Nhiều người gọi họ là những “diễn viên đóng thế” trên các giảng đường ĐH và nhiệm vụ chính là… học thuê, thi thuê cho ai có nhu cầu.
Đều đặn hàng tuần, sau khi kết thúc học chính khóa trên giảng đường lúc 5 giờ chiều, Phạm T. (SV năm thứ 3, trường CĐSP TƯ) lại tất bật đến lớp học tại chức buổi tối làm nhiệm vụ… học thuê cho chị bạn cùng xóm. T. cho biết, từ khi là SV năm thứ hai, T đã nhận công việc học thuê cho chị bạn, không muốn vì việc học mà mất chỗ làm “hái ra tiền” ở một công ty.
Hầu hết SV học tại chức đều đã có công ăn việc làm ổn định, muốn học lên để kiếm tấm bằng ĐH. Có 1.001 lý do để họ phải tìm người học thuê nhưng đa phần đều viện cớ bận chuyện gia đình, không muốn nghỉ việc, mang bầu… nên muốn tìm nguồn tin cậy để học thuê. Theo tìm hiểu, nguồn đi học thuê chủ yếu là những SV chính quy của các trường ĐH, CĐ chỉ lên lớp một buổi trong ngày nên có nhiều thời gian rảnh rỗi. Các SV kiếm tiền bằng nghề học thuê cho hay, “Học thuê không tốn nhiều công sức, chỉ cần đến lớp đúng giờ để điểm danh và chép bài đầy đủ” nên rất nhiều SV đổ xô đi học thuê.
Lớp học đông, SV đi học thuê khó bị phát hiện? |
Dịch vụ tìm người học thuê nở rộ trên mạng |
Học thuê cũng muôn hình vạn trạng. SV có thể đi học thử một buổi, rồi nhận học theo ngày, theo tuần, theo tháng thậm chí theo cả năm học. Chị Hồng Luyến- SV tại chức nhận giấy báo học đúng lúc đang mang bầu, để khỏi “bị lộ”, chị thuê người học ngay từ lúc đầu. Sau khi sinh đẻ xong, chuyển lớp chị có thể ung dung đi học mà không lo bị thầy cô “sờ gáy”.
Giá mỗi buổi học thuê dao động từ 30.000 – 70.000 đồng tùy theo từng môn học. Cũng có khi “diễn viên đóng thế” được các anh chị “ưu ái” trả cho hậu hĩnh hơn nếu chẳng may bị thầy cô gọi lên trả lời mà vượt qua “cửa ải” trót lọt không bị phát hiện.
Bi hài cảnh “đóng thế”
Ban đầu, Lưu Thị Phượng (SV tại chức tiếng Anh) không khỏi ngạc nhiên khi mỗi ngày lại xuất hiện một thành viên “mới toanh” trong lớp. Hỏi ra mới biết, họ là những “diễn viên đóng thế” cho các học viên trong lớp mình. Phượng than phiền: “Không khí lớp học rất trầm lắng, uể oải. Mình không có hứng thú học vì mỗi lần thầy cô hỏi, các bạn đều ngồi im re. Học thuê thì biết gì mà trả lời, thậm chí có biết họ cũng chẳng dại gì lại “lạy ông tôi ở bụi này”.
Xung quanh chuyện học thuê diễn ra khá nhiều cảnh bi hài. Vừa chân ướt chân ráo bước vào cánh cổng ĐH, Tuấn – SV năm thứ nhất, ĐH GTVT theo chân các đàn anh thử nghiệm dịch vụ “ngồi mát ăn bát vàng”. Tiết học đầu tiên, Tuấn bị thầy gọi lên cứ ú a ú ớ không biết trả lời ra sao. Quay sang hỏi bạn gái ngồi cạnh mới tá hỏa, cô ta cũng… học thuê giống mình. Sau một hồi truy vấn, thầy giáo phát hiện ra Tuấn đi học thuê và đưa lên khoa giải quyết. Cũng may, do là tân SV lần đầu phạm lỗi nên Tuấn chỉ bị nhắc nhở và viết kiểm điểm. “Thân chủ” của Tuấn bị đình chỉ môn học đó và buộc phải học lại.
Trường hợp của Kiên (HV BCTT) bi thảm hơn khi bị chính thầy trưởng khoa bắt gặp Kiên thuê người học và bị đình chỉ thi tốt nghiệp năm đó. Thế là bao nhiêu năm cố gắng, kỳ thi tốt nghiệp đành bị “treo” lại một năm. Kiên không dám nói cho bố mẹ biết, cậu đành kiếm công việc làm thêm “giết” thời gian để chờ kỳ thi tiếp theo.
Do nhận học cho nhiều người, Phạm T. (SV năm thứ 3, trường CĐSP TƯ) nhiều phen hú hồn vì bị nhầm tai hại. Không nhớ mình “đóng thế” cho nhân vật nào nên khi thầy điểm danh thì “diễn viên” không lên tiếng. T. kể, còn có một lần đi học cho Thảo mà cứ nghĩ là học cho Hòa nên thầy điểm danh Thảo thì T. hồn nhiên “Dạ, em Hòa đây ạ!” làm cả lớp quay sang nhìn T. trân trân. Cũng may lớp học nhốn nháo đông người nên thầy không nghe tiếng, chỉ cần nhìn tay điểm danh.
“Nguy kịch” nhất cho SV học thuê là lúc làm bài kiểm tra mà không thể quay ngang, ngó dọc để cầu cứu viện trợ do thầy cô nghiêm khắc, đành ngậm ngùi ngồi… cắn bút! Một SV “đóng thế” cho hay: “Kể cả làm bài kiểm tra xong nhưng nhiều thầy cô tinh ý đem… so chữ với những bài kiểm tra trước của “thân chủ” là cũng đi tong”.
Dịch vụ học thuê diễn ra phổ biến ở nhiều trường ĐH trong khối tại chức, văn bằng hai lẫn chính quy. Điều đáng bàn là hầu hết các trường ĐH đều nghiêm cấm (trên văn bản) việc học hộ, học thuê nhưng xem ra dịch vụ này ngày càng nở rộ.
Dương Hải