Từ mấy thập kỷ trở lại đây, nhiều quốc gia Đông Á đã thi nhau chuyển thể từ độc tài sang dân chủ. Hiện tượng này làm thế giới chú tâm theo dõi và không ít học giả đã bỏ công nghiên cứu. Qua các tác phẩm nghiên cứu và phân tích, người ta được biết là tiến trình dân chủ hóa các quốc gia Đông Á là một quá trình cam go và khúc khửyu.
Những đoạn viết sau đây sẽ tập trung vào việc mô tả những nguyên do khiến các chế độ độc tài Đông Á đã phải chuyển thể thành dân chủ và nhìn lại chiến lược dân chủ hóa Việt Nam của Hoa Kỳ sau 1975. Bài học rút ra từ thực tế chính trị của các nước láng giềng sẽ giúp chúng ta điều chỉnh phong cách đấu tranh cho hợp lý và hữu hiệu. Một sự nhận xét sắc bén chắc chắn sẽ đem lại cho chúng ta nhiều tia sáng để phá tan màn đêm độc tài dày đặc đang bao phủ lên sự sống và tương lai của dân tộc.
Những nguyên do của sự chuyển thể chính trị tại vùng Đông Á
Khi nghiên cứu hiện tượng chuyển thể chính trị tại vùng Đông Á, các học giả đã phát hiện một số nguyên do được ghi nhận như sau :
Sự thối nát và tan rã nội bộ của các chế độ độc tài: Sự thối nát và tan rã là hậu quả của lòng tham không đáy của các thành phần lãnh đạo, thường chỉ gồm một nhóm người thi nhau bóc lột nhân dân. Dấu hiệu của sự thối nát là những hiện tượng quen thuộc như : quản lý kinh tế sai lầm, tham nhũng bè phái trở thành công khai và phổ biến, xuống cấp của các điều kiện xã hội, vong thân của các thành phần ưu tú, gia tăng chống đối của các thành phần bất mãn, leo thang đàn áp của chính quyền, mất tín nhiệm của các thẩm quyền quốc tế xưa nay vẫn ủng hộ. Thí dụ rõ nét nhất có thể dùng để minh họa nguyên nhân này là trường hợp của Phi Luật Tân vào thời cuối trào của chế độ Marcos.
Hiện tượng thối nát và tan rã như vừa mô tả không xa lạ gì đối với xã hội Việt Nam ngày nay. Từ nhận xét này có thể rút ra kết luận là, về căn bản, mọi chuyện đã chín muồi để cho nhóm lãnh đạo cộng sản Hà Nội rời bỏ chính quyền.
Sự lớn mạnh của các xã hội dân sự: Sự lớn mạnh của các xã hôi dân sự là áp lực mạnh nhất để buộc các chính quyền độc tài đi vào con đường chuyển thể theo chiều hướng tự do dân chủ. Kinh nghiệm của các quốc gia vùng Đông Á đã xác nhận sự phân tích đúng đắn này.
Điểm đặc biệt quan trọng cần ghi nhận ở đây là, sự lớn mạnh của các xã hội dân sự phải do công lao tổ chức và hướng dẫn của giới trí thức, gồm các giáo sư đại học, sinh viên và nhà báo. Nét đặc biệt này đáng được giới trí thức của Việt Nam, trong và ngoài nước, quan tâm theo dõi và nghiên cứu.
Vào thời điểm này, lịch sử của đất nước, khung cảnh liên lập chặt chẽ của thế giới đã tỏ ra rất thuận lợi cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương. Tương lai của tổ quốc không thể thiếu bàn tay và khối óc của những người thức giả tự gắn đời mình với sinh mệnh của dân tộc.
Sự thay đổi trong các cơ cấu kinh tế và xã hội: Các xã hội dân sự lớn mạnh là hậu quả gián tiếp của đợt phát triển kinh tế kéo dài, nguyên nhân của một sự đổi thay trong cơ cấu xã hội. Kinh tế phát triển làm nảy sinh ra một giai cấp trung lưu, và giai cấp này trở thành hạt nhân của các tổ chức ngoài chính phủ.
Giai cấp trung lưu càng lớn bao nhiêu thì các xã hội dân sự càng mạnh bấy nhiêu nhờ các khoản chi viện dồi dào mà giai cấp này đóng góp. Qua ảnh hưởng của các xã hội dân sự, giai cấp trung lưu đòi hỏi tham gia công việc quản lý đất nước và đặt nặng vấn đề chính danh của những người lãnh đạo.
Lập luận này đã được thực tế chính trị phong phú của một số quốc gia vùng Đông Á hùng hồn minh chứng. Cho nên những lực lượng đấu tranh cho dân chủ Việt Nam phải nhìn thấy ở sự phát triển kinh tế một đồng minh khả tín chứ không phải một kẻ thù đứng chung trận tuyến với đối phương.
Áp lực từ bên ngoài: Ngày nay không ai có thể phủ nhận ảnh hưởng của áp lực quốc tế đối với nền chính trị quốc nội vì trái đất đã trở nên quá nhỏ hẹp và nhân loại đang có khuynh hướng đi tới một cuộc sống chan hòa. Giờ đây cần ghi nhận, hậu thuẫn chính trị cũng như hậu thuẫn tinh thần của quốc tế là rất quan trọng cho những cuộc vận động dân chủ vì nó che chở cho các lãnh tụ đối lập về tự do và sinh mạng, chống lại những vụ tù đầy dài hạn.
Các chế độ độc tài ngày nay đã ý thức được sự tẩy chay hay cô lập là rất tai hại cho vấn đề chính danh của họ : trong bối cảnh của thế giới hiện nay, chính danh duy nhất được công nhận là chính danh dân chủ. Các nhà đấu tranh dân chủ Việt Nam cần thấy được chính sách mới của Tây Phương để điều chỉnh sách lược của mình ngõ hầu tránh những việc làm thiếu thực tế hay kém hữu hiệu.
Triển vọng dân chủ của toàn vùng
Ngoại trừ Trung Quốc và Việt Nam, là những nước cộng sản còn sót lại, đa số các nước khác trong vùng đều đã tái lập được dân chủ. Hai nước này thuộc thế hệ các nước mới kỹ nghệ hóa đợt hai (NIC: Newly Industrialized Contries) nên có nhiều nét tương đồng với thế hệ NIC đợt một gồm Nam Triều Tiên, Thái Lan, Đài Loan, Mã Lai Á, Tân Gia Ba. Bản chất chung của các NIC này là sự̣ hiện hữu của một chế độ độc tài phải đối phó để giải quyết những khó khăn của nhu cầu phát triển.
Tuy nhiên giữa hai thế hệ NIC này có một sự khác biệt. Sự khác biệt đó là : nếu các thể chế độc tài của thế hệ NIC đợt một, đã có thể trì hoãn rất lâu tiến trình dân chủ hóa núp sau lý cớ Chiến Tranh Lạnh thì các chế độ độc tài của thế hệ NIC đợt hai không còn được hưởng trường hợp đặc biệt này nữa. Sự thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ và Tây Phương đang tạo áp lực rất nặng nề trên các chính thể độc tài còn sót lại.
Tuy nhiên ở đây cũng cần ghi nhận là mặc dầu đang tạo áp lực nặng nề như vậy Mỹ và Tây Phương cũng hiểu rằng chiến lược hợp lý nhất để phát huy dân chủ tại các nước tân kỹ nghệ hóa vùng Đông Á phải là một chính sách hợp tác kinh tế lâu dài đi đôi với một áp lực chọn lọc nhắm vào từng trường hợp cá biệt.
Đối với Trung Quốc và Việt Nam, người ta ghi nhận trong mấy thập kỷ vừa qua, nhờ những tiến bộ kinh tế đạt được, hai nước này đã thực hiện được một số cải cách theo chiều hướng dân chủ, không phải là không đáng kể.
Trong số những cải cách đó có thể liệt kê : gia tăng vai trò của luật pháp, nới rộng tự do căn bản của người dân, khuyến khích thi đua bầu cử tại cấp độ địa phương (chỉ thấy riêng ở Hoa Lục), cố gắng đặt hệ thống quân bình hóa và hỗ tương kiểm sóat trong cơ chế điều hành công việc của đất nước (Việt Nam chưa có).
Chính sách cải cách tiệm tiến này được mệnh danh là “creeping democracy”, hiện đang được áp dụng tại Trung Quốc nhưng hãy còn ở trong một tình trạng rất tùy tiện tại Việt Nam. Nếu Việt Nam không nhanh chân điều chỉnh sự chậm trễ thì chắc chắn sẽ rơi vào một thứ trật tự Trung Hoa (Pax Sinica) mà Bắc KInh đạng rắp tâm thiết lập tại vùng Đông Á.
Chiến lược dân chủ hóa Việt Nam của Hoa Kỳ sau 1975
Sau 1975, vấn đề dân chủ hóa Việt Nam đã trở thành bức thiết đối với Hoa Kỳ để xác định và duy trì lâu dài thế bá chủ toàn cầu. Kể từ khi đế quốc Liên Sô tan rã, mục tiêu này qua mấy đời tổng thống lúc nào cũng chiếm địa vị “số một” trong chính sách đối ngoại của Hoa Thịnh Đốn.
Điều cần ghi nhận ở đây là trong nỗ lực dân chủ hóa này, Hoa Kỳ đã chuyển từ chính sách đối đầu qua chính sách đối thoại ngay từ nhiệm kỳ hai của tổng thống Clinton. Với chủ trương đối thoại, Hoa Thịnh Đốn và Hà Nội đã trù liệu những cuộc gặp gỡ định kỳ 6 tháng một lần, luân chuyển giữa thủ đô hai nước.
Bộ ngoai giao Hoa Kỳ, ngay từ lúc đầu vẫn tham khảo ý kiến của cộng đồng Việt Nam trước khi nói chuyện với Hà Nội, nhưng thiện chí tham khảo mỗi ngày một yếu đi vì những đòi hỏi về “nhân quyền” của cộng đồng chúng ta không giúp ích gì cho sách lược đối ngoại của Hoa Thịnh Đốn.
Trong những cuộc gặp gỡ định kỳ nói trên, Việt Cộng thường đưa ra những lập luận “chày cối” để né tránh những mũi tấn công về nhân quyền và tự do tôn giáo đến từ phía Mỹ. Học mót Trung Cộng như con vẹt, Hà Nội viện dẫn các Giá Trị Á Châu để ngăn cản làn gió dân chủ đang ào ảo thổi tới. Trước thái độ thiếu hiểu biết này, Hoa Kỳ kiên nhẫn gợi ý là những con “tiểu long” của vùng trời Đông Á là những quốc gia đã áp dụng kinh tế tư bản và các giá trị Tây Phương song song với ác giá trị Á Châu.
Hoa Kỳ cũng khuyến khích các NGO Mỹ làm việc tích cực hơn . Cuộc đấu tranh dân chủ tiệm tiến của các NGO này, tuy không làm hài lòng người Việt tự do hải ngoại mấy, nhưng đã được Hoa Thịnh Đốn đánh giá cao vì nó ăn khớp với sách lược họ áp dụng tại Việt Nam.
Sách lược chính trị đó chủ trương muốn dân chủ hóa ViệtNam, trước hết phải tạo được tại quốc gia này một số điều kiện tiên quyết, chẳng hạn như một lợi tức theo đầu người khả quan, một giai cấp trung lưu không lệ thuộc vào nhà nước, một trình độ giáo dục cộng đồng cao hơn và một nền văn hóa đa nguyên đa dạng. Tất cả những thứ này đòi hỏi phải có thời gian thực hiện.
Chiều sâu của Chương Trình Giáo Dục và Huấn Luyện Quân Sự Quốc Tế (IMET)
Trong bối cảnh chiến lược của Mỹ hiện đang áp dụng tại Việt Nam cần phải nhận định rằng : quan tâm chính yếu của Hoa Kỳ vào lúc này là làm sao giữ được thế bá chủ lâu dài. Muốn được như vậy Hoa Kỳ phải đóng trụ thường xuyên trên lục địa Âu Á, và đặc biệt là tại vùng Đông Á. Tại sao lại phải như thế ? Vì lịch sử nhân loại đã chỉ ra rằng những lực lượng khuynh đảo thế giới (như La Mã, Trung Hoa , Mông Cổ, Đức Quốc Xã, Liên Sô …) thường chỉ xuất hiện tại lục địa này.
Sách lược cần áp dụng là làm sao tạo được thế “quân bình lực lượng” (balance of power) trường cửu giữa Tây Bán Cầu và lục địa Âu Á, và giữa các cường quốc của lục địa Âu Á với nhau. Sách lược này đã tỏ ra hữu hiệu trong Thế Chiến II và chắc chắn sẽ còn được áp dụng trong thời gian trước mắt.
Riêng tại vùng Đông Á, sách lược “quân bình lực lượng” đòi hỏi một sự chia sẻ trách nhiệm giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản. Lịch sử nhân loại đã sang trang. Thế kỷ này là thế kỷ của hợp tác và phát triển chứ không còn là thế kỷ của đối đầu ý thức hệ để cùng đưa nhau vào chỗ chết.
Vòng đai Thái Bình Dương chỉ có thể tiến bộ nếu có hòa đồng giữa Hoa kỳ trong vai siêu cường hoàn vũ, Trung Quốc trong vai đại cường khu vực, và Nhật Bản trong vai quản lý những công việc chung của thế giới. Hoa Kỳ không có tham vọng đất đai mà chỉ muốn khuyến khích ổn định, điều kiện tất yếu để mọi nước đi vào con đường thịnh vượng.
Theo đuổi mục tiêu này, Hoa Kỳ đã đề ra nhiều biện pháp. Một trong những biện pháp đó là Chương Trình Giáo Dục Và Huấn Luyện Quân Sự Quốc Tế (International Military Education And Training, IMET). Một biện pháp khác là Chương Trình Tiếp Xúc Tay Đôi với giới chức quân sự của các nước có nhu cầu ổn định. Hậu ý của Hoa Kỳ khi đề nghị hợp tác quân sự với Việt Nam là để tạo thế quân bình chiến lược trong vùng.
Chiều sâu của việc Hoa Kỳ ủng hộ CSVN gia nhập WTO
Trung Quốc được chấp nhận vào Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới ngày 11/12/2001 sau 15 năm thương lượng. CSVN cũng xin gia nhập WTO, được chấp nhận ngày 11/7/2007 và trở thành hội viên thứ 150 của tổ chức này. Cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều cam kết tôn trọng mọi điều kiện và luật lệ của WTO.
Quan tâm chính trị hàng đầu của CSVN ngày nay là phải nhanh chóng hội nhập vào trào lưu toàn cầu hóa. Cụ thể là phải gia nhập WTO để bảo đảm cho vấn đề phát triển. Ai cũng biết là đối với một số nước cộng sản còn sót lại thì phát triển là chính danh duy nhất để sống còn, sau khi ý thức hệ đã hoàn tàn bị đào thải.
Từ lâu Hoa Thịnh Đốn đã chuẩn bị cho Hà Nội gia nhập WTO và trên thực tế đã tích cực ủng hộ để Hà Nội có mặt trong tổ chức này. Chúng ta thử tìm hiểu: tại sao ?
Khác với GATT (General Agreement On Tariff And Trade) trước kia chỉ đóng vai trò cảnh sát, WTO ngày nay là một quan tòa đầy quyền lực với khả năng cưỡng chế : thành viên nào vi phạm luật chơi sẽ bị loại ra ngoài ngay tức khắc. Hậu qủa của sự trừng phạt này là mọi cơ hội phát triển quốc gia sẽ bi tiêu tan và cơ hàn sẽ đến liền sau đó. Chính khả năng cưỡng chế này đã biến WTO thành phương tiện hữu hiệu nhất cho tiến trình dân chủ hóa toàn cầu.
Mặc dầu rất nôn nóng, CSVN vẫn chưa chuẩn bị chu đáo và trên thực tế cũng không có khả năng để đối mặt với luật chơi khắt khe của WTO. Nếu cứ cố chen chân vào thì hậu quả rồi đây sẽ là các xí nghiệp quốc doanh thi nhau vỡ nợ. Trước một sự sụp đổ hàng loạt như vậy nhà nước lấy đâu ra tiền để cứu vãn.
Những người đầu tư thua lỗ sẽ xuống đường, công nhân bất mãn sẽ xuống đường, nông dân tuyệt vọng cũng sẽ xuống đường, và hàng ngũ xuống đường mỗi ngày một phình lớn. Khi cả nước xuống đường hết ngày này qua ngày khác, sinh hoạt xã hội sẽ hoàn toàn bị tê liệt. Công an và quân đội không còn tinh thần đàn áp. Chính quyền bị bao vây và không thể nào sống sót.
Đó là những gì đã xảy ra tại Đông Âu năm 1989. Việc CSVN gia nhập WTO có thể sẽ là màn chót của vở tuồng toàn trị đang trình diễn tại Việt Nam. Do đó ta hiểu tại sao Hoa Thịnh Đốn lại cố tình giúp Hà Nộ̣i.
Chiều sâu của việc Hoa Kỳ dọn đường cho thương ước Mỹ-Việt năm 2000
Sách lược “Mở rộng dân chủ” (Enlargement of Democracy) được áp dụng cho Việt Nam từ thời hành pháp Clinton. Áp dụng sách lược này, kể từ năm 1994 Hoa Kỳ đã dọn đường cho thương ước Mỹ-Việt thành hình.
Tháng 2 năm 1994 tổng thống Clinton bải bỏ cấm vận đối với Việt Nam. Việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao được thực hiện năm 1995. Sau ba năm làm việc với Hà Nội, lẽ ra thương ước Mỹ-Việt phải được ký kết năm 1999, nhưng Hà Nội đã đình hoãn đến tháng 7 năm 2000 , vì không dám qua mặt Bắc Kinh.
Từ sau Chiến Tranh Lạnh, mọi nỗ lực trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đều nhằm dân chủ hóa các quốc gia còn theo chế độ độc tài. Để đạt mục tiêu này, Hoa Kỳ đã tỏ ra rất linh động và uyển chuyển. Có khi họ sẵn sàng sử dụng sức mạnh như đối với Haiti năm 1994, hoặc như đối với Kosovo năm 1999. Nhưng khi phải kiên nhẫn hơn đối với các nước như Trung Cộng và Việt Nam, họ lại có thái độ vô cùng mềm dẻo.
Để dân chủ hóa Việt Nam qua ngả ngoại thương Hoa Kỳ đã làm được những việc gì ? Để trả lời câu hỏi này chúng ta cần ghi nhận một số kỳ tích sau đây.
Bằng ngoại thương Mỹ đã tạo được một thế đứng trong lòng xã hội Việt Nam để từ thế đứng này nhận xét, theo dõi và hành động cho chính xác và hữu hiệu.
Bằng ngoại thương họ đang giúp Việt Nam phát triển kinh tế để nâng cao nhận thức dân chủ của người dân.
Bằng ngoại thương họ đã du nhập vào Việt Nam nền văn hóa và các tư tưởng Âu Mỹ để tạo nên một lớp người ly khai với các giáo điều cộng sản lỗi thời.
Bằng ngoại thương họ đang kết thúc vở tuồng “toàn trị” của Hà Nội qua việc ủng hộ CSVN gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới, như đã nói ở trên.
Chiều sâu của các chương trình viện trợ và hợp tác giáo dục
“Bằng viện trợ kinh tế và nhân đạo, Hoa Kỳ đang xây dựng tại Việt Nam một hệ thống xã hội dân sự” (civil society) dùng làm căn bản cho một nền dân chủ tương lai.
Khuyến khích chương trình “Xóa Đói Giảm Nghèo” của CSVN phát động từ 2001 đến 2100, Hoa Kỳ đã yểm trợ tài chính cho chương trình này qua hình thức Qũy Tín Dụng Nhỏ (Micro Credit) của Oxfam America hầu giúp đỡ phu nữ VN phát triển kinh tế gia đình tại nông thôn Ngân sách sơ khởi 8 triệu Mỹ Kim của USAID hoạt động trở lại tại Việt Nam từ năm 2000 và Chương Trình Phát Triển cuả LHQ (UNDP) cũng được tập trung vào những mục tiêu tương tự.
Nhờ viện trợ này mà các xã hội dân sự đã mọc lên như nấm tại nông thôn VN, địa bàn sinh sống của 80% dân số. Ngày nay tại nông thôn người ta thấy nhan nhản những hiệp hội mang tên : hiệp hội những người sử dụng nước, hiệp hội những người đầu tư bằng tín dụng nhỏ, hội khuyến nông (của Chương Trình Phát Triển Nông Ngiệp tỉnh Hà Tĩnh), qũy tín dụng và quỹ tiết kiệm dành cho phụ nữ…
Tình trạng nghèo khổ của nông thôn VN từ lâu vẫn là một trong những quan tâm chính yếu của Hoa kỳ trong nỗ lực dân chủ hóa xứ này. Giúp đỡ cho những người nghèo và cho phụ nữ nông thôn phát triển kinh tế gia đình, không những sẽ làm suy yếu chính quyền trung ương mà còn gom về cho phe dân chủ sau này ít nhất một nửa số phiếu tương lai.
Song song với viện trợ kinh tế, hợp tác giáo dục cũng đang được tiến hành nhằm mục tiêu dân chủ hoá. Bằng cách này Hoa Kỳ đang huấn luyện lớp lãnh đạo nối tiếp của Việt Nam, gồm những thành phần có tư tưởng thân Mỹ và thân Tây Phương. Bằng sức ép của những đị̣nh chế tài chánh quốc tế (World Bank, IMF) Hoa Kỳ cũng đang dùng tiền để thay đổi thái độ của nhóm lãnh đạo Hà Nội trong những quyết định dân chủ và trong việc thiết lập những định chế tiến bộ.
Bài học rút ra từ thực tế chính trị của đất nước và của các quốc gia lân cận như được phân tích ở trên hy vọng sẽ giúp điều chỉnh một số nhân thức và hành động của các lực lượng dân chủ trong và ngoài nước.
Có thể đây là lúc người Việt hải ngoại, với tư thế tự do đặc biệt của mình sẽ phải tập trung nỗ lực để khai thác sáng tạo chiến lược của các siêu cường thế giới ngõ hầu tìm ra những điểm thuận lợi cho chiến thuật của mình và đồng thời tìm cách lồng chiến thuật của mình vào trong chiến thuật của các siêu cường đó để thúc đẩy tiến trình chuyển thể chính trị tại quê hương.
Nguyễn Cao Quyền
Tháng 4 năm 2015