Entry bàn về vị “tiền tiến sĩ” Đỗ Ngọc Bích của tôi bị nhiều người phản đối. Trong entry đó tôi ám chỉ rằng vì cách dạy sử và môi trường giáo dục ưu việt XHCN hiện nay sản sinh ra những người thiếu tầm văn hóa như cô Bích. Thế là nhiều bạn đọc lớn lên trong nền giáo dục ưu việt đó phản đối tôi là mượn chuyện này để “nói xấu” họ. Thật ra thì không phải nói xấu đâu, tôi chỉ nói sự thật thôi. Nhiều người cũng đồng tình với tôi, nhưng họ không nói ra. Chẳng hạn như entry của bác DrNikonian dưới đây nói là “phản đối” (bác này có chiêu tiếp thị hay!) nhưng thực ra thì bác ấy đồng tình với nhận xét của tôi, nhưng bác ấy còn đi xa hơn một bước là nói kĩ hơn về một khía cạnh đau lòng khác (như khía cạnh hồng và chuyên, hay chủ nghĩa lí lịch) của nền giáo dục đó. Tôi mượn entry này để nói leo và giải thích những nhận xét trước của tôi.
Đặc điểm tôi để ý nhất về sách sử là nó rất mỏng. Cuốn nào cũng chỉ cao lắm là 200 trang, nhưng cũng có cuốn chỉ trên dưới 100 trang. Chữ in thì to lớn, nên dung lượng thông tin càng ít. Chất lượng giấy theo tôi là không tốt so với những cuốn sách dạy thêm. Hình như (vì tôi không dám khẳng định) mỗi bậc học chỉ có một cuốn sách giáo khoa về sử, và như thế thì ít quá.
Một đặc điểm về sách giáo khoa sử mà tôi thấy là trong khi những thông tin về văn hóa dân tộc thì ít, nhưng thông tin về những trận đánh thời cách mạng thì chi tiết đến con số địch bị tiêu diệt! Người soạn có vẻ hăng say đếm xác tử thi và xem đó là bằng chứng oai hùng của “phe ta”.
Vài năm trước, khi báo chí nêu vấn đề dạy sử ở trường học, Giáo sư Đinh Xuân Lâm, được xưng tụng là một trong “tứ trụ” về sử học thời nay, thú nhận rằng chính sách giáo khoa về sử do ông biên soạn ít đề cập đến văn hóa dân tộc, và than rằng với kiểu dạy như vậy thì làm sao mà gieo vào các em học sinh tinh thần yêu mến văn hóa dân tộc.
Thêm vào đó là những hoài nghi về sự chính xác của sách giáo khoa sử. Mới đây, Giáo sư Phan Huy Lê, cũng là một trong những tứ trụ “sử gia của triều đình”, cũng nói rằng nhân vật Lê Văn Tám là không có thật. Cứ theo như Gs Lê thì huyền thoại Lê Văn Tám được tạo ra để phục vụ cho tuyên truyền tinh thần chiến đấu thời đó, nhưng nay sứ mệnh đó đã xong thì nên trả lại sự thật cho sử liệu. Ấy thế mà nhân vật này được dạy trong trường học, và có những con đường, công viên mang tên nhân vật. Còn biết bao nhân vật khác như vậy nữa? Như vậy là sách giáo khoa về sử hiện nay nhầm lẫn giữa sử và tuyên truyền.
Do đó, không trách học trò chẳng biết gì về văn hóa dân tộc, không rành cổ sử, và lẫn lộn giữa hư cấu và sự thật. Cô Đỗ Ngọc Bích và nhiều người khác là sản phẩm của nền giáo dục như thế, thì xác suất mà cô không rành sử nước nhà và thiếu bản lĩnh văn hóa cũng là điều dễ hiểu. Nhưng đâu phải ai cũng vậy, trong thực tế vẫn có những đóa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, nên dù lớn lên trong môi trường sách giáo khoa lịch sử phiến diện như hiện nay mà vẫn là người Việt Nam đàng hoàng (dù con số này hình như càng ngày càng giảm).
Các nhà sử học đã và đang kêu gọi viết lại sách giáo khoa về sử. Tôi nghĩ “sự kiện Đỗ Ngọc Bích” làm cho lời kêu gọi này cấp bách hơn bao giờ hết. Cấp bách là vì chúng ta đang giai đoạn bảo vệ chủ quyền đất nước từ những âm mưu đen tối của “nước lạ”.
Phản đối bác Tuấn!
Đọc CV của thiếm Đỗ, lại thấy khá nhiều điểm quen quen. Không khó khăn lắm, người ta dễ dàng tìm được một công thức chung, na ná như nhau trong hành trình hồng, lót nhung của khá nhiều người thuộc tầng lớp của thiếm ấy: Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội; là con cháu dâu rể của một ông to bà lớn nào đó; vào Đại học bằng nhiều phương cách ưu tiên và rất kém công bằng; được giữ lại trường giảng dạy; dễ dàng kiếm được một suất du học “xịn”. Chẳng bao lâu, họ có được một số học vị ngất ngưỡng. Xuất hiện trên truyền thông đại chúng thường xuyên, được công chúng thán phục và tin tưởng đến sái cổ.
Ngành y cũng không là ngoại lệ với những vị như tiến sĩ Đỗ (ta hãy gọi trước như thế, cho thiếm ấy mát ruột). Những năm 70-80, khi chủ nghĩa lý lịch còn nặng nề, cánh cửa thi tuyển gắt gao vào trường Y chỉ mở rất hẹp cho một số rất ít những học sinh trung học ưu tú nhưng lý lịch không thuộc nhóm “cây đa Tân Trào”. Hết sức vất vả, họ phải chiến thắng những bạn cùng trang lứa, kém cỏi hơn nhiều nhưng dễ dàng vượt lên trên, bằng chế độ ưu tiên có khi chêch lệch đến hơn 10 điểm, cho 3 môn thi Toán, Hóa, Sinh vật. Vậy mà vẫn chưa đủ, với những hạt giống ưu tiên đó, người ta còn bày ra một trường Dự bị Đại học, cho các bạn ấy tà tà nghỉ mát một năm, “đến hẹn lại lên” ở sân trường Đại Học. Còn các bạn lỡ bị cấm cửa vì lý lịch xấu ư? Chịu khó ra đường sửa xe, đi kinh tế mới, hay vượt biên vậy!
Phàm là Đại học của ta, vào được là ra được. Sau dăm năm, các “hạt giống” ấy cũng ra trường, mặc dù khá vất vả với dăm lần lưu ban và vô số lần thi lại. Cũng như hành trình vào Đại học, họ dễ dàng kiếm được dăm suất du học bằng tiền Nhà nước, mà chẳng phải qua bất cứ kỳ thi tuyển gắt gao nào. Với lộ trình êm như nhung như vậy, ta chẳng ngạc nhiên nếu một mai kia, họ xuất hiện trên báo chí, truyền thông với khá nhiều học vị: giáo sư, tiến sĩ, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú…, kèm theo với nhiều chức vị lãnh đạo chủ chốt.
Ta nên mừng cho họ, nếu như nền học vấn họ thủ đắc được (một cách không mấy công bằng) là một nền y thuật cao minh, hơn người. Khốn nỗi, trong y khoa không có chỗ cho cụm từ “đi tắt đón đầu”. Không như âm nhạc, toán học…, y học không có thiên tài. Vì y khoa là một quá trình xuyên suốt và nối tiếp nhau. Kiến thức y khoa thì lại phát triển như vũ bão, nó tăng gấp đôi về số lượng mỗi 50 năm. Nó khổng lồ và xuyên suốt. Nên chỉ có những đầu óc mẫn tiệp và không bị mất căn bản từ bậc trung học mới có thể theo kịp giáo dục y khoa, ngay cả khi trong sân trường đại học. Đó là chưa tính đến khả năng tiếp cận khối kiến thức này bằng ngoại ngữ (đọc hiểu, nói, viết), kỹ năng tối quan trọng mà bất cứ bậc hàn lâm nào cũng phải có, trước khi lên đến đỉnh cao nghề nghiệp. Nhưng đã bảo, Đại học của ta nó thế, vào được là ra được!
Ngày ấy, các thầy, các giáo sư đã dạy dỗ chúng tôi rất khác với họ bây giờ. Dù là một giảng viên “lưu dung” của đại học Y khoa Sài gòn cũ, hay một vị trong ban quân quản vào tiếp nhận trường Y, có một điểm chung giữa họ. Ít nhất, họ thuộc về một nền giáo dục và gia đình nghiêm cẩn, danh giá, có truyền thống ăn học nhiều đời. Được giáo dục tốt từ tấm bé về nhiều mặt (kể cả ngoại ngữ), các giáo sư này đã là niềm ngưỡng mộ (xứng đáng) của thế hệ chúng tôi thời ấy. Họ được kính trọng, về kiến thức và tư cách.
Thời ấy tuy đói khó, nhưng rau nhiều hơn sâu!
Đến thời thiếm Đỗ, khi nồi canh rau học hàm học vị đã lúc nhúc sâu, ta chẳng ngạc nhiên về cơn mưa tiến sĩ giáo sư y học trong thời gian gần đây. Cũng như thiếm Đỗ, họ cũng rao giảng khá nhiều ngụy-lý-thuyết y học trên truyền thông (thịt chó mắm tôm dịch tả, vú lép lái xe… là dăm ví dụ điển hình). Chẳng khác “sấm động Nam bang”, công chúng dễ dàng lè lưỡi kính phục những trước tác, cũng như đời sống cá nhân rất hàn lâm và chuẩn mực mà họ tự khắc họa trên báo chí. Chỉ có y giới là lắc đầu cười khì khì bên bàn nhậu, cùng ngâm câu “thế sự du du nại lão hà” của Đặng Dung cho vui vậy!
Thế thôi, họ là sản phẩm của một thời. Cây khế chua, mặc dù được ưu tiên trồng trên đất tốt, cũng không thể cho quả mít ngọt. Chỉ có điều, như thiếm Đỗ nhà ta, các cây khế chua bị chứng tự kỷ ám thị khá nặng. Họ nhanh chóng quên đi chặng đường nhiều đãi ngộ bất công mà họ đã được ưu tiên để có ngày hôm nay. Họ thành thật tin vào học thuật cao minh của mình. Và ra sức quảng bá cho mình và cho sở học đó bằng những lời lẽ lộng ngôn và ngu-ngốc-một-cách-tự-tin!
Thế mới biết, chứng vĩ cuồng là hay lây, cũng như bệnh tả vậy!
Dông dài để thấy, những vị như thiếm Đỗ là sản phẩm nhan nhản của một lỗi hệ thống rất nghiêm trọng trong hệ thống giáo dục. Tôi không ngạc nhiên, khi thiếm ấy thiếu những lý tính và cảm tính tối thiểu, để dễ dàng xúc phạm lòng ái quốc thiêng liêng và chính đáng của dân tộc mình.
Giá mà, các bác phú lít vào cuộc, bắt bỏ bót thiếm ấy dăm hôm về tội phát ngôn phản quốc, như đã làm với mấy em cháu vì “lỡ dại” yêu nước mà mặc áo thun “Trường Sa Hoàng Sa là của Việt Nam”. Hoặc nọc ra trước Văn Miếu đét cho vài trượng, như người ta đã làm với các trí thức phản quốc thời phong kiến. Giúp cho thiếm ấy “vừa hồng vừa chuyên”, há chẳng tốt sao?
GS Nguyễn văn Tuấn dùng chữ “quái thai”để mắng thiếm ấy. Xin phản đối! Thiếm ấy là một trong những sản phẩm hàng loạt của thời buổi này, có phải đột biến đâu mà gọi là “quái thai”, bác Tuấn thân mến ơi!
nikonian