Có nhiều người tự đặt câu hỏi : Tại sao Cộng sản Liên sô và Đông Âu, thầy của CSVN đã sụp đổ, thế mà CSVN vẫn chưa sụp đổ ? Đây là một sự tình cờ hay hữu lý của lịch sử ? Chúng ta cùng nhau tìm câu trả lời. Đại khái, từ trước tới nay có 2 trường phái về triết học lịch sử :
Trường phái thứ nhất cho rằng lịch sử của con người, của nhân loại là tình cờ, vì con người thiên về tình cảm, không thiên về lý trí, bị ảnh hưởng bởi tình cảm, bởi người chung quanh và hoàn cảnh lịch sử, nên con người không có cái nhìn sáng suốt, hữu lý, hoàn toàn trái ngược lại với Đấng Tối cao, vì chỉ có Đấng Tối cao mới sáng suốt, hữu lý.
Tiêu biểu của trường phái này là Bossuet và Pascal.
Jean bénigne Bossuet ( 1627-1704), một tu sỹ, nhà thần học, sử gia, người Pháp, sinh tại Dijon và chết tại Paris, trong quyển Luận về lịch sử toàn cầu ( Discours sur l’histoire universelle), xuất bản năm 1661, ngoài việc cố tìm ra một tổng hợp giữa trật tự của Thiên Chúa, Đấng Tối cao, với trật tự của con người, để đi tìm một trật tự mới cho nhân loại, ông cho rằng trật tự của con người không có nhiều hữu lý, như trên đã nói, vì con người bị ảnh hưởng bởi tình cảm và những người chung quanh ; chỉ có trật tự của Thiên Chúa mới hữu lý. Người cùng thời với Bossuet là Blaise Pascal ( 1623-1662), nhà toán học, vật lý học và triết gia người Pháp, sinh tại Clermont-Férrand và chết tại Paris, cũng ở trong trường phái cho rằng hành động của con người là không hoàn toàn hữu lý, chỉ có hành động của Đấng Tối cao mới hữu lý, vì vậy, bổn phận của những nhà giáo dục, những người lãnh đạo là làm thế nào để cho hành động con người mỗi ngày một hữu lý hơn. Đây là tiêu biểu con người của Pascal, vì ông vừa là một người tin đạo, vừa là một con người luận lý, khoa học. Là con người tin vào tôn giáo, người ta biết ông qua « Le pari de Pascal » ( Cá cuộc của Pascal), theo đó chúng ta tin Thượng đế như một cuộc đánh cá, nếu mất, chúng ta không mất gì, nếu được thì chúng ta được nhiều.
Trường phái lịch sử tình cờ còn được thâu tóm và nổi tiếng qua câu nói của Pascal : «Nếu mũi của hoàng hậu Cléopatre ngắn thêm một tý, thì bộ mặt của thế giới sẽ thay đổi ( Si le nez de Cléopatre eût été plus court, la face du monde en eût été changée). Đây là quan điểm lịch sử tình cờ được diễn đạt một cách rõ ràng nhất, vì nếu cái mũi của Cléopatre không dài, Cléopatre không đẹp để cho Antoine ( 83-30 TTL), tướng La Mã phải say mê, thì bộ mặt thế giới sẽ khác. Đây là một biến cố lịch sử lớn của nhân loại bị ảnh hưởng bởi tình cảm của con người, nhất là bởi tình cảm của những người có đương quyền.
Trường phái cho rằng lịch sử nhân loại là hữu lý, tiêu biểu của trường phái này, nếu tính xa là René Descartes ( 1596-1619) ở Pháp và Francis Bacon (1561-1626) ở Anh ; và gần là Hégel và Marx. Hégel, một triết gia lớn của thế giới, thầy của Fuerbach va Marx đã nói về Descartes : «Descartes, trên thực tế là người sáng lập ra nền triết học hiện đại, với ý nghĩa là nền triết học này đã lấy tư tưởng của con người làm nền tảng. »
Thực vậy, theo Descartes, tôn giáo không còn có thể ra lệnh cho con người suy nghĩ như thế nào, mà chính là con người tự suy nghĩ cho chính nó. Ông đặt con người ở trung tâm tư tưởng của ông, và nghiên cứu nó theo phương pháp hữu lý , áp dụng cho tất cả những lãnh vực của sự hiểu biết.
Trước ông không lâu, ở bên Anh, có Francis Bacon, người được coi như một trong những sáng lập viên của nền khoa học hiện đại với phương pháp qui nạp ( l’induction), dựa trên sự quan sát, tìm kiếm, phân tích những sự việc, trước khi đi đến kết luận, đi từ quan sát những sự kiện nhỏ, đặc thù, rồi sau mới đi đến kết luận tổng quát ; trái hẳn với phương pháp diễn dịch (la déduction), đi từ tổng quát, rồi sau mới tới cá biệt. Tiêu biểu là phương pháp tam đoạn luận, qua câu : « Là con người ai cũng phải chết. Socrate là người. Vì vậy Socrate cũng sẽ chết. » Quả là đi từ một mệnh đề tổng quát, rồi sau đó mới tới một mệnh đề cá biệt.
Trường phái này cho rằng lịch sử là hữu lý, vì họ muốn thay thế hình ảnh của Thượng đế bằng chính hình ảnh của con người. Quan niệm lịch sử này được gói ghém trong câu nói của Feuerbach (1804-1872), triết gia người Đức, trước K. Marx, nhưng cũng là đồng môn, cùng là học trò của Hégel ; câu nói đó là : « Le grand tournant de l’histoire de l’humanité, ce sera le moment où l’homme prend conscience que le Dieu de l’homme c’est l’homme lui-même. » ( Khúc quanh lớn của lịch sử nhân loại, đó là lúc mà con người ý thức được rằng Thượng đế của con người chính là con người vậy.)
Con người -Thượng đế ( Homme – Dieu) của Hégel ( 1770-1831) chính là con người lý trí (homme de raison), lý trí con người đi từ cái gì chủ quan tới cái gì khách quan, theo phương pháp biện chứng Đề – Phản Đề – Tổng Đề. Và một khi tư tưởng con người trở thành khách quan thì nó trở thành hiện thực. Câu nói nổi tiếng của Hégel : « Tất cả những gì hữu lý đều trở thành hiện thực. Và tất cả những gì hiện thực, đều hữu lý. « ( Tout ce qui est rationnel, est réel. Et tout ce qui est réel, est rationnel.)
Con người – Thượng Đế của Marx là con người vô sản. Con người này sẽ thay thế Thượng đế để thực hiện thiên đàng nơi địa giới. Ở điểm này tôi không thể đi sâu vào việc phê bình Marx, mong độc giả thông cảm và hãy coi những bài viết của tôi về Marx (1). Thực ra, triết học sử quan của Marx là hoàn toàn lấy từ Hégel, nhưng đổi ngược lại, Hégel thì cho rằng ý tưởng ( l’idée) quyết định, Marx thì cho rằng vật chất và xa hơn nữa là hạ tầng cơ sở kinh tế quyết định. Marx lấy câu của Hégel, nhưng đổi ngược lại, cho câu « Tất cả những gì hiện hữu thì đều hữu lý », lên đầu ; và cho câu « Tất cả những gì hữu lý thì hiện thưc « , xuống dưới.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là 2 chế độ cộng sản Việt Nam và Trung Cộng vẫn còn tồn tại. Sự tồn tại này có thể nói lên sự hữu lý hay sự vô lý, tình cờ của nó hay không ?
Để trả lời câu hỏi này, cũng có 2 trường phái :
Trường phái hữu lý đưa ra những lý do sau :
– Nguyên như sự kiện nó hiện hữu, tồn tại đã là hữu lý rồi, đúng như câu của Marx : « Tất cả những gì hiện hữu đều hợp lý « ( Tout ce qui réel est rationnel.)
– Cộng sản Á châu khác cộng sản Âu châu, nhất là Đông Âu ; vì cộng sản Đông Âu là được dựng lên dưới gót giày của quân đội chiếm đóng Liên Sô ; còn cộng sản Trung Cộng và Việt Nam là được thành hình qua cuộc đấu tranh chống thực dân.
– Cộng sản Trung cộng và Việt Nam đã rút tỉa kinh nghiệm từ sự sụp đổ của cộng sản Đông Âu.
– Giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam gian manh, quỉ quyệt và ác ôn, côn đồ hơn Đông Âu, đã tìm cách triệt hạ không thương tiếc những người đối lập, tìm cách đánh rắn đánh dập đầu, nhằm vào những người lãnh đạo, trí thức đối lập để đánh và họ không từ một thủ đoạn gian manh, hèn hạ nào, như việc mướn những kẻ lưu manh ném đồ dơ vào nhà những người đối lập.
– Vì Trung cộng và Việt Nam, Bắc Hàn còn mang quá nặng truyền thống phong kiến, mảnh đất mầu mỡ cho độc tài cộng sản sinh xôi nẩy nở.
– Vì giai tầng sĩ phu, trí thức, phần lớn còn bị ảnh hủng sâu đậm bởi đầu óc sĩ phu phong kiến, học để có bằng, rồi ra làm quan, phụng vụ triều đình, có đầu óc « Trên đội, dưới đạp », trên thì đội triều đình, dưới thì đạp dân, theo kiểu câu nói của dân : « Chửa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng. », nay thì đạp dân, đội « chính quyền « .
Những người cho rằng cộng sản Việt Nam và Trung cộng còn tồn tại là tình cờ, không hữu lý ; và họ đưa ra những luận cứ sau :
Về Việt Nam, với những lý do sau :
Cái chết của Lê Duẫn, Tổng Bí thư Đang CSVN, vào năm 1986, là một trong những tình cờ lịch sử giúp cộng sản VN tồn tại. Vào lúc đó 2 người muốn lên chức Tổng Bí Thư là Lê đức Thọ và Trường Chinh, cả 2 đều bảo thủ và phong kiến. Khi Lê Duẫn chết, thì bên Nga, Gorbatchev đã lên chức tổng Bí thư được một năm, 1985. Trường Chinh đã lên thay thế Lê Duẫn với chức quyền Tổng Bí Thư, đã sang Nga « xin sắc phong « 2 lần ; nhưng Gorbatchev không chịu, muốn thay thế bằng những người lãnh đạo trẻ, ít bảo thủ. Chính vì lẽ đó mà Nguyễn văn Linh mới lên. Nhưng một phần vì Gorbatchev không nắm vững nội tình Đảng CSVN, một phần vì chú trọng nhiều đến nội tình Nga và các nước Đông Âu, nên không rõ nội tình Đảng CSVN, bề ngoài là Nguyễn văn Linh, nhưng bên trong là hoàn toàn do Lê đức Thọ, một con người vô cùng bảo thủ, phong kiến và ác ôn côn đồ, không những đối với người ngoài mà ngay cả đối với người trong đảng, khống chế, không những đảng mà cả chính quyền. Chúng ta chỉ cần xem sơ danh sách Bộ Chính trị và Chính phủ lúc đó thì chúng ta rõ : hoàn toàn là tay em của Lê đức Thọ nắm từ chức Thủ tướng, như Đỗ Mười, tới Bộ Quốc phòng như Lê đức Anh, Bộ Nội Vụ như Mai chí Thọ, em của Lê đức Thọ v.v.. Con người Lê đức Thọ được mệnh danh là « Anh Sáu Búa, Anh Sáu Tú Bà và Anh Sáu Hèn « , tên mà chính những người trong đảng đặt cho hắn như nhiều người đã biết (2).
Gorbatchev muốn tái lập lại bang giao với Trung Cộng đã bị đứt đoạn từ thời Khrouschev tới thời Brejnev, Andropov và Tchernenko, nên không muốn quá can thiệp vào nội tình Việt Nam, như ở các nước Đông Âu, vì nể mặt Trung cộng.
Gorbatchev nghĩ rằng Cộng sản Tàu cũng sẽ thay đổi, vì 2 người Tổng Bí thư liên tiếp lúc đó là Hồ diệu Bang và Triệu tử Dương, cũng thuộc phe cải cách, như chúng ta rõ ngày hôm nay. Và một khi Tàu thay đổi, thì CSVN cũng thay đổi.
Thực vậy, khi chúng ta nghiên cứu Biến cố Thiên An Môn 1989, thì chúng ta thấy sự thất bại lại là một sự tình cờ, vô lý ; vì hữu lý mà nói thì Thiên An Môn phải thành công, vì người chủ trương, cầm đầu, như chúng ta đã rõ ngày hôm nay là Triệu tử Dương, đương kim Tổng Bí Thư. Đứng đằng sau ông có cả Bộ Quốc Phòng, Tổng Tư Lệnh khu Bắc Kinh, các đại học, thợ thuyền và sinh viên. Ngay cả Đặng tiểu Bình lúc đầu cũng đứng trung lập. Ông chỉ ngả về phe bảo thủ khi Triệu tử Dương không kiểm soát nổi đoàn biểu tình, có những biểu ngữ chống ông. Thêm vào đó có quyết định của bà Đặng dĩnh Siêu, vợ của Chu ân Lai, mẹ nuôi của đương kim thủ tướng Lý Bằng, sợ hiện tượng Cách mạng Hồng vệ binh lại xẩy ra, mà phần lớn những người trong trung ương đảng và chính phủ đều là nạn nhân.
Ám ảnh hiện tượng cách mạng Hồng Vệ Binh trở lại đã đè nặng lên 2 gia đình có quyền thế nhất lúc bấy giờ. Con trai của Đặng tiểu Bình thì sợ tụi Hồng vệ Binh, khi chúng đến cư xá tìm bắt ông, đã nhảy từ lầu 2 xuống, bị gãy xương sống, phải ngồi xe lăn. Ông bà Chu ân Lai có nhiều con nuôi, nhưng chỉ nhận chính thức một người con gái, được gửi sang Liên sô học về ballet, về làm ở Opéra Bắc Kinh. Vào thời Cách mạng Hồng vệ binh, chính Chu ân Lai đã ký sắc lệnh cho con mình đi « học tập » ; không dè bị tụi tay em của phe chống đối giết chết bằng cách đóng một cái đinh dài trên đầu. Bà Đặng dĩnh Siêu luôn luôn bị ám ảnh cho rằng chính mình và chồng đã giết con mình. Mặc dầu 2 sự kiện này có tính cách gia đình, nhưng nó đã ảnh hưởng lớn cho những quyết định chính trị lúc bấy giờ.
Từ 2 quan niệm triết lý lịch sử đó, câu hỏi đến với chúng ta : Lịch sử có ý nghĩa, có chiều hướng hay không ? Lịch sử hữu lý hay tình cờ ?
Thực ra, lịch sử nhân loại có chiều hướng và lịch sử hữu lý chứ không tình cờ, với điều kiện là chúng ta phải nhìn nó toàn diện và thật lâu dài, chứ không phải ngắn hạn và cục bộ ; chẳng khác nào như chúng ta nhìn một cuộc đại chiến, nếu chúng ta chỉ nhìn cục bộ, chiến thuật, từ một vài trận chiến, thì chúng ta dễ sai lạc. Chẳng hạn như cuộc Đại Chiến thứ Nhất, thứ Nhì và ngay cả Chiến tranh Lạnh. Nếu chúng ta nhìn vào lúc đầu Đại Chiến thứ Nhì, chúng ta thấy quân đội Phát xít Hitler bách chiến bách thắng, chúng ta dễ đi đến kết luận sai lầm cho rằng nhất định Hitler sẽ thắng ; nhưng nếu chúng ta nhìn lâu dài, không phải chỉ một vài trận, không phải chỉ trên bình diện quân sự, mà phải cả trên bình diện kinh tế, khoa học, kỹ thuật, thì kết luận của chúng ta sẽ khác.
Cũng như Chiến tranh Lạnh kéo dài gần nửa thế kỷ, nếu chúng ta chỉ nhìn ban đầu, thấy phong trào giành độc lập lên cao, cộng sản lợi dụng phong trào này, cho người nằm ở phía sau, cướp chính quyền, mặc dầu theo đúng nghĩa, cộng sản là phản lại quốc gia, dân tộc, thì chúng ta dễ dàng đi đến kết luận là : « Cộng sản sẽ toàn thắng trên thế giới ; » Nhưng kết cục như chúng ta đã thấy hôm nay là cộng sản đã thua, chỉ còn rơi rớt lại một vài nước.
Để ý thức được lịch sử có chiều hướng và hữu lý, chúng ta phải nhìn thật lâu dài, không phải 50 năm, 100 năm, mà cả 1000 năm và hơn nữa, vì đây là lịch sử của văn hóa, văn minh.
Thực vậy, nhân loại hiện đã trải qua 5 nền văn minh, từ văn minh trẩy hái, con người còn ăn lông ở lỗ, hái trái cây hay săn bắn quanh hang hốc của mình để sống, qua thời kỳ văn minh du mục, con người phải đi xa để kiếm ăn. Nhưng dù đi xa, thức ăn sẵn có của thiên nhiên cũng khan hiếm, con người phải trồng trọt, nuôi xúc vật để sinh sống. Đó là thời văn minh định cư nông nghiệp. Vì vậy chúng ta thấy những nền văn minh lớn trên thế giới đều phát xuất từ những đồng bằng của những con sông lớn như sông Nil, sông Hằng, sông Dương Tử, sông Euphrate v. v.. ; vì những con sông mang tới phù xa và nước, tốt cho việc trồng trọt và chăn nuôi. Chính nhờ văn minh định cư nông nghiệp này mà con người đã có thể thỏa mãn được những nhu cầu thiết yếu, như miếng cơm, manh áo. Và một khi những nhu cầu thiết yếu được thỏa mãn, thì con người nghĩ đến những nhu cầu xa xỉ, khi có áo mặc rồi, thì muốn có áo đẹp hơn, khi có miếng ăn rồi thì muốn ăn ngon hơn. Con đường buôn bán Tơ Lụa và con đường buôn bán Gia Vị là từ đó. Con người bước sang nền văn minh thứ tư, đó là văn minh thương mại. Ngoài những phát minh trước đó như địa bàn, thuốc súng, chữ viết, giấy, máy in, với nền văn minh thương mại, con người phát minh ra máy hơi nước, điện, téléphone, máy điện tóan. Với téléphone, máy điện tóan, con người không cần đi xa để buôn bán, nhưng có thể ngồi một chỗ. Con người bước sang nền văn minh ngày hôm nay là văn minh tri thức, điện toán.
Tại sao lại là tri thức điện toán ? Vì, về kinh tế, 3 yếu tố quyết định sự sản xuất kinh tế, đó là lao động, đất đai và vốn. Với 3 nền văn minh trước tiên, nông nghiệp, du mục và trẩy hái, lao động chủ yếu là lao động bắp thịt, chân tay. Sự giàu có của một quốc gia được định qua sự kiện quốc gia đó có nhiều dân để có sức mạnh bắp thịt, chân tay, nước đó có nhiều đất đai, hầm mỏ hay không. Nhưng bắt đầu từ văn minh thương mại, nhất là văn minh tri thức, thì lao động chủ yếu là trí thức, đầu óc. Sự giầu có của một quốc gia được định qua sự kiện nước đó có một hàng ngũ trí thức đông có nhiều phát minh sáng kiến khoa học hay không ?
Những mô hình tổ chức nhân xã tương xứng với mỗi nền văn minh là chế độ gia tộc, chế độ bộ lạc, chế độ quân chủ phong kiến và chế độ dân chủ, tự do. Lịch sử con người đi từ chỗ là thần dân nô lệ của ông tộc trưởng, tù trưởng, ông vua tới chỗ con người mỗi ngày một được tự do, nhân quyền của nó được bảo đảm, tôn trọng hơn. Quyền hành của tộc trưởng, bộ lạc trưởng, vua chúa lúc đầu thì không có giới hạn, muốn bắt ai, bỏ tù ai, giết ai cũng được, nhưng càng ngày càng bị phân quyền, chia quyền đi đến dân chủ. Dân chủ chúng ta có thể định nghĩa nhiều cách khác nhau, nhưng chúng ta có thể định nghĩa đơn giản đó là chế độ tổ chức nhân xã trong đó con người có thể dùng lá phiếu của mình bầu lên hay truất phế người lãnh đạo của mình, khác với chế độ độc tài gia tộc, bộ lạc hay quân chủ phong kiến ở chỗ người lãnh đạo là cha truyền con nối. Chế độ độc tài cộng sản hay độc tài quân phiệt phát xít chỉ là mặt trái, mặt phải, tàn dư của chế độ quân chủ phong kiến để lại. Trung cộng và Việt Nam thì dấu diếm, nhưng độc tài Bắc Hàn thì cha truyền con nối, độc tài Cu Ba thì anh truyền, em nối. Nếu nhìn về khía cạnh văn minh, không kể chi Việt Nam, Bắc Hàn và Cu Ba, Trung cộng hiện nay mới chập chững bước vào thời kỳ văn minh thương mại. Ý đồ chuyển từ văn minh định cư nông nghiệp của Tàu sang văn minh thương mại tới rất sớm, có thể nói từ thời Xuân thu( 722-402 trước Tây Lịch) với Quản di Ngô của nước Tề đã biết khai thác, buôn bán muối và sắt để làm giàu, sau đến thời Chiến quốc ( 403-256 tTL) với Lã bất Vi của nhà Tần, qua câu hỏi bố ông : « Làm ruộng thì lời bao nhiêu ? Buôn bán thì lời bao nhiêu ? ». Nhưng ý đồ này bị dẹp tan bởi chế độ quân chủ phong kiến, quá độc tài vá ác ôn, mà chế độ cộng sản ngày hôm nay chỉ là một tàn dư. Đây là điểm quan trọng, toàn diện và lâu dài của lịch sử Tàu ; chứ không phải nhìn thấy Trung Cộng xuất cảng, bán ra những hàng tiêu dùng, đồ chơi, mà cho rằng Trung Cộng đã theo kịp những nước tiền tiến và còn tiên đoán là Trung Cộng sẽ ngự trị và lãnh đạo thế giới. Và đây cũng là một trong những nguyên do chính khiến cho văn minh đông phương, mặc dầu đến rất sớm, nhưng bị khựng lại, bị vượt bởi văn minh tây phương, vì các quốc gia tây phương họ đã biết từ bỏ sớm chế độ quân chủ phong kiến với 2 cuộc cách mạng, cách mạng Hoa Kỳ 1776 và cách mạng Pháp 1789, để bước vào chế độ dân chủ, tôn trọng nhân quyền, mảnh đất mầu mở cho con người phát triển, không phân biệt dòng họ, chủng tộc, màu da, giai cấp. Ngày nào Trung Cộng còn chưa dân chủ hóa chế độ, còn chưa tận dụng được nhân tài, trí thức, làm họ còn bỏ nước ra đi, ngày đó Trung cộng còn thua xa những nước tiền tiến Tây phương, nói chi đến việc thống trị và lãnh đạo thế giới.
Lịch sử nhân loại có ý nghĩa và chiều hướng là như vậy. Có ý nghĩa là những quyền căn bản của con người mỗi ngày được một tôn trọng hơn, có chiều hướng là mô hình tổ chức nhân xã mỗi ngày một tốt đẹp hơn, đi từ độc tài tới dân chủ.
Ngày hôm nay với nền văn minh tri thức, điện toán, những chế độ độc đoán, độc tài, dù tả hay hữu, còn rơi rớt lại, thì chỉ là cái gì phi lý của lịch sử nhân loại, sẽ sớm muộn bị đào thải, dù là độc tài tả cộng sản Việt Nam, Trung cộng, Bắc Hàn, Cu ba hay là độc tài hữu như ở Miến Điện hay ở bất cứ một nơi nào.
Chu chi Nam
Paris ngày 28/10/2010
(1) Xin xem thêm những bài về K.Marx và cộng sản trên : http://perso.orange.fr/chuchinam/