Em không nghe rừng thu
Lá thu rơi xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô…
Mấy vần thơ trên đây của Lưu Trọng Lư đã tạo ước mơ cho tôi suốt mấy năm ở bậc trung học trong thành phố Sài-Gòn nóng bức về một mùa thu êm đềm chỉ có trong trí tưởng tượng cho đến ngày tôi vượt biên tị nạn và định cư tại Virginia, nơi tôi được ngắm rừng phong đổi màu vào mùa thu và trông thấy mấy con nai “đạp trên lá vàng khô”.
Nhưng khi được trông thấy nai trong thiên nhiên thì nó không còn nên thơ và tạo cảm hứng nữa mà đã trở thành “vấn đề” của nhiều người, và cả của chính quyền địa phương. Nai ở Virginia sinh sản quá nhiều vá quá nhanh sau những năm hạn chế săn bắn. Hậu quả nặng nhất là nai đã gây ra nhiều tai nạn lưu thông khi chúng bất ngờ băng ngang đường trong đêm tối, và cả giữa ban ngày. Theo báo cáo của Bộ Giao Thông Virginia, mỗi năm có khoảng hai ngàn xác nai bị xe đụng chết nằm rải rác trên các con đường trong tiểu bang. Có khi nai không chết mà người lái xe chết hay bị thương vì cố tránh chúng khiến xe bị lạc tay lái đâm vào gốc cây hay lật xuống hố.
Nai cũng có thể truyền bệnh cho người hay cho gia súc qua những con ve, và phá hại cây trái trong vườn khi chúng tới viếng nhà để tìm thức ăn. Riêng Quận hạt Fairfax, nơi tôi cư ngụ, chính quyền ước tính số lượng nai (hơn 25 ngàn con) năm lần cao hơn số lượng mà khả năng của môi sinh có thể cung ứng để nuôi chúng. Và chính quyền có lúc đã phải quyết định thuê thiện xạ bắn bớt nai trong vùng, dù bị những người yêu nai phản đối.
Đây là những người chưa trở thành nạn nhân của nai, chưa bị nai húc vào xe, hay không có nhà ở những khu nai có thể tới viếng. Với họ, nai rất hiền và dễ thương, chúng làm đẹp cho thiên nhiên, tô điểm cho mùa thu và tạo cảm hứng cho các nhà thơ. Chúng chỉ ăn lá cây, trái dâu và uống nước suối, đâu có ăn thịt người hay làm hại ai.
Một phần nào đó tôi cũng nghĩ như vậy, cho đến một buổi tối gần đây, trở về nhà sau khi dự một tiệc cưới, trông thấy mấy con nai đang thản nhiên ăn cỏ trong vườn nhà mình dưới ánh trăng. Đúng là một cảnh trong mơ của Thi sĩ Lưu Trọng Lư. Tôi lặng người đứng nhìn chúng trong giây lát, nhưng khi chúng bắt đầu tiến tới gần những cây trái trong vườn, tôi liền xua tay đuổi, chúng chỉ nghểnh cổ quay nhìn như thách thức. Tối hôm ấy tôi đã thức quá nửa đêm để canh giữ bầy nai đừng phá nát khu vườn mà tôi đã nhiều công vun trồng.
Sáng hôm sau, tôi gọi điện thoại cho một người bạn làm trong chính quyền để hỏi xem nếu đêm nay đàn nai trở lại tôi có quyền bắn chúng không vì tôi có một cây shotgun trong nhà. Bạn tôi trả lời:
– No sir, nếu anh không muốn lôi thôi với pháp luật. Muốn bắn nai anh phải có giấy phép săn bắn, mà bây giờ chưa phải mùa săn và cũng không phải muốn bắn ở đâu thì bắn.
Tôi nói:
– Tức thật. Ngày xưa, vào những năm đầu thập niên 1960 vùng Lâm Đồng trên cao nguyên còn yên, thỉnh thoảng tôi cùng vài người bạn có đồn điền trên đó vác súng đi săn, đội đèn, lội rừng suốt đêm may ra hạ được một con, bây giờ chúng nhởn nhơ ngay trong vườn nhà mình mà không được bắn!
Bạn tôi cười:
– Thế đấy. Thì cũng như tụi tôi hồi đó đi hành quân cực khổ với súng đạn do đồng minh cung cấp để “lùng và diệt” Việt Cộng, chỉ mong gặp chúng để bắn hạ và được thưởng huy chương. Bây giờ chúng nó ngờ ngờ ở đây nhưng nếu đụng vào chúng là vô tù, dù chỉ là “tạt rượu” hay “xịt hơi cay”.
Câu nói bất ngờ của người bạn tức thì làm tôi nghĩ đến bao nhiêu điều phi lý mà mình cố quên đi, nhưng cứ lâu lâu lại có chuyện bắt phải nghĩ tới. Như theo hãng tin Associated Press, ngày 29.9 vừa qua đã có một cuộc hội thảo đặc biệt tại Bộ Ngoại Giao Mỹ để rút tiả những bài học ngày xưa hầu có thế dùng cho tình hình Việt Nam và Đông Nam Á ngày nay mà một lần nữa nước Mỹ lại đang can dự vào và cũng đang lúng túng. Cuộc họp này có mặt bà Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton mà khi còn là một sinh viên đã đứng trong phe “phản chiến” chống lại việc Mỹ can thiệp vào Việt Nam, và Henry Kissinger, kẻ đã lèo lái chính sách của Mỹ đối với Việt Nam trong những năm cuối cùng của cuộc chiến. Trong cuộc họp này, Kissinger đã thú nhận “hầu hết những sai hỏng tại Việt Nam là đã do tự chúng ta làm ra” (I believe that most of what went wrong in Vietnam we did to ourselves).
Câu nói ấy có vẻ hơi thừa vì từ nhiều năm nay mọi người đã biết vai trò của người Mỹ trong cuộc chiến tại Việt Nam khi những tài liệu mật cứ dần dần được phơi ra ánh sáng, trong đó có cuộc đảo chính năm 1963 với cái chết thương tâm của Tổng thống Ngô Đình Diệm và người em Ngô Đình Nhu.
Biến cố ấy vẫn còn là nguyên nhân gây chia rẽ giữa nhiều người Việt miền Nam sau gần nửa thế kỷ và đã cùng nhau đi tị nạn ở hải ngoại. Gần đến ngày 1 tháng 11 và ngày giỗ Ông Ngô Đình Diệm, cuộc tranh cãi và mạt sát nhau giữa hai phe lại đang được khơi dậy với một vài sự kiện mới. Một bên coi Ông Ngô Đình Diệm như một người lãnh đạo quốc gia anh minh, đức độ, đã chết thảm vì một đám “tướng tá côn đồ”, tuân lệnh CIA phản chủ, tham nhũng và bất tài, mở đường cho cộng sản đánh chiếm miền Nam Việt Nam. Bên kia lên án anh em Ông Diệm độc tài, gia đình trị, kỳ thị tôn giáo, do người Mỹ đưa lên và đã làm mất cơ hội xây dựng một miền Nam vững mạnh để chống lại cuộc xâm lăng của Cộng sản Bắc Việt, và cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963 là hậu quả tất nhiên khi tình hình chính trị miền Nam đã đi đến chỗ hỗn loạn cực độ.
Trong khi người Việt Nam tiếp tục tranh cãi và đổ tội cho nhau, phiá người Mỹ đã nhận lỗi rất sớm và có lẽ câu nói của Kissinger ngày 29.9 vừa qua là lời thú tội sau cùng. Trong lúc trợ giúp quân dân miền Nam Việt Nam chiến đấu chống lại cộng sản là chính nghiã, là hành động hào hiệp truyền thống của dân tộc Hoa Kỳ, các chính quyền Mỹ nối tiếp nhau đã làm nhiều quyết định sai lầm. Và, quyết định sai lầm trầm trọng đầu tiên có lẽ là cuộc đảo chính ngày 1.11.1963, xoá bỏ nền Đệ Nhất Cộng Hoà tại miền Nam Việt Nam, mà người chịu trách nhiệm trước tiên chính là Tổng thống John F. Kennedy. Điều này đã được xác nhận trong những cuốn băng ghi âm tại Toà Bạch Ốc được biết cách đây 12 năm (công bố ngày 24.11.1998).
Trong cuốn băng đề ngày 4.11.1963 (hai ngày sau khi Ông Diệm bị hạ sát) ghi âm tại Văn phòng Bầu Dục Toà Bạch Ốc, người ta nghe tiếng Ông Kennedy: “Tôi bị sốc vì cái chết của Ngô Đình Diệm. Ông ta là một nhân vật phi thường, trong lúc những khó khăn gia tăng vào mấy tháng sau cùng… Tôi cảm thấy chúng ta phải chịu trách nhiệm lớn về vụ này. Tôi cho rằng bức điện ấy đã được thảo ra một cách tệ hại, đáng lẽ không bao giờ nên gửi đi vào một ngày Thứ Bảy. Tôi không bao giờ nên chấp thuận mà không có một cuộc thảo luận bàn tròn.”
Bức điện ấy do Roger Hillsman, Cố vấn tại Toà Bạch Ốc, thảo ra và gửi cho Đại sứ Cabot Lodge tại Sài-Gòn ngày Thứ Bảy 24.8.1963, với nội dung như sau:
“Ông cũng có thể nói cho các tư lệnh quân đội liên hệ biết rằng chúng ta sẽ cung cấp cho họ sự hỗ trợ trực tiếp trong mọi giai đoạn tạm thời bộ máy chính quyền trung ương bị tê liệt” (You may also tell appropriate military commanders we will give them direct support in any interim period of breakdown central government mechanism). Đây là một cam kết đã “bật đèn xanh” cho cuộc đảo chính diễn ra hơn hai tháng sau.
Khi hay tin anh em Ông Diệm bị giết, Bà Marguerite Higgins, một nhà báo lương thiện hiếm hoi trong chiến tranh Việt Nam, đã gọi điện thoại cho Roger Hillsman: “Xin chúc mừng, Roger. Ông cảm thấy thế nào khi bàn tay mình vâý máu?”
Hillsman: “Ồ, thôi mà, Maggie. Cách mạng là tàn bạo mà. Ngưòi ta phải chịu khổ đau.”
Tổng thống Kennedy có lẽ là một trong những người đã chịu khổ đau. Theo Tướng Maxwell Taylor, khi được tin Ông Diệm chết, mặt Kennedy đổi thành “xám ngoét” (ashen), và tỏ ra lo sợ về hậu quả của vụ đảo chính và cái chết của Ông Diệm.
Định mệnh khắc nghiệt đã không cho Ông Kennedy sống lâu để nhìn thấy những hậu quả của biến cố do ông chủ động. Chỉ ba tuần sau, Tổng thống Kennedy đã bị bắn chết trên đường phố Dallas an bình vào một buổi sáng đẹp trời giữa hàng trăm người bảo vệ. Một bi kịch khác mà những đầu óc dị đoan nghĩ rằng có sự liên hệ giữa hai cái chết của hai vị tổng thống ở cách xa nhau nửa vòng trái đất, và hai cái chết ấy vẫn còn ám ảnh nhiều người cho đến ngày nay.
Tổng thống Diệm chết, Tổng thống Kennedy chết, chiến tranh Việt Nam leo thang. Các chính quyền Hoa Kỳ nối tiếp đã làm nhiều lỗi lầm khác, để cuối cùng đưa đến cuộc rút chạy năm 1975, khiến sự hy sinh của 58,000 quân nhân Mỹ và hàng triệu quân dân miền Nam VN trở thành vô ích.
Ngày nay, bãi bể đã thành nương dâu. Thù đã thành bạn, và Hoa Kỳ lại đang một lần nữa muốn dùng Việt Nam để làm đê ngăn chặn làn sóng đỏ từ Trung Hoa tràn xuống Đông Nam Á. Với chính sách đôi bên cùng có lợi, chính quyền Hoa Kỳ hiện nay đang nhắm mắt làm ngơ trước tất cả những tội ác của Cộng sản Việt Nam để lấy lòng những kẻ cầm quyền ở Hà-Nội.
Phải chăng chính quyền Mỹ lại đang phạm những sai lầm khác tại Việt Nam. Họ đang giúp kéo dài một chế độ độc tài cổ lỗ đã hoàn toàn ung thối, thay vì giúp nhân dân Việt Nam trong cuộc tranh đấu dành lại tự do – lý tưởng cao đẹp mà nước Mỹ đã nhân danh trước đây để đưa hàng triệu quân vào Việt Nam tham chiến.
Trong ba tuần nữa, ngày 2 tháng 11, đúng ngày giỗ Ông Ngô Đình Diệm, dân Mỹ – trong đó có một số công dân gốc Việt – sẽ tới phòng phiếu để bầu lại Quốc Hội và một số thống đốc các tiểu bang. Nhiều người tiên đoán sẽ có những thay đổi lớn trong chính trường nước Mỹ, nhưng chắc sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chính sách đối với Việt Nam, vì chính trị, dưới vòm trời này, bao giờ cũng là… chính trị – như cố Tổng thống Reagan có lần đã khôi hài: “Chính trị được xem như nghề lâu đời thứ hai (trên trái đất). Tôi đã nhận ra nó có sự tương đồng rất gần với cái nghề lâu đời nhất” (Politics is supposed the second oldest profession. I have come to realize that it bears a very close resemblance to the first). Còn cái nghề lâu đời nhất thì đã được Nguyễn Du tả trong mấy câu thơ tuyệt tác mà Tú Bà dạy nàng Kiều:
“Này con học lấy làm lòng,
Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề.
Chơi cho liễu chán, hoa chê,
Cho lăn lóc đá cho mê mẩn đời.”
Vì vậy Henry Kissinger, chính trị gia kiệt xuất, không bao giờ biết xấu hổ, đã hãnh diện chia một nửa cái “Giải Nobel Hoà Bình” năm 1973 với Lê Đức Thọ, “đối tác” của ông ta tại “Hoà đàm” Paris mà trong cuộc họp ngày 29.9 vừa qua ông ta coi như đáng bậc thầy của mình.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tọa lạc tại nơi được gọi là “Foggy Bottom” (Đáy Sương mù, một cái tên tiền định), rất gần với “Bức Tường Đá Đen” ghi khắc tên 58,000 quân nhân Mỹ đã hy sinh tại Việt Nam, nằm ở bên kia Đại lộ Constitution, thủ đô Washington. Nếu linh hồn những người này có thể tới tham dự cuộc họp tại Bộ Ngoại giao ngày 29.9 vừa qua, họ sẽ nói gì? Và những chính trị gia tại đây có bao giờ nghĩ rằng linh hồn của những người lính dũng cảm ấy vẫn còn lẩn khuất ở vùng “Đáy Sương mù”?
Linh hồn họ chưa thể siêu thoát bao lâu Việt Nam còn chưa có Tự Do.
Sơn Tùng
8.10.2010