Căn cứ vào phép phân tích theo Vai Tác Động (actantial typology),[1] chúng ta có thể phân loại những nhân vật trong truyện thuật thành sáu loại tác nhân (actants) hoặc vai thế xếp thành cặp như sau: Chủ thể và Đối tượng; vai Giao phó và Tiếp nhận; vai Đối nghịch và Trợ lực. Những tác nhân này được xếp loại không vì tính cách cá thể, mà vì chức năng tác động của vai thế đó. Theo chiều hướng này, nhiều nhân vật hoặc lực lượng có thể đảm nhận cùng một vai thế (nhiều nhân vật, nếu chống đối lẫn nhau, đều thủ vai Đối nghịch). Ngược lại, một nhân vật cũng có thể nhận lãnh nhiều vai thế khác nhau (A là Đối nghịch của B và cùng lúc là Trợ lực của C; hoặc D có lúc giữ vai Giao phó, có lúc thủ vai Tiếp nhận). Các tác nhân thường khai triển theo ba động lực chính yếu, đó là: cảm thông, ham muốn (ước vọng) và thách đố.
Đặc tính của Phim Đất Khổ (do đạo diễn Hà Thúc Cần thực hiện vào năm 1972-73 tại Việt Nam, với sự trình diễn của Trịnh Công Sơn, Hoàng Xuân Hà, Lưu Nguyễn Đạt, Bích Hợp, Kim Cương, Vũ Thành An, Vân Quỳnh, Minh Trường Sơn, Bạch Lý, Annie Nga v.v.)[2] và truyện dài Người Vái Tứ Phương[3] là đã dùng những mốc lịch sử liên hệ đến những cuộc giao tranh, chống đối Quốc-Cộng của những thời điểm tiền và hậu 1975 làm khung cảnh cốt truyện và đã dùng cùng một kỹ thuật khai sáng chiều sâu, “mise en abyme“[4] của đề tài tường thuật bằng cách lồng ghép “truyện trong truyện”, lồng nhiều truyện ngắn, những câu chuyện kể lại hoặc những giai thoại khác nhau, nhưng cùng trung tâm điểm trong toàn bố cục tường thuật, và từ đó vận chuyển đề tài và ý nghĩa khai triển trên ba tầng lớp diễn tả, hoặc ba khía cạnh biểu hiện, đó là: (a) khía cạnh thông tin, (b) khía cạnh kiến thức biểu tượng và (c) khía cạnh tâm thức.[5]
Khía cạnh Thông tin
Phim Đất Khổ dồn dập thu ghép những hình ảnh sống động mà nghệ thuật và hiện thực gắn liền với nhau để ghi lại dòng lịch sử trong những thời điểm của cuộc Tranh Đấu Phật Giáo 1965, Tết Mậu Thân 1968 và Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, với những cảnh đổ vỡ, tàn phá khủng khiếp, lan tràn khắp nơi từ thành thị tới thôn quê.
Tác động chính ở đây nằm trong tay những lực lượng Đối nghịch: phe Quốc gia xuất hiện trong những vị trí khác nhau, lúc là quân đội tác chiến, quân y, lúc là cảnh sát, tạo thành một lực lượng bảo thủ, vừa qui mô, vừa máy móc, khi chung quanh họ là cả một khối trợ lực kỹ thuật tân trang. Trong phim, vai Đối nghịch mà Quân đội Mỹ đảm trách bao trùm một hệ thống bạo lực viễn kiểm (remote control) đang phô trương lực lượng vĩ đại thành một loại hội chợ đấu xảo hoặc bãi đổ hàng hóa kỹ nghệ chiến tranh, vừa thí nghiệm, vừa đe dọa khai trừng (súng đạn, xe Jeep, xe tăng, trực thăng, máy bay lẫn lộn với hàng hóa xa xỉ phẩm P.X., buôn lậu v.v.). Đối phương cùng thủ vai Đối nghịch là Quân đội Cộng sản. Họ cũng là một lực lượng viễn chinh của bạo lực ngầm từ hạ tầng cơ sở, ồ ạt xâm nhập, khai hoả và phát xuất từ bóng tối, lợi dụng những tranh chấp nội bộ, những ung nhọt cơ cấu để dựng khởi phong trào đấu tranh nhân dân này chống đối nhân dân kia, giai cấp này chống đối giai cấp nọ, lấy hận thù làm chiến lược, lấy thủ đoạn làm chiến thuật: sự hiện diện của họ trong phim Đất Khổ được phô bầy và đo lường bằng những viên đạn gây chết chóc, bằng sức công phá của chất mìn nổ xập cầu, lật xe, banh xác, lính cũng như dân, trên Đại lộ Kinh hoàng, trên đường về làng xóm.
Giai đoạn Tranh đấu Phật Giáo chỉ là những mảnh thời sự ghép vụn vào truyện thuật thời sự lớn của cuộc giao chiến Quốc-Cộng bao trùm chung quanh, để chi tiết hóa sự mâu thuẫn nội bộ, mà một lần nữa dân tộc Việt được chọn làm thí điểm, hoặc thí vật. Như vậy, ở khía cạnh thông tin, vai chính phải là Chiến tranh, với mọi vai vế phụ tiếp, thay thế. Guồng máy chiến tranh là Chủ thể của thời sự, của những cuộc thách đố nẩy lửa, đẫm máu, của những tranh chấp ý thức hệ ngoại lai, vá víu, mà dân tộc Việt chỉ là thứ Đối tượng vừa tiện, vừa rẻ, vừa hợp khẩu, vừa hợp thời. Chiến tranh là kẻ Giao phó bạo lực và tàn phá để Dân tộc Việt Nam, kể cả cấp lãnh đạo các chính quyền và tôn giáo lúc đó, được chỉ định thủ vai vế Tiếp nhận thời cuộc, dưới hình thức nạn nhân, vật thí sinh hoặc những dụng cụ phụ thuộc, tạm bợ, những vai vế nhất thời trong một vở tuồng quốc tế, mà cốt truyện và chương trình diễn xuất, đều ở ngoài tầm hiểu biết và khả năng quyết định của họ.
Lưu Nguyễn Đạt thủ vai Trung sĩ Nghĩa trong Phim Đất Khổ [1972-73]
Bình diện Kiến thức Biểu tượng
Phim Đất Khổ soi sáng sự tranh chấp, đối nghịch về tư tưởng và hành động của anh chị em trong gia đình Quân để kết tụ và phản ảnh tấm gương vỡ nát của một dân tộc đang bị hủy hoại bởi chiến tranh và chia rẽ, phân tán bởi nhiều cuộc tranh chấp về ý thức hệ, về quyền sống khác biệt giữa những người trước đó cùng chung một nguồn gốc. Người mẹ [6] trong gia đình Quân [7] không nỡ hắt hủi bất cứ đứa con nào và cũng không thể trợ lực hoàn toàn bất cứ ý kiến nào, khuynh hướng nào trong gia đình bà. Bà chỉ biết nhắn nhủ họ là anh em, phải đối xử tử tế, kinh nể lẫn nhau, xót xa nhau. Để soi sáng cho sức mạnh của tình gia đình, máu chảy ruột mềm, bà sẵn sàng biến thành cái gương “mẫu”, xứng đáng làm mẹ cho bất cứ ai cần tới bà, không thiên vị, không chút dè dặt, kể cả đối với người dưng nước lã, người láng giềng hay kẻ xa lạ trong cảnh huống thất thế, khốn đốn, lạc lõng.
Bà là một trong nhiều người mẹ trong phim đã từng che chở, ôm ấp con mình, chết cũng như sống, để bảo vệ những ước vọng sinh tồn, cái sức sống gần gũi ngay tầm tay, ngay con tim bà. Tất cả những người mẹ, còn sống hay đã chết trong những hoàn cảnh điêu linh đó, đều mang trong lòng mình những vết thương chung của toàn dân tộc, đều chứa đựng sự tan hoang, kiệt quệ của chính mảnh Đất Khổ, mảnh đất Việt Nam vậy. Sự biểu tượng tàn phá do chiến tranh ý thức hệ có lúc đã vượt quá mức cao độ của sức chịu đựng của con người để trở thành một hiện tượng phi lý, khi nỗi đau khổ đã đột nhập mọi nơi, trên mọi khuôn mặt, trong một thế đuổi chạy vào kinh dị.
Đó cũng là cuộc hành trình của Trung Sĩ Nghĩa:[8] nhân vật này, sau khi thi hành nghĩa vụ trong binh chủng Biệt Động Quân, trở về quê quán chỉ còn thấy làng mạc, nhà cửa gia đình tan nát, mẹ chết vì bom đạn và lũ em tí nữa lâm nạn, khi Nghĩa tính liệng lựu đạn xuống hầm trú ẩn của “địch”, mà Nghĩa không nhận ra ngay đó là lũ em nhỏ đang lẩn trốn. Nhân vật Nghĩa tiêu biểu cho đơn vị biên tế của người dân Việt đã mất mát hết cả – gia đình, nhà cửa, tình yêu, đời sống – và đang lạc lõng ngay trên quê hương xứ sở của mình. Nhân vật Nghĩa cũng là hình ảnh tiền định của thành phần “ngụy”, của người Việt lưu vong ngày hôm nay. Như vậy, tại tầng lớp kiến thức biểu tượng, sức Đối nghịch và bất-Trợ lực đã ngấm ngầm đột nhập sâu vào tận đáy lòng từng mọi gia đình, từng đơn vị cá nhân, để biến họ thành những môi trường thu hẹp và lẻ loi của tàn phá, của đổ vỡ, chia ly, của chết chóc. Đất Khổ được biểu hiện ở đây bằng những thân phận khổ đau, bằng da, bằng thịt. Bằng những tấm gương lòng nghẹn ngào, bằng những mẩu truyện toang phá.
Khía cạnh Tâm thức
Dù sống hay chết, dù chiến đấu hay tranh đấu, dù chạy thoát thân hay ngồi chịu trận, dù còn nhau hay mất nhau, dù về được quê cũ hay lang bạt vạn nẻo, tất cả những nhân vật trong phim Đất Khổ, từ vai chính tới vai phụ, kể cả những nhân vật vô danh thất thểu trong đám đông, đều toát ra một thứ ánh sáng chung, thứ ánh sáng từ chiều sâu mầu nhiệm, ánh sáng của tấm lòng can đảm và nhân ái nhân từ, khi con người dù khốn khổ đến mấy, vẫn biết tự trọng và đối xử trung hậu với người thân, kẻ thuộc, với tha nhân xa lạ, trong niềm tôn trọng nhân bản, ôn hoà và rộng lượng. Theo chiều hướng này, chiến tranh đã nhạt nhoà hẳn đi, chỉ còn là những dư âm của bom đạn, những bóng tối còn sót trước khi ánh sáng trở lại trên cỏ cây, trên nụ hoa hé nở ngay trong lòng người còn tình yêu.
Chiến tranh và khổ đau hết là thách thức, ngông cuồng, mà chỉ còn là thử thách, trở ngại mà con người phải vượt bỏ để thực hiện ước vọng sống còn, sống trong hòa bình và nhân ái, sống thật với tấm lòng mình. Như vậy, ở khía cạnh tâm thức này, mọi nhân vật trong phim chỉ đóng một vai duy nhất, đó là vai Giao Phó Tấm Lòng Nhân Ái của dân tộc Việt, và từ đó Đất Khổ có thể trở thành ĐẤT YÊU. Được như vậy, mọi sự hy sinh trước đây, mọi sự khổ đau cùng cực mới có ý nghĩa. Và đó cũng là hướng nhìn miệt mài của nhân vật Nghĩa trong phim Đất Khổ, của toàn dân Việt, ở trong nước và ở hải ngoại: cái ý nghĩa trung thực của cuộc sống, của từng cuộc sống, sau những cảnh tương tàn, đổ vỡ.
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ qua nét vẽ Đinh Cường
Khía cạnh Thông tin
Truyện dài Người Vái Tứ Phương tiếp nối phim Đất Khổ bằng cách ghi lại những thảm trạng đọa đầy mà dân tộc tiếp tục chịu đựng sau khi cả Miền Nam rơi nốt vào tay Cộng Sản sau tháng 4 năm 1975. Tại khởi điểm của bố cục tường thuật, vai trò Đối nghịch chỉ còn lộ hình ở hai vế: Phe thắng thế là những viên chức cán bộ cộng sản kiêu căng, tham nhũng, mà điển hình, đương nhiên là những tên công an, lúc thì thầm dọa nạt, lúc công khai, trắng trợn móc túi người dân nghèo khó. Là những “ngài” bác sĩ vườn bất tài, những thứ anh hùng liệt sĩ bất đắc dĩ, những tên Bé ở Mỹ Tho, tên Võ Thị Sáu ôm bom vì “khùng từ thuở bé” (NVTP, 83) để làm gương bằng những xác “chết được mạ vàng nạm ngọc một cách ngu xuẩn” (NVTP, 82). Còn phe thất thế là đa số dân chúng, những người làm cu-li, chạy ngược chạy xuôi, buôn bán chợ trời; những nhà trí thức của chế độ cũ, nay đổi đời và đổi nghề: là nhà giáo “mất dạy” (NVTP, 16), vì mất chỗ dạy, đành trở thành thầy tướng số; là bác sĩ chuyên khoa nay là bác sĩ “ngụy” thừa hành những vị đồng nghiệp “Miền Bắc”; là những sĩ quan, cảnh sát, công chức, nhà báo”ngụy” đi học tập cải tạo; là những người dân tấp nập vượt biển, chạy bỏ lấy thân, lúc chui, lúc được “bán” công khai theo giá chính thức, “mười ba cây (13 lạng vàng) một người” (NVTP, 72).
Như vậy, phe thắng thế là Chủ thể của quyền (lạm) hành, một thứ cơ sở làm ăn lớp lăng, theo kế hoạch trường kỳ, từ trên xuống dưới, to nhỏ, nhỏ to, công lẫn khai. Họ là Chủ thể của tham, sân si, mê man khát vọng, thèm muốn hằng ngày: họ khui móc vàng bạc, chụp giựt thuốc Tây, vơ vét tiền Cụ, chuyền tay tiền Đô, ở khắp mọi tầng cấp quyền hành, trong khi người dân quèn là thứ Đối tượng ngon lành của chính sách trường kỳ khai khẩn đến mức độ kiệt quệ tối đa. Như vậy, trong cái thế Đối nghịch đảo đời này, phe thắng thế thuộc Chính thể “cách mạng”- thuần túy công-an-trị” (NVTP, 49). Họ thủ luôn vai Giao phó, ban bố quyền sống, quyền chết cho phe “ngụy” thất thế, cho lũ dân quèn, nay được thủ vai Tiếp nhận một đời sống biên tế, nửa sống nửa chết, vất vưởng bên lề thiên đàng thu hẹp của xã hội chủ nghĩa. Trong cảnh huống khốn đốn đó, chắc chắn Trung Sĩ Nghĩa của phim Đất Khổ, nếu thoát cảnh tù đầy, đã tìm mọi cách ra khơi theo hướng Tự Do, Nhân Bản mà nhân vật này đã xả thân tranh đấu hơn mười năm về trước.
Bình diện Kiến thức Biểu tượng
Truyện dài Người Vái Tứ Phương tiếp nối cuộc chiến Quốc-Cộng dưới hình thức biến dịch của những cuộc đấu trí, tung “chưởng” (NVTP, 26), dùng tinh thần làm vùng chiến thuật, mà “sự xuất hiện của ý thức nơi con người là bước nhẩy vọt thứ hai sau sự xuất hiện của sự sống” (NVTP, 60). Chủ thể của tác động đấu trí tranh thủ cho nhân vị và nhân tâm là hai nhân vật còn mang tên, đó là Giáo Sư Hoàn và Bác Sĩ Tín, khi đa số các nhân vật khác chung quanh họ chỉ còn là những bóng người lờ mờ, vô danh, của đám đông đầy đọa trong thất vọng cùng cực; hoặc những viên cán bộ cộng sản dọa nạt, vơ vét như những cái máy có tác dụng hút, cắt, moi, móc, thu, lượm-nên không cần nhân phẩm lẫn nhân cách. Phải chăng danh xưng của Giáo Sư Hoàn tiêu biểu cho sự giao phó hoặc trả lại giá trị làm người cho tha nhân và bản thân ? Phải chăng tên của Bác Sĩ Tín bảo đảm cho lòng tin tưởng vào giá trị con người tận tụy với chức năng, với nghề nghiệp; tin vào vận mệnh con người chung thủy với nguồn gốc, với lẽ phải, với tình người?
Tại khía cạnh kiến thức biểu tượng, hình như kẻ thất thế đã đổi ngôi thứ, không thắng, không thua, mà lại “từ từ dìu dịu” (NVTP, 71 & 73) ngang nhiên đối xử tay đôi nhẹ nhàng với Đối tượng, dùng “ý thức”, trí dũng và nhân tâm để cải hóa đối phương. Trong thế đối xử đó, “lấy hậu thiên sửa tiên thiên,…sinh lộ để tự cứu: làm việc phúc đức” (NVTP, 26), phe “ngụy” trước đây bị hắt hủi trong cảnh thất thế, xin xỏ, “tiếp nhận” ơn trên mưa móc, nay tự tay “hoàn” lại cho mình phong độ và tư cách chủ động trong vai Giao phó con đường giải thoát, cứu độ, từ tinh thần lẫn thể xác cho tha nhân: phe “ngụy” nay giúp đối phương “đổ…rác rưởi tâm hồn” (NVTP, 34), hoặc “đã chẩn bệnh đúng cho bà xã tôi…đã mổ cái bướu ở ngón tay cho thằng…” (NVTP, 75). Trong cách “chẩn bệnh” và điều trị đó, kẻ Đối nghịch hung hăng, tham lam, gian ác trước đây chỉ còn là những con bệnh tâm não, những con bệnh thiết thực đang đau đớn trong cơ thể vì ung nhọt, vì đói kém, ngu dốt, vì tội lỗi và “rác rưởi tâm hồn”.
Ở khía cạnh này, thành phần “ngụy”, tượng trưng bởi Giáo Sư Hoàn, vị thầy tướng số kiêm thầy chữa bệnh tâm lý, hoặc bởi Bác Sĩ Tín, “vừa chữa bệnh vừa quan sát tướng mặt” (NVTP, 74), đã vượt chấp mầu cờ sắc áo khác biệt, vượt bỏ trở ngại và đố kỵ bên ngoài để buông xả sự phân loại của Đối nghịch, mà chỉ còn biết tới trợ lực lẽ phải, giúp đỡ con người khốn khổ. Họ đã lấy nhân từ để giải thoát, lấy nhân ái để cải tạo, và lấy tự trọng để “hóa giải” thù hằn. Họ là những mẫu người mà Trung Sĩ Nghĩa tìm kiếm trước đây trong phim Đất Khổ. Họ tiêu biểu cho những người còn lại trong nước và những người vượt biển, những người lưu vong, nếu họ duy trì được cái “nhân tính” trung thực, cái khả năng chung thủy về lại với chính mình, về lại với nguồn gốc dân tộc và nhân loại. Họ tiêu biểu cho con người nguyên thủy, không mặc cảm, không đánh phấn, mạ vàng, không kiêu căng, không tội lỗi, bênh tật. Họ đã kiếm ra “sinh lộ để tự cứu” mình và kẻ khác.
Khía cạnh Tâm thức
Cuối cùng, truyện dài Người Vái Tứ Phương chuyển vận ý nghĩa và biểu tượng cốt truyện theo chiều sâu, hoặc chiều cao khi ý nghĩa về cuộc sống đã hướng thượng và thăng hoa thành “kỳ vọng một ngày nào đó, trong tương lai, bất biến và biến động lại dung hòa trong một sát na nào đó để thực hiện bước nhảy kỳ diệu thứ ba ban cho con người thần lực nhìn và giao cảm với những kích thước mới của vạn hữu vận hành, không còn nô lệ cho thời gian, không gian, thấu suốt dòng sống từ cõi nguồn trường lưu bất tức” (NVTP, 61).
Bước nhẩy kỳ diệu của thần lực và giao cảm đã đột nhập vào tâm thể và cái nhìn linh cảm của Giáo Sư Hoàn để vị này có đủ tuệ giác quang minh thấu suốt quá khứ, phán đoán tương lai cho những ai tìm tới ông kiếm lối giải thoát. Bước nhẩy kỳ diệu của thần lực và giao cảm cũng đã chuyền tới bác sĩ Tín khi ông đã gom góp đủ chân mỹ thiện vào bàn tay y sĩ và tấm lòng nhân ái của ông. Nhưng điều lạ nhất là Bước nhẩy kỳ diệu của thần lực và giao cảm này đã thấm nổi vào cơ thể khô khan, máy móc của viên Trung Tá Công An, để “đánh thức nhân tính” (NVTP, 73) của y và khiến y trở thành Người Vái Tứ Phương – “Như một bóng hồng nở cheo leo trên bờ vực thẳm…y đứng thẳng, hai tay cầm nhang vái rất đàng hoàng…cách vái chỉ để chứng tỏ với siêu hình tấm lòng thành khẩn và ngay thẳng của mình … bóng y vái tứ phương dưới vùng trăng khuya…bỗng như đi vào vĩnh cửu” (NVTP, 102). Cái vĩnh cửu của “kỳ vọng” khi con người đã thoát bỏ được xiềng xích nô lệ kiến thức, giáo điều, khi chân thiện mỹ đã thăng hoa vào tâm linh thoáng nở nơi kẻ thức tỉnh để nối liền con người với bản ngã nguyên thủy tuyệt hảo, mà ý thức hệ sai lầm, mà cuồng tín phi nhân, phi nghĩa và cả nền văn hóa máy móc kiêu căng cũng không đủ sức xóa bỏ hoặc biến dạng.
Như vậy, xét về cứu cánh tâm thức, truyện dài Người Vái Tứ Phương đã kiếm ra “sinh lộ để tự cứu,” trong khi phim Đất Khổ chỉ mới đặt thành vấn đề. Đối tượng của sinh lộ cứu thế không chỉ là dân tộc Việt, mà là cả nhân loại, trong cái thế chung tìm tòi lối giải thoát cho CON NGƯỜI vô điều kiện, “con người … không còn nô lệ cho thời gian, không gian, thấu suốt dòng sống từ cõi nguồn trường lưu bất tức.”
Và đó cũng là sứ mạng lẫn cứu cánh của văn học nghệ thuật: Phim Đất Khổ và truyện dài Người Vái Tứ Phương đã khởi đầu từ cuộc sống để trả lại cuộc sống một sắc thái toàn diện, đầy đủ ý nghĩa hơn, đáng sống hơn.
LƯU NGUYỄN ĐẠT, PhD
Michigan State University
[1] Đọc A. J. Greimas, Sémantique structurale, Paris 1966 và “Eléments pour une théorie de l’interprétation du récit mythique”, Communications 8, 1966, in lại trong Du Sens, Paris 1970.
[2] Phim Đất Khổ, do đạo diễn Hà Thúc Cần thực hiện vào năm 1972-73 tại Việt Nam (với sự trình diễn của Trịnh Công Sơn, Hoàng Xuân Hà, Lưu Nguyễn Đạt, Bích Hợp, Kim Cương, Vũ Thành An, Vân Quỳnh, Minh Trường Sơn, Bạch Lý, Annie Nga v.v.), được trình chiếu quy mô tại George Mason University, Virginia và University of Maryland, Maryland, nhân dịp kỷ niệm năm thứ 15 của Liên Hoan Phim Ảnh Á Mỹ (Asian American International Film Festival) tại Washington, DC., November 1-16, 1996, dưới sự điều hợp của L.S. Đinh Từ Bích Thúy. Trước đó Phim Đất Khổ đã ra mắt tại rạp Orient Theater ở Paris, rồi sau này được trình chiếu lần đầu tiên tại American Film Institute, Kennedy Center, Washington, DC, trước khi xuất hiện trong chương trình của Liên Hoan Phim Ảnh Á Mỹ. Phim Đất Khổ cách đây vài năm được một hãng sản xuất điện ảnh Hoa Kỳ thu thành DVD thương mại, đặt bán tại amazon.com và có rất nhiều “clippings” trên youtube. Xin vào google kiếm đất khổ film/land of sorrows hoặc muốn mua DVD xin vào google tìm đất khổ amazon.com [giá bán khoảng 20 hoặc 25 Mỹ Kim một DVD].
[3] Doãn Quốc Sỹ, Người Vái Tứ Phương, Văn Nghệ xuất bản, CA 1995. Mọi trích dẫn về truyện này sẽ được ghi kèm xuất xứ như sau: NVTP, số trang.
[4] Xem André Gide, Journal, 1889-1933, Paris, Gallimard, 1955, trang 41.
[5] Về kỹ thuật biểu hiện ý nghĩa tường thuật này, xin xem Roland Barthes,”The third meaning”, Image, Music, Text, Hill and Wang, New York, 1988.
[6] Bích Hợp thủ vai Người Mẹ trong gia đình Quân.
[7] Trịnh Công Sơn, Hoàng Xuân Hà, Vũ Thành An, Vân Quỳnh, Minh Trường Sơn đóng vai anh em trong gia đình Quân.
[8] Lưu Nguyễn Đạt (Luật sư Toà Thượng Thẩm SàiGòn) thủ vai Trung Sĩ Nghĩa trong Phim Đất Khổ
One Comment
Dương Như Nguyện
Người Vái Tứ Phương của Doãn Quốc Sỹ là một tác phẩm rất có giá trị.
Duong, Wendy