Đẹp mắt và lại khiến cho một số người Việt phải xa quê vì thời cuộc dễ chạnh lòng nhớ Việt Nam là những địa điểm bán Mai. Mai năm nay khá đắt vì thời tiết không tốt nên không có nhiều. Sau đây là lời kể của thông tín viên Phạm Phan, từ Phnom Pênh, về ngày Tết của người Việt tại Cam Bốt.
Thân chào anh Phạm Phan, hôm nay là Mùng Hai Tết, anh có thể cho biết người Việt tại Cam Bốt đón ngày Tết truyền thống như thế nào ạ ?
Thông tín viên Phạm Phan : Hàng năm bắt đầu từ Mùng Một là ngày nghỉ vui chơi, có người đi Việt Nam, có người đi chơi ở vài địa điểm du lịch trong lãnh thổ Cam Bốt như thăm cố đô Udong nằm trên chót núi nhỏ cách Phnom Penh độ 40 cây số về hướng Tây Bắc, đi đền Angkor ở tỉnh Siêm Riệp, hay về miền biển Kampong Som. Có người Tết không đi chơi mà chỉ bày cờ bạc để ăn thua, hoặc họ chỉ đi chơi trong khu vực thủ đô, đi chùa, đi thăm bà con thân nhân, và ăn nhậu.
Tập tục nghỉ 3 ngày Tết không còn được gìn giữ nguyên vẹn, có gia đình chỉ ngày cuối năm, có nhà nghỉ đến ngày Mùng Một, có người nghỉ lâu hơn.
Điểm đặc biệt là không khí 3 ngày Tết tại Phnom Pênh không khác lắm với không khí ăn Tết tại Việt Nam, phố phường hơi yên vắng vì người ta đi chơi xa hoặc tụ tập trong nhà nhiều hơn hay là đi lễ chùa.
Có điều lạ là Tết Việt nhưng nhiều người Việt thích đi chùa Khmer, ngôi chùa nổi tiếng và đông khách thập phương vào những ngày Tết là chùa Wat Phnom nằm trên một ngọn đồi nhỏ ở ngay trung tâm thủ đô sát cạnh Đại Sứ Quán Mỹ. Ngọn đồi này được Tòa Đô Chính Phnom Pênh sửa sang lại thành công viên đầy bóng mát của cây xanh và có tiếng là linh thiêng.
Một điều cũng nên nói đến là chuyện người Việt đón Tết trên ghe ở vùng Biển Hồ. Vì ghe là nhà, mặt nước sông được coi như “nền đất dựng nhà” nên làng xóm người Việt tại Biển Hồ gồm nhiều ghe kết thành bè nối liền nhau, có xóm nằm gần bờ sông, có xóm nằm ở giữa hồ nước. Trên xóm chài nổi là một thế giới độc đáo, có chợ, có quán nhậu, quán cà phê, quán bán nước giải khát, quán karaoke, tiệm hớt tóc, có luôn cả sòng bài hay địa điểm lắc bầu cua cá cọp … Người Việt sinh sản nhanh nên sống trên xứ người nhưng ồn ào, náo nhiệt hơn cả dân bản xứ.
RFI : Ngày đầu năm mới anh đi đâu và anh thấy những gì ?
Thông tín viên Phạm Phan : Chiều Mùng Một Tết, chúng tôi đi bộ quanh một số đường phố nơi có nhiều người Việt tại Phnom Pênh. Trên lề đường gần khu chợ Orussey, có gia đình người Việt bán bánh mì thịt theo tôi biết đã trên 14 năm. Hàng ngày họ dọn ra lúc 5 giờ chiều và bán đến 9 giờ tối, một cần xé bánh mì khoảng 70 ổ được khách hàng tiêu thụ hết, một ổ bánh mì thịt có giá 3.000 Riel, một Mỹ Kim khoảng 4.000 Riel. Với nhịp độ bán đắt như vậy, nên gia đình này chỉ nghỉ chiều 30 Tết cúng ông bà sau đó khai trương sớm. Do đó, không phải vì túng tiền nên đi bán trong ngày đầu năm mới, mà vì tiếc tiền nếu nghỉ bán một ngày.
Trong khi đó, cách nơi này không tới 1 cây số, chúng tôi thấy một phụ nữ người Việt trên 30 tuổi, với bộ quần áo bạc màu đang đứng bên chiếc xe ba bánh nhỏ có đặt thùng nước sôi nấu bắp trái, vài trái bắp vàng nằm trong nồi, còn khoảng 5 trái treo trên sợi dây nhỏ, những hột bắp tươi không còn căng tròn do phơi nắng vài ngày vì bán chậm. Hôm Mùng Một khách đi đường vắng, người mua đã ít nhưng chị vẫn không nghỉ. Với người phụ nữ này không đi bán một ngày là kẹt tiền mua gạo cho gia đình, và chắc rằng chị không đón Tết vì cuộc sống quá chật vật.
RFI : Thưa anh, anh có quan tâm đến những người Việt tỵ nạn tại Cam Bốt hay không ? Theo anh biết, họ đón Tết như thế nào ?
Thông tín viên Phạm Phan : Theo tôi biết, người Việt tỵ nạn tại đây có hai thành phần. Một thành phần đang nằm trong trại tỵ nạn do Cao Ủy Liên hiệp quốc quản lý, nhưng cũng chịu sự chi phối của Bộ Nội vụ Cam Bốt. Những người tỵ nạn này phải chịu sự giới hạn đi lại. Có thể nói, hầu hết là đồng bào Thượng mình ở Cao Nguyên, Ban Mê Thuật, Đắc Lắc, chạy qua đây. Tin mới nhất là họ có thể đi định cư ở nước ngoài, còn cái phần trả về thì tôi chưa được biệt.
Riêng thành phần thứ hai của người Việt tỵ nạn, đa số có thể nói là người Kinh. Những người này theo tôi biết họ không sống trong các trại tỵ nạn, họ sống rời rạc bên ngoài. Họ được Cao Ủy Liên hiệp quốc cấp giấy xác nhận, rồi một tháng hoặc hai tháng họ đến lãnh một số tiền bảo trợ nhỏ. Họ phải tìm cách mưu sinh bên ngoài. Vì họ đến đây lâu rồi, ngày Tết họ cũng có ít chi phí, họ xoay xở được, bạn bè cũng nhiều. Họ cũng chia sẻ cái Tết chung. Họ cũng xum họp bạn bè, những người quen biết, tổ chức bữa cơm cuối năm, rồi nói chuyện thời sự, nhìn về tương lai.
RFI : Anh có thể cho biết người Việt chuẩn bị đón Tết như thế nào ?
Thông tín viên Phạm Phan : Trong thời gian sống lâu dài tại quốc gia này, gần 20 năm, chúng tôi thấy đồng bào mình ăn Tết không khác gì người Việt trong nước, chỉ có một ít khác biệt là ngày Tết của mình thì lại là ngày thường của dân bản xứ thành ra niềm vui không đồng loạt như tại quê hương.
Cách đây vài năm, khi ra vùng ngoại ô Phnom Pênh tại khu vực Cầu Ván, đường vào ngôi chùa Hưng Thạnh, nơi đây có khu nhà gồm người Việt và người Kampuchea Krom sinh sống. Gần khu vực này có vài sào đất trống, một hai gia đình người Việt sử dụng đất này để gieo trồng bông bán dịp Tết như Cúc, Vạn Thọ. Đây là một trong vài hoạt động trước Tết. Ngoài ra các loại bông hoa cây cảnh như Mai, Đào, Cúc… từ vùng đồng bằng sông Cửu Long, hay Đà Lạt đến Phnom Pênh bằng nhiều con đường. Khách hàng là người Khmer gốc Hoa, người Việt, và người bản xứ cũng chung vui trong dịp Tết.
Mua sắm là một tập tục không thể thiếu trong thời gian chuẩn bị đón Tết. Người có tiền thì sắm nhiều, như nhang đèn, đồ cúng bái, nước ngọt, bia, trái cây, bánh mứt, sơn phết lại nhà cửa …
Những ngày cận kề cuối năm như 29, 30, bà con xôn xao, tấp nập đón Tết. Tại thủ đô không khí này dễ nắm bắt hơn ở các tỉnh xa. Một số đường phố trung tâm và các chợ lớn rất náo nhiệt, hàng hóa, thực phẩm từ các nơi đổ về tranh nhau bán.
Đẹp mắt và lại khiến cho một số người Việt phải xa quê vì thời cuộc dễ chạnh lòng nhớ Việt Nam là những địa điểm bán Mai. Mai này do người bản xứ vào rừng chặt trước Tết, họ canh khá chính xác để Mai không nở sớm, trên thân cây chỉ mang đầy nụ xanh, và khách chơi Mai mua vào ngày 27, 28, 29, để trưng trong nhà. Mai năm nay khá mắc vì thời tiết không tốt nên không có nhiều.
Ngày 30 Tết là ngày bận rộn, việc mua sắm hầu như chấm dứt, ngày này bà con tùy theo hoàn cảnh gia đình sẽ bày bàn cúng ông bà tổ tiên một cách đơn sơ hay mâm cao cỗ đầy. Thường thì đồng bào cúng vào trưa ngày 30 Tết, trên bàn cúng cơm cuối năm có con gà luộc hay heo quay, trái cây, bánh bông lan, bánh tét, nước ngọt, rượu, bia và nhang khói nghi ngút. Ngoài ra có gia đình còn để một mâm nhỏ trước sân cúng đất trời. Cúng xong là cả gia đình vào bàn tiệc, ăn nhậu, vui đùa. Những người lớn tuổi thì khi thấy nhang khói lúc cuối năm lại nhớ người thân trong gia đình đã khuất, nhớ kỷ niệm tuổi thơ khi còn sống tại Việt Nam.
RFI : Vừa rồi, anh có nói đến người Kinh và người Khmer Krom sinh sống cùng nhau. Vậy thì trong dịp vui này, giữa phong tục của hai phía có gì giao lưu hay không ?
Thông tín viên Phạm Phan : Họ sống rất thân mật với nhau, anh ạ. Đa số người Khmer Krom đến từ vùng Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau hay Trà Vinh. Vì cuộc sống bên đó quá khó khăn, hay vì lý do gì mà họ bất mãn, nên họ qua đây sống. Những người này làm ăn dễ thành công, vì vừa biết tiếng Việt, vừa biết tiếng Khmer nữa. Họ sống chung với người Việt và người Kampuchia rất là hòa hợp. Ngày Tết, tôi thấy họ ăn cả luôn Tết Việt và ăn cả luôn Tết Kampuchia.
RFI : Cam Bốt là quốc gia có nhiều sắc tộc cùng chung sống. Tết là một ngày hội vui của người Việt. Vậy anh có thể cho biết, ngày Tết, giữa người Việt và các sắc tộc khác có những đồng cảm như thế nào ?
Thông tín viên Phạm Phan : Cam Bốt là một trong vài nơi bên ngoài Việt Nam có số lượng người Việt sinh sống khá đông, đặc điểm người Việt tại đây đã có mặt lâu đời, chứ không phải hình thành cộng đồng sau ngày 30/4/1975. Tuy nhiên cho đến những năm gần đây vẫn có người kéo qua Cam Bốt lập nghiệp hay kiếm cái ăn, cái mặc. Thành phần tỵ nạn chính trị chiếm một con số rất khiêm nhường, hiện nay họ đến Thái Lan nhiều hơn vì cho nơi đây không an toàn. Có hai nơi tập trung đông người Việt nhất, đó là Phnom Pênh và vùng Biển Hồ, tuy nhiên có thể nói người Việt sinh sống ở khắp nơi với nhiều ngành nghề.
Tại Cam Bốt, số lượng người Việt đông đến hàng trăm ngàn người, còn người gốc Hoa thì cũng không kém. Thêm nữa người Hoa chiếm một vị trí quan trọng trong nền kinh tế nhỏ bé của Cam Bốt nên khi hai sắc dân này đón năm mới trong cùng thời điểm đã tác động không ít đến sinh hoạt thường ngày của người bản xứ. Người dân Cam Bốt có thể không hiểu hết phong tục người Việt và người Hoa, nhưng cũng đi mua sắm, đi chơi, cúng bái trong dịp Tết Việt là vì có thể họ có thân nhân liên hệ đến người Việt, hay vì thích vui, hoặc vì bản chất hòa hợp trong xã hội có nhiều sắc dân.
Dịp Tết cũng là thời gian giúp người bản xứ có cơ hội kiếm thêm tiền vì nhu cầu của người sắm Tết như thị trường cần nhiều rau cải, gà vịt, thịt heo, thịt bò, bông hoa, cây cảnh, rồi còn nhu cầu đi lại, vận chuyển, đi chơi, giải trí…
Ngược lại, khi đến tháng 4 là năm mới của người Cam Bốt thì tập tục truyền thống của cả quốc gia này lại ảnh hưởng đến đời sống thường nhật của người Việt và các sắc dân khác. Vì thế ăn Tết chung hay đón mừng năm mới trong không khí an hòa là một trong những nét đặc biệt của xã hội Cam Bốt hiện tại.
RFI : Hy vọng đến dịp Tết Cam Bốt tháng tư tới lại được nghe anh kể chuyện. Cảm ơn anh và xin được chúc anh cùng gia đình, thân hữu đón một mùa Xuân mới thật vui, một Năm mới mạnh giỏi, hạnh phúc.
Thông tín viên Phạm Phan : Tôi cũng xin chúc đài RFI một năm mới thăng tiến và thành công trong nhiệm vụ phát triển tự do cho con người chúng ta.
Phạm Phan / Trọng Thành [Nguồn: RFI]