Nước uống miễn phí cho người đi đường, sửa xe sửa giày không lấy tiền của những người khuyết tật, anh xe ôm, chị quét rác… là những câu chuyện nhỏ lay động lòng người giữa Sài Gòn.
Những ai đi ngang qua đường Huỳnh Văn Bánh, Quận Phú Nhuận đều bị thu hút bởi tấm biển “Sửa giày dép miễn phí cho người bán vé số, xe ôm, ba gác, xích lô, người thu gom rác…” của anh thợ sửa giày Lý Ngọc Bình, 30 tuổi.
Từ những ngày đầu mở gian hàng này, đã có nhiều bác xe ôm, người bán vé số đến nhờ anh Bình sửa cho những đôi giày cũ đã rách, đứt chỉ, giày bị há miệng… Anh tâm sự: “Ngồi ở đây làm việc mới nhìn thấy sao Sài Gòn nhiều người khổ quá, khổ hơn cả mình. Họ mang đôi giày cũ rách bươm không dám thay mới vì sợ tốn tiền, họ nhờ tôi sửa lại, tôi nhìn họ và thấy hình ảnh mình 5 năm gian khổ làm đủ mọi nghề để mưu sinh ở Sài Gòn.”
Từ đó, cứ người nghèo đến sửa là anh không bao giờ lấy tiền. Có người nói, “anh có lòng thì treo bảng để bà con biết với”, thế là tấm bảng bằng giấy A4 với những dòng chữ ấm lòng đã ra đời được 6 tháng nay.
Suốt 2 năm qua, trên một góc đường khác ở Sài Gòn, ngay ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai giao Cống Quỳnh, Quận 1, một tấm biển đặc biệt đã được dựng lên: Bơm vá xe miễn phí cho người khuyết tật. “Lúc mới vào nghề tôi chỉ để biển bơm vá xe bình thường. Thấy người bán vé số, học sinh nghèo, người khuyết tật thì tôi sửa xe và bơm vá miễn phí. Nhiều người biết chuyện mách với nhau “xe hư dắt ra chỗ ông Lương ổng sửa không lấy tiền.” Nhưng có vài người còn hơi nghi ngại nên tôi dựng hẳn tấm biển này, ai đưa tiền thì tôi chỉ vào biển nói tôi “quy định” là không lấy tiền người nghèo.
Thỉnh thoảng người dân thấy tấm biển vẫn để đó nhưng không thấy ông thợ sửa xe đâu, hỏi các bác xe ôm thì mới biết: “Chú Lương nghe nói có người khuyết tật bị bể bánh xe ở đường bên kia, đang vất vả đẩy đến chỗ sửa, nên chú ấy chạy đến đẩy phụ về đây. Nhìn mặt ổng cau có vậy chứ ổng tốt lắm!”
Một đặc sản miễn phí khác của Sài Gòn là nước uống. Không ai nhớ từ lúc nào mà khắp các con đường lớn nhỏ ở Sài Gòn bắt đầu xuất hiện những thùng trá đá với dòng chữ “Trà đá miễn phí” hoặc “Nước uống miễn phí”. Chủ nhân của những bình nước này đều là người dân lao động, buôn bán. Đối với những trẻ em bán vé số, người bán ve chai, nhặt rác, chạy xe ôm… một ly trà đá miễn phí trong cái nắng gay gắt của Sài Gòn đã giúp họ tiết kiệm được một khoản tiền để đổi lấy hộp cơm ăn qua ngày. (Trong ảnh là bình nước trà miễn phí đặt tại ngã tư Cao Thắng và Điện Biên Phủ)
Thùng nước miễn phí trước cửa tiệm bán bánh mì của ông Tư trên đường Võ Văn Tần, Quận 3 đã có mặt ở Sài Gòn được 5 năm nay. Ông kể: “Tôi vào Sài Gòn từ năm 18 tuổi, thấm được hết những gian truân vất vả để kiếm được đồng tiền nên tôi biết một ly nước miễn phí cần thiết cho người dân thế nào. Ngày xưa mình cơ cực kiếm ăn được vài đồng bạc lẻ, khát nước mà mua thì tốn tiền. Giờ trời thương nên cuộc sống khá hơn, tôi nghĩ đến việc làm chút việc nhỏ cho những người nghèo khác.”
Khi chúng tôi bày tỏ sự cảm kích với biển sửa xe, sửa giày, bình nước miễn phí… anh Bình, ông Lương và những người hàng ngày vác thùng nước ra đường miễn phí đều có phản ứng giống nhau: Họ cười hiền, nhíu mày và nói: “Mấy việc này bình thường thôi em, đó chỉ là những chuyện nhỏ ở Sài Gòn”.
One Comment
Thiên An
Thấy những việc làm nhỏ nhoi nhưng đầy ý nghĩa những cán bộ cộng sản tham nhũng hà hiếp dân nghèo để vòi tiền không biết có khi nào tự vấn lương tâm mình không? Có lẻ họ đã không còn bản tính con người nếu như không biết xấu hổ.