Đại hội đầu voi, bảy ngày, 1400 đại biểu. Kết quả đuôi chuột : Trung Cộng đề nghị, Đại hội bình bầu Tổng Bí thư — Nguyễn Phú Trọng.
Từ ngày 12 tháng giêng Đại hội lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam kéo dài đến ngày 19. Bảy ngày với 1400 đại biểu. To lớn! tốn kém! để làm gì ? Để sắp đặt lại nhơn sự lãnh đạo và sau đó trình làng với các Đảng viên cùng Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc ? Sau Đại hội lại mở tiệc ăn mừng liên hoan chúc tụng vái nhau. Lại tốn tiền nữa ! Ai chi tiền đây ?
Nhưng mọi sự đã sắp đặt sẵn rồi : vẫn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dủng, và các ghế quan trọng đã được chia chác sắp đặt rồi, cái nào cho ông Trương Tấn Sang, cái nào cho ông Nguyễn Sinh Hùng …và đặc biệt ông Nguyễn Phú Trọng phải là Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam vì Trung Cộng muốn vậy ! Và kết quả hôm nay : Ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí Thư Đảng.
Viện cớ các vị nầy sẽ thay các ông cũ về hưu để lãnh đạo Đảng và đưa người của Đảng sang cầm quyền Nhà nước và Chánh phủ. Nhưng nếu ta nhìn vào 14 người của Bộ Chánh Trị thì chỉ có 5 người mới. Vậy thi đổi mới ở đâu ?
Và Đại Hội Đảng để làm gì ? Ban lãnh đạo của Việt Nam sau Đại Hội Đảng Cộng sản cũng không có khuôn mặt nào mới mẽ cả. Trái lại vai trò làm đầy tớ của Trung Quốc lại rõ ràng hơn. Khi một nước ngoại bang đề nghị một nhơn vật vào làm Tổng bí thư Đảng mà nhơn vật ấy được bầu đúng vào vai trò đề nghị thì ta gọi là gì ? Vậy thì đâu là quốc thể ?
Thế mà từ mấy tháng nay Đảng Cộng sản đã phải sửa soạn rất kỹ Đại hội nầy. Đúng vậy ! Từ mấy tháng nay, để sửa soạn cho Đại Hội được yên lành, để giữ an ninh cho Đại hội không để những « phần tử phản động / diển biến hòa bình / đòi hỏi dân chủ » phá hoại nên Thủ tướng chánh phủ phải ra chỉ thị cho các lực lượng công an, cảnh sát võ trang, cùng với cả một số đơn vị quân đội giữ gìn an ninh, an toàn và trật tự xã hội.
Do đó mà hàng loạt các luật sư bị bố ráp, hành hung, đàn áp, uy hiếp. Do đó mà các mục sư Tin lành bị đánh đập, khủng bố, bắt nhốt. Do đó mà các con chiên Cồn Dầu bị công an đánh chết, và đặc biệt sáng 5-1-2011, ngon lành hơn nữa, tùy viên chánh trị Christian Marchant của Sứ quán Huê Kỳ bị công an thành phố Huế xô đẩy và hành hung khi ông đi ghé thăm Linh mục Nguyễn Văn Lý. Tất cả nhơn danh cho sự ổn định và yên lành cho Đại hội Đảng .
Tất cả ngần ấy để chuẩn bị cho Việt Nam có một khuôn mặt lãnh đạo Đảng Cộng sản và có thể cũng là một Chủ tịch nước mới (cho Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) : Ngài Nguyễn Phú Trọng người được Đảng Cộng sản Tàu giới thiệu và sắp đặt.
“Đồng chí” Nguyễn Phú Trọng
Tổng bí thư Đảng và Chủ tịch Nhà nước ?
Đại hội một Đảng, các đảng viên bầu Tổng bí Thư Đảng ấy, thôi đó ! cũng có lý ! Nhưng Bộ Chánh trị Đảng ấy lại sẽ đề nghị những lãnh đạo cho cả một đất nước và sẽ, nếu tin tức hành lang đưa tin trước ngày Đại hội đúng, thì chức Tổng bí thư đảng sẽ kiêm nhiệm thêm chức Chủ tịch Nhà nước đúng theo phương thức của chế độ của Mẫu quốc phương Bắc. Nhưng chức Chủ tịch Nước Việt Nam là một Chức vụ do nhơn dân Việt Nam bầu cử hay bình bầu. Người dân Việt Nam có tiếng nói gì trong việc bầu cử vị lãnh đạo đất nước mình không ?
Những ngày trước Đại hội, những ngày trong Đại hội người dân làm gì ? nghĩ gì ? có ý kiến gì ? và sanh hoạt ra sao ?
Những ngày ấy, ngoài những biểu ngữ treo rạp trời trên đường phố, trong không khí se lạnh của một mùa đông, người dân các thành phố lớn, hay ở ngay cả thủ đô Hànội, hay ngay cả ở các thôn quê chỉ biết lam lũ, làm ăn, lo chuyện sống còn hằng ngày . Kiếm sống, làm ăn trong khung cảnh chật vật, càng ngày càng khó khăn, vật giá leo thang do khủng hoảng kinh tế, do nạn lạm phát, do đồng dollar tuy mất giá nhưng vẫn tăng. Và tệ hại hơn do nạn tham nhũng ! Nạn tham nhũng ngày nay lan tràn từ ông lãnh đạo chóp bu đến ông trưởng phường trưởng xóm của các hạ tầng cơ sở. Bất công đầy rẫy trong một xã hội chụp giựt, tất cả đều dỏm, tất cả là « đểu » nghĩa là « giả hiệu », từ hàng hóa, đồ vật, đến cả lương thực, đến cả thuốc men, thậm chí cả con người, thậm chí cả bằng cấp.
Xã hội Việt Nam trước Đại hội Đảng đã thiếu hẳn dân chủ. Các nhà đấu tranh bất đồng chánh kiến, mặc dù đấu tranh ôn hòa, vẫn tiếp tục ngồi tù hoặc bị quản thúc tại gia, hay dù có được thả về vẫn bị quấy nhiểu lúc chận bắt ngoài đường, lúc trát đòi đến đồn Công an làm việc hỏi cung : luật sư Lê Thị Công Nhân, luật sư Nguyễn Văn Đài, thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung, nhà báo Điếu Cày, hay cô Phạm Thanh Nghiên cũng ngồi tù chỉ vì có tội là ngồi tọa kháng trước khẩu hiệu « Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam » thôi !
Sau ngày Đại hội cũng vẫn tiếp tục thiếu dân chủ.
Lãnh đạo không thay đổi thì làm sao thể chế chánh trị thay đổi.
Đây là cả một mối nhục cho những người Việt Nam nói chung và công dân nước Việt Nam nói riêng ! Liên Hiệp Quốc và quốc tế xếp Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam vào hàng các nước độc tài, thiếu dân chủ, không có tự do báo chí, không tôn trọng nhơn quyền, một quốc gia « công an trị, công an đàn áp », « một nước không bảo vệ được các quyền tự do cho người dân mình », « một nước mà các người dân đấu tranh để cho các quyền công dân được tôn trọng và cho một nền dân chủ phải đi nhờ cậy và dựa vào sự can thiệp của quốc tế đề dành lại tất cả các quyền tự do tối thiểu của quyền làm một con người », như Miến Điện, như Bắc Hàn, như Iran …
Và Tương lai Việt Nam sau Đại hội ? và nền kinh tế có thay đổi không ?
Vậy thì nền kinh tế Việt Nam sẽ ra sao ? vẫn một nền kinh tế chỉ huy, lấy xí nghiệp quốc doanh làm cốt lõi cho một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa lỗi thời ? Hay có gì khác lạ , khi tuyên bố bỏ không bảo vệ những « công hữu nữa » ? Thế nhưng , với vụ Vinashin xập tiệm, với tuyên bố « xanh dờn » « vô trách nhiệm » quỵt nợ của vị cựu Thủ tướng và nay cũng sẽ tân Thủ tướng , ai dám tin tưởng, từ nay vào tài nghệ quản trị, vào chữ Tín của Việt Nam mà dám tài trợ đầu tư vào Việt Nam ? Ngân hàng quốc tế nào dám tin cho Việt Nam vay ? Và nếu có cho vay thì sẽ với một lãi suất rất cao.
Người mới ? hay bình cũ rượu mới ?
Mới hay cũ ? cũ thành mới ? Trường hợp ông Nguyễn Phú Trọng ? Ông là một người cũ có mặt ở Đại Hội trước rồi, đã thay ông Nguyễn Văn An làm Chủ tịch Quốc Hội, và nay được Bắc Kinh chấp nhận cho ( ông Nguyễn Phú Trọng) làm Tổng bí Thư.
Vì lý do nào ? nếu không là để làm một anh bù nhìn, vì ông Nguyễn Phú Trọng không có một ưu điểm nổi bật gì cả, chánh trị hay kinh tế, quân sự hay ngoại giao, hay văn hóa hay khoa học . Nhg chắc chắn, đối với họ, ông rất dễ dạy.
Phải chăng Đại hội XI sẽ bắt đầu một thời đại Bắc thuộc ?
Và nạn Bắc thuộc, từ năm 1991 sẽ còn kéo dài, vì theo tin hành lang tiết lộ, ông Trương Tấn Sang, Thường trực trung ương Ban Bí thư, và sau đó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được đề cử chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản cho năm nay, khi bước vào kỳ họp 13 của Trung ương rồi, nhưng cả 2 đều bị Bắc Kinh từ chối và Bắc Kinh quyết chọn ông Nguyễn Phú Trọng.
Nếu thật thế thì nhục nhã quá ?
Câu hỏi để kết luận : năm 2011 sẽ ra sao ?
Chắc chắn năm 2011 sẽ không là một năm êm ả vì nhiều lý do.
1. Đảng, rạn nức, mâu thuẫn càng ngày càng gay gắt giữa:
– một bên, nhóm lãnh đạo thủ cựu, già nua cả về tuổi tác lẫn trí tuệ, giáo điều và
– một bên một nhóm gồm có một số đông người trí thức, phần đông trẻ tuổi, có học lực cao, có hiểu biết, năng động, nhạy cảm, gần gủi với quần chúng như các trí thức đã dám tham gia ký các kiến nghị về bauxite hay nhóm Viện IDS ; và các đảng viên cấp cao đã dám viết bài phản biện thẳng thắn các văn kiện Đại hội XI.
2. Mâu thuẩn trong Đảng ấy cũng đã chuyển ra ngoài xã hôi với các nhà đấu tranh (ôn hòa) dân chủ, với các nhà báo tự do, với các bloggers.
3. Một cơn gió dân chủ và tự do đã nổi lên, thổi mạnh, và cơn gió ấy cũng muốn nói lên sự thật, và sự thật ngày nay phải được nghe.
4. Và hay hơn nữa, điển hình hơn nữa, mâu thuẫn ấy khởi đầu cho :
– một cuộc đấu sức, giữa tình yêu nước, giữa con người Việt Nam thực sự đối với tham nhũng, với lòng tham quyền cố vị của những con người bán nước.
– một cuộc đấu sức giữa lẽ phải, giữa lòng yêu quê hương, yêu tổ quốc đối với tình yêu tiền, yêu đô la, yêu áp – phe do tham nhũng mang lại.
– một cuộc đấu sức giữa yêu dân, yêu nước, yêu Tổ quốc đối với bán nước, với tay sai cho thế lực bành trướng ngoại bang phương Bắc;
– một cuộc đấu sức giữa lòng tự hào dân tộc đối với thái độ bạc nhược của cấp « lãnh đạo» trước ngoại bang.
Cuộc đấu sức ấy sẽ càng ngày càng quyết liệt, sẽ càng ngày càng không nhơn nhượng : công an đàn áp, mặc công an; công an bịt mồm bịt miệng, sẽ có những biểu ngữ tố cáo. Công an ngày nay càng ngày điên rồ, chế độ thủ cựu càng ngày càng điên rồ, không còn biết liêm sỉ, có khi hành hung cả các nhà ngoại giao quốc tế như ông Christian Marchant.
Rồi có một ngày, chính chế độ thủ cựu ấy sẽ bị nhơn dân, sẽ bị quốc tế đào thải, sẽ bị cơn gió tự do, cơn gió của sự thật thổi bật đi, và bình minh của một xã hội giữa những người tử tế đàng hoàng sẽ tới ! Một cơn bảo như cơn bảo đang thổi ở Tunisie sễ thổi tan chế độ độc tài, bạo quyến.
Hôm nay một xã hội dân sự, một xã hội công dân đã đang đứng dậy, đang tiến bước, không sức gì ngăn cản nổi. Năm 2011 sẽ là một năm của cuộc sống còn.
Đã là một năm của một Đại Hội Bắc thuộc, 2011 ắt phải là một năm đầy thử thách.
Và cũng là một năm quyết liệt của những người thực sự yêu nước, thương dân, sẵn sàng dấn thân vào một cuộc chiến đấu sống còn của dân tộc Việt.
TS Phan Văn Song
Hồi Nhơn Sơn ngày 19 /01/2011
Viết xong khi có kết quả Đại hội Đảng thứ 11