Đáp Lời Sông Núi phỏng vấn Ls Trần Thanh Hiệp về vấn đề sửa đổi Hiến pháp 992
Sửa đổi Hiến pháp cũ để củng cố độc tài đảng trị hay làm Hiến pháp mới để thiết lập dân chủ tự do đa nguyên đa đảng ?
Đài Đáp Lời Sông Núi sáng nay, 05-03-2013, đã phát sóng cuộc phỏng vấn Luật sư Trần Thanh Hiệp về vấn đề sửa đổi hiến pháp 1992. Dưới đây là bản ghi âm giản lược của cuộc trao đổi giữa nhà báo Hải Sơn của Đài ĐLSN và Luật sư Trần Thanh Hiệp, Chủ tịch Trung Tâm Việt Nam về Nhân Quyền, trụ sở đặt tại paris.
I. Lời giới thiệu
Hiện nay trong nước đang diễn ra một cuộc tranh luận về việc sửa đổi Hiến pháp 1992. Nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội, như nhiều lần sửa đổi trước đây, đã đưa ra một bản Dự thảo của Nhà nước với những toan tính ẩn dấu nhằm đi tới sửa đổi để vẫn duy trì nguyên vẹn chế độ độc tài đảng trị. Nhưng khác hẳn với những lần trước ấy, lần này từ phía nhân dân, một nhóm khởi xướng gồm có 72 nhân sĩ trí thức, trong một bản Dự thảo của nhân dân, lúc này đã có thêm gần 6000 người ký tên, công khai trình bày yêu sách dứt khoát đòi dẹp bỏ chế độ độc tài đảng trị để thiết lập một chế độ dân chủ tự do đa nguyên đa đảng.
Sau đây là cuộc trao đổi ý kiến giữa biên tập viên Hải Sơn của Đài ĐLSN và Luật sư Trần Thanh Hiệp về ý nghĩa đích thực của cuộc tranh luận về sửa đổi Hiến pháp nói trên. Luật sư Trần Thanh Hiệp là cựu luật sư các Tòa Thượng Thẩm Saigon và Paris. Ông đã nghỉ hưu, hiện định cư tại Pháp và là Chủ tịch đương nhiệm của Trung Tâm Việt Nam về Nhân Quyền, có trụ sở tại thủ đô của Pháp quốc.
II. Câu hỏi của ĐLSN
Đ.L.S.N. : Xin luật sư cho biết nhận xét của Luật sư về cuộc tranh luận về việc sửa đổi Hiến pháp của chế độ cộng sản hiện đang diễn ra ở trong nước. Có gì mới lạ hay vẫn chỉ là những lớp lang của một kịch bản cũ soạn lại?
T.T.H. : Bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013 do Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đưa ra để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến cho thấy là, giống như những lần sửa đổi trước đây, lần này nhà cầm quyền cộng sản ở Hà Nội vẫn chủ trương duy trì chế độ độc tài đảng trị. Tuy vậy, bộ phận lãnh đạo này đã bỏ công sắp xếp để làm ra vẻ là sẽ có những sửa đổi thực sự theo chiều hướng tiến bộ. Từ giữa năm ngoái một loạt những luật gia công cụ của chế độ, mỗi người một cách, đã dóng lên những lời mào đầu đầy hấp dẫn quảng cáo rùm beng cho cái gọi là 7 định hướng lớn sửa đổi hiến pháp. Để gây ấn tượng rằng sẽ có những thay đổi mà họ cho là sẽ “làm rõ cách thức sử dụng quyền lực của Nhà nước, của nhân dân, […] xác định rõ vai trò quyền hạn, trách nhiệm của từng cơ quan trong bộ máy Nhà nước”. Rồi một “Ủy ban dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992” đã được thành lập. mà trưởng ban biên tập, ông Phan Trung Lý, đã không ngần ngại tuyên bố rằng “nhân dân có thể cho ý kiến […] không có cấm kỵ gì cả”. Bề ngoài thì vậy nhưng bên trong thì ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng, đã ra chỉ thị chỉ cho phép sửa đổi Hiến pháp trong chừng mực “nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng” và “quyền lực Nhà nước là thống nhất và sẽ không có chuyện tam quyền phân lập ở Việt Nam”. Do đó, bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp mà Đảng đưa ra năm nay, tuy là một kịch bản soạn lại của vở kịch độc tài đảng trị đã cũ mèm, nhưng vẫn được diễn lại với ý đồ tiếp tục áp đặt, bằng bạo lực và dối trá, một trật tự chính trị phi pháp, phi nhân quyền, phi chính thống.
Không ngờ mọi việc đã không êm xuôi như trước, từ phía nhân dân bỗng thấy đột xuất những phản ứng công khai, ôn hòa về hình thức nhưng gay cấn về nội dung, đòi phải xóa bỏ độc tài đảng trị để thiết lập dân chủ đa nguyên đa đảng. Dù vậy Đảng vẫn phải chùn tay không dám áp dụng luật Hình sự để đàn áp. Có thể nói trong nước hiện nay đang diễn ra một phong cảnh chính trị tiền cách mạng, những năm 1940, tập đoàn cầm quyền đảng trị phải đối mặt với một tiếng nói đối lập dân chủ đấu tranh công khai và ôn hòa chủ trương thay đổi chế độ, xóa bỏ độc tài, thiết lập dân chủ.
Đ.L.S.N. : Nếu đúng như luật sư nói, đây là lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ cầm quyền, tập đoàn đảng trị đã phải để cho những xu hướng dân chủ tự do đột xuất dưới hình thức kết hơp thành một tiếng nói công khải đòi thay đổi chế độ, thì liệu cuộc đối đầu này có đi tới được thắng lợi cuối cùng dẹp bỏ độc tài hay không hay lại bị bóp nghẹt từ trong trứng nước?
T.T.H. : Cuộc tranh thắng giữa độc tài và dân chủ chỉ vừa mới bắt đầu, người dân, nhất là những người theo xu hướng dân chủ, cần có những tầm nhìn, cách nhìn mới, những tâm lý mới, những kỹ thuật đối đầu mới với độc tài để tạo ra một đà thắng lợi khởi đầu làm sức đẩy, kiên trì đi tới mục tiêu sau cùng là thay thế độc tài bằng dân chủ. Chỉ ở trong tiến trình tranh đấu mới biết được là ai sẽ thắng ai. Dù sao, thì như đã thấy xảy ra tại Bắc Phi, Trung Đông, thời đại này là rạng đông của dân chủ và hoàng hôn của độc tài.
Đ.L.S.N. : Vậy theo luật sư, cuộc tranh thắng phải được tiến hành như thế nào để tránh cho phe dân chủ không thất bại như trong quá khứ?
T.T.H. : Tranh thắng với độc tài đảng trị cộng sản Việt Nam là một sự nghiệp tranh đấu chung của nhiều xu hướng dân chủ, do đó cần phải đi tới thống hợp danh nghĩa, thống hợp lập trường, trên cơ sở đa nguyên. Trước hết, là cơ sở pháp lý. Trong khi độc tài chủ trương sử dụng quyền sửa đổi hiến pháp để củng cố và duy trì chế độ đảng trị thì các xu hướng dân chủ phải cùng nhau đồng thuận coi sửa đổi hiến pháp là biện pháp thay đổi chế độ. Tức là dân chủ hành sử quyền lập hiến là một quyền nguyên thủy của nhân dân mà Đảng cộng sản đã tước đoạt từ hơn nửa thế kỷ rồi, nay phải trả lại cho nhân dân. Với quyền nguyên thủy này, nhân dân sẽ giương lên ngọc cờ “Chính Thống Dân Chủ” để xây dựng cho đất nước một nền dân chủ chân chính.
Đ.L.S.N. : Dưới cách nhìn vấn đề tranh thắng như thế thì, theo luật sư, người Việt ở hải ngoại có nên ký tên vào bản “Kiến Nghị 72” có đính kèm bản Dự Thảo sửa đổi Hiến pháp của Nhân dân hay không?
T.T.H. : Ký tên vào Kiến Nghị 72 chỉ là một trong nhiều hình thức biểu lộ nguyện vọng. Người Việt ở hải ngoại ủng hộ mạnh mẽ nguyện vọng đòi xóa bỏ độc tài xây dựng dân chủ ở trong nước, nguyện vọng trình bày trong Kiến Nghị ấy. Nhưng vì ở hải ngoại tự do hơn nên không nhất thiết phải ký vào những văn bản biểu lộ nguyện vọng thực hiện dưới những áp lực không có ở hải ngoại. Việc ở hải ngoại chọn những hình thức thích hợp để ủng hộ các yêu sách ở trong nước cũng kể như đã ký vào các văn bản ở trong nước. Đó là phong cách thống hợp trên cơ sở liên đới đa nguyên.
LS Trần Thanh Hiệp