Sau một ngày được phổ biến, bài “Nhân Chuyện Ông Tướng Năm Xưa” đã có âm vang với một số phản hồi, tán đồng cũng như công kích, không ngoài dự đoán của tác giả.
Số người tán đồng thì nhiều, còn phản bác chỉ có vài người. Sự tán đồng được chứng minh với sự kiện bài ấy đã được đăng tên nhiều báo điện tử cũng như phổ biến trên các diễn đàn, đồng thời tác giả cũng nhận được thư và điện thoại của những người trong giới nhà văn, nhà báo, những người hoạt động cộng đồng hay người đọc bình thường, bày tỏ sự đồng ý với tinh thần xây dựng và công bằng của bài viết.
Như tựa đề đã nêu rõ, việc Ông Tần Thiện Khiêm tái xuất hiện không phải là trọng tâm của bài viết mà chỉ là nhân sự việc ấy, tác giả muốn nói tới “hiện tượng kém văn hoá trong đối thoại và phát biểu chính kiến” trong cộng đồng người Việt hải ngoại mà ít ai có thể chối cãi. Đó là một tệ nạn, hay một ung nhọt, làm cho những sinh hoạt trong cộng đồng (chính trị, văn hoá, xã hội) trở thành thiếu lành mạnh, thiếu hiệu quả. Nó là nguyên nhân làm cho nhiều người không dám tham gia sinh hoạt cộng đồng, hay ngay cả mỗi khi có ý kiến gì cũng không muốn nói ra vì sợ bị phỉ báng, lăng mạ.
Vài phản hồi đối với bài viết của tôi đã một lần nữa chứng minh điều ấy. Bài tôi viết rất ôn hoà, rất xây dựng, không nhắm đả kích ai, không nói đến tên ai, nhưng cũng bị vài người nặng lời công kích, thậm chí mạt sát cá nhân, thay vì đối thoại có văn hoá để tìm ra chân lý.
Cho đến nay, tôi chỉ thấy có bài “góp ý” của Bà Tôn Nữ Hoàng Hoa là nghiêm chỉnh khi nêu ra những điểm không đồng ý với tôi. Tôi tôn trọng sự phát biểu của bà, cũng như của mọi người khác, và xin để người đọc nhận định một cách khách quan. Trong bài viết, tôi đã nói lên quan điểm của mình rất rõ ràng, ai đọc kỹ và vô tư cũng không thể hiểu lầm.
Ở đây, tôi chỉ muốn xác định hai điều. Tôi không làm công việc bênh vực hay biện hộ cho Ông Trần Thiện Khiêm trước những sự công kích, kết án, hay lăng mạ. Tôi cũng không có ý ngăn cản ai viết về những điều liên quan đến lịch sử.
Như tựa đề cũng như nội dung bài viết, tôi chỉ nói đến Ông Trần Thiện Khiêm qua những sự kiện hiển nhiên để đưa ra ý kiến rằng ông ấy đáng được đối xử khá hơn, trong một cộng đồng của những người có văn hóa. Trong tình trạng đầy xáo trộn của chính trường miền Nam Việt trước đây, muốn nhận định công hay tội của một người không phải là việc đơn giản. Khi nặng lời lăng mạ hay lên án người khác, xin hãy thành tâm nhìn lại chính mình.
Viết về những vấn đề liên quan đến lịch sử là quyền của mỗi người. Nhưng viết sử khác với mạt sát, hay lăng mạ, nhất là khi viết với tinh thần phe phái về những người đương thời. Khi nói đến lịch sử là nói đến sự thật. Khi nói đến lịch sử cũng có nghĩa là sử sách. Sử sách thường không đúng với sự thật lịch sử, vì người chép sử thiếu vô tư hay lầm lẫn. Sử gia viết về thời hiện đại thì thường thiếu vô tư, viết về thời quá khứ thì dễ lầm lẫn.
Dù đứng trên giới tuyến nào trong cuộc tranh chấp ý thức hệ chưa chấm dứt trên đất nước Việt Nam, những người như Ngô Đình Diệm, Hồ Chí Minh, Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Thiệu, hay Trần Thiện Khiêm đã trở thành những con người của lịch sử.
Sử sách viết về họ sẽ vô tư và công bằng hơn, khi những suy tôn, những lăng mạ, những tuyên truyền không còn được coi là “lịch sử”.
Ở cuối bài “góp ý”, Bà Tôn Nữ Hoàng Hoa mong tôi “không buồn” về những ý kiến thẳng thắn phát biểu của bà. Chẳng những tôi không buồn mà còn vui và cám ơn bà đã đối thoại trong sự tương kính, điều mà mọi người trong chúng ta mong được thấy trong cộng đồng.
Sơn Tùng
17.10.2010
2 Comments
Tạ-quốc-Tuấn
17.10.10
Kính gửi ông Sơn-Tùng,
Tôi hoàn toàn đồng ý với những ý kiến của ông về cách nhận xét hay phê bình người khác, dù người đó có là nhân vật lịch sử hay không.
Trong bài “Những Phản Hồi Về Một Bài Viết” ông có đề cập tới bài GÓP Ý của bà Tôn-nữ Hoàng-Hoa. Nếu có thể được, xin ông vui lòng cho đăng lại bài đó, hoặc cho biết bài đó đăng ở đâu để tôi tìm, vì tôi chưa được đọc.
Xin đa tạ ông và chúc ông luôn an mạnh.
Le^ co^ng Tu'
Kính gởi ông Sơn Tùng,
Tôi đồng ý với ông có một số ít người đã dùng những ngôn ngữ không mấy trang nhã khi phê pán một người nào đó không có cùng chính kiến.
Tuy nhiên đối với những việc mà ông Trần Thiện Khiêm đã làm trước năm 1975, thực sự đáng được kết án, và trong một cách nhìn nào đó, người ta có thể kết luận ông Trần Thiện Khiêm là kẻ phản bội. Dĩ nhiên đối với một kẻ phản bội thì đọc giả đều quen dùng những ngôn ngữ thiếu hoa mỹ rồi.