoạn hiện thực (realism) vào giữa thế kỷ. Tới đầu thập niên 1890, các nhà văn Nga chịu ảnh hưởng của các đường lối nghệ thuật và thơ phú của nước Pháp và các tư tưởng của nhà triết học người Đức Friedrich Nietzsche. Họ đã dùng các tư tưởng du nhập phối hợp với nền triết học tôn giáo địa phương để viết ra các tác phẩm mang các nét vẻ đặc thù với sự xuất hiện của các nhà thơ lớn của nước Nga và giai đoạn sáng tác này đã chấm dứt khi xẩy ra Cuộc Cách Mạng Tháng 10.
Vào giai đoạn từ 1890 tới 1920, tinh thần cách mạng đã lan tràn trên toàn đất Nga. Văn Chương Nga được canh tân và mang nhiều sinh động và đây là Thời Kỳ Bạc (the Silver Age). Đời sống hàng ngày và các vấn đề xã hội đã được các nhà văn biểu tượng (symbolists) thể hiện qua các tác phẩm thơ phú và tiểu thuyết, đặc biệt là các tác giả như Tyutchev, Lermontov, Dostoevsky. Nhà thơ biểu tượng như Alexander Blok đã diễn tả các lý tưởng tôn giáo trong các tác phẩm thơ phú đầu tiên rồi về sau lại mô tả các xấu xa của thế giới. Tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà thơ Blok là cuốn Mười Hai (the Twelve, 1918) đã ca ngợi cuộc Cách Mạng Bolshevik năm 1917 là cách thanh lọc tinh thần của nước Nga.
Bely cũng là một nhà thơ nổi tiếng và nhà viết tiểu thuyết xuất sắc. Trong tác phẩm St. Peterburg (1913), thủ đô của nước Nga đã được mô tả là nơi mà các nền triết học Đông và Tây đã gặp nhau và xung đột nhau dữ dội. Leonid Andreyev là người viết nhiều truyện ngắn giật gân với các đề tài như sự điên khùng, tính dục hay sự khủng bố, ông đã phối hợp các yếu tố của biểu tượng và hiện thực trong các sáng tác và hai tác phẩm của ông là truyện ngắn Nụ Cười Đỏ (the Red Laugh, 1904) và vở kịch Người bị đánh (He who gets slapped, 1915).
Vào đầu thế kỷ 20, còn có một nhà văn danh tiếng là Ivan Bunin với các tác phẩm có đề tài là tình yêu và cõi chết, và các văn phẩm của ông giống như của trường phái biểu tượng (symbolism). Một trong các tác phẩm của Bunin là Kẻ sang trọng từ San Francisco (the Gentleman from San Francisco, 1915), đề cập tới một nhà triệu phú người Mỹ, đã làm việc quá cực nhọc và về sau không được hưởng thụ cuộc đời.
Tới khoảng năm 1910 tại nước Nga, đã xuất hiện trường phái văn học hậu biểu tượng (Post-symbolism). Các nhà văn này đã dùng các hình ảnh rõ ràng của xã hội, dùng tới một thứ ngôn ngữ cụ thể hơn để diễn tả và họ đã phản kháng các tác phẩm mơ hồ, mang tính triết học của trường phái biểu tượng. Các nhà văn hàng đầu của trường phái mới này là Nikolai Gumilev, Osip Mandelshtam và Anna Akhmatova. Trong các nhà văn hậu biểu tượng, lại có một nhóm cấp tiến khác được gọi là nhóm Tương Lai (the futurists) với đường lối thể hiện khác trước, và đại biểu của nhóm này là nhà văn Vladimir Mayakovsky, với đặc điểm ngôn ngữ mạnh và hình ảnh mô tả khác thường.
Về bộ môn thơ, có Boris Pasternak là một nhà thơ lớn mô tả đời sống và thiên nhiên. Các âm thanh và từ vựng của ngôn ngữ Nga được một nhà thơ khác thử nghiệm, đó là Marina Tsvetaeva.
Tháng 11 năm 1917, đảng Cộng Sản Bolshevik lên nắm chính quyền và đã kiểm soát mọi hoạt động văn hóa, nối tiếp chính sách kiểm duyệt chặt chẽ các tác phẩm văn chương của chế độ Sa Hoàng khi trước và vì vậy, kể từ năm 1917 mọi nhật báo, tạp chí và văn hóa phẩm tại nước Nga đã trở nên các dụng cụ chính trị của đảng Cộng Sản. Nhà Nước đã kiểm tra chặt chẽ việc ấn loát, nhiều nhà in bị đóng cửa, số lượng sách báo giảm hẳn đi đồng thời chính quyền Cộng Sản đã khuyến khích các nhà văn, nhà thơ phải làm phát triển một thứ văn chương của giai cấp vô sản, và các tác phẩm văn học phải phục vụ quyền lợi của giới công nhân và nông dân. Sự kiểm duyệt và chỉ đạo của chính quyền Cộng Sản đã bóp nghẹt các sáng tác văn học khiến cho trong giai đoạn 1917-20, đã không có nhiều tác phẩm được viết ra. Tới thập niên 1920, chính quyền Cộng Sản đã nới lỏng một đôi phần tự do, các phê bình văn học được cho phép nhờ đó đã xuất hiện một số nhà thơ, nhà văn mới. Isaak Babel với tác phẩm Kỵ Binh Đỏ (Red Cavalry, 1926) mô tả các hoàn cảnh khủng khiếp của chiến tranh. Leonid Leonov nói về các hệ quả tâm lý của cuộc Cách Mạng đối với người dân Nga bằng hai cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất là Người bán rong (the Badger, 1924) và Kẻ Cắp (The Thief, 1927). Alexei N. Tolstoy viết hai tác phẩm Chị Em (the Sister, 1921) và Buổi sáng lạnh lẽo (Bleak Morning, 1941). Các tiểu thuyết vào giai đoạn này mô tả đời sống trung lưu của người dân Nga trong thời gian từ 1914 tới 1920.
Cuối thập niên 1920 là thời kỳ đàn áp của chế độ cộng sản, mọi nông dân bị dồn vào các nông trường tập thể. Công cuộc cải tạo ruộng đất này đã làm thiệt hại 10 triệu mạng sống trong số đó một nửa bị chết đói. Các nhà văn không được nhà nước Liên Xô chấp nhận cũng bị thanh trừng, như Kharms, Pilnyak, Mandelshtam, nhà thơ nông dân Nikolaye Klyuyev. Rồi từ năm 1928, bắt đầu chương trình kinh tế 5 năm tại Liên Bang Xô Viết với chủ trương xây dựng nền kỹ nghệ. Các nhà văn Nga được yêu cầu viết về các vấn đề kinh tế, mô tả các nông trường tập thể, các công tác xây dựng nhà máy vì vậy chất lượng văn chương của giai đoạn này rất kém ngoại trừ một vài tác phẩm như cuốn Thời gian, hãy tiến về phía trước (Time, Forward!, 1932) của Valentin Kataev.
Qua đầu thập niên 1930, chính quyền Stalin đã ra lệnh cấm hẳn mọi hoạt động văn học tư nhân và thiết lập nên Hội Nhà Văn Xô Viết (the Union of Soviet Writers). Hội này là một công cụ của chính quyền Cộng Sản, có chủ đích kiểm soát và chỉ đạo tất cả các nhà văn chuyên nghiệp vào việc mô tả cách xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa. Các nhà văn được lệnh phải viết ra các tác phẩm lạc quan, phải có tính đảng, có tính đấu tranh giai cấp, dễ hiểu và có thể văn tương tự như thể văn của Tolstoy hay Gorky. Các tài liệu văn học nào không đi đúng đường lối của đảng Cộng Sản đều bị kiểm duyệt và các nhà văn khó bảo bị loại ra khỏi Hội Nhà Văn, bị cầm tù và cuộc đời văn nghệ của họ coi như bị chấm dứt.
Vào giai đoạn chuyên chính này, tác phẩm văn học khá phổ biến và tượng trưng cho công cuộc đấu tranh là cuốn tự thuật giả tưởng (fictionalized autobiography) có tên là Thép đã tôi thế đấy (How the Steel Was Tempered, 1932-34) của Nikolay Ostrovsky. Aleksey Tolstoy là một trong các nhà văn được Stalin ưa chuộng nhất, đã khen ngợi các Sa Hoàng dùng bạo quyền tức là những người Nga được Stalin ngưỡng mộ, trong cuốn tiểu thuyết dang dở Đại Đế Peter (Peter the Great, 1929-45) và trong vở kịch Ivan khủng khiếp (Ivan the Terrible, 1941-43). Đồng thời Gorky và 34 nhà văn khác, như Katayev, Shklovsky, Aleksey Tolstoy và Zoshchenko, đã ca tụng các công trường lập nên do các người tù cải tạo mà thực ra, mỗi công trường, nông trường đã dùng tới xương máu của hàng chục ngàn sinh mạng. Trong các năm đen tối này, tiểu thuyết được coi là giá trị nhất là cuốn Bậc Thầy và Margarita (The Master and Margarita) của Mikhail Bulgakov, viết ra để cất kín trong các năm 1928-40 và chỉ được phép xuất hiện vào năm 1973.
Tác phẩm văn chương nổi danh nhất của giai đoạn Stalin là cuốn tiểu thuyết Giòng Sông Don êm đềm (The Quiet Don, 1928-40) của Mikhail A. Sholokhov, mô tả về cuộc Cách Mạng và nội chiến, về câu chuyện của một người Cossack trẻ có hạnh phúc bị tàn phá bởi thảm cảnh chiến tranh. Sholokhov nhận Giải Thưởng Nobel về Văn Học năm 1965.
Trong thời gian chiến tranh với Đức Quốc Xã từ 1941 tới 1945, chính quyền Cộng Sản đã cho các nhà văn đôi phần tự do trong việc sáng tác bởi vì họ quan tâm tới việc kháng chiến chống Đức hơn là xây dựng xã hội chủ nghĩa. Các tác phẩm quan trọng trong giai đoạn này thường mô tả những đau khổ và cõi chết. Konstantin Simonov viết cuốn Ngày và Đêm (Days and Nights, 1943-44), nói tới cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc.
Sau khi Thế Chiến II chấm dứt, chính quyền Cộng Sản lại xiết chặt việc kiểm duyệt. Một số tiểu thuyết gia bị khai trừ khỏi Hội Nhà Văn như Anna Akhmatova và Mikhail Zoshchenko, môt nhà châm biếm xuất sắc.
Năm 1953, Stalin qua đời, bắt đầu một thời kỳ dễ thở trong đời sống Xô Viết và trong nền văn học. Sự thay đổi này được đánh dấu bằng cuốn tiểu thuyết ngắn Tan Băng (The Thaw) xuất bản năm 1954 của nhà văn Ilya Ehrenburg. Trái với chỉ đạo của chính quyền Cộng Sản là phải mô tả đời sống Xã Hội Chủ Nghĩa tràn đầy hạnh phúc và lạc quan yêu đời, Ehrenburg đã trình bày những cô đơn, những thất vọng… Sau đó bạo quyền của Stalin lại được Văn Hào Alexander Solzhenitsyn phơi bày qua cuốn Một Ngày trong Đời của Ivan Denisovich (One Day in the Live of Ivan Denisovich) và cuốn tiểu thuyết này mô tả các trại tù lao động Xô Viết. Tới năm 1956, Nikita Khrushchev đọc một bài diễn văn tố cáo các tội ác to lớn của Stalin và từ nay, các nhà văn Cộng Sản chính thống bị người dân Nga coi như lỗi thời và các nhà văn bất đồng chính kiến được coi là những người cấp tiến.
Trong thập niên 1960, đã có một số nhà văn trẻ, cấp tiến hơn, cổ động cho tự do và tính sáng tạo trong đời sống văn nghệ, chẳng hạn như hai nhà thơ trẻ Yevgeny Yevtushenko và Andrey Voznesensky. Các khuyết điểm trong cuộc sống Xô Viết còn được Vasily Aksyonov đề cập, còn Vasily Shukshin trình bày các cực khổ của lối sống nông thôn và cảnh nghèo khó của các nông dân trong các nông trường tập thể.
Chế độ kiểm duyệt văn hóa gắt gao của chính quyền Cộng Sản đã khiến cho nhiều tác phẩm văn học không được xuất bản trong xứ, một số nhà văn đã lén lút đưa bản thảo ra nước ngoài. Năm 1957, cuốn tiểu thuyết Bác Sĩ Zhivago của Boris Pasternak xuất hiện bên nước Ý rồi năm sau, được phổ biến tại các quốc gia Tây Âu và Hoa Kỳ. Ông Pasternak được trao Giải Thưởng Nobel về Văn Học năm 1958, nhưng ông đã từ chối nhận giải vì áp lực của chính quyền Cộng Sản.
Vào năm 1964, Leonid Brezhnev đã thay thế Nikita Khrushchev làm Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Liên Xô, nên kể từ nay, các nhà văn tự do lại bị bắt bớ, xét xử và cầm tù. Yuly Daniel, với bút hiệu là Nikolay Arzhak, đã bị bắt giam vì phổ biến các tài liệu tuyên truyền chống Xô Viết tại ngoại quốc. Tuy thế, các tác phẩm văn học Nga vẫn được đưa lén và phổ biến bên ngoài Liên Xô. Cuốn truyện Cuộc xét xử bắt đầu (the Trial Begins) của Andrey Sinyarsky, với bút hiệu Abram Tertz, mô tả các khủng bố tại một quốc gia sống dưới chế độ công an trị. Sinyarsky bị bắt giam năm 1966 và bị đưa đi cải tạo tới năm 1971 rồi sau đó được chính quyền Cộng Sản cho phép di cư qua Pháp vào năm 1973, mở đầu làn sóng thứ ba của các nhà văn Nga tị nạn với các nhân vật như Solzhenitsyn, Brodsky, Vasily Aksyonov, Georgy Vladimov, Vladimir Voynovich và Alexandr Zinovyev.
Tại phương tây vào năm 1968 đã xuất hiện tác phẩm Tầng Địa Ngục Thứ Nhất (the First Circle) của Alexander Solzhenitsyn. Cuốn tiểu thuyết này mô tả đời sống của các tù nhân chính trị trong thời đại Stalin. Văn Hào Solzhenitsyn được trao Giải Thưởng Nobel 1970 về Văn Học nhưng rồi bị trục xuất khỏi Liên Xô vào năm 1974.
Trong các năm từ 1970 tới 1980, các hạn chế văn học đã làm khó khăn thêm việc sáng tác và xuất bản tại Liên Xô nhưng vẫn có một số nhà văn chỉ trích Xã Hội Chủ Nghĩa bằng cách mô tả những kiểu sống ích kỷ và đạo đức giả mà họ là nhân chứng. Các suy đồi luân lý và sụt giảm tiêu chuẩn tại các vùng nông thôn đã được Valentin Rasputin trình bày, còn Vladimir Voinovich châm biếm đời sống Xô Viết trong tác phẩm Đời sống và các cuộc phiêu lưu lạ lùng của anh binh nhì Ivan Chonkin (the Life and Extraordinary Adventures of Private Ivan Chonkin, 1975). Yuri Trifonov đề cập tới các nan giải đạo đức của giới trí thức Xô Viết qua tác phẩm Một Đời Khác (Another Life, 1975) và Ông Già (Old Man, 1978).
Giữa thập niên 1980, nhà lãnh đạo Mikhail Gorbachev đã đưa ra chính sách Cởi Mở (glasnost) nhờ đó các tin tức và tư tưởng được nới lỏng và vì vậy, các tác phẩm của Pasternak và của Akhmatova lần đầu tiên xuất hiện tại Liên Xô.
Vào thời đại Gorbachev, người dân nước Nga được tiếp xúc với các tác phẩm của các nhà văn bị cấm đoán trước kia như Solzhenitsyn, Mandelshtam và Tsvetaeva. Các tác phẩm mang tư tưởng tôn giáo cũng được phổ biến như của Vasily Rozanov và Nicolas Berdyaev. Các nữ văn sĩ có tài cũng xuất hiện, chẳng hạn như Aleksandra Tolstaya và Liudmila Petrushevskaia. Cuốn tiểu thuyết ngắn với tên dịch là Moscow tới cuối đường hầm (Moscow to the End of the Line, 1969) của Venedikt Erofeev được tầng lớp dân chúng mới ưa chuộng. Hình ảnh về thiên đường sụp đổ qua các tệ nạn như nghiện rượu, ma túy, tham nhũng, băng đảng… cũng được mô tả trong các tác phẩm văn học cho đến khi Liên Xô tan rã vào năm 1991.
Phạm Văn Tuấn
Get ink, shed tears
Write of it, sob your heart out, sing,
While torrential slush that roars
Burns in the blackness of the spring.
Go hire a buggy. For six grivnas,
Race through the noice of bells and wheels
To where the ink and all you grieving
Are muffled when the rainshower falls.
To where, like pears burnt black as charcoal,
A myriad rooks, plucked from the trees,
Fall down into the puddles, hurl
Dry sadness deep into the eyes.
Below, the wet black earth shows through,
With sudden cries the wind is pitted,
The more haphazard, the more true
The poetry that sobs its heart out.
Boris Pasternak. 1912
Translated by Alex Miller
One Comment
Nguyễn Ngọc Bích
Cám ơn tác-giả Phạm Văn Tuấn đã cho ta một bài viết khá gọn và tương-đồi đầy đủ về một cái nhìn tổng-quan vào văn-học Nga. Mặc dầu tác-giả đã viết rất kỹ các tên Nga, hình như vẫn còn một vài lỗi chính-tả dễ chữa thôi: như Daniel Sinyavski (“v” chứ không phải “r” như trong bài, viết thành Sinyarski 2 chỗ) hay Zinoviev (một “v” ở giữa thôi).
Và có lẽ ta cũng nên cập-nhật-hoá để được biết là Quần-đảo Ngục-tù (“The Gulag Archipelago”) của Solzhenitsyn, một tác-giả lưu vong (một thời-gian), giờ đây đã được in ra “đại-trà” để đưa vào chương-trình trung-học ở Nga (quyết-định của Putin). Điều này chứng tỏ là văn-học hải-ngoại của người Việt sẽ có ngày được xem là một thành-phần bất khả phân ly của văn-học VN.