Ngày hôm nay, vẫn còn rất nhiều nhà khoa học đặt vấn đề nghiên cứu về thuyết tiến hóa. Họ cố truy tìm về nguồn gốc con người, về thuyết Big Bang, về thời tiền sử v.v…Dĩ nhiên, kết luận của họ thường thường không giống nhau, đôi khi đối kháng nhau, tạo ra nhiều tranh cãi mà người viết thiết nghĩ chỉ làm phí thì giờ và tiền bạc về những cuộc tranh luận không có lối thoát trên. Thậm chí, nhiều nhà khoa học còn có tham vọng sẽ có một ngày có một nhà “vẽ kiểu” thật thông minh, superior designer để đưa ra một kiểu mẩu duy nhứt cho thuyết tiến hóa mà không cần kiểm chứng sau đó sẽ như thế nào! Tổng thống Obama cũng cổ súy việc truy tìm chứng tích của thuyết tiến hóa và có đề ra một số ngân khoản cho vấn đề nầy.
Những suy nghĩ tản mạn sau đây đưa ra một số nhận định chủ quan về vấn đề trên và xin được chia xẻ với người đọc.
Khoa học là một cuộc truy tìm sự thật hiện hữu trong thế giới thiên nhiên (trời đất) một cách có tổ chức. Chính tự khoa học không có điểm bắt đầu và điểm đến sau cùng. Khoa học cũng không phải là chân lý; nó chỉ chứng thực số điều kiện, hiện tượng mà đa số chấp nhận trong thời điểm điều kiện hay hiện tượng được khám phá và chứng minh.
Nếu hiện tượng hay điều kiện trên có tính cách hằng hữu và bất biến trong một thời gian dài, chúng có thể trở thành định luật. Nhưng, trong một chừng mực nào đó, những điều trên có bất biến mãi mãi với thời gian hay không đó mà một chuyện khác. Trong quá trình lịch sử của khoa học, có biết bao định đề, định lý, một số hiện tượng khoa học đã từng ngự trị hàng thế kỷ, nhưng rốt ráo rồi cũng bị “đả phá’” bằng những chứng minh ngược lại hay bổ túc. Thiết nghĩ, đây không phải là vấn đề Đúng-Sai, mà chính là do sự tiến hóa, tiến hóa của con người và vạn vật.
Chúng ta hãy trở lại ngay từ quan điểm của Darwin, nhà tiến hóa đầu tiên khơi mở ra thuyết tiến hóa. Trong cuốn On The Origin of Species của ông, ngay từ những trang đầu tiên, chúng ta mê man, cảm khoái trước sự khám phá kỳ thú về sự khác biệt gene của loài vịt nuôi trong nhà và vịt hoang dã. Rồi từ đó, đưa đến sự khác biệt về môi trường sống của vịt ở các trại chăn nuôi ở Anh và ở Đức. Tiếp theo, sự khám phá về trực giác của con chó đưa đến những điều kiện làm cho chúng sống chung với nhau v.v… Như vậy khoa học từ đó đã là một sự tiến hóa rồi và sẽ tiến hóa mãi cho đến khi con người chấm dứt sự hiện hữu trên hành tinh nầy. …Và biết đâu một giống người nào khác sẽ tiếp tục sự tiến hóa tiếp nối.
Từ những suy nghĩ trên, có thể nói rằng, sự tiến hóa là một khái niệm về sự thay đổi của vạn vật, và khoa học, qua sự phát triển của con người, lần lần khám phá ra…một vài điều trong sự tiến hóa. Do đó, sự tiến hóa là vô cùng, mà khoa học chỉ khám phá và hệ thống hóa, chứng minh một phần giới hạn của sự tiến hóa.
Như vậy, làm thế nào khoa học qua con người (siêu nhân) có thể “chứng minh” được , tạo thành một hệ thống những luật lệ của sự tiến hóa?
Trở qua thí dụ về sự hâm nóng toàn cầu, hiện tượng nầy đã làm hao tổn bao nhiêu công sức của thế giới về trí tuệ, tiền bạc và thời gian. Kể từ khi có Nghị định thư Kyoto năm 1997, để rồi trở thành luật năm 2004, quy định các quốc gia trên thế giới phải hạn chế định mức phát thải khí carbonic ở định mức năm 1990 áp dụng cho mỗi quốc gia vào năm 2012. Nhưng tất cả đã thất bại, nghĩa là không có quốc gia nào tuân thủ quy định trên mặc dù đã ký. Trung Cộng mặc dù được miễn trừ luật định nầy, nhưng hiện nay là một nước phát thải khí carbonic đứng đầu trên thế giới với 6,6 tỷ tấn năm 2008, cao hơn Hoa Kỳ (6,2 tỷ). Rồi thế giới lại nhóm họp vào tháng 12 nầy để chuẩn bị cho một Nghị định thư mới nữa!
Con người qua khoa học cố truy tìm nguyên nhân của sự hâm nóng toàn cầu trên qua nhiều suy nghĩ khác nhau từ sự phát triển khoa học, việc tạo dựng ra nhu cầu phục vụ cho phúc lợi của con người v.v…Tất cả những nguyên nhân trên đều do “sự tiến hóa” của con người. Và trong một chừng mực nào đó, phải chăng vấn đề hâm nóng toàn cầu chỉ là một giai đoạn khác (mới) của sự tiến hóa?
“Trời chợt mưa chợt nắng có nghĩa gì đâu”, lời thơ lãng mạn của Nguyên Sa có thể diễn tả được tiến trình thay đổi của “Trời Đất”, kỷ nguyên Âm-Dương của chu kỳ của vạn vật? Có phải đây là một quy luật tiến hóa chăng?
Từ thời Vikings ở miền Bắc Âu vẫn có sinh hoạt, vẫn có đồng cỏ, có phải giai đoạn nầy là một chu kỳ nóng của trái đất?
Sang thời Vikings di cư về miền Ái Nhĩ Lan, miền Bắc trở thành giá băng? Phải chăng giai đoạn nầy là chu kỳ lạnh của trái đất?
Và bây giờ, trái đất bắt đầu nóng lên, phải chăng chu kỳ nóng lại sắp sữa bắt đầu?
Tất cả phải chăng kể trên, có chăng là sự tiến hóa?
Từ những suy nghĩ tản nạn trên, chúng ta nghiệm rằng với nghiên cứu khoa học, chúng ta có thể hiểu được, xác nhận một số hiện tượng của vạn vật một phần nào, có thể điều chỉnh và dự phóng một số diễn biến của vạn vật trong tương lai. Tất cả đó là sự tiến hóa và sẽ không có một phi nhân nào có thể hình dung được một quy luật cố định về thuyết tiến hóa cả.
Chúng ta cứ tiếp tục nghiên cứu những dự phóng cho sự tiến hóa, nhưng chúng ta cũng không chấp nhận khái niệm với định kiến là phải theo một quy luật tiến hóa nào đó dựa theo mẩu mực của cuộc nghiên cứu của những khoa học gia có “uy tín”. Vì làm như thế, mặc nhiên chúng ta phủ nhận sự hiện diện tự nhiên của sự tiến hóa, vốn dĩ luôn luôn chuyển dịch.
Làm một nhà hóa học, chúng ta cần nên khách quan hơn nữa, không thể căn cứ vào một hiện tượng nào đó, một chứng minh nào đó để lý giải cho sự tiến hóa rồi từ đó cố gắng tạo nên một lý thuyết cho sự tiến hóa và và áp đặt mọi người phải chấp nhận như là một chân lý.
Làm như thế tức là phản khoa học, phản tiến hóa vậy!
Mai Thanh Truyết