Trên đất nước chúng ta hầu như ở đâu cũng có núi, có sông. Núi sông không chỉ làm nên nét đẹp mỗi vùng mà còn làm nên niềm tự hào xứ sở. Núi có tên núi. Sông có tên sông. Tên núi, tên sông cũng như tên người định vị cho ta nhận ra địa danh đây đó. Có những dãy núi kỳ vĩ như Hoàng Liên Sơn, Yên Tử Sơn, Trường Sơn, Hồng Lĩnh, Ngọc Linh, Ngũ Hành Sơn, Thạch Bi Sơn, Lang Biang, Bà Đen…Có những dòng sông nổi tiếng như Hồng Hà, Bạch Đằng Giang, Lam Giang, Hương Giang, Thu Bồn, Vệ Giang, Lại Giang, Cửu Long Giang… Tên của núi, tên của sông ra đời thường khi lệ thuộc vào vị trí, hình thế, lịch sử, truyền thuyết, huyền thoại … mà thành. Có thế thật. Ví như sông Lô với đôi bờ mọc nhiều lau lách, sông Hồng vì phù sa mầu đỏ, Quy Sơn giống con rùa… Phần nhiều là thế. Nhưng còn có ngoại lệ. Ấy là ý Trời. Con người làm chủ non nước nào thì định tên cho non nước ấy. Tên sông, tên núi do con người đặt nên, do con người y ước. Bởi vậy đôi khi con người tưởng mình đứng trên tất cả. Từ sự ngộ nhận như thế nên mới “coi trời bằng vung” lớn tiếng hung hăng “một mo cơm, một quả cà với cây rạ (rựa) sắp xếp lại giang san”.
“Sắp xếp” chừng nào thì giang sơn nát bét ra chừng đó. Đói và rách là hệ quả của sự “sắp xếp” này. Đây đó thở dài. Thật may. Ta đã kịp nhận ra căn bệnh trầm kha “duy ý chí” để kịp thời đổi mới. Bởi mọi con đường viễn vông đều đang tiêu vong. Không đổi mới là tự sát. Nhưng dù cho con người đặt nên tên sông núi thì mặc nhiên sông núi vẫn xuất hiện trước con người. Con người được toàn quyền làm chủ khai thác và giữ gìn sông núi, ăn theo sông núi, dựa vào sông núi để bảo tồn giống nòi. Uốn lại một dòng sông. Xây mương phai dựng cộn đưa nước về đồng ruộng. Đắp đập làm thuỷ điện… Tất cả đều dựa vào núi sông. Nhưng “Thái quá thì bất cập”. “Tức nước là vở bờ”. Ngạn ngữ này như một lời giáo huấn và như có cả sự răn đe. Ngót nghìn năm trước, tổ tiên ta đã đắp đê. Những thước đê đầu tiên xuất hiện có lợi cục bộ tức thì. Đắp đê được coi là phát kiến vĩ đại. Ta tự hào về các công trình trị thuỷ như là những bản anh hùng ca lập quốc. Nhưng rồi đê nối đê. Sông nghẹn nước. Phù sa lắng xuống nâng sông cao dần lên. Con người bị động trước lũ lụt. Lăn lưng ra vật nhau với nước. Có người tưởng Sơn Tinh, Thuỷ Tinh xưa cũng chống lủ lụt như ta ngày nay. Thế là mấy kẻ cơ hội a dua lái chuyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh thuở khai thiên lập địa chưa có khái niệm đê điều về hùa với ta, để tự tâng bốc ta. Nhưng đê là bởi sức người. Nước là của tạo hoá. Đê theo nước mỗi năm một cao. Có nơi “cốt” đáy sông nằm trên “cốt” ruộng. Nước tức đê, không năm nào không phá (nơi nơi nô nức làm thuỷ điện mai sau rồi cũng thế này chăng?). Tỉnh táo mà hạch toán thì công sức, tiền của bỏ ra đắp đê cộng với thiệt hại mỗi khi đê vở tốn kém hơn nhiều lần, nếu để nước trang trải tự nhiên giữa không gian vốn dĩ. (Trên đây là nói về đê sông. Đê biển ngăn mặn thì tất yếu phải có).
Sau hơn hai mươi năm đầu thế kỷ XIX, khi trong hàng ngũ triều đình đã đủ tiếng nói ba miền Bắc Trung Nam, đã có mặt ông Nghè ông Cống, thì chuyện tiếp tục bồi trúc hay phá bỏ đê được đưa ra bàn luận. Một bên nhìn thấy hậu quả đứt ruột khi cố ý chống trời. Một bên lại nệ vào truyền thống. Điều đáng tiếc là tính bảo thủ cực đoan của các lớp người ở đất nước ta thời nào cũng lắm. Nhùng nhằng mãi rồi cuối cùng “thôi thì đã đâm lao phải theo lao”. Công việc đắp đê chống lụt lại miễn cưỡng làm. Tai hoạ vở đê dài dài tiếp diễn. Mãi cho đến những năm cuối cùng của thế kỷ XX ở đồng bằng sông Cửu Long mới xuất hiện cụm từ “sống chung với lũ”. “Sống chung với lũ” là tự biết vị trí con người trong mối tương quan “thế giới đồng hiện hữu”. Bởi môi trường mà tạo hoá ban cho là của chung vạn vật. Loài người được dự phần như cây, như con khác không nên lạm chiếm thái quá. Thái quá là bất cập. Xem ra điều đó rất hợp thiên thời địa lợi và môi trường sống dành cho cư dân cuối mỗi dòng sông. Nếu từ xửa từ xưa tổ tiên ta đã nghĩ được như thế thì “bản anh hùng ca trị thuỷ” không để lại cho hôm nay gánh nặng sông cao hơn đồng và chuyện Sơn Tinh – Thuỷ Tinh là ngày hội phân công cư dân lên núi xuống biển khai thác bảo vệ giang sơn của “100 người” con Lạc Việt cũng không bị hiểu nhầm là đắp đê chống lụt. Vậy mà đây đó chỉ vì một chút lợi ích cục bộ làm phách không chịu “sống chung với lũ” nên đã đắp đê bao. Bởi có việc là có kinh phí. Có kinh phí là có ăn chia. Đê bao nhiều, nước nghẹn gây nên ách tắc. Lợi chỗ này ít, hại chỗ khác nhiều. Tai hoạ dài dài. Mọi hành vi tác oai tác quái phá hoại môi trường sống đều phải trả giá. “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” là luật vay trả mọi thời.
Bàn về “Định hướng quy hoạch xây dựng đô thị Huế – đô thị cấp quốc gia” tôi lại bắt đầu từ núi sông lũ lụt hẳn là lạc đề. Vâng ! Có thể là như thế. Nếu Huế không nằm bên sông Hương.
Một buổi chiều 27 năm trước, khi mới đặt chân lên mảnh đất vừa gọi tôi đến, lòng tôi nao nao nghĩ về “Đất Thánh” Thủ đô. Bởi Hà Nội đối với tôi đã có bao nhiêu năm gắn bó. Ngỡ ngàng giữa Huế một thuở Kinh đô, tôi men bờ sông lang thang khi mặt trời đang rơi dần xuống phía núi để làm hoàng hôn thì cả một vầng hào quang tia lên giữa vòm không trung phía sau dãy Thất Thế Giới. Ngỡ ngàng ! Vâng ! Thật sự ngỡ ngàng. Tu Di – Su Mê Ru – Lâm Tì Ni là suy tưởng làm nên địa danh này có lẽ bắt nguồn từ một khoảnh khắc ráng chiều hi hữu ấy. Với người Việt, Su Mê Ru là Thất Thế Giới. Có Thất Thế Giới đương nhiên phải có Hương Thuỷ Hải. Hương Thuỷ Hải trong ý tưởng tâm linh là Hương Thuỷ Giang – Hương Giang ngoài trần thế. Tên núi ra đời từ một hiện tượng Trời bày. Tên sông xuất hiện theo tên thiêng của núi. Núi sông nhuốm đẫm mầu Thiền. Bồ tát Long Thọ (Nagarjunas) dõi Bầu Trăng (Nguyệt Biều) mà an toạ. Huế Kinh đô cuối cùng của chế độ quân chủ tập quyền Việt Nam cũng từng là Trung tâm Phật giáo Việt Nam. Tôi thanh thản bình yên nạp mình vào Huế.
“Trên đất nước chúng ta hầu như ở đâu cũng có núi, có sông”. Tôi xin nhắc lại điều này. Nhưng thưa quý vị. Núi nào sông ấy. Ta có bao nhiêu ngọn núi được mang tên thần Tản Viên ? Có bao nhiêu dòng sông được mang tên Tích Giang ? Tản Viên Sơn không cao hơn Tam Đảo, càng không hùng vĩ hơn Yên Tử Sơn, Hoàng Liên Sơn… Thế mà lại là “núi chủ”- thần của các vị thần (núi) làm hệ quy chiếu cho đồng bằng Bắc Bộ. Thăng Long của Lý Công Uẩn ra đời từ hệ quy chiếu này. Quy hoạch xây dựng Hà Nội nếu bỏ quên vị thế Ba Vì thì rối rắm hiển nhiên sẽ là điều khó tránh. Ta có bao nhiêu dãy Thất Thế Giới Sơn? Có mấy dòng Hương Giang? Đã có khi tôi nghĩ, nhiều người trong chúng ta làm quy hoạch xây dựng đô thị Huế chưa một lần nhắc tên ngọn núi chủ cho cả miền Trung vẫn đứng sau lưng ta. Thất Thế Giới Sơn không cao nhưng kết thành dải “Tây thiên” gần như song song với dòng sông êm đềm nhất, thanh tú nhất nước Việt, được mang tên Hương Thuỷ – Hương Giang. Dãy núi thứ ba làm chủ đồng bằng Nam Bộ là Thất Sơn (An Giang) đứng cạnh Hà Tiên. Có núi Phật, có sông Tiên trấn nơi biên ải làm nên bền vững muôn năm.
Như vậy là cả nước có ba ngọn núi được mang tên thiêng – ngoại lệ, Trời bày. Một Tản Viên Sơn của Bắc Bộ. Một Thất Thế Giới Sơn của Trung Bộ. Một Thất Sơn của Nam Bộ. Ba địa danh này lâu nay cứ ám ảnh trong tôi. Tản Viên là vị thần sáng tạo cao cả. Thất Thế Giới Sơn mà gọn lại thành Thất Sơn là Tu Di – Su Mê Ru – Lâm Tì Ni, nơi Đức Phật ra đời.
Trời ban cho ba miền đất nước ba ngọn danh sơn với thiên chức tâm linh hẳn là không ngẫu hứng.
Tản Viên Sơn – Tích Giang gắn với huyền tích sinh thành. Thất Thế Giới Sơn – Hương Giang (Hương Thuỷ Hải) gieo tứ đức (Đại Từ Đại Bi Đại Hỉ Đại Xã). Thất Sơn – Hà Tiên, làm nên miền lúa gạo mà“Con trâu là đầu cơ nghiệp. Có thực mới vực được đạo”. Người đời sau nhận thêm Ngưu Chữ giang.
Chúng ta ai cũng biết điều này.
Ba cặp núi sông là hiện thân Ba Cõi đất trời bổ sung, hun đúc nhân tâm giống nòi làm nên “phong điều vũ thuận”, làm nên “quốc thái dân an”. Hợp lòng dân thì thịnh. Trái lòng dân thì suy. Địa lý nhân văn là nền của tâm thức tư duy văn hoá vậy. Con cháu người biết, người không, người nhận ra, người chưa nhận ra hoặc giả bộ coi thường không nhận. Tất cả tuỳ tâm. Tâm là quả.
Những năm bảy mươi của thế kỷ trước vài ba nhóm tác giả phác thảo quy hoạch Hà Nội mang nặng tư tưởng bài nam phục bắc đã dự định kéo Thủ đô lên mạn Sóc Sơn, Đình Bảng để dựa vào chân người anh ngoài biên giới. Lại có một thời né tránh, người ta đã đưa Hà Nội chạy lên phía Sơn Tây – Xuân Mai. Cũng có ý kiến chưa yên muốn đưa Thủ đô vào mạn sông Bến Nghé. Đô thị vệ tinh hình như là đề án cuối cùng được chọn. Điều đáng tiếc là các tác giả quy hoạch không mấy quan tâm vị thế tâm linh, địa lý của hệ quy chiếu với tư cách là núi chủ Tản Viên Sơn. Mở rộng phát triển Hà Nội hiện thời có vẽ còn lúng túng.
Thất Sơn của Nam Bộ làm sứ mệnh trấn ải biên cương tây – nam Tổ quốc đổ bóng xuống làm hệ quy chiếu cho thành phố Hồ Chí Minh, nhưng chỉ mới được đối xử như một vệ sĩ canh giữ đất trời Tổ quốc, chưa mấy ai coi là “Sơn chủ” của một vùng non nước ! Anh em văn nghệ sĩ An Giang nhận ra, đặt tên cho Tạp chí của mình như một điều nhắc nhở, gợi ý, cũng chỉ loanh quanh trong tứ giác Long Xuyên. Các Tổng công trình sư, Kiến trúc sư và các nhóm tác giả quy hoạch khác muốn tô điểm “Hòn ngọc viễn đông” bằng vô vàn mô hình nhái, mấy ai nhìn thấu biên ải xa xôi với Thất Sơn – Hà Tiên vốn là hệ quả sinh thành bởi sự an bài tạo hoá.
Riêng với chúng ta, Su Mê Ru đã hoá thân vào Thất Thế giới Sơn rồi ngưng lại trên Bảy tầng tháp Phước Duyên ở chùa Thiên Mụ từ lâu và đã làm điểm đồng quy xứ sở từ lâu. Xin hãy lấy đó làm hệ quy chiếu để “Định hướng quy hoạch xây dựng đô thị Huế – Đô thị cấp quốc gia”.
Theo tôi, quy hoạch đô thị Huế không nên bỏ qua yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà Huế. Càng không nên bỏ qua những gợi ý và sự vun đắp của người xưa. Huế một thuở là Kinh đô nhưng không phải Hà Nội. Càng không nên đối xử với Huế như Đà Nẵng, Hải Phòng. Dù hiện đại đến bậc nào Huế vẫn phải giữ vững cốt cách yêu kiều diễm lệ. Huế là CÔNG – DUNG – NGÔN – HẠNH hợp thành. Không tính đến điều đó hay tệ hại hơn, phớt lờ yếu tố thiên tạo của Huế mọi công trình kiến trúc dù to cao đường bệ đến mấy, đồ sộ đến mấy đều làm nên tai hoạ cho Huế.
Chỉ mới có một Tân Hoàng Cung thôi, Huế đã ngột thở rồi. Nhìn từ cửa Thuận An lên, khách sạn mới mẻ này như một lô cốt boong ke của Pháp thời kháng chiến 9 năm. Nhìn từ chùa Thiên Mụ xuống lại giống như một tảng đá xám khổng lồ đặt trên ngực Huế. Ngày đầu mới được làm con dân Cố đô, tôi đã muốn nhổ ngay tháp nước cắm trên đầu Hổ Trắng. Bởi nó ám ảnh trong tâm như một cái đinh khổng lồ yểm giữa biểu tượng linh vật làm nên nét riêng của Huế. Tháp nước Dã Viên chưa nhổ được thì Tân Hoàng Cung lại phụ hoạ thêm. Xót biết nhường nào !
Thời hội nhập người ta đi đây đi đó không bị ngăn cấm, không mấy khó khăn. Thậm chí chưa bay xa mà ngồi nhà nối mạng cũng kiếm được vô vàn các mô hình mới lạ đủ kiểu, đủ dáng. Cở nào cũng có. Kích nào cũng hay. Quy hoạch đô thị như là ghép các mô hình đồ chơi mẫu giáo có sẵn sao cho hợp lý quả là ít tốn thời gian suy tư. Kiến trúc sư Bắc, Kiến trúc Nam đều lắm người tài hơn ta. Một phút tiếp xúc. Một giờ trình bày ý tưởng. Đôi khi lại được việc.
“Định hướng quy hoạch xây dựng đô thị Huế – Đô thị cấp quốc gia” nhưng ở Huế, của Huế không thể là Hà Nội, không thể là thành phố Hồ Chí Minh.
Có những người Huế hiện đang làm thinh khuyên tôi rằng “Hăng hái là một đức tính quý, nhưng non tri thức thì đó là thứ hăng hái vay mượn. Khi nào thật sự thấm tương chao rồi mới nên viết về chùa Huế”. Tôi thấy mình dù đã quen với tương chao mà chưa thấm tương chao. Thấm cho được tương chao vào máu thịt, vào tâm thức đâu chỉ là thời gian cơ học mà sâu xa hơn phải bằng ý thức tư duy. Nghĩa là phải có vốn trí tuệ làm nền. Vốn trí tuệ không bao giờ chụp giật mà giàu. Học vấn. Phải có nó mới làm nên những điều mơ ước. Đi ngang chạy tắt theo lối ăn xổi ở thì bởi thiếu vắng tri thức chỉ làm rối đường, nát nước mà thôi!
Năm 1959, nghĩa là 48 năm trước, trên một số báo Nhân Dân, Cơ quan ngôn luận của Đảng Lao Động Việt Nam có bài xã luận với tiêu đề “Đã đến lúc không thể lấy nhiệt tình thay thế cho sự thiếu hiểu biết”. Tôi tâm đắc với luận điểm này. Điều đáng tiếc là xã luận của tờ nhật báo chỉ sống trọn một ngày. Hôm sau đã có bài xã luận khác thay thế. 48 năm ngót 17.520 bài xã luận đã đến với người đọc, nhưng bài có tiêu đề trên vẫn còn giữ nguyên tính thời sự của nó. Nhiệt tình thiếu hiểu biết lợi bất cập hại là điều hiển nhiên.
Quy hoạch xây dựng đô thị Huế, cũng nên nghĩ như thế. Trong Nam, ngoài Bắc thật lắm người tài. Tôi nhắc lại để thừa nhận đó là một sự thật. Nhưng mấy ai thấm đủ “Tam thiên thế giới tĩnh tam duyên” theo câu thơ thứ tư trong bài Thiên Mụ Chung Thanh của nhà vua Nguyễn Hiến Tổ.
Một Century. Một phân viện Bảo tàng Hồ Chí Minh. Một Tân Hoàng Cung đủ cho ta chiêm nghiệm điều này. Lẽ nào,“Bụt chùa nhà không thiêng”. Lắm điều còn trăn trở.
Huyền thoại “Bà nhà Trời” xuất hiện trên đồi Hà Khê vào năm Tân Sửu – 1601 với lời truyền “Rồi đây sẽ có vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí cho bền long mạch”. Long mạch nào? Làng Thụy Lôi mà Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã ban tên mới là Phú Xuân (giàu có trẻ trung) ứng với huyền thoại này. “Tụ linh khí, bền long mạch” cho Kinh đô mai sau đã được chăm lo từ 86 năm về trước. Ái Tử (Mậu Ngọ – 1558) vào Phước Yên (Bính Dần – 1626), lên Kim Long (Ất Hợi – 1635), rồi mới xuống Phú Xuân (Đinh Mão – 1687) đã trãi qua cả một quá trình chuẩn bị thế, lực và nhân tâm (giành lại địa vị chân chúa), họ Nguyễn mới dám đưa Thủ phủ đến điểm hẹn – nơi ngựa dừng chân theo lời chỉ bảo của Bà Nhà Trời khi nén hương Chúa Tiên vừa tắt .
Sớm nhận ra vị thế tụ linh khí non sông, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã lấy đồi Hà Khê trên đó có chùa Thiên Mụ vừa làm án trấn thuỷ (“Cao cương cổ sát trấn tiền xuyên”) vừa làm đích kết tinh vượng khí bảo toàn long mạch cho Phú Xuân Kinh đô mai sau. Tầm xa của tư duy mà người đời coi như tiên tri chính là biết định hướng đại cuộc. Tâm tưởng quy hoạch Huế của người xưa là vậy.Và, trong lịch sử, chùa Thiên Mụ đã là điểm đồng quy xứ sở, mang hồn cố quốc vào tận Thất Sơn – Hà Tiên để làm nên Đông Phố – Đồng Nai. Chùa Thiên Mụ là tiếng gọi hợp quần gom lãnh thổ một thời phân ly trở về với Đại Việt, cũng lại là điểm định hướng làm nên quy hoạch xây dựng Kinh đô Huế. Từ Phú Xuân vào Phú Yên ra Phú Quốc là con đường bươn theo tư tưởng khởi nguyên tại chùa Thiên Mụ, ngót ba thế kỷ mới nên.
Các vua Nguyễn lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng chính thống không mấy khuyến khích xiển dương Phật giáo, vẫn trung thành thực hiện chủ trương “cư Nho, mộ Thích” và phải thừa nhận chùa Thiên Mụ là “quốc tự”. Tháp Phước Duyên được nhà vua Nguyễn Hiến Tổ cho xây dựng vào năm 1844 dưới thời Thiệu Trị là bước đi tiếp theo thể hiện tính nhất quán về “tụ linh khí, bền long mạch” mà Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã nêu lên 243 năm trước, với tâm nguyện truyền kỳ : “Nguyệt tướng thường viên tự tại thiên”.
Vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, tôi được phân công chuẩn bị bản báo cáo về bảo tồn di tích và danh thắng Cố đô Huế để đồng chí Giám đốc cơ quan trình bày trước Đại hội Tỉnh Đảng bộ hồi đó. Ý tưởng chủ đạo của bản báo cáo này là lấy dòng Hương Giang làm tâm định hướng quy hoạch xây dựng đô thị Huế sao cho có mặt cắt bắc – nam qua sông Hương mang dáng lòng chảo – lòng thuyền, để mỗi người đứng ở điểm cao bất kỳ nào cũng thấy rõ dòng sông thơ – sông Thiêng này. Nhiều kỳ Đại hội đã qua. Báo cáo sau xếp chồng lên báo cáo trước trong kho lưu trữ. Hội và thảo và luận dường như không có điểm dừng. Nghe nhau tìm một tiếng nói chung quả là không dễ.
Hội thảo “Định hướng quy hoạch xây dựng đô thị Huế – Đô thị cấp quốc gia” lần này tôi vẫn giữ nguyên ý tưởng lấy sông Hương làm tâm phát triển, sao cho nhìn tổng thể, đô thị Huế mang dáng một con thuyền giữa Hương Thuỷ Hải – đại dương. Khác người, ta mới là ta.
Từ suy nghĩ trên tôi mong muốn các nhà tham gia quy hoạch xây dựng đô thị Huế hãy chọn sông Hương mà tâm điểm là chùa Thiên Mụ để định hướng phát triển lâu dài bền vững. Phía trên chùa Thiên Mụ là dải kiến trúc nằm trong cụm di tích Tư tưởng – Văn hoá – Giáo dục thuộc Cố đô Huế bao gồm Khải Thánh từ, Quốc Tử Giám, Công Thần miếu, Văn Miếu, Võ miếu. Phía dưới qua Kim Long một thời Thủ phủ là Kinh thành Phú Xuân. Nên chăng, quy hoạch xây dựng đô thị Huế phát triển về mạn gò đồi phía sau chùa Thiên Mụ và phía trên Khải Thánh từ. Khu đô thị phía bắc sông Hương này vừa có lớp vừa có tầng lại tránh được lũ lụt (nếu được quy hoạch) nhất là tiết kiệm được ruộng cấy lúa. Giản dân về phía biển theo xu hướng vừa qua quả là bất lợi. Đồng ruộng ở Phú Thượng, Thuỷ An, Phú Hồ, Phú Xuân, Phú Mỹ đã bị/được san lấp xây dựng nhiều và đang hăng hái khẩn trương phân lô chia chác có lẽ cũng cần xem xét lại. Động đất và sóng thần đây đó như một lời cảnh tĩnh cho ta tránh tiến ra hướng này. Vả lại, để dành một ít ruộng đồng cày cấy phòng khi bất trắc cũng là điều nên nghĩ đến.
“Được mùa chớ phụ ngô khoai.
Đến khi thiếu đói lấy ai bạn cùng”.
Nước ta có hai vùng châu thổ làm nên hai vựa lúa khổng lồ. Nhờ đó, xuất khẩu gạo ta đứng hàng thứ hai thế giới. Nếu yên hàn chỉ riêng lương thực đồng bằng sông Cửu Long cũng dư thừa nuôi dân cả nước. Đó là yên hàn. Bất trắc thì sao? Sông Mê Kông làm nên vựa lúa Nam Bộ dài 4.220Km ta nằm ở đoạn hạ lưu cuối cùng chưa bằng số lẽ 220. Những người anh em chung một dòng sông không phải ai cũng thiện chí như ai. Nhất là người làm chủ đầu nguồn. Thời gian trước Trung Quốc chuyên chở mỗi năm 1.000 tấn dầu qua sông Mê Kông. Cá tự nhiên đã vợi mất một phần. Gần đây Trung Quốc đã cho phá nhiều ghềnh thác, đào sâu, mở rộng lòng sông đầu nguồn nâng số dầu mua từ Thái Lan lên 4.000tấn/năm. Chưa nói các hoạt động ngấm ngầm khác, tai hoạ sẽ đổ lên đầu sông Mê Kông mà Cửu Long Giang của chúng ta sẽ lãnh đủ. Sông Hồng làm nên vựa lúa Bắc Bộ dài 1.183km. Phần thượng lưu nằm bên hồ Đại Lý và dãy Ngụy Sơn ở Vân Nam, Trung Quốc. Phần hạ lưu nằm trên lãnh thổ Tổ quốc ta 495km nhưng chỉ có khoảng 100km cuối dòng làm nên châu thổ. Nhiều năm qua ta đều thiếu nước cấy cày. Ấy là anh ta mới nắn nhẹ tay đã vậy. Chiếm Tây Tạng và gấp rút ưu tiên phát triển miền tây của bạn hẳn là chủ trương lớn xây dựng nước Cọng Hoà Nhân Dân Trung Hoa trở thành cường quốc không bá chủ toàn cầu thì cũng bá chủ phương Đông, không ngoại trừ sử dụng ưu thế hai dòng sông để làm thòng lọng cột chặt các nước nhỏ bé phía nam vào chân mình.
Bởi thế núi, thế sông làm nên thế nước, dân ta từ lâu thường khuyên bảo nhau “quân tử phòng thân, tiểu nhân phòng bị gậy”. Tiết kiệm đồng ruộng đối với Thừa Thiên Huế chúng ta nên coi là mục tiêu không thể bỏ qua.
Đề phòng lủ lụt, sóng thần, bảo tồn di sản thế giới, để dành ruộng cấy lúa trồng ngô, khoai, đậu … phòng khi hai đầu thất bát như đã trình bày, theo tôi phải là tư tưởng chủ đạo định hướng quy hoạch xây dựng đô thị Huế.
Vùng gò đồi phía sau chùa Thiên Mụ thuộc các xã Hương Hồ, Hương Long, Hương An, Hương Chữ, Hương Sơ… nên được đặt trong sự cân nhắc này !
Nhân loại có một cõi Su Mê Ru, một dòng sông Hằng nằm trên đất Nê Pan – Ấn Độ. Việt Nam có một dãy Thất Thế Giới, một dòng Hương Giang – Hương Thuỷ Hải duy nhất trong tay ta. Hãy giữ cho sông Hương mãi mãi bình yên với đời sông Thơm – sông Thiêng Trời ban. Các lưu vực sông Xê Sáp, sông Bồ, sông Ô Lâu, sông Truồi, sông Bù Lu… còn nhiều thế đẹp cho ta đắp đập làm hồ. Với sông Hương một đập Thảo Long ngăn mặn là đủ. Bởi không ở đâu trên cõi giang sơn gấm vóc này được lựa chọn làm điểm giao hoà Bắc – Nam, Nóng – Lạnh, Âm – Dương để cho con người nhập vào Trời – Đất theo lẽ tam tài Thiên – Địa – Nhân tương dữ như dòng sông thơ kiều diễm này. Sông tự đổi mầu, sông của trong xanh êm đềm, sâu lắng. Sông yên là đời yên. Làm rách nát ô uế méo mó nham nhở “Hương Thuỷ Hải” là phạm lòng Trời Phật đó. Tai hoạ khôn lường.
Có một vị nhân sĩ già xứ Huế bảo tôi xem cho kỹ, hiểu cho thấu hai chữ Thuận Hoá (…) mà người xưa đã ban cho đất này. Chữ “Thuận” (…) là ghép chữ xuyên (…) với chữ hiệt (…). Xuyên là dòng sông – nguồn chảy bất tận. Hiệt là phía trên đầu. Ý người xưa dặn rằng hãy giữ cho đầu nguồn nguyên vẹn, bình yên, trong lành, thông thoáng thì mới thuận. Có thuận mới hoá (…). Đầu nguồn không thuận thì khó hoá hoặc hoá không toàn. Hoá suy cho cùng là phát triển. Tôi lĩnh hội được thâm ý người xưa qua vị nhân sĩ này và chia sẽ với nỗi ưu tư trăn trở hiện thời của những người già xứ Huế khi đầu nguồn sông Hương có lắm chuyện đáng buồn.
Chùa Thiên Mụ nằm trên đồi Hà Khê vốn là điểm định hướng quy hoạch xây dựng Kinh đô Huế xưa, cũng nên được giữ nguyên vị thế trung tâm định hướng quy hoạch xây dựng phát triển đô thị Huế thời hậu hiện đại.
Từ cõi an bài, Sông Hương bao giờ cũng là mặt gương soi và thước đo tâm thức văn hoá mỗi thời.
Mai Khắc Ứng
One Comment
Tran Ngoc Dung
Thưa quý vị trong ban biên tập Việt Thức và tác giả Mai Khắc Ứng
Tôi mới hân hạnh được biết đến trang này, nhưng qua những bài viết về nghiên cứu của quý vị tôi vô cùng đắc ý. Do vậy mỗi ngày tôi đều ghé vào đây xem ít nhất vài bài để mở mang tầm mắt. Bài của tác giả Mai Khắc Ứng là một trong các chủ đề tôi vô cùng tâm đắc. Ngày trước tôi từng ở Huế và thường lên chùa Linh Mụ cắm trại. Lúc ấy tôi thường mơ ước sau này về hưu sẽ tìm một căn nhà nhỏ ở Huế để dưỡng già, nhưng qua những hình ảnh của các con mang về thì thấy Huế hết thơ mộng như xưa nữa rồi. Không biết họ định làm gì nó nữa đây. Sao mà Huế nói riêng và cả nước Việt chúng ta bất hạnh quá.
Xin gửi quý vị nỗi lòng mình qua hai câu thơ chân thực:
Hồi tê Huế mộng bao nhiêu,
Bây chứ Huế thực ê chề nhố nhăng.
Trần Ngọc Dụng,
cựu học sinh Nguyễn Tri Phương, Bán Công Huế (1963)
cựu Hướng Đạo Sinh đoàn Chi Lăng Thừa Thiên