Cảm giác buồn buồn của những cái tết tha hương thì có lẽ chả có gì khó hiểu. Tết, trong tâm thức của người Việt, trước hết, là đoàn tụ; và đoàn tụ, trước hết, là với gia đình, láng giềng, và hơn nữa, quê quán, nơi để lại những hình ảnh đẹp nhất trong ký ức và hầu như gắn liền với tuổi thơ. Sống ở hải ngoại, cả ba điều ấy đều chỉ là những giấc mơ. Quê quán hay quê hương nói chung thì xa lắc; với riêng tôi, thì không thể về được; (đại) gia đình thì mỗi người một ngả; còn hàng xóm thì ngó quanh, chỉ thấy toàn…Tây!
Tết, ngoài sự đoàn tụ, cần có không khí. Mà cái không khí ấy lại hoàn toàn thiếu vắng ở hải ngoại.Tôi nhớ hoài cái tết đầu tiên của tôi ở Pháp. Lúc ấy tôi làm trong một nhà hàng của người anh ở Nice, một thành phố du lịch nằm ở phía nam, gần biên giới Ý. Giữa tháng chạp, nhân ghé một tiệm Tàu, tôi mua sẵn một phong pháo để dành. Tối 30, tôi thấy lòng nôn nao vô hạn. Vừa làm việc vừa chờ đợi phút giao thừa. Cuối cùng, phút giao thừa đến. Tôi mang phong pháo ra sân trước định đốt. Mọi người can ngăn. Lý do: một: luật pháp cấm; hai: phiền hàng xóm; ba: có thể bị cảnh sát bắt. Lúc ấy, tôi mới qua Pháp được hơn một tháng, còn ngơ ngác lắm. Nhìn quanh, thấy đường xá vắng ngắt và mọi nhà đều đã đóng cửa tắt đèn im ắng, tôi chột dạ, cầm phong pháo vào nhà. Mấy anh em và bạn bè ôm nhau, chúc tết nhau. Tất cả diễn ra trong vòng vài phút. Là xong. Sau đó, mọi người ngồi nán lại chuyện trò. Có người đề nghị mang bài ra đánh. Nhưng không ai hưởng ứng. Khuya rồi. Ngày mai, mọi người còn phải làm việc. Lại cụt hứng. Không khí lặng đi. Rồi ai về nhà nấy. Tối đó, tôi nằm trằn trọc suốt đêm. Thương cho cái tết đầu tiên ở hải ngoại.
Rồi tôi sang Úc.
Ở Úc, người Việt sống tập trung hơn, không khí tết coi bộ cũng náo nhiệt hơn. Năm đầu tiên, tôi háo hức rủ bạn bè, cả Việt lẫn Úc, đi chợ tết. Nhưng chỉ thấy thất vọng. Tôi không còn trẻ để chơi các trò chơi; không quá già để có thể chịu đựng nổi những màn trình diễn cúng tổ đầy kịch tính và những bài hát, những điệu múa và những vở kịch rất kém nghệ thuật trên sân khấu. Cuối cùng, hầu như chỉ có một hoạt động dễ tham gia nhất: ăn uống. Nhưng ăn uống trong các hội chợ như thế thì phải chấp nhận… bụi. Mà tôi thì ngại bụi bặm. Nên chỉ quanh quẩn một lát thì lại về nhà.
Về nhà lại thấy tiếc là mình sinh ra trong một gia đình theo đạo Công giáo. Mà là đạo dòng nữa. Tôi nhớ, hồi nhỏ, tối 30 tháng chạp, cả nhà kéo nhau đến nhà thờ xem lễ. Rồi về nhà ăn uống, tán gẫu, chờ đến đúng 12 giờ khuya, chạy ra trước sân đốt một phong pháo. Nghe nổ lẹt đẹt một lát thì chui vào mùng… ngủ. Chưa bao giờ tôi thấy ba mẹ hay ông bà tôi tiễn ông Công ông Táo về trời vào ngày 23; cũng chưa bao giờ thấy ai thắp một nén hương hay đặt một món ăn gì trên bàn thờ. Tuyệt đối không có cúng. Và, riêng trong gia đình tôi, cũng không ai nghĩ đến chuyện đi hái lộc hay xuất hành vào đêm giao thừa cả. Khuya, đốt pháo xong, mọi người lục đục đi ngủ.
Hồi nhỏ, tôi thấy đó là chuyện bình thường. Sau, lớn, hơn nữa, sống ở nước ngoài, xa cách hoàn toàn không khí tết ở quê hương, tự dưng tôi thấy thèm một cảnh cúng kiếng hay ít nhất, một vài nén nhang. Không hiểu sao càng ngày tôi càng thích mùi nhang. Nó làm mình tự dưng thấy ấm áp và nhẹ nhàng. Không khí chung quanh như lắng lại. Tâm hồn mình cũng thấy yên ả hơn một chút.
Thật ra thì bây giờ tôi có thể làm những điều đó dễ dàng. Thứ nhất, tôi không còn đi nhà thờ nữa; thứ hai, ngay cả khi tôi còn tin đạo thì luật Giáo hội sau này cũng rất cởi mở trong việc cúng kiếng và nhang đèn trong nhà; và thứ ba, già rồi, tôi có thể muốn làm gì thì làm.
Nhưng tôi vẫn không làm được. Một phần vì không quen; phần khác, vì thiếu một niềm tin.
Cho nên thỉnh thoảng, vào tối giao thừa, tôi lại vào… chùa.
Thường, tôi đến là do lời mời của các vị sư trụ trì để tham dự một số sinh hoạt văn hóa vào đêm giao thừa. Chưa bao giờ tôi tham gia các buổi tụng kinh hay cầu nguyện. Tuy nhiên, tôi lại rất thích lảng vảng ở những nơi có bàn thờ.
Để làm gì?
– Để nghe mùi hương của đèn và nhang!
Đêm giao thừa, đến chùa, với tôi, chủ yếu là để ngửi ké một mùi hương.
Của quá khứ.
TS. Nguyễn Hưng Quốc