Chính phủ Obama đã không gởi một đại diện thương mại nào đến dự cuộc họp tại Đà Nẳng khai mạc hôm nay giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN với bộ trưởng các nước đối tác và sự vắng mặt đã bị chỉ trích ngay tại Hoa Kỳ. Ông Ernest Bower, chuyên gia về Đông Nam Á tại Washington nhận định, trong chiến lược gia tăng sự can dự của Mỹ vào Đông Nam Á, khoảng trống rõ ràng là về mặt mậu dịch.
Chính quyền tổng thống Barack Obama vẫn thường xuyên kêu gọi Hoa Kỳ can dự nhiều hơn vào khu vực Đông Nam Á và đã hứa sẽ dự tất cả các cuộc họp của ASEAN. Ông Obama cũng thường trách cứ chính quyền Bush trước đây đã lơ là khu vực Đông Nam Á vì quá chú tâm vào Irak và Afghanistan.
Vào tháng 11 năm ngoái, tổng thống Obama đã là nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đầu tiên gặp lãnh đạo 10 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN. Tháng Giêng vừa qua, ông Obama cũng đã cam kết sẽ tăng gấp đôi kim nghạch xuất khẩu sang châu Á trong vòng 5 năm tới. Tính đến năm ngoái, ASEAN đã là thị trường đứng hàng thứ tư của Mỹ và là đối tác thương mại lớn hàng thứ năm của Hoa Kỳ.
Thế nhưng, chính phủ Obama đã không gởi một đại diện thương mại nào đến dự cuộc họp tại Đà Nẵng khai mạc hôm nay (26/8) giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN với bộ trưởng các nước đối tác và sự vắng mặt đã bị chỉ trích ngay tại Hoa Kỳ. Ông Ernest Bower, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, trong một bài viết đăng hôm qua đã nhận định rằng, khoảng trống trong chiến lược gia tăng sự can dự của Mỹ vào Đông Nam Á rõ ràng là về mặt mậu dịch.
Theo giải thích của ông Bower, đây chính là vấn đề chính trị nội bộ. Tổng thống Obama đã phải rất vất vả tìm đồng thuận với Đảng Dân chủ về một chính sách thương mại, trong bối cảnh mà nền kinh tế yếu kém đang gây đau đầu cho giới chính trị. Chuyên gia Bower lưu ý rằng, trong khi Hoa Kỳ đang đẩy mạnh hợp tác về an ninh và ngoại giao, những người đặc trách về mậu dịch trong chính quyền lại phải chờ các quyết định chính trị để đưa nước Mỹ trở lại vai trò lãnh đạo kinh tế ở khu vực.
Tuy nhiên, hôm nay, tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan đã giảm nhẹ tầm mức của việc Hoa Kỳ vắng mặt tại cuộc họp ở Đà Nẵng, khẳng định điều này không có nghĩa là Hoa Kỳ từ bỏ ý định can dự trở lại vào khu vực Đông Nam Á. Ông Surin cho biết thêm là những vấn đề còn lại từ cuộc họp hôm nay sẽ được tiếp nối bởi Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-ASEAN, một tổ chức của khu vực tư nhân nhưng làm việc rất chặt chẽ với Washington và cũng có tham dự các cuộc họp ở Việt Nam.
Nhưng không chỉ vắng mặt tại cuộc họp của ASEAN, Hoa Kỳ còn chậm trễ trong việc bổ nhiệm một đại sứ mới bên cạnh ASEAN. Cựu tổng thống Gerge W. Bush trước đây đã bổ nhiệm ông Scot Marciel làm đại sứ đầu tiên của Mỹ bên cạnh ASEAN vào năm 2008. Tổng thống Obama gần đây đã chuyển ông Marciel sang làm đại sứ Mỹ ở Indonesia, quốc gia được coi là ưu tiên của Washington. Nhưng cho tới nay, vẫn chưa có một đại sứ nào thay thế ông Marciel.
Hôm qua, một thượng nghị sĩ Mỹ đã thúc giục tổng thống Obama nhanh chóng bổ nhiệm một đại sứ bên cạnh ASEAN. Ông Richard Lugar, một thành viên quan trọng thuộc Đảng Cộng hòa của Uỷ ban Ngoại giao Thượng viện, lo ngại rằng có thể đến năm tới đại sứ mới của Hoa Kỳ mới nhận nhiệm sở và như vậy sẽ lỡ mất dịp tham dự cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-ASEAN dự trù trong những tháng tới.
Hiện giờ, các số liệu của ASEAN cho thấy là tổng trao đổi mậu dịch của Trung Quốc với khối Đông Nam Á đã vượt quá Hoa Kỳ trong thập niên qua, lên tới 178 tỷ đô la vào năm ngoái. Cũng trong thập niên qua, từ 4%, tỷ lệ của Trung Quốc trong tổng kim ngạch mậu dịch của ASEAN đã tăng lên thành 11,6 %, trong khi tỷ lệ của Mỹ lại giảm từ 15% xuống còn 9,7%. Ấy là chưa kể ASEAN đã ký hiệp định trao đổi tự do mậu dịch với Trung Quốc. Vùng tự do mậu dịch ASEAN-Trung Quốc đã bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm nay.
Nếu chậm tay trên hồ sơ thương mại, Hoa Kỳ có nguy cơ bị Trung Quốc bỏ xa ở Đông Nam Á.
Thanh Phương