Trong tháng 11 vừa qua, toà án Hoa Kỳ đã xử hai vụ án được dư luận đặc biệt chú ý, theo dõi và luận bàn.
Ngày 22.11.2010, một bồi thẩm đoàn tại Tòa Thượng thẩm Washington, D.C. đã kết án Ingmar Guandique, 29 tuổi, một di dân bất hợp pháp người Salvador, tội cố sát Chandra Levy, chấm dứt một vụ án kéo dài gần mười năm với những tình tiết ly kỳ của một tội ác liên quan đến chính trị, ái tình, pháp luật tại Thủ đô Washington.
Chandra Levy, một thiếu nữ 24 tuổi xinh đẹp, nhiều khả năng và đầy ước mơ, đã từ thành phố Modesto, miền bắc California tới Washington tập sự tại Sở Cải Huấn (thuộc Bộ Tư Pháp) Hoa Kỳ (U.S. Bureau of Prisons) từ năm 2000.
Ngày 01.5.2001, Cô Levy biến mất khỏi Washington và cha mẹ tại Modesto cũng không liên lạc được với cô. Ngày 06.5.2001, Bác sĩ Robert Levy, cha của Chandra, báo Cảnh sát tại Washington, và cũng gọi cho Dân biểu Gary A. Condit, đại diện của đơn vị Modesto tại Ha Viện Hoa Kỳ. Ngày 07.5.2001, Dân biểu Condit nói với Cảnh sát rằng Chandra Levy có thể đã mất tích.
Tại căn apartment của Chandra Levy ở Washington, Cảnh sát không thấy dấu vết gì bất thường. Kiểm tra chiếc computer, các thám tử được biết sáng hôm ấy Chandra đã tìm đường tới ngôi biệt thự Klingle trong công viên Rock Creek Park ở Washington, cách nơi cư ngụ của cô khoảng 3 dặm. Cũng do chiếc computer, cảnh sát đã phát hiện một điện thư Chandra viết vào tháng 12.2000 nói đến mối tình lãng mạn với Dân biểu Condit, một người đàn ông có vợ, và đang là một ủy viên cao cấp của Ủy ban Tình báo tại Hạ Viện.
Chi tiết này được Cảnh sát “xì” cho báo chí, đồng thời hướng cuộc điều tra vào Dân biểu Condit. Từ lúc ấy, Dân biểu Condit trở thành con mồi bị săn đuổi của báo chí và bị Sở Cảnh sát Washington coi là một “người quan hệ” (person of interest).
Cảnh sát dùng chó đánh hơi xác chết lục soát khu rừng phiá sau cư xá của Condit ở Washington. Họ soi rọi căn apartment của Condit với tia tử ngoại (ultraviolet) để tìm bằng chứng của một vụ án mạng. Họ khám xét chiếc xe của một nhân viên làm việc tại văn phòng của Condit ở Hạ Viện để tìm vết máu, lông tóc, hay bất cứ tang vật nào có thể quy tội cho ông dân biểu hảo ngọt. Mỗi lần như vậy, Cảnh sát lại cung cấp tin tức cho báo chí để được đưa lên trang nhất và màn ảnh truyền hình cập nhật câu chuyện về cô sinh viên tập sự và ông dân biểu mỗi mười phút, dù không có biến chuyển gì mới. Những tin đồn được làm như chuyện có thật và các “chuyên viên tư pháp” thay nhau xuất hiện trên màn ảnh bình luận về nội vụ, dù họ không am hiểu gì cho lắm. Khoảng hai phần ba dân Mỹ đã theo dõi sát vụ này và trở thành câu chuyện được cả nước quan tâm, cho đến ngày 11.9.2001, khi những tin tức về vụ Chandra Levy đã được nhường chỗ cho tin thời sự nóng bỏng về vụ khủng bố Hồi giáo tấn công nước Mỹ.
Về phần Gary Condit, ông ta nói không liên hệ gì đến vụ mất tích của Chandra Levy, nhưng những hành động của ông ta lại làm như có điều gì muốn che giấu. Ông ta lẩn tránh các phóng viên, đang đêm đem vứt chiếc hộp đựng đồng hồ của một tình nhân cũ vào thùng rác, và không chịu cho Cảnh sát trắc nghiệm bằng máy khám phá nói dối. Liên hệ với Cô Levy cũng không được ông ta trả lời rõ ràng. Ông ta nói chỉ là “tình bạn”, nhưng sự thật lại không phải như vậy. Thử nghiệm DNA tinh dịch trên một chiếc quần lót của Cô Levy đã xác nhận sự chung đụng xác thịt giữa hai người. Mặt khác, vài người thân với Levy cho biết cô có nói về mối tình với Condit.
Dù Dân biểu Condit chưa bao giờ bị Cảnh sát coi là một nghi can, do hậu quả của vụ tai tiếng liên quan đến Chandra Levy, tháng 3 năm 2002, ông ta bị một nhân viên cũ đánh bại trong vòng sơ bộ của Đảng Dân Chủ khi tái ứng cử ghế dân biểu Modesto.
Ngày 22.5.2002, nhờ con chó sục sạo, một người đàn ông chạy bộ trong Rock Creek Park đã tình cờ khám phá hài cốt Chandra Levy trong một bụi rậm không xa biệt thự Klingle và con đường mà cảnh sát đã “cày nát” một năm trước. Pháp y khám nghiệm bộ xương cho rằng nạn nhân có thể đã chết vì bị vặn cổ. Nhưng cuộc điều tra để tìm ra thủ phạm cũng không tiến thêm bước nào, và Sở Cảnh sát Washington vẫn coi Condit như là mục tiêu chính dù tuyên bố ông ta không phải là nghi can.
Không bao lâu sau khi phát hiện thi thể Chandra Levy, tờ báo Roll Call ở Đồi Capitol, trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ, đăng một tin lớn: Một di dân bất hợp pháp người Salvador tên là Ingmar Guandique đã bị bắt giam vì tấn công phụ nữ trong lâm viên Rock Creek Park vào khoảng thời gian Chandra Levy mất tích một năm trước.
Charles Ramsey, chỉ huy trưởng Sở Cảnh Sát Washington lúc ấy, đã nhanh chóng cảnh cáo các phóng viên rằng họ đã bị lạc hướng, và rằng không nên coi chuyện tên Salvador là tin quan trọng. Do đó, các phóng viên săn tin lại quay về với con người mà đa số trong bọn họ nghĩ là thủ phạm: Gary Condit. Nhưng sau đó, cả phóng viên báo chí lẫn cảnh sát và công tố không tiến thêm được bước nào trong nỗ lực buộc tội người mà họ “muốn là thủ phạm”, và hồ sơ vụ án mạng ấy bị xếp một chỗ.
Vụ Chandra Levy bị ngâm tôm thêm 5 năm. Tới tháng 4.2007, hồ sợ vụ này đã được mở lại khi Cathy L. Lanier, người thay thế Ramsey, cắt cử những thám tử khác để tiếp tục cuộc điều tra và những chi tiết mới đã được phát hiện đưa đến sự kết thúc vụ án mạng bị “ướp lạnh” (cold case) nổi tiếng nhất tại thủ đô Washington.
Tháng 7.2008, nhật báo Washington Post đăng một loạt bài điều tra 13 kỳ, nhan đề “Ai Giết Chandra Levy?” (Who Killed Chandra Levy?) và đi đến kết luận rằng tất cả bằng chứng cho thấy Guandique là nghi can chính, chứ không phải Condit. Hai tháng sau, các thám tử vào khám đường thẩm vấn Guandique lần đầu tiên. Các công tố viên bắt đầu lập hồ sơ truy tố Ingmar Guandique, một thành viên băng đảng MS-13, về tội tấn công và giết chết Chandra Levy dựa trên lời thú tội của chính Guandique do các tù nhân cùng ở tù với y thuật lại, và dựa trên lời khai của hai phụ nữ đã bị Guandique tấn công nhưng đã chống cự và thoát chết.
Sau những phiên toà kéo dài suốt một tháng và sau ba ngày rưỡi nghị án, ngày 22.11.2010, một bồi thẩm đoàn của Toà Thượng thẩm Washington, D.C. đã tuyên án Ingmar Guandique phạm tội sát nhân cấp một (cố sát), một trọng tội có thể phải ngồi tù đến hết đời (chung thân), cộng với bản án y đang thụ hình về tội tấn công hai phụ nữ khác.
Bản án kết tội Guandique có thể đã chấm dứt, về mặt pháp lý, một vụ hình sự kéo dài gần mười năm mà lý do là vì Cảnh sát và báo chí đã chú tâm vào một người vô can: Gary Condit. Bồi thẩm đoàn (9 nữ và 3 nam) đã cùng đồng ý kết tội Guandique chỉ dựa trên lời khai của các nhân chứng và không có bằng chứng vật chất nào để buộc tội y.
Trong khi biện hộ cho Guandique, các luật sư (chỉ định) cũng cho rằng y đã được dùng như một con dê tế thần trong một vụ án mà cảnh sát và công tố đã phạm nhiều lỗi lầm và thất bại.
Nạn nhân khốn khổ nhất trong vụ này là Gary Condit. Trước đó, ông Tổng thống Clinton “lẹo tẹo” với một cô sinh viên tập sự (Monica Lewinsky) ngay trong Phòng Bầu Dục Toà Bạch Ốc nhưng rồi mọi chuyện cũng như nước trôi qua cầu. Chuyện tư tình giữa ông dân biểu đến từ Modesto và cô sinh viên tập sự đồng hương chắc cũng còn trong bóng tối nếu cô không bị mất tích. Ông ta đã bị nghi ngờ suốt mấy năm, bị theo dõi, bị điều tra, làm mất ghế dân biểu, mất uy tín và tổn thương danh dự, phải dọn nhà tới tiểu bang Arizona mở một tiệm kem rồi cũng thất bại. Nay đã được minh oan nhưng cuộc đời đã tàn tạ, đang định bán câu chuyện ly kỳ ướt át trong quá khứ cho Hollywood để quay phim giúp vui thiên hạ.
Một người mang nỗi đau khổ khác, đau khổ thực sự, là bà mẹ của Chandra Levy, Susan Levy. Trong suốt gần mười năm, người mẹ đau khổ ấy đã không ngừng thúc đẩy cuộc điều tra tìm thủ phạm đã giết con mình. Nay được hỏi có “cảm thấy bình an trong lòng” hay không, bà trả lời rằng vụ này sẽ không bao giờ có thể đóng lại với bà. “Chỉ có cửa pháp đình đã đóng lại.”
Về mặt pháp lý, bản án này cho thấy với thủ tục luận án của bồi thẩm đoàn (jury), các toà án tại Mỹ đích thực là những “toà án nhân dân” vì quyền xử án hoàn toàn nằm trong tay 12 bồi thẩm viên (jurors) được tuyển chọn tình cờ từ những cư dân trong vùng. Các phiên toà do một thẩm phán chuyên nghiệp chủ tọa được diễn ra để bên buộc tội và bên biện hộ trình bày lý lẽ, tranh luận, trưng bằng chứng, nhân chứng. Bồi thẩm đoàn căn cứ vào những gì được thấy, được nghe tại các phiên toà để khi vào phòng nghị án, quyết định cá nhân theo lương tâm và phán xét riêng của mình khi không còn nghi vấn nào (beyond reasonable doubt) để đi đến một bản án với sự đồng ý của cả 12 bồi thẩm viên. Đây là một trách nhiệm thật nặng nề của các bồi thẩm viên. Trong ba ngày rưỡi xét tội Guandique, một nữ bồi thẩm viên đã phát khóc, và sau khi có bản án, bà này nói với báo chí: “Quyết định của chúng tôi quan hệ tới đời sống của con người. Tôi không coi nhẹ chuyện ấy. Tôi đã làm việc ấy rất, rất nghiêm chỉnh. Tôi tin tưởng ở quyết định chúng tôi đã đạt được, nhưng điều đó không có nghiã là tôi không ước ao được vắng mặt tại đây hôm nay.”
Trước đó năm ngày, một “toà án nhân dân” khác ở New York [United States District Court for the Southern District of New York] đã tha bổng bị cáo khủng bố Hồi giáo Ahmed Ghailani về 284 tội sát nhân, giết chết 224 người trong hai vụ nổ bom toà Đại sứ Mỹ tại Kenya và Tanzania năm 1998. Y chỉ bị xác nhận tội âm mưu phá nổ hai công ốc của chính phủ Hoa Kỳ, và có thể ngồi tù ít nhất 20 năm.
Trái với Guandique, Ghailani là một tên khủng bố Hồi giáo al Qaeda bị bắt với nhiều bằng chứng vật chất để kết tội: Ghailani đã cùng với một tên chỉ huy al Qaeda khác đi thuê chiếc xe vận tải để chở bom tấn công toà Đại sứ Mỹ tại Tanzania. Ghailani đã mua oxygen và acetylene để làm tăng sức mạnh chất nổ trong xe. FBI đã tìm thấy trong nhà Ghailani ngòi nổ cùng loại với ngòi nổ đã được dùng trong vụ đánh bom và chiếc áo có dính chất nổ TNT. Tất cả những bằng chứng này cùng lời khai của các nhân chứng đã được trình bày trước bồi thẩm đoàn trong những phiên toà kéo dài 5 tuần lễ. Cuối cùng các bồi thẩm viên không coi y là thủ phạm giết người [tha bổng 284 tội sát nhân] mà chỉ phạm tội âm mưu [one count of conspiracy] làm nổ tung hai toà Đại sứ Hoa Kỳ.
Bản án của Toà Án Liên Bang Hoa Kỳ tại New York đã bị giới luật pháp, chính trị và báo chí Mỹ chỉ trích.
Sau khi bị bắt năm 2004, Ghailani bị giam giữ như một chiến binh thù địch (enemy combatant) tại Guantánamo, ngoài khơi Cuba, cùng với những tên khủng bố Hồi giáo khác bị bắt tại Afghanistan, Iraq, và những nơi khác.
Đầu năm 2009, vừa tuyên thệ nhậm chức xong, Tổng thống Obama tuyên bố sẽ đóng cửa trại Guantánamo trong vòng một năm (đến nay đã gần hai năm vẫn chưa thực hiện được lời hưá). Tháng 5.2009, Bộ trưởng Tư Pháp Eric Holder loan báo sẽ truy tố và xét xử Ahmed Ghailani trước toà hình sự liên bang, thay vì trước toà án quân sự. Ông Holder cam kết: “Chính quyền này được uỷ nhiệm để giữ an ninh cho nhân dân Mỹ và tôn trọng thủ tục pháp lý, và đóng cửa trại Guantánamo, đem những tên khủng bố đang giam giữ tại đó ra công lý sẽ làm cho đất nước chúng ta mạnh hơn và an toàn hơn.”
Nay, với bản án của toà hình sự New York, nước Mỹ không trở nên mạnh hơn và nhân dân Mỹ cảm thấy thiếu an toàn hơn, và nhiều người đã lên tiếng chỉ trích Eric Holder. Vụ xử Khailani bị gọi là “vụ xử giả vờ” (sham trial), quyết định của chính quyền Obama đưa Ghailani ra xử trước toà hình sự bị gọi là “điên rồ” (insanity), là đã hình sự hoá chiến tranh (criminalize war).
Thật vậy, thủ tục ở toà hình sự khác với thủ tục ở toà quân sự – nơi xét xử những quân nhân, những can phạm trong thời chiến, và những đối tượng liên quan đến an ninh quốc phòng. Trước các toà hình sự liên bang, quyền biện hộ của bị cáo rộng rãi hơn và các tên khủng bố không sợ chết sẽ không bỏ lỡ cơ hội để tuyên truyền chống Mỹ và nhiều tài liệu mật liên quan đến vụ án sẽ bị tiết lộ gây thiệt hai cho an ninh quốc gia.
Tổng thống Obama là một luật sư. Ông Bộ trưởng Tư pháp Holder cũng là một luật sư. Không ai nghĩ rằng họ không biết những điều trên đây, nhưng họ vẫn đem tên “chiến binh thù địch” ra toà dân sự xử, bất chấp những chỉ trích, có lẽ vì một lý do sâu kín hơn mà họ nghĩ dân Mỹ không đủ thông minh để hiểu: họ không muốn coi cuộc chiến tranh đang diễn ra với khủng bố Hồi giáo là… chiến tranh, mà được gọi với cái tên quanh co ngô nghĩnh: “tai ương do con người gây ra” (man caused disaster/man made disaster) – giống như vụ nổ giếng dầu ngoài khơi Vịnh Mễ-tây-cơ vừa qua.
Phải chăng TT Obama đã nhận ra “toà án nhân dân” ở Mỹ khác với toà án được gọi là “nhân dân” tại các nước cộng sản, nơi các bản án đã có sẵn do quyết định của nhà nước và “đảng”, và các “thẩm phán” đều là cán bộ, đảng viên. Vì vậy Ông Obama đã thay đổi ý định đem Khalid Shaikh Mohammed, tên khủng bố đầu sỏ vụ tấn công Trung tâm Mậu dịch Thế giới và Ngũ Giác Đài ngày 11.9.2001, ra xử trước toà liên bang tại thành phố New York, chỉ cách “ground zero” vài khu phố.
Ông Obama đã hiểu dù gọi là “tai ương do con người gây ra” thì chiến tranh (với Hồi giáo quá khích) vẫn là chiến tranh, hay ông ta sợ vụ xử Khalid Shaikh Mohammed sẽ lại giống như vụ xử Ahmed Ghailani – “một vụ xử giả vờ”, phỉ nhổ lên oan hồn của hơn ba ngàn nạn nhân đang đòi hỏi công lý?
Sơn Tùng
04.12.2010