Số phận của 180 ‘cảm tử quân’ tại nhà máy hạt nhân
Bất chấp nguy cơ nhiễm xạ, các công nhân ở nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi đang nỗ lực chống lại thảm họa hạt nhân cận kề. Với nhiệm vụ cảm tử đang thực thi, họ được người dân Nhật tôn là những người anh hùng.
Hiện thông tin về những anh hùng cảm tử vẫn chưa được tiết lộ nhiều. Ảnh: Pentictontoday. |
Trước nguy cơ rò rỉ phóng xạ ở mức độ cao, mới đây chính phủ Nhật đã quyết định sơ tán 800 công nhân ra khỏi khu vực nhà máy. Hôm 16/3, 180 công nhân đã dũng cảm quay trở lại nơi này để bơm nước làm mát cho các lò phản ứng đã cạn kiệt. Họ thay phiên nhau, mỗi ca 50 người để có thời gian nghỉ, khử nhiễm và cũng không ai có thể ở trong nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi đã bị phá hủy quá 15 phút. Các công nhân này được gọi với cái tên “Fukushima 50” và họ là niềm hy vọng duy nhất của Nhật Bản để tránh một thảm họa nguyên tử giống như Chernobyl ở Ukraina năm 1986. Những người đàn ông ấy đang chiến đấu để cứu sống hàng triệu con người bất chấp một thực tế, nếu thành công, họ sẽ chết vì nhiễm một lượng phóng xạ chết người. Mặc dù được mặc đồ bảo hộ và đeo mặt nạ chống độc nhưng nguy cơ nhiễm phóng xạ vẫn rất cao. Hiện, chi tiết về những người anh hùng và công việc của họ rất sơ sài.
Do hệ thống làm lạnh chạy bằng điện của nhà máy này đã bị phá hủy sau vụ động đất, sóng thần tuần trước nên họ phải dùng máy bơm nước bằng tay để đưa nước biển vào làm mát các lò phản ứng. Nếu các thanh nhiên liệu không được làm mát kịp thời, chúng sẽ tan chảy và làm rò rỉ lượng phóng xạ chết người vào không khí.
Một nguồn tin liên lạc với nhóm thực thi nhiệm vụ khẩn cấp trên chia sẻ với hãng tin CBS rằng, các công nhân “không sợ chết” khi trở lại lò phản ứng để ngăn chặn tình trạng tan chảy ở các thanh nhiên liệu bởi trên vai họ lúc này là sự an toàn và cuộc sống người dân Nhật Bản.
Nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi bị phá hủy trong một vụ nổ gần đây. Ảnh: AP. |
Miêu tả nỗ lực của những người trên, tờ The New York Times đưa tin: “Họ trườn, bò qua đường dẫn của thiết bị trong bóng tối chỉ với những chiếc đèn pin. Các công nhân phải thở rất khó khăn qua chiếc mặt nạ phòng độc và cõng trên lưng bình oxy nặng trịch. Để tránh cơn mưa bức xạ vô hình lên cơ thể, họ còn mặc cả bộ áo liền quần màu trắng, đội mũ trùm đầu”.
Trước tình thế cấp bách, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cuối cùng đã đề nghị một đội công nhân làm nhiệm vụ cảm tử. “Các bạn là những người duy nhất có thể giải quyết được cơn khủng hoảng này”, nhà lãnh đạo cấp cao nói.
Chuyên gia an toàn nguyên tử David Lochbaum cho hay, những người đàn ông đó có thể đang phải thực thi một nhiệm vụ cảm tử. Phát biểu trên đài phát thanh quốc gia, chuyên gia ấy nói rằng, mức độ phóng xạ ở một vài nơi trong các lò phản ứng đủ cao để gây chết người trong vòng 16 giây. Tiến sĩ Chandon Guha, chuyên gia phóng xạ tại Đại học Y Albert Einstein ở New York đã ca ngợi các công nhân đó là những người anh hùng.
Trực thăng được huy động để tưới nước biển từ trên cao. Ảnh: AP. |
TEPCO, công ty điện lực Tokyo, không cung cấp bất cứ thông tin nào về những công nhân này do đó hiện vẫn chưa rõ họ là ai. Nhà tư vấn năng lượng nguyên tử Arnold Gundersen làm việc tại nhà máy giống Fukushima ở Mỹ cho rằng những người này có thể là công nhân bình thường, những người đã nghỉ hưu hoặc công nhân ở nhiều nhà máy khác không bị ảnh hưởng từ thảm họa.
Trước sự dũng cảm đó, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã bày tỏ lòng tôn kính, cúi chào và khuyến khích những người anh hùng. Ngoài các công nhân trên, trực thăng cũng được huy động để tưới nước từ trên cao, tuy nhiên người đứng đầu nội các Nhật, ông Yukio Adeno, cảnh báo đây không phải là cách giải quyết tối ưu bởi nhiều vấn đề phát sinh có thể xảy ra từ phương pháp ấy. Mới đây, chính phủ Nhật đã phải huy động tới máy xúc ủi đất dọn đường để xe cứu hỏa có thể vào được gần hơn các lò phản ứng. Theo NewsMax, số người chết trong thảm họa kép hôm 11/3 có thể đã vượt quá con số 10.000 người. Hiện tại, giới chức Nhật mới công bố chính thức con số 4.000 người.
Lời nhắn của ‘cảm tử quân’ từ nhà máy hạt nhân
Giới truyền thông Nhật gọi 180 công nhân dũng cảm kiên cường làm việc tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima là các samurai thời hiện đại. Để cứu người dân khỏi thảm họa phóng xạ, những người anh hùng ấy đã tình nguyện ‘đi vào cõi chết’.
Đoạn băng phát trên đài NHK quay cảnh các kỹ sư chuẩn bị quay trở lại nhà máy Fukushima số 1 làm nhiệm vụ. |
Không thể liên lạc với các công nhân qua điện thoại, mọi thông tin về những con người ấy chỉ được biết qua dòng tin nhắn ngắn gọn của một “samurai” đang thực thi nhiệm vụ trong đó. Người đàn ông trên nói rằng mình “không sợ chết” và đó là công việc. Gia đình của các tình nguyện viên này có thể sẽ chẳng bao giờ còn gặp lại người thân của mình nữa nhưng họ tự hào về sự hy sinh đó.
Mới đây, các hãng thông tấn đồng loạt đưa tin dòng tâm sự của một cô gái có cha đang làm nhiệm vụ cảm tử. Cô gái cho biết: “Cha tôi đã trở lại nhà máy và tôi chưa bao giờ thấy mẹ khóc nhiều đến thế. Mọi người vẫn đang chiến đấu, hy sinh bản thân mình để bảo vệ chúng ta. Cầu mong cha trở về bình an”.
Một phụ nữ 27 tuổi có nickname NamicoAoto trên mạng xã hội Twitter thì chia sẻ về người cha của mình đang nhận nhiệm vụ Fukushima. “Bố tôi đã xung phong trở lại nhà máy mặc dù chỉ còn nửa năm nữa thôi ông sẽ nghỉ hưu. Đôi mắt tôi như không còn nhìn thấy gì vì nước mắt đã dâng đầy. Ở nhà, bố có vẻ không giống với những người có thể giải quyết được việc lớn nhưng hôm nay tôi thực sự tự hào về ông. Cầu mong cho bố trở về an toàn”.
Các ‘cảm tử quân’ phải làm việc trong bóng tối, lần mò qua các ma trận đường ống để điều chỉnh van. Ảnh: AP. |
Chia sẻ trên email, người nhà của một công nhân tại Fukushima tâm sự: “Bố tôi vẫn đang làm việc tại nhà máy. Ông ấy nói sẽ chấp nhận số phận”. Mặc dù không thể liên lạc qua điện thoại, các công nhân vẫn cố gắng gửi tin về cho người thân. Trong email gửi vợ, một người đàn ông viết: “Hãy sống tốt em nhé, anh không thể về nhà”.
Trước đó, Thủ tướng Nhật Naota Kan đã đặt trọn niềm tin vào nhóm tình nguyện viên này: “Các anh là những người duy nhất có thể giải quyết được khủng hoảng. Không được phép bỏ cuộc”.
Sau khi tình hình trở nên nghiêm trọng, chính phủ Nhật đã rút các công nhân ra khỏi nhà máy Fukushima và chỉ để lại 50 người “trực chiến” bơm nước làm mát các lò hạt nhân đã cạn kiệt. Tuy nhiên sau đó, số người tình nguyện trở lại để cùng đồng nghiệp làm nhiệm vụ tăng lên tới 180 người. Dù biết trở lại đồng nghĩa với cái chết nhưng những con người dũng cảm ấy vẫn ra đi bởi một điều, trên vai họ là sinh mạng của đồng bào.
Các quan chức địa phương tới thăm lò phản ứng số 3 của nhà máy Fukushima hồi năm ngoái. Ảnh: AP. |
Theo hãng ABC News, các công nhân làm việc theo ca trong bóng tối dày đặc chỉ với những chiếc đèn pin và mũ bảo hiểm. Mặc dù mặc đồ bảo hộ từ đầu đến chân và thở bằng bình oxy nhưng nguy cơ nhiễm phóng xạ với họ là rất lớn. Họ phải trườn, bò qua ma trận đường ống để điều chỉnh van và đọc máy đo.
Các chuyên gia hạt nhân cho hay, nhóm công nhân ở lại gồm các kỹ thuật viên thông thuộc hệ thống bên trong nhà máy. Những người này rất giàu kinh nghiệm, đã có vợ và con. Các tình nguyện viên được luân phiên nhau vào ra khỏi khu vực nguy hiểm. Mỗi ca chỉ kéo dài từ khoảng 10 đến 15 phút để hạn chế nhiễm phóng xạ.
Keiichi Nakagawa, giáo sư của khoa phóng xạ thuộc Đại học Tokyo, xúc động: “Tôi không biết phải nói thế nào nhưng họ giống như những người lính cảm tử trong một cuộc chiến”.
Bình Minh