Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đã lên tiếng ca ngợi việc chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị tại Baghdad, và việc thành lập một chính phủ Iraq mới. Theo thỏa thuận đạt được, Thủ Tướng Iraq Nouri al-Maliki vẫn tiếp tục nắm quyền thêm 4 năm nữa, trong khi Liên minh Iraqiya -vốn được người Hồi giáo Sunni hậu thuẫn, chiếm chiếc ghế Chủ Tịch Quốc Hội, và thủ lãnh người Kurd, ông Jalal Talabani, vẫn giữ được chiếc ghế Tổng Thống.
Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama mô tả tân chính phủ Iraq là một chính phủ đa thành phần. Ông nói:
“Theo tất cả các dấu hiệu, thì chính phủ này có tính đại diện, phản ánh nguyện vọng của cử tri đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử vừa qua. Thỏa thuận này đánh dấu một cột mốc mới trong lịch sử nước Iraq hiện đại.”
Nói chuyện với các nhà báo tại Seoul, Tổng Thống Obama nói người Iraq đã chứng tỏ rằng quyết tâm của họ nhằm đoàn kết quốc gia và xây dựng tương lai, mạnh hơn so với quyết tâm của những kẻ chỉ mong đẩy Iraq vào tình trạng xung đột phe phái và khủng bố.
Giới lãnh đạo Iraq đạt được đồng thuận hôm thứ Tư để giữ ông Nouri al-Maliki trên chiếc ghế Thủ Tướng trong thêm một nhiệm kỳ 4 năm.
Tuy nhiên, thỏa thuận đã chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị kéo dài 8 tháng qua, đã khởi sự một cách không suôn sẻ hôm thứ Năm, khi khoảng 2/3 thành viên của Liên minh Iraqiya, tổng cộng có 91 người, đồng loạt rời bỏ phòng họp tại Quốc Hội, vì cho rằng những đòi hỏi của họ không được đáp ứng thỏa đáng.
Ông Maliki có 30 ngày để thành lập Nội các mới, tuy nhiên hành động phản đối của những người rời bỏ phòng họp, đã phơi bày tính mong manh của thỏa thuận mới, và sự nghi kỵ mà thiểu số người Hồi giáo Sunni dành cho ông Maliki.
Trên các đường phố Iraq, người dân thường cũng tỏ ra vui mừng về sự chấm dứt tình trạng bế tắc.
Một người đàn ông nói, trong tư cách là người dân, ông hoan nghênh việc thành lập một chính phủ Iraq mới, sau 8 tháng bế tắc.
Một người đàn ông khác kêu gọi giới lãnh đạo hãy “cung cấp cho dân công ăn việc làm, duy trì an ninh trật tự, và lo lắng cho người dân, vốn đã chịu quá nhiều gian khổ.”
Được hỏi liệu ông có lạc quan về tương lai hay không, người đàn ông trả lời:
“Vâng, tôi cảm thấy lạc quan, nhưng nếu giới lãnh đạo chính trị không đáp ứng nhu cầu của dân, thì cử tri Iraq sẽ không tham gia cuộc bầu cử kế tiếp, bởi vì họ đã đi bầu tới 2 lần rồi.”
Người ta cũng thấy thái độ lạc quan đó tại nước láng giềng Iran, nơi đa số dân là người Hồi giáo Shia.
Trong một bài thuyết giảng tại các lễ cầu nguyện hôm thứ Sáu, nhân vật lãnh đạo Hội đồng Bảo vệ Cách Mạng, là hội đồng giáo sĩ tối cao của Iran, ca ngợi sự kiện Thủ Tướng Nouri al-Maliki, một người Hồi giáo Shia, được trở lại nắm quyền ở Iraq.
Giáo sĩ Ahmad Jannati nói đây là một đòn nặng, giáng xuống các nước láng giềng Ả rập Sunni, vốn chống đối ông Maliki. Giáo sĩ Jannati nói:
“Như ý muốn của Thượng Đế, nhân dân Iraq đã chứng tỏ sự khôn ngoan và tinh thần cảnh giác của họ.”
Nếu như thỏa thuận chính trị mới nhất tại Iraq được duy trì, thì sự đồng thuận này có thể chấm dứt tình trạng bế tắc đã làm tê liệt các định chế nhà nước Iraq, kể từ sau cuộc bầu cử không có kết quả dứt khoát hồi tháng Ba năm nay.
Các phần tử nổi dậy đã lợi dụng lỗ hổng chính trị trong thời gian này để khích động bạo động.
Ravi Khana [Nguồn: VOA]