1* Mở bài
Hôm 7-12-2015 vừa qua, lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc ban bố “cảnh báo đỏ” (Red Alert) về ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh. Khói bụi dầy đặc sẽ bao phủ thủ đô từ ngày 8-12 đến 10-12-2015.
Chủ trương phát triển kinh tế bằng mọi giá, sau hàng chục năm phát triển kinh tế với tốc độ chóng mặt, giờ đây Trung Quốc phải đối diện với những đe dọa nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường.
Sát thủ thầm lặng đã và đang giết chết 4,400 người Trung Hoa mỗi ngày. Đó là cái giá phải trả cho việc phát triển đô thị và công nghiệp.
Trung Quốc là công xưởng của thế giới, 70% điện lực của nước nầy được sản xuất bởi hơn 1,000 nhà máy phát điện chạy bằng than đá, và đã tiêu thụ 50% tổng sản lượng than đá toàn cầu.
Những nhà máy khổng lồ, hệ thống sưởi bằng than đá cộng với số lượng ô tô chạy bằng xăng dầu ngày càng gia tăng là nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí, làm chết nửa triệu người về các bịnh tim mạch, ung thư phổi và những bịnh hô hấp, hen suyển.
Khí thải do các nhà máy chạy bằng than đá nhả ra như khí carbonic (carbon dioxide – CO2), sulfur dioxide (SO2), hấp thụ nhiệt độ của mặt trời, giữ hơi ấm làm cho bầu không khí bao bọc trái đất ấm lên. Đó là hiệu ứng nhà kiếng (Greenhouse effect). Hâm nóng địa cầu (Global warming), nói chung là “Biến đổi khí hậu” (Climate change).
Nước Pháp đăng cai tổ chức Hội nghị Khí hậu Liên Hiệp Quốc COP21 (COP=Conference Of the Parties lần thứ 21) từ ngày 30-11-2015 đến 11-12-2015.
Sau ba ngày ba đêm không ngủ, đại diện 200 quốc gia và các vùng lãnh thổ đã đạt được sự đồng thuận trong việc chống Biến đổi Khí hậu. Được xem như một thỏa thuận lịch sử.
Các quốc gia đồng ý cắt giảm khí thải gây ra hiệu ứng nhà kiếng ở mức độ không quá 2 độ C (Degree Celsius -°C) đồng thời đồng ý đóng góp 100 tỷ USD mỗi năm để tài trợ cho các nước đang phát triển (nước nghèo) chống biến đổi khí hậu.
2* Trung Quốc mất nửa triệu người và 300 tỷ USD mỗi năm do ô nhiễm môi trường tạo ra
2.1. Ô nhiễm môi sinh
Môi sinh là môi trường sinh sống của con người và các sinh vật . Ô nhiễm môi trường là tình trạng các chất hóa học, sinh học, bức xạ, tiếng ồn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và các sinh vật. Ô nhiễm môi trường xảy ra là do con người và cách quản lý của con người.
Các dạng ô nhiễm gồm có: ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, ô nhiễm đất, ô nhiễm phóng xạ, ô nhiễm tiếng ồn…
2.2. Ô nhiễm không khí
Ô nhiễm không khí xảy ra khi không khí có chứa các khí độc hại, bụi, khói hoặc mùi với số lượng có hại. Các chất gây ô nhiễm không khí được gọi là các chất ô nhiễm. Chất gây ô nhiễm được bơm vào bầu khí bao bọc quả địa cầu (khí quyển). Gây ô nhiễm bao gồm carbon dioxide (CO2), sulfur dioxide (SO2) là những khí thải do xe hơi và các nhà máy chạy bằng than đá phát ra.
Ô nhiễm trong không khí được phân tích ra bao gồm carbon dioxide (CO2), Nitrogen monoxide (khí nitơ) công thức NO, Sulfur dioxide (SO2)…
Carbon dioxide (CO2) cực kỳ nguy hiểm, khi hít thở một số lượng lớn, nó sẽ làm giảm oxy trong máu và làm tổn hại thần kinh đưa đến chết người. Các nhà khoa học cho biết kích cỡ của các ô nhiễm ở PM2.5 trong không khí có thể gây đột quỵ.
PM2.5 (Particulate Matter 2.5) là những hạt bụi siêu nhỏ có đường kính nhỏ hơn 2.5 micrometers (μm) tức bằng 100 lần nhỏ hơn sợi tóc.
Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO=World Health Organization) vừa công bố một thống kê về khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là Trung Quốc, đã bị tác động nghiêm trọng nhất về ô nhiễm môi trường.
Thêm vào đó, cứ mỗi hai giây đồng hồ thì trên đất nước nầy lại có thêm một chiếc xe hơi được phép lưu hành.
Theo tiêu chuẩn quốc tế thì mức độ ô nhiễm tối đa có thể chấp nhận được là 25 microgram (μg) hạt bụi siêu nhỏ trong một mét khối (m3) không khí. Thế nhưng ở Bắc Kinh con số thường xuyên ở mức độ từ 500-1,000 microgram/m3. (μg/m3)
Thông tín viên đài RFI, Stéphane Lagarde ở Bắc Kinh, đã đi sâu vào chi tiết về cái giá mà Trung Quốc phải trả như sau.
Theo lời của cựu Bộ trưởng Y tế TQ thì hàng năm có 500,000 người thiệt mạng vì ô nhiễm không khí.
Các chuyên gia cho biết, đến năm 2025 thì TQ sẽ có gần một triệu người bị ung thư phổi.
Tiến trình phát triển đô thị và tăng trưởng kinh tế thần kỳ trong suốt ba thập niên qua đã tàn phá môi trường và làm cạn kiệt tài nguyên của quốc gia nầy.
Cốt lõi gây ra ô nhiễm không khí là TQ đã xử dụng 70% than đá cho nhu cầu tiêu thụ và sản xuất.
Một công trình nghiên cứu của Đại Học MIT (Viện Nghiên Cứu Massachusetts-Massachusetts Institute of Technology-MIT) đã công bố trên tạp chí Global Environmental Change năm 2011, cho biết hồi năm 2005 tình trạng ô nhiễm không khí đã gây thiệt hại cho TQ 220 tỷ USD. Nhưng con số thực tế là 300 tỷ USD.
Một báo cáo của Viện Nghiên cứu Y tế Mỹ, Health Effects Institute (HEI), cho biết hồi năm 2010 đã có khoảng 1.5 triệu người Trung Hoa chết sớm vì hít thở khí bẩn và ô nhiễm không khí.
Đó là cái giá của việc phát triển thần kỳ về kinh tế của Trung Quốc suốt 30 năm qua.
2.3. “Không khí của ngày tận thế” ở Trung Quốc
Môi trường ở Trung Quốc bị tấn công khốc liệt bởi sự phát triển đô thị và phát triển công nghiệp.
Ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước và ô nhiễm đất nông nghiệp đã lên tới mức báo động. Giám đốc Diễn đàn Môi trường về TQ tại Trung tâm Woodrow Wilson, Jennifer Turner, đã đưa ra kết luận: “Ô nhiễm lan rộng với quy mô và tốc độ chưa từng thấy trên thế giới”.
1). “Không khí của ngày tận thế”
Ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh cao hơn mức báo động từ hồi tháng 1/2013 kéo dài đến năm 2014 đã làm xuất hiện một danh từ mới, “Không khí của ngày tận thế” (Airpocalypse). Đó là ghép chữ Air vào danh từ Apocalypse (Ngày tận thế). Từ đó từ ngữ nầy được dùng để chỉ ô nhiễm ở mức báo động trên các thành phố của TQ.
Thành phố bao phủ đầy khói bụi, tầm nhìn không rõ ràng đến nổi trường học và các nơi làm việc phải tạm thời ngưng hoạt động.
Những hạt bụi siêu nhỏ nầy khi hít vào phổi, xâm nhập vào dòng máu gây các bịnh về hô hấp, ung thư phổi và các thứ bịnh khác.
Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải đã công bố một báo cáo hồi tháng 2/2013, đã xếp Bắc Kinh là thành phố ô nhiễm hạng thứ hai trên thế giới. Ô nhiễm hạng nhất thế giới cũng thuộc về thành phố Lâm Phần tỉnh Sơn Tây của TQ. Đồng hạng nhất là thủ đô New Delhi của Ấn Độ.
Báo cáo kết luận: “Bắc Kinh hầu như không còn phù hợp với đời sống con người nữa, do ô nhiễm nghiêm trọng”.
Phát triển không kềm chế bằng cách xử dụng than đá là nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí rất tệ hại ở Trung Quốc.
2). Ô nhiễm không khí ở Trung Quốc vẫn còn nghiêm trọng
Vào tháng 5, thời điểm mà việc đốt than sưởi ấm vào mùa đông của người dân không còn nữa, thế mà tình trạng ô nhiễm ở Bắc Kinh đã rơi vào tình trạng nghiêm trọng. Sương mù dày đặc bao trùm thủ đô và cả tỉnh Hà Bắc.
Ô nhiễm cấp 6 là mức độ nghiêm trọng nhất. Tầm nhìn xa rất hạn chế, 50m.
Trung tâm giám sát môi trường kêu gọi người dân hạn chế sinh hoạt ngoài trời. Những người lao động nặng, người già, trẻ em, những người bịnh phổi cần phải có những biện pháp bảo vệ thích hợp.
Tình trạng ô nhiễm rất tệ hại khiến cho các quan chức liên hệ phải thừa nhận rằng tiêu chuẩn đánh giá của nhà nước không chính xác. Thứ trưởng Bộ Môi Trường thừa nhận như thế.
Trước đó con số mà chính quyền đưa ra là ô nhiễm ở cấp 2, trong khi đó nhóm quan sát trong tòa đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh đưa ra con số là ô nhiễm cấp 6.
2.4. Trung Quốc thải khí sulfur dioxide nhiều nhất thế giới
Báo cáo của Cục Bảo vệ Môi trường Trung Quốc cho biết lượng khí Sulfur dioxide (SO2) mà nước nầy thải ra đã tăng 27% trong thời gian từ năm 2000 đến 2005.
Mỗi tấn khí thải nầy làm thiệt hại cho nền kinh tế 20,000 nd tệ (2,500USD). Tổng số thiệt hại năm 2005 hơn 62 tỷ USD.
Khí SO2 tạo ra mưa acid (Acid rain)
Mưa acid là mưa mà trong nước chứa nhiều khí sulfur dioxide (SO2). Nguyên nhân tạo ra mưa acide là do núi lửa phun trào, những đám cháy rừng, và nguyên nhân chính vẫn là do con người tạo ra. Khói ô tô, nhà máy nhiệt điện, nhà máy luyện kim, nhà máy lọc dầu chạy bằng than đá…đã nhả khí SO2 vào không khí.
Mưa acid giết hại cây rừng, đất nông nghiệp, làm ô nhiễm nước sông, hồ…đưa đến làm hại mùa màng, nước ô nhiễm tác động vào thực phẩm, nước uống và nước sinh hoạt. Thiệt hại kinh tế và sức khỏe con người, bịnh tật, thuốc men và chết sớm.
Giáo sư Michael Freilich, giám đốc bộ phận khoa học trái đất của Cơ quan Quản trị Hàng không và Không gian Hoa Kỳ. (NASA= National Aeronautics and Space Administration), cho biết vệ tinh mới nhất ghi nhận trong vòng 100 năm hoặc 200 năm tới, nước biển sẽ dâng cao lên 1m, có thể nhấn chìm những đảo quốc trên khu vực Thái Bình Dương. Bang Florida và một số thành phố khác như Tokyo có nguy cơ biến mất trong thời gian 100, 200 năm tới.
Tử thần rình rập mà ít ai quan tâm tới vì nó chưa tác hại trong hiện tại.
“Không khí của ngày tận thế”. Khi bóng đen bao phủ thì Bắc Kinh trở thành một thành phố chết. Ô nhiễm môi sinh là cái giá mà Bắc Kinh phải trả cho việc phát triển thần kỳ về kinh tế suốt 30 năm qua.
Bất cứ người Trung Hoa hay bất cứ người nước ngoài nào đang sống ở Bắc Kinh đều có dịp nhìn thấy tận mắt bầu trời khói bụi mịt mù, ô nhiễm khiến cho các thành phố nước nầy trở thành những đô thị độc hại nhất hành tinh.
Người dân phẩn nộ. Nhà nước lờ đi. Trái lại những công ty sản xuất thiết bị đo ô nhiễm, máy lọc không khí thì vui mừng vì làm ăn phát đạt. Hốt bạc.
Sát thủ thầm lặng nầy đã giết 4,400 người Trung Hoa mỗi ngày. Ngày 16-8-2015, một nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí Plus One (Mỹ) cho biết ô nhiễm không khí là thủ phạm của 17% trường hợp chết sớm ở Trung Quốc, bất chấp nổ lực đối phó của chính phủ.
Các tác giả nghiên cứu làm việc tại Đại Học Berkeley (CA, USA) ước tính có 1.6 triệu người Trung Hoa chết mỗi năm về bịnh tim, phổi, đột quỵ có liên quan đến bầu không khí ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là vào mùa đông vì người dân đốt than để sưởi ấm và không khí dơ bẩn, vì nặng nên lắng đọng ở gần mặt đất.
Ô nhiễm không khí là hậu quả của việc đạt được mục tiêu xây dựng một xã hội thịnh vượng bằng mọi cách.
Tình trạng nầy gây nhiều lo ngại vì Bắc Kinh sẽ bỏ ra 3.06 tỷ USD chuẩn bị tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông vào năm 2022.
2.5. Ô nhiễm nước ở Trung Quốc
Ngoài ô nhiễm không khí, Trung Quốc còn phải đối diện với ô nhiễm nước. Theo số liệu thống kê thì 40% sông ngòi bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Bà Triệu Phi Hồng, nhà nghiên cứu của Hiệp hội Y tế Bắc Kinh cho biết, hơn 100 con sông ở thủ đô hiện nay, chỉ còn hai hay ba con sông có thể dùng để cung cấp nước. Những sông còn lại, nếu không khô cạn thì cũng bị ô nhiễm vì nước thải công nghiệp.
Tân Hoa Xã cho biết, nhiều nơi trong thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô đã xuất hiện ô nhiễm nặng nề trong nước sinh hoạt.
Nước sinh hoạt trong gia đình ở nhiều nơi có mùi rất khó chịu, không thể xử dụng được trong nhiều tháng.
Nguyên do là vào mùa hè, nhiệt độ cao, mưa ít khiến cho nước ở các hồ thay đổi. Loại tảo xanh phát triển sớm ảnh hưởng đến chất nước.
Các siêu thị trong thành phố không còn bình nước sạch nào trên các kệ. Người ta mua để dự trữ. Người dân lại xếp hàng mua bánh mì vì lo sợ thức ăn được chế biến từ nguồn nước bị ô nhiễm làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Một số hình ảnh kinh hoàng về ô nhiễm nước:
Một ngư dân đang lội giữa dòng nước có màu xanh do tảo ở thành phố Sào Hồ, thuộc tỉnh An Huy* Cá chết
3* Không khí ô nhiễm có thể gây đột quỵ và rối loạn lo âu
Tạp chí khoa học Anh vừa đưa ra nghiên cứu về ô nhiễm môi trường có thể làm gia tăng nguy cơ đột quỵ và rối loạn lo âu cho con người.
Trên thế giới, mỗi năm có khoảng 5 triệu người tử vong do đột quỵ (Stroke), nhiều nhất là ở những người béo phì (Obesity), hút thuốc lá và cao huyết áp (High blood pressure).
Đột quỵ xảy ra khi lượng máu cung cấp cho một phần của não bộ đột nhiên bị chặn lại hoặc thiếu máu do mạch máu trong bộ não bị vỡ.
Các nhà khoa học Anh ở Đại học Edinburgh đã xem xét và phân tích mối liên quan giữa không khí ô nhiễm với chứng đột quỵ và tử vong được ghi nhận trong 103 khảo sát tại 28 quốc gia.
Các chất khí gây ô nhiễm không khí được phân tích gồm có: carbon monoxide (CO), nitrogen monoxide (còn có tên khác như: nitrogen oxide, nitric oxide, nitrogen monoxide) công thức hóa học là NO, sulfur dioxide (SO2).
Kết quả cho thấy, bụi trong không khí có kích cỡ PM2.5 đã liên quan đến nguy cơ đột quỵ.
3.1. Nguy cơ đột quỵ
Carbon monoxide (CO) là thứ khí không màu, không mùi, không vị, cực kỳ nguy hiểm. Khi hít thở một số lượng lớn sẽ làm giảm oxy trong máu gây tổn thương hệ thần kinh đưa đến đột quỵ, tử vong.
3.2. Không khí ô nhiễm gây rối loạn lo âu
Các nhà khoa học thuộc hai đại học Johns Hopkins và Harvard đã thực hiện những cuộc khảo sát ở 71,271 phụ nữ tuổi từ 57 đến 85, kết quả cho thấy ô nhiễm không khí gây ra rối loạn lo âu.
Rối loạn lo âu là chứng rối loạn tâm thần rất phổ biến với 16% số người trên thế giới mắc phải.
Chuyên gia môi trường Michael Brauer tại Đại học British Columbia, Canada, bình luận rằng hai nghiên cứu nầy “khẳng định nhu cầu cấp thiết nhằm quản lý vấn đề ô nhiễm không khí trên toàn cầu một cách có hiệu quả để làm giảm chi phí bịnh tật do đột quỵ và sức khỏe tâm thần rất kém”.
4*Không khí ô nhiễm Trung Quốc tràn qua Việt Nam vào mùa đông
Ngày 14-10-2015, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn VN đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy 9 tỉnh, thành phố phía bắc VN, trong đó có Hà Nội, đang chịu ảnh hưởng không khí bị ô nhiễm của Trung Quốc do gió mùa đông bắc thổi xuyên biên giới qua VN.
Nồng độ khí SO2 chiếm 50%. 48% NO2 và 30% khí CO. Những khí độc nầy do các nhà máy chạy bằng than đá nhả ra, nếu hít thở lâu ngày thì sẽ từ từ phá hủy hệ hô hấp. Trước hết là viêm mũi họng, thanh quản, phế quản mãn tính và ung thư phổi.
5* Ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc làm nản lòng các chuyên gia nước ngoài.
Đa số (53%) doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc cho biết, họ gặp khó khăn trong việc tuyển người đến làm việc tại cường quốc kinh tế hàng đầu Châu Á nầy. Một phần ba (1/3) doanh nghiệp Châu Âu cho biết, ô nhiễm môi trường ở TQ đã làm tăng vọt chi phí tuyển dụng, do các ứng viên muốn có những khoản tiền bù đắp, nhất là tại các khu vực như Bắc Kinh, Nam Kinh, Thượng Hải…
Một nghiên cứu mới đây cho thấy 10% đất nông nghiệp chứa kim loại nặng như thủy ngân, chì, cadmium có nồng độ vượt tiêu chuẩn an toàn. Các kim loại nầy gây tổn hại cho hệ thần kinh, hệ sinh sản, gây ra những biến chứng sức khỏe khác, đặc biệt đối với trẻ em.
6* Chôn khí carbon dioxide nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Theo các nhà nghiên cứu châu Âu, khí thải carbon dioxide (CO2) từ các nhà máy công nghiệp gây ô nhiễm môi trường có thể được chôn vào lòng đất thay vì thải vào không gian. Và việc thay đổi này có thể góp phần giảm thiểu tình trạng khí hậu ấm dần trái đất.
Trong tháng 2 vừa qua, một cuộc thử nghiệm chôn vùi khí CO2 trong lòng đất với quy mô lớn được các nhà nghiên cứu thực hiện tại Ketzin, một thị trấn nhỏ cách Berlin 40 km.
Theo đó, người ta khoan đến độ sâu 800 m trong lòng đất, nơi có mạch nước ngầm bị nhiễm bẩn và không tiếp xúc được với mạch nước ngầm có thể sử dụng. Theo dự kiến, kể từ mùa hè này đến hai năm tới, khoảng 60.000 tấn CO2 thô sẽ được vùi tại đây.
Dự án trên trị giá 35 triệu euro được đồng tài trợ từ EU, Đức, Pháp cùng nhiều trường đại học và các công ty châu Âu. Theo giáo sư Günter Borm thuộc Trung tâm nghiên cứu Trái đất Potsdam (GFZ), dự án nhằm kiểm tra phương thức cất trữ khí CO2 trong lòng đất nhằm giảm thiếu việc thải chúng vào không gian dẫn đến hiệu ứng nhà kiếng. Trong trường hợp thành công, phương pháp này sẽ được ứng dụng cho các khu công nghiệp tập trung khí thải này như các nhà máy luyện kim, ximăng hay các trung tâm nhiệt điện.
Kỹ thuật chôn CO2 cũng đang là đề tài thử nghiệm tại nhiều nơi trên thế giới, trong những điều kiện khác nhau như chôn dưới biển sâu, khu vực ngoài khơi Na Uy hay Úc, dưới đáy một mỏ dầu ở Texas (Mỹ)…
7* Sự gian lận “vĩ đại” về khí thải của hãng xe Volkswagen
7.1. Gian lận tinh vi của hãng xe Volkswagen
Ngày 18-9-2015, cơ quan Bảo Vệ Môi Trường Mỹ (EPA=Environmental Protection Agency) công bố hãng xe Volkswagen (VW) đã vi phạm đạo luật Không Khí Sạch (Clean Air Act) sau khi phát hiện hãng xe nầy đã cố tình thiết kế một phần mềm (software) tinh vi làm tăng áp lực phun dầu trực tiếp vào động cơ chạy diesel để kềm giữ số lượng khí thải nitrogen monoxide (NO) đạt được tiêu chuẩn qui định của luật Mỹ. Điều đáng chú ý là phần mềm nầy chỉ hoạt động trong khi xe ngừng chạy, máy nổ, và trong phòng thử nghiệm để giữ lượng khí thải đúng theo tiêu chuẩn luật định. Trái lại, khi xe chạy trên đường trường thì số lượng khí thải chứa nitrogen monoxide gia tăng gấp 40 lần.
Hãng VW sản xuất những chiếc xe hiệu Volkswagen, Audi, Porsche, Seat, Skoda, Lamborghini, Bugatti…
7.2. Ai phát giác ra sự lừa đảo khí thải của hãng Volkswagen?
Năm 2014, Hội Đồng Quốc Tế Về Giao Thông Sạch (ICCT=International Council on Clean Air Transportation) có đơn đặt hàng yêu cầu Trung Tâm Nghiên Cứu Động Cơ của trường Đại Học West Virginia thực hiện cuộc khảo sát ba chiếc xe chạy dầu diesel: VW Passat, VW Jetta và BMW. Số tiền thực hiện khảo sát là 50,000 USD.
Giám đốc điều hành trung tâm nghiên cứu của trường Đại Học West Virginia là Daniel Kardar cùng 8 kỹ sư tiến hành cuộc khảo sát.
Cuộc thử nghiệm trên đường trường dài 3,200km thì có kết quả như sau: xe BMW bằng hoặc dưới tiêu chuẩn qui định. VW Passat cao gấp 20 lần so với thử nghiệm trong phòng hoặc khi xe đậu. VW Jetta cao vượt quá 35 lần so với con số trong phòng thử nghiệm.
Tóm lại, khi xe chạy trên đường thì nhu liệu kềm chế khí thải ngừng hoạt động.
7.3. Mức phạt 18 tỷ USD
Ước tính có 11 triệu xe của hãng Volkswagen phát thải khí gây ô nhiễm trên toàn thế giới. Riêng ở Mỹ có 500,000 chiếc xe VW từ năm 2008 đến 2015.
Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường Mỹ cho biết, nhà chức trách ấn định mức phạt là 37,000 USD cho mỗi chiếc xe. Như vậy số tiền phạt lên 18 tỷ USD cho nửa triệu chiếc VW. Các nhà quan sát cho rằng tập đoàn VW có dư khả năng trả số tiền phạt đó vì thu nhập từ các loại xe nầy rất cao.
Ngoài ra, VW còn có thể đối diện với những vụ kiện tập thể và bị điều tra hình sự về tội lừa bịp.
Hiện tại cơ quan Bảo Vệ Môi Trường chưa có yêu cầu thu hồi toàn bộ xe đã bán ra, nhưng có thể yêu cầu hãng xe phải trả chi phí sửa chữa cần thiết.
7.4. Vì sao phải gian lận?
Gian lận để quảng cáo cạnh tranh với các hiệu xe khác. Đó là VW đạt tiêu chuẩn khí thải và ít hao dầu diesel.
Khi xe ngừng chạy, máy vẫn nổ thì bảo đảm được số khí thải đúng với tiêu chuẩn của luật pháp nước Mỹ.
Khi xe chạy đường trường thì sẽ tiết kiệm được một số xăng dầu.
Hai điều kiện để quảng cáo thương hiệu Volkswagen cạnh tranh với những hiệu xe khác, là bảo đảm được tiêu chuẩn về khí thải gây ô nhiễm, và ít hao dầu diesel.
Giám đốc điều hành của VW là ông Martin Winterkorn bày tỏ “lời xin lỗi sâu sắc vì đã làm mất niềm tin của công chúng”. Ông hứa sẽ hợp tác với các nhà điều tra.
Martin Winterkorn tuyên bố từ chức.
8* Hội nghị thượng đỉnh COP 21 tại Paris chống biến đổi khí hậu
8.1. Khí carbonic (CO2) là nguyên nhân gây hâm nóng địa cầu
Khí hậu bao gồm các yếu tố như: nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa, áp suất của bầu khí quyển…những yếu tố nầy xảy ra trong một thời gian dài ở một khu vực nào đó. Yếu tố gia tăng nhiệt độ là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.
Hiệu ứng nhà kiếng (The greenhouse effect). Ở các xứ lạnh người ta dùng nhà kiếng để trồng thực vật ở vùng nhiệt đới hoặc ôn đới, nói chung hiệu ứng nhà kiếng là tình trạng nhiệt độ tăng dần, hâm nóng địa cầu (Global warming)
Khí carbonic (CO2) hấp thụ nhiệt độ rất mạnh. Khi ánh sáng và sức nóng của mặt trời chiếu xuống trái đất, thì trái đất hấp thụ một phần của sức nóng. Phần còn lại phản xạ, dội ngược trở lại bầu không khí. Nhưng nếu trong bầu không khí có chứa nhiều khí carbonic thì khí CO2 nầy hấp thụ hơi nóng và giữ hơi nóng lại trong bầu không khí chúng ta hít thở.
Khí carbonic (CO2) hấp thụ nhiệt độ rất mạnh tạo ra hâm nóng địa cầu
Theo tính toán của các nhà khoa học thì khi nồng độ của khí CO2 tăng gấp đôi như hiện nay thì nhiệt độ trái đất tăng lên tới 3 độ C như hiện nay.
Nhiệt độ gia tăng nầy làm cho băng tuyết trên đỉnh núi và ở bắc cực, nam cực tan ra. Mực nước biển dâng cao và sẽ chôn vùi nhiều đảo quốc và thành phố dưới mực nước biển. Các chuyên gia ở NASA nêu nhận xét, nước biển dâng cao có thể nhận chìm toàn bộ một số quốc đảo trong khu vực Thái Bình Dương. Bang Florida cùng một số tành phố trên thế giới như Tokyo (Nhật) có nguy cơ biến mất.
Biến đổi khí hậu còn tạo ra các loại thiên tai như bão, lũ lụt, lũ quét, hạn hán, xâm nhập nước mặn…
8.2. Hội nghị COP 21
Tổng thống Pháp François Hollande (giữa) và TTK/LHQ Ban Ki-moon
Ngày 30-11-2015, Hội nghị thượng đỉnh khí hậu LHQ COP 21 đã chính thức khai mạc tại Le Bourget, Paris (Pháp). (COP21 stands for the 21st Conference of Parties to the United Nations Framework Convention on Climate Change).
Tham dự hội nghị gồm nguyên thủ của 150 quốc gia và các lãnh đạo chính phủ của 195 thành viên LHQ.
Ngoài ra còn có khoảng 40,000 người bao gồm 10,000 đại biểu của các quốc gia thành viên LHQ, 14,000 đại diện các tổ chức dân sự và các chuyên gia. 3,000 nhà báo và khách mời.
Tổng thống Pháp, François Hollande, và TTK/LHQ Ban Ki-moon đứng ra chào đón các đại biểu tham dự hội nghị.
Tổng thống Barack Obama, Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi là những nhân vật sáng chói nhất của hội nghị. Về phía dân sự thì có tỷ phú Bill Gates, Mark Zucherberg người sáng lập Facebook, tỷ phú George Sorus, Hoàng tử Alaweed của Saudi Arabia, đã ký một thỏa thuận tham gia chiến dịch chống biến đổi khí hậu.
Hội nghị chia các chuyên gia thành 15 nhóm, bàn về những việc cụ thế để chống lại Biến đổi Khí hậu.
Hội nghị kéo dài hai tuần lễ với mục đích đạt dược một thỏa thuận quốc tế chống lại Biến đổi Khí hậu (BĐKH) mà cụ thể là cắt giảm khí thải carbonic (CO2) không vượt quá 2 độ C (Degree Celsius=(°C)) và thành lập quỹ xanh 100 tỷ USD mỗi năm để tài trợ các nước nghèo chống BĐKH.
8.3. Đồng thuận quốc tế mang tính lịch sử
Chiến dịch chống biến đổi khí hậu có hai phần: Nhiệm vụ đổi mới (Mission Innovation) do các chính phủ thực hiện. Phần thứ hai là “Sáng kiến năng lượng đột phá (Breakthrough Energy Initiative) dưới sự điều hành của tỷ phú Bill Gates.
Ngoài các chính phủ ra, 28 nhà đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới cũng tham gia chiến dịch do hai lãnh đạo Mỹ và Pháp là Tổng Thống Obama và Tổng Thống FranÇois Hollande khởi xướng. Tỷ phú Bill Gates đóng góp 1 tỷ USD. Người sáng lập Facebook, Mark Zucherberg, tỷ phú George Sorus, Hoàng tử Alaweed của Saudi Arabia đã ký một thỏa thuận tham gia chiến dịch chống biến đổi khí hậu.
Thỏa thuận chỉ là cái khung tổng quát dựa trên hai căn bản, một là sự ràng buộc đạo lý, hai là tự nguyện.
Hai việc cụ thể phải làm là: cắt giảm khí thải CO2 và đóng góp vào quỹ xanh 100 tỷ USD mỗi năm.
Thỏa thuận không mang tính cưỡng chế và cũng không có biện pháp chế tài, do đó nhiều lãnh đạo quốc gia thỏa thuận cuội để giữ mặt mũi. Hứa mà không làm. Đã không cắt giảm khí thải, tức là đóng cửa các nhà máy nhiệt điện, đã không đóng tiền vào quỹ xanh, mà trái lại còn yêu cầu đòi tài trợ để xóa đói giảm nghèo. Ấn Độ là một trong những nước đó.
8.4. 20,000 đôi giày phủ kín công trường La République ở Paris
Hội nghị diễn ra sau vụ khủng bố đêm 13-11-2015 làm cho 150 người chết và 300 người bị thương do đó an ninh hội nghị được tổ chức rất nghiêm nhặt, 11,000 cảnh sát được huy động để bảo vệ an ninh cho hội nghị.
Do lịnh cấm biểu tình còn hiệu lực nên người dân Pháp đã gởi 20,000, đôi giày (nặng 4,000 Kg), đến công trường Cộng Hòa làm biểu tượng cho cuộc biểu tình kêu gọi cắt giảm khí nhà kiếng.
Trong đó có 140 đôi giày của các chính khách thế giới. Giày của Tổng thống Obama, của TTK/LHQ Ban Ki-moon và một đôi của Tòa Thánh Vatican.
Những đôi giày được sắp xếp ngay ngắn, thứ tự xem như một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời.
9* Tổng thống Obama và nước Mỹ đi đầu trong trận chiến cứu nguy trái đất và nhân loại
“Tổng thống Obama và ước mơ trở thành một nhà vô địch chống biến đổi khí hậu”. Đó là cái tựa bài viết của nhật báo La Croix (Pháp)
Tổng thống Mỹ đã dồn nổ lực vận động các nước công nghiệp hạn chế việc thải những chất khí gây ô nhiễm vào bầu khí quyển của trái đất.
Mặc dù Mỹ đứng hàng thứ hai, sau Trung Quốc về việc phát thải khí nhà kiếng, nhưng Mỹ nhận trách nhiệm trong việc hâm nóng địa cầu. Trái lại người lãnh đạo Trung Quốc, là nước nhả khí thải hạng nhất toàn cầu thì vẫn làm ngơ và tiếp tục làm ô nhiễm bầu không khí bao quanh trái đất.
Tổng thống Obama và nước Mỹ đi đầu đi đầu trong cuộc chiến đấu bảo vệ hành tinh nầy bằng cách kềm giữ, không cho bầu không khí mà loài người đang hít thở tăng lên quá 2 °C.
Ngày 3-8-2015 Tổng thống Obama công bố kế hoạch “America’s Clean Power Plan”, theo đó kể từ năm 2030 Mỹ sẽ giảm 32% lượng khí carbonic (CO2).
Đức Giáo Hoàng và ông TTK/LHQ Ban Ki-moon khen ngợi tổng thống Mỹ về thành tích thực hiện và vận động chống biến đổi khí hậu.
Ngày 9-10-2010 Ủy Ban Nobel Na Uy quyết định trao tặng cho Tổng thống Obama giải Bobel Hòa bình năm 2009. Với những lý do như sau: “Cho những nổ lực phi thường của ông trong việc tăng cường ngoại giao quốc tế và sự hợp tác giữa các dân tộc. Ủy Ban Nobel cũng nêu thêm lý do “thành tích không phổ biến vũ khí hạt nhân và nổ lực kiến tạo một bầu không khí mới cho trái đất”.
Ngày 8-4-2010, Tổng thống Obama và Tổng thống Nga Dmitri Medvedev đã ký Hiệp Ước cắt giảm vũ khí hạt nhân START (Strategic Arms Reduction Treaty-START) tại thủ đô Prague (Praha) của Cộng hòa Czech.
Mỗi bên cắt giảm 2/3 vũ khí hạt nhân trong kho để còn lại mỗi bên là 1,700 đầu đạn hạt nhân. Mỹ có 6,000 đầu đạn, Nga có 5,500.
.
10* Kết luận
Theo một báo cáo mới đây thì khí thải của TQ bằng lượng khí thải của Hoa Kỳ và Châu Âu cộng lại. Đến năm 2029, lượng khí thải toàn cầu sẽ tăng lên tới 43.2 tỷ tấn, và riêng TQ sẽ chiếm 12.7 tỷ tấn. Tờ New York Times cho biết TQ vẫn tiếp tục lên kế hoạch xây thêm 155 nhà máy nhiệt điện chạy than. “Trung Quốc muốn đạt đến phát triển dù phải hy sinh môi trường và sức khỏe của người dân”.
Thỏa thuận COP 21 được xem như một thỏa thuận lịch sử để cứu trái đất và loài người, nhưng trên thực tế thì không phải dễ gì để các nước phải loại bỏ các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá, vì nhà máy điện gắn liền với phát triển kinh tế.
Và số tiền góp vào quỹ xanh hàng năm là 100 tỷ USD cũng không phải dễ gì thực hiện vì bản thỏa thuận không có ghi chi tiết về điều kiện đóng góp.
Chủ trương dùng năng lượng xanh sẽ làm phát triển nhà máy điện hạt nhân. Xe hơi chạy điện phát triển sẽ đụng chạm đến quyền lợi của các nước xuất khẩu dầu OPEC (Organization of Petroleum Exporting Countries) mà mỗi ngày sản xuất 31 triệu thùng dầu. (Barrel=158 lít 97).
Tử thần rình rập mà ít có ai quan tâm tới. Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ. (Nobody has ever shed tears without seeing a coffin).
Trúc Giang
Minneota ngày 19-12-2015