Gốc tích Steve Jobs giống tổng thống Barack Obama, cả hai đều là “đứa con bị cha bỏ rơi,” của một sinh viên ngoại quốc và một phụ nữ Mỹ. Cha của Steve Jobs cũng đạo Hồi, người Syria, bỏ con từ khi ra đời, bà mẹ trẻ phải cho đứa bé làm con nuôi. Bố mẹ nuôi là những người lao động, Jobs phải rời trường đại học vì cha mẹ không đủ tiền trả học phí. Năm 20 tuổi, Jobs cùng Steve Wozniak, bạn học cũ, góp vốn làm ăn. Wozniak bán chiếc máy tính hiệu HP, Jobs bán chiếc xe van Volkswagen góp được 1,350 đô la. “Chúng tôi làm việc 18 giờ một ngày, 7 ngày một tuần, làm việc vui quá,” Wosniak kể. Mới đầu cặm cụi trong phòng ngủ của Wosniak, sau chật chội quá đổi qua garage nhà Jobs. Khi chế ra máy Apple 2, Jobs thuê Jerry Manock làm cho cái mẫu, giá 1,500 đô la. Nhà họa khiểu kỹ nghệ yêu cầu trả tiền trước, vì “không biết mấy ông tướng này sẽ làm ăn thế nào!” Steve Wozniak có tài chế ra máy, nhưng Steve Jobs là người nghĩ đến làm sao cho mọi người dùng được cái máy, để bán được máy.
Giấc mộng của Steve Jobs, có lúc nói với Wosniak, là sẽ dựng lên một công ty trị giá 10 tỷ mỹ kim, mà “không mất linh hồn.” Khi Steve Jobs chết, 56 tuổi, công ty Apple trị giá 350 tỷ đô la, Jobs được cả thế giới nhớ tới như một doanh nhân lỗi lạc. Linh hồn của Apple vẫn là luôn luôn tìm cái mới, dám liều lĩnh làm cái mới, và nghĩ đến người trước khi nghĩ đến máy.
Một trong những người ngưỡng mộ Steve Jobs là một cậu ở Hồng Kông, Jonathan Mak, 19 tuổi. Tháng Tám, khi nghe tin Jobs từ chức vì bệnh ung thư nặng, cậu sinh viên này (họ Mạch đọc theo lối Hán Việt) đã vẽ kiểu một bức hình tỏ lòng kính trọng, đưa lên mạng. Hình đen trắng đơn sơ; dùng trái táo nhãn hiệu các sản phẩm của Apple, thay vết cắn trên trái táo bằng bóng Steve Jobs nhìn nghiêng. Trong mấy ngày qua, bức hình này được khắp thế giới hoan nghênh, nó thể hiện đúng như lối Steve Jobs vẫn chọn kiểu cho các sản phẩm của ông: đơn sơ mà đẹp. Cậu Jonathan đang được mấy trăm ngàn người vào mạng hoan hô, được các tờ báo ở Mỹ và Đức xin phép sử dụng, được các công ty thương mại mua quyền in trên áo thung, trên các món tưởng niệm Steve Jobs (Cậu nói sẽ xin phép công ty Apple trước để được sử dụng hình trái táo của họ, rồi sẽ tặng các món tiền thu được cho việc nghiên cứu chống ung thư).
Trong cùng thời gian đó, một cô gái 19 tuổi đang đi biểu tình ở New York, trong đám hàng ngàn người xuống đường với khẩu hiệu “Chiếm Wall Street” (Occupy Wall Street). Wall Street là trụ sở thị trường chứng khoán New York, tượng trưng cho kinh tế tư bản hàng trăm năm nay. Phong trào này đã lan ra các thành phố lớn khắp nước Mỹ. Cô Zubeyda Akil ra khỏi nhà từ ngày 17 tháng Chín khi vụ biểu tình bắt đầu, hành trang có một cái túi ngủ, mấy bộ quần áo, cái đệm trải trên lề đường hay trong công viên mỗi đêm, và một điện thoại di động, để (theo lời mẹ dặn) mỗi ngày gọi về nhà hai lần cho má yên tâm. Lâu lâu cô phải đi “chạc” máy điện thoại nhờ trong quán ăn McDonald, đường Broadway. Những người biểu tình đem theo các khẩu hiệu tùy ý mình, không ai phối hợp, không ai nghiên cứu, ra lệnh. Chống chiến tranh, bảo vệ môi trường, bảo vệ thú vật, nhất là chống các nhà tài phiệt, các đại công ty, đòi Wall Street bớt tham lam, bớt làm liều gây khủng hoảng kinh tế làm bao người thất nghiệp. Nhiều người biểu tình là những sinh viên đã tốt nghiệp đại học, chưa có hay mới mất việc, và tất nhiên họ mang bên mình nhiều sản phẩm do Steve Jobs tung ra.
Chỉ có ở nước Mỹ mới thấy cảnh tượng đó. Đi biểu tình chống kinh tế tư bản mà vẫn sử dụng những thành tựu của nền kinh tế đó, iPod, iPhones, iPads. Rồi khi pin trong máy bị yếu, đi chạc điện nhờ ở quán McDonald, hệ thống “phát phút” này cũng là một thứ mà chỉ kinh tế tư bản mới đẻ ra được! Cảnh tượng này, nói giản dị, gọi là Tự Do.
Không có chính phủ nào đủ nhân lực, tài nguyên và khả năng điều khiển cuộc sống kinh tế để đẻ ra những Apple hay McDonald; những Mark Zuckerberg (Facebook), Bill Gates (Microsoft), Larry Page (Google), hay Michael Dell (Dell). Họ thành công không phải chỉ nhờ kinh tế thị trường. Bộ Quốc phòng Mỹ có thể đã trả tiền cho những người sáng tạo ra kỹ thuật làm thành internet. Nhưng muốn internet được phổ biến, thay đổi đời sống hàng tỷ con người, phải chờ các doanh nhân. Kinh tế thị trường và chế độ tự do dân chủ là môi trường sản xuất ra những người sáng tạo, dám chấp nhận rủi ro, những người làm cách mạng trong đời sống hàng ngày cho mỗi ngày một tốt hơn. Quan trọng nhất là họ sống trong một xã hội tự do, dân chủ, tôn trọng luật pháp, trong đó có những luật lệ bảo vệ tài sản. Một món tài sản cần bảo vệ là bằng sáng chế, phát minh. Jonathan Mak sống ở một môi trường tự do và trọng pháp cho nên đã nghĩ ngay tới việc xin phép Apple sử dụng hình trái táo. Mai mốt, khi hình vẽ của chú được in trên áo thung, chắc chắn sẽ có hàng triệu chiếc áo tương tự được sản xuất ở Trung Quốc, không trả bản quyền; rồi lén lút chuyển ra bán ở Hồng Kông và các nước khác! Họ chưa có thói quen tôn trọng quyền sở hữu, còn lâu mới tiến được!
Khi nhớ lại thời họ khởi nghiệp, Steve Wozniak kể rằng trong thời gian đó “có hàng triệu thanh niên như chúng tôi. Ai cũng nhìn về tương lai, cố nghĩ làm sao biến các ý kiến của mình thành doanh nghiệp lớn.” Steve Jobs không mang hình ảnh một “nhà tư bản” Wall Street. Chịu ảnh hưởng của đạo lý Đông Phương (theo đạo Phật sau chuyến đi Ấn Độ thời trẻ) Jobs sống giản dị, mang một lối nhìn không giống khuôn mẫu có sẵn. Người khác chế tạo máy vi tính cho thật tốt, thật hay, cho người tiêu thụ mua dùng rồi thích ứng với máy. Jobs luôn luôn dùng trực giác nghĩ tới người tiêu thụ trước, xem họ sống, nghĩ, cảm như thế nào và chế ra những cái máy thích hợp với con người, cho phép người và máy tương ứng, tương tác lẫn nhau.
Công ty Apple đã chế ra những cái máy giúp người mù “đọc” được giá trị đồng tiền họ nắm trong tay; giúp giáo dục trẻ em bị bệnh “tự kỷ” (autistic) biết đọc biết viết, chế những cái máy chuyển biến dữ kiện y khoa giúp việc chẩn bệnh; có máy giúp các hội thiện gây quỹ, chưa kể những iPod, iPhones, iPads thay đổi cách người ta sống hàng ngày, giải trí, liên lạc với nhau, thu thập tin tức và và học hỏi, đủ thứ. Ngoài 34,000 người làm cho công ty Apple ở Mỹ, còn hàng trăm ngàn công nhân khắp thế giới có công việc.
Nhiều người chỉ trích công ty Apple về tội “đưa công việc làm sang Trung Quốc” khi thấy những sản phẩm có chữ Made in China. Sự thực không phải.
Một cái iPad bán giá 499 đô la, thì trong đó chỉ có 12 đô la trả cho các xí nghiệp và công nhân Trung Hoa làm việc ráp các bộ phận lại. Có 250 đô la trả cho các công ty Samsung ở Đại Hàn, Toshiba ở Nhật, Broadcom ở Mỹ, còn cái pin dùng trong đó là do công ty Amperex Technology ở Hồng Kông, do công ty TDK Nhật Bản làm chủ. Ngoài ra còn những bộ phận được chế tạo ở nhiều nước khắp thế giới. Phần lớn nhất trong số 499 đô la một chiếc iPad trả cho các cổ đông công ty Apple, dùng để trả tiền các bằng sáng chế, lương nhân viên, và đóng thuế. Đây là một thành quả của nền kinh tế toàn cầu hóa.
Mặc dù nhiều bạn trẻ đang biểu tình chống Wall Street, nhưng chính nhờ các định chế tài chánh ở đó những người như Steve Jobs mới có cơ hội. Trước khi chính thức thành lập và ghi tên công ty Apple, Jobs và hai người bạn góp dần dần được 250,000 đô la. Bốn năm sau, Công ty Morgan Stanley tổ chức việc phát hành thêm cổ phiếu đưa Apple vào thị trường chứng khoán, bán cổ phần cho công chúng. Số cổ phiếu mà ba nhà sáng lập làm chủ trị giá 1,800,000 đô la. Một cổ phần bán với giá 378 đô la trong tuần qua, hồi công ty mới ra công chúng năm 1980 chỉ đánh giá 2.75 đô la.
Paul Jobs, cha nuôi của Steve, là một công nhân chạy máy, chưa học hết trung học. Trong cái xưởng nhỏ mà ông dùng ở nhà, ông đã dành một khoảng cho cậu con nuôi, dậy con tập làm việc, tháo rồi ráp mấy cái máy, hy vọng cậu con sẽ thành một công nhân giỏi. Ông không ngờ đứa “con chửa hoang” ông nhận nuôi có sự nghiệp như sau này. Trong lúc kinh tế Mỹ suy yếu, ngành công nghiệp điện tử cũng trì trệ, chỉ có Apple là vẫn được người ta chờ đợi khi tung ra các sản phẩm mới. Sau đó, bao nhiêu công ty khác thấy một thị trường mới mở ra, họ đua nhau chế các sản phẩm cùng công dụng. Cái tài của Steve Jobs không phải là tìm ra những sản phẩm mà thị trường muốn tiêu thụ. Năng khiếu đặc biệt của ông ta là làm ra những thứ mà người tiêu thụ thấy là phải thích. Những thứ đó lại thay đổi đời sống của mọi người.
Chỉ có một nền kinh tế thị trường trong một xã hội tự do dân chủ, mọi người bình đẳng pháp luật và bình đẳng cơ hội mới đẻ ra những nhà kinh doanh thành công như Steve Jobs. Những người biểu tình chống Wall Street không chống tất cả hệ thống kinh tế và chính trị nước Mỹ. Đúng ra là họ có thiện chí muốn cải thiện hệ thống đó. Họ đúng hay sai, không quan trọng. Trong chế độ dân chủ tự do, sau cùng các cử tri sẽ chọn muốn thay đổi cái gì, thay đổi ra sao. Bốn năm một lần, dân Mỹ có thể bắt đầu làm lại. Điều quan trọng là xã hội có tự do, ai cũng có quyền hội họp ngoài đường, có quyền phát biểu ý kiến. Bảo vệ các quyền tự do đó cần thiết hơn cả việc bảo vệ một hệ thống kinh tế tài chánh mà lúc nào người ta cũng thay đổi được.
Ngô Nhân Dụng