Một cuốn sách làm nảy sinh những tranh cãi đầy khiêu khích xung quanh những khoản viện trợ ồ ạt của Bắc Kinh vào châu Phi.
Đó là cuốn The Dragon’s Gift: The Real Story of China in Africa ( Món quà của Rồng: Chuyện thật về Trung Quốc ở châu Phi) của Deborah Brautigam, nữ giáo sư của School of International Service thuộc American University ở thủ đô Washington (Mỹ).
Trong cuốn sách với những lập luận sắc sảo này, nữ giáo sư cho biết các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở châu Phi đã đem lại nhiều cơ hội cho các công ty xây dựng của Trung Quốc, là bàn đạp tạo vị thế chắc chắn cho các công ty này ở nước ngoài.
Một lợi thế nữa cho các công ty của Trung Quốc chính là khả năng giành các hợp đồng trong tương lai khỏi tay các các ngành tư nhân hay cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế là rất cao.
Trong Món quà của Rồng: Chuyện thật về Trung Quốc ở châu Phi, Deborah Brautigam đã đưa ra những phân tích sắc bén xem liệu Trung Quốc đã suy nghĩ như thế nào về “phối hợp” với châu Phi, dựa trên hàng thập niên kinh nghiệm làm việc ở tây và nam Phi và ở cả Trung Quốc.
Brautigam cho rằng, Trung Quốc coi châu Phi là phiên bản trẻ hơn của chính mình, hơn là coi châu lục này như một khu vực để làm từ thiện.
Có đến Rwanda những ngày gần đây mới thấy, gần đường cao tốc Sopetrade dẫn tới trung tâm thủ đô Kigali, các công nhân xây dựng đang đào một bên đường để chuẩn bị thêm một làn đường nữa.
Ở khắp thủ đô của Rwanda này những dự án làm đường tương tự cũng đang được tiến hành. Chủ đầu tư ư? Đó là ngân hàng China Eximbank với tổng đầu tư là 30,7 triệu USD.
Nhiều người cho rằng, dự án này là một phần của xu hướng đang ở mức báo động: Trung Quốc xây dựng các cơ sở hạ tầng ở khắp lục địa đen và để đổi lại, Trung Quốc sẽ có các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Mặc dù không ít các phương tiện truyền thông và các nhà phân tích chính trị đã đề cập đến vấn đề này, nhưng câu chuyện viện trợ của Trung Quốc vẫn còn những khe hở lớn.
Lấy dự án đường ở Kigali làm ví dụ. Nguồn tài nguyên thiên nhiên của Rwanda không nhiều, khác hẳn với nước láng giềng Cộng hoà Dân chủ Congo. Trung Quốc đã cấp vốn cho các cơ sở hạ tầng ở các nước không phong phú về hàng hoá, như Kenya, Senegal và Mauritius. Vậy Trung Quốc có lợi gì từ những dự án như thế?
Tương tự, Ấn Độ cũng đang tăng cường các giao dịch của mình ở châu lục đen này.
Nhìn lại những năm 70 của thế kỷ trước, Nhật Bản tăng viện trợ cho Trung Quốc để giúp quốc gia châu Á này xây dựng các tuyến đường giao thông và hạ tầng năng lượng. Khoản viện trợ này được phía Trung Quốc đền đáp bằng những thùng dầu. Và bây giờ, khắp châu Phi, Trung Quốc đang mở rộng khoản vay hỗ trợ dài hạn và không tính lãi cho các chính phủ châu Phi bằng cách viện trợ cho các dự án xây đường, nhà máy điện, các công xưởng và các dự án thủy điện. Nhiều trường hợp, có thể nói, Trung Quốc đã sử dụng đúng kiểu trợ vốn mà nước này học được từ Nhật Bản.
Nhiều nhà phân tích đã hiểu những khoản vay này là cái giá ưu đãi dành cho Trung Quốc để họ có thể tiếp cận với các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đã thu lợi từ việc tiếp cận dầu của Angola, khoáng sản của nước Cộng hoà Dân chủ Congo và ca cao của Ghana. Và Angola, Cộng hoà Dân chủ Congo và Ghana cũng vậy. Họ cũng có gì hơn ngoài nguồn tài nguyên thiên nhiên này để “đền đáp” nhà cho vay tiềm năng.
Khi Trung Quốc cho Angola vay, họ biết rằng họ sẽ nhận được sự đền đáp bằng dầu. Angola cũng biết nước họ sẽ nhận được những công trình hạ tầng mà họ cần vì khoản vay hỗ trợ “chảy” trực tiếp đến các nhà thầu Trung Quốc để đầu tư cho các dự án mang tính cá nhân mà không qua chính phủ châu Phi (và cũng để tránh một vấn đề mà các nước dồi dào hàng hoá luôn gặp phải, đó là nạn tham nhũng).
Cũng có lời chỉ trích dành cho những dự án được gọi là “viện trợ để xây dựng cơ sở hạ tầng” này rằng chúng làm biến dạng thị trường hàng hoá toàn cầu bằng cách giảm nguồn cung cho các thị trường này. Tuy nhiên, các nghiên cứu lại chỉ ra rằng các công ty của Trung Quốc không vận chuyển dầu của Angola vào Trung Quốc mà thay vào đó, họ đang bán chúng trên thị trường toàn cầu. Khoáng sản của Zambia cũng được bán như thế.
Thực tế, bản thân cụm từ “viện trợ để xây dựng cơ sở hạ tầng” này đã là một thuật ngữ sai. Nhiều dự án được miêu tả là “viện trợ” trên các phương tiện thông tin đại chúng và bởi các nhà phân tích thì thực sự là các khoản đầu tư, hay là sự pha trộn giữa đầu tư và viện trợ. Ví như gói vay khét tiếng 2 tỷ USD được ngân hàng China Eximbank mở rộng cho Angola năm 2004 là dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhưng gói vay này không phải là “viện trợ”.
Như Brautigam tiết lộ trong cuốn sách của mình, những khoản vay đó đã được tạo ra với giá hợp tác. Một gói vay trị giá hàng tỷ USD dành cho Cộng hoà Dân chủ Congo căn bản cũng mang tính thương mại; chỉ có một khoản nợ trị giá 50 triệu USD không tính lãi thôi.
Ngày càng có nhiều sự hiểu sai về sự tham gia của Trung Quốc ở châu Phi bắt nguồn từ những khó khăn trong việc nắm bắt những con số viện trợ chính thức từ chính phủ Trung Quốc. Bên cạnh đó, một vài sự mập mờ cũng xuất phát từ bản chất phức tạp của những gói vay mà Trung Quốc đề nghị thông qua ngân hàng China Eximbank.
Viện trợ của Trung Quốc dành cho châu Phi gồm 3 loại: Ngân sách trợ cấp nước ngoài của Bộ Tài chính cho châu Phi, chương trình cho vay hỗ trợ dài hạn và không tính lãi của ngân hàng China Eximbank và giảm nợ.
Giáo sư Deborah Brautigam, tác giả cuốn Món quà của Rồng: Chuyện thật về Trung Quốc ở châu Phi
(Ảnh: International.ucla.edu)
Nữ giáo sư Brautigam ước tính, năm 2007 ba nguồn này đạt tổng cộng là 1,4 tỷ USD và cùng năm đó, cam kết từ phía Mỹ, liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng thế giới (WB) lần lượt là 7,6 tỷ USD, 5,4 tỷ USD và 6,9 tỷ USD.
Hầu hết các báo cáo về khoản trợ cấp của Trung Quốc đều cao hơn so với ước tính của tác giả Brautigam. Những ước tính của bà không bao gồm sự trợ cấp vốn từ China Eximbank dành cho các nước châu Phi với giá hợp tác.
Có thể tha thứ cho các phương tiện truyền thông về những sự hiểu sai này. Hạn chót khiến thật khó làm rõ được sự phức tạp của những gói cho vay hay thoả thuận đầu tư. Tuy nhiên, không có nhiều lý do cho các nhà kinh tế học và những nhà phân tích các vấn đề quốc tế khi mượn những con số từ trang báo hay tạp chí để đưa vào trong các báo cáo của WB và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Tất nhiên, những con số được thổi phồng đã được khẳng định này lại chứa đựng niềm tin về bản chất của “cuộc hôn phối” của Trung Quốc với châu Phi. Để xua tan đi sự tưởng tượng này thì phải đọc cuốn Món quà của Rồng.
Câu chuyện nổi tiếng về sự xuất hiện của Trung Quốc ở châu Phi nói nhiều hơn về nỗi sợ của phương Tây và những băn khoăn về Trung Quốc hơn là bản chất thực của “cuộc hôn phối” của Trung Quốc với châu Phi.
Trong khi phương Tây vẫn tiếp tục lo lắng thì ngân hàng China Eximbank vẫn tăng các khoản cho vay và các doanh nghiệp Trung Quốc đang giành được nhiều hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng và hầu như không đề cập đến từ “viện trợ”. Ở phương Tây, nơi cuộc “cải tổ viện trợ” đã trở thành khẩu hiệu thì có lẽ đã tới lúc nghĩ về một chiến lược “viện trợ” giống như chiến lược vì mục đích kinh doanh của Trung Quốc.
Bùi Mai Hương dịch từ GlobalPost