Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đến Nam Triều Tiên để dự Hội nghị thượng đỉnh của khối G20. Hình: AP
Tổng thống Obama sắp đối diện nhiều tranh cãi ở Seoul, trong vài ngày tới.
Các cuộc thảo luận của các vị phụ tá đang soạn thảo thông cáo cho hội nghị thượng đỉnh đã rất sôi nổi, theo các giới chức của chính phủ nước chủ nhà Nam Triều Tiên. Nhóm G-20 đầy rẫy những bất đồng về cách thức giải quyết tình trạng bất quân bình mậu dịch và tỷ giá hối đoái.
Trong bài phát biểu tại Jakarta trước đó trong ngày, ông Obama đã ca ngợi G20 là diễn đàn toàn cầu hàng đầu để giải quyết các vấn đề như thế.
Ông Obama nói: “Đã qua rồi thời kỳ mà chỉ có 7 hay 8 nước có thể cùng nhau quyết định hướng đi cho các thị trường toàn cầu. Đó là lý do vì sao G20 nay là trung tâm của sự hợp tác kinh tế quốc tế, để cho các nền kinh tế đang nổi lên như Indonesai có một tiếng nói lớn hơn và mang nhiều trách nhiệm hơn.”
Có nhiều phần chắc ông Obama sẽ thấy mình ở thế phòng vệ trong các cuộc họp với các nhà lãnh đạo của các cường quốc kinh tế khác, hiện đang than phiền là họ bị thiệt hại vì các biện pháp của Quỹ Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ nhằm kích hoạt nền kinh tế Mỹ.
Ngày mai, sau các cuộc hội đàm với Tổng thống Lee Myung-bak của Nam Triều Tiên, ông Obama sẽ gặp riêng Chủ tịch Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc và Thủ tướng Angela Merkel của Đức.
Hoa Kỳ và châu Âu muốn Bắc Kinh nâng giá chỉ tệ của Trung Quốc để cắt bớt mức thặng dư mậu dịch của nước này.
Vào lúc kết thúc hội nghị thượng đỉnh G20, một số các nhà lãnh đạo, trong đó có ông Obama, sẽ lên đường đi Yokohama, Nhật Bản, để dự cuộc họp thường niên của nhóm Hợp tác Kinh tế châu Á Thái bình dương.
Các cuộc đàm phán của khối APEC với 21 thành viên này diễn ra vào thứ bẩy và chủ nhật tới, sẽ thảo luận các biện pháp để gắn kết các nền kinh tế trong vùng chặt chẽ hơn, kể cả việc cứu xét tính khả thi của một hiệp định tự do mậu dịch đa quốc do Hoa Kỳ đề xuất.
Steve Herman [Nguồn VOA]