Tặng Nguyễn Tường Giang
Chicago Philharmonic
I. Dòng chính nhạc cổ điển Tây Phương
Mấy tháng qua, quý độc giả đã thưởng thức những đoản khúc có âm điệu êm dịu, dễ nghe, như các bản Nocturnes (Chopin), Clair de Lune (Debussy), Moonlight Sonata (Beethoven), Meditation Thais (Massenet), v.v. Có thể coi những bài ấy như một dạo khúc (overture), một giáo đầu để dẫn quý vị gia nhập dòng chính nhạc cổ điến Tây Phương.
Dòng chính nhạc cố điển Tây phương là những bản nhạc hòa tấu (concert) sáng tác cho những dàn nhạc lớn (symphony hay philharmonic orchestra) có rất nhiều nhạc cụ khác nhau, đại khái thuộc bốn nhóm: 1. đàn dây (string), 2. trống (percussion), 3. kèn mộc (woodwinds), và 4. kèn đồng (brass). Những dàn nhạc hòa tấu nổi tiếng gồm có London Philharmonic, Sydney Opera House, Chicago Symphony, Berlin Philharmonic, và National Symphony (Mỹ) tại Kennedy Center, Washington, D.C. Số nhạc công tại mỗi dàn thường từ 50 đến 100 người, tùy loại nhạc trình diễn: Thính phòng (chamber music), Đại hòa tấu (grand concert) hay Nhạc kịch (opera).
Nhạc hòa tấu gồm hai thể loại chính yếu là giao hưởng (symphony) và giao tấu (concerto). Mỗi bàn giao hưởng có bốn đoạn, nhưng giao tấu thường chỉ có ba đoạn (movement). Quý bạn đã thưởng thức bài Giao Hưởng số 5 của Beethoven trong tháng qua, và chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu những bản giao hưởng và giao tấu của những sáng tác gia nổi tiếng khác.
a. Đặc tính nhạc giao tấu
Giao tấu là nhạc viết riêng cho một nhạc cụ (đôi khi hai, ba) độc tấu — thông thường là vĩ cầm hay dương cầm, nhưng có thể là sáo, oboe, clarinet, hapsichord – đồng hành giao hưởng với toàn ban nhạc. Chính chữ concerto là có gốc La-tinh, có nghĩa là “đấu tranh, tranh luận”. Mặc dầu trong những đoạn nhạc hài hòa, nó là một cuộc chuyện trò thân mật giữa nhạc cụ độc tấu và dàn nhạc, nhưng một trong những khía cạnh định tính cho thể loại giao tấu này là sự ganh đua hay “tranh minh” giữa đôi bên..
Đặc tính khu biệt của giao tấu là cadenza –-, nghĩa đen là tiết tấu — là những tiểu đoạn ngẫu hứng hay đã được soạn sẵn có tính cách trang trí dành riêng cho nhạc sĩ độc tấu, cho phép cao thủ tự do ứng biến một mình theo phong cách và nhịp điệu cá nhân của mình trong khi dàn nhạc lặng thinh và chỉ lên tiếng trở lại khi khúc cadenza chấm dứt. Thường thì cadenza được trình tấu ở cuối đoạn thứ nhất, nhưng có thể ở bất cứ điểm nào trong toàn bản nhạc.
Kennedy Center’s Concert Hall
b. Tứ trụ giao tấu vĩ cầm của nhạc cổ điển
Trong danh mục những bản nhạc giao tấu vĩ cầm nổi tiếng được giới thẩm âm yêu chuộng, có thể nói chỉ có 10 bản được coi là sáng giá. Trong số, lại chỉ có bốn bản được đánh giá là hay nhất và là những bản độc nhất và duy nhất của mỗi nhạc sĩ. Chúng thường được coi là những hạt trân châu của nhạc cổ điển. Đó là những bản của Beethoven, Brahms, Tchaikovsky mà đặc điểm chung đáng kể là được viết với cung Ré trưởng (D Major), và của Mendelsson với cung Mi thứ (E Minor). Tôi chủ quan mạo muội gọi bốn bản nhạc đó là “tứ trụ giao tấu vĩ cầm” vì nó là bốn cột trụ chính yếu của nhạc cổ điển. Thật ra, còn có một cột trụ nữa là “Four Seasons” của Vivaldi. Dĩ nhiên, trong rừng âm nhạc cổ điển cũng có nhiều giao tấu vĩ cầm hay, nào là Bach, Mozart, Vivaldi, Paganini, Bruch, Sibelius, Prokofiev… nhưng không bản nào sánh được với “tứ trụ” trứ danh này.
Berlin Philharmonic Concert Hall
II. Sơ lược về những cao thủ vĩ cầm
Do phương cách độc tấu của nhạc cụ, một bản giao tấu mang dấu ấn chủ yếu của phong cách hay tài ba của vĩ cầm hay dương cầm thủ, thường là những nhạc sĩ cao thủ (virtuoso). Về vĩ cầm, trong quá khứ, nhiều người đã khuất bóng nhưng danh và tiếng [đàn] còn vang vọng mãi. Chúng ta đã có những cao thủ nổi bật như Jascha Heifetz, Menuhin Yehudi, Misha Elman, Isaac Stern, Nathan Milstein v.v…mà chúng tôi có diễm phúc được nghe từ những năm 60 trên đĩa nhựa 33 tua hay cát-xét. Trong hiện tại những danh tài như Itzak Perlman, Anne-Sophie Mutter, Sarah Chang… và mới nổi như Joshua Bell, Janine Jensen chẳng hạn, thường được mời trình diễn và thâu đĩa với các ban nhạc nổi tiếng.
Để thưởng thức trọn vẹn những âm điệu luyến láy, đôi khi nhị trùng của vĩ cầm và các nhạc cụ hòa theo khi trẩm khi bổng, lý tưởng nhất là ngồi nghe trong thính đường. Tại Mỹ, Úc, và Âu châu đều có những thính đường nối tiếng, nhưng cơ hội thuận tiện để đi nghe thường hiếm hoi. Cho nên phần lớn đều nghe tại gia qua CD, DVD hay YouTube trên máy điện toán.
Kỹ thuật thâu hình và âm thanh để đưa lên YouTube ngày nay đã tiến bộ rất nhiều. Khung hình từ khổ 3:4 đã chuyển sang 6:19 như HDTV và rất rõ nét. Âm thanh cũng nổi và tốt nhưng cũng tùy thuộc vào loa của máy. Đó là tiêu chuẩn chúng tôi lựa chọn để cống hiến, vì vậy đôi khi phải chọn chúng làm ưu tiên. Sự lựa chọn những danh thủ vĩ cầm trình tấu dĩ nhiên dựa trên tài năng và thành tích nhưng cũng tùy thuộc phần nào vào tiêu chuẩn nói trên. Để trình tấu bốn bản giao tấu vĩ cầm này, chúng tôi xin giới thiệu bốn danh thủ: Itzak Perlman, Anne-Sophie Mutter, Sarah Chang và Janine Jensen theo thứ tự danh vị và độ dầy sự nghiệp.
Itzak Perlman (1945 –) sinh tại Tel Aviv, Israel
Có lẽ ông là vĩ cầm thủ sáng giá nhất thời nay với một kỹ thuật trình tấu chói sáng và cách diễn tả trực tiếp, chính xác. Phong cách của ông bao giờ cũng đắm đuối mê say, với xúc cảm lộ rõ trên nét mặt, nghe thật nồng nhiệt và đầy cảm kích đối với người thẩm âm nhất. Nhạc thâu thanh của Perlman gồm không những toàn bộ những nhạc phẩm vĩ cầm tiêu chuẩn mà cả những bản đương thời. Ông đã xuất hiện cùng với những dàn nhạc lớn nhất thế giới trong những nhạc hội hay trình diễn. Năm lên bốn, ông bị bệnh polio và liệt đôi chân nên trở thành nhạc sĩ vĩ cầm duy nhất trình diễn ngồi thay vì đứng. Ông được học bống học vĩ cầm tại nhạc viện Juilliard danh tiếng ở New York (và sau này là giáo sư vĩ cầm ở đó) và khởi đầu sự nghiệp với dàn nhạc giao hưởng London. Tổng thống Ronald Regan năm 1986, và Tổng thống Clinton năm 2000 đã trao tặng ông những huy chương cao quý nhất: Medal of Liberty và National Medal of Arts. Itzak Perlman cũng được trao những bằng danh dự của các trường đại học Harvard và Yale. Với tài năng và thành đat cá nhân, ông xứng đáng là cao thủ vĩ cầm lớn nhất của thời đại chúng ta.
Anne-Sophie Mutter (1963 –) Sinh tại Rheinfelden, Đức Quốc
Thiên tài Anne-Sophie Mutter vừa là danh thủ vĩ cầm vừa là nhạc trưởng. Lên 5, cô bắt đầu học dương cầm nhưng sau đó quay sang học vĩ cầm tại Nhạc viện Winterthur.
Cô khởi đầu sự nghiệp độc tấu vĩ cầm năm 1976 tại Nhạc hội Lucerne. Năm 13 tuổi, nhạc trưởng Herbert von Karajan mời cô hợp tác với dàn nhạc Berliner Philharmoniker. Năm sau cô bắt đầu trình diễn cùng dàn nhạc thính phòng Anh tại Nhạc hội Salzburg với nhạc trưởng Daniel Barenboim và thâu đĩa cho hãng Deutsche Grammophon những bản Giao tấu vĩ cầm số 3 và 5 của Mozart với nhạc trưởng Herbert von Karajan và dàn nhạc Berliner Philharmoniker.
Những năm sau, cô thâu đĩa những bản Giao tấu vĩ cầm của Beethoven, Johannes Brahms, Bruch và Felix Mendelssohn. Năm 1980 cô khởi sự trình diễn với dàn nhạc New York Philharmonic dưới quyền nhạc trưởng Zubin Mehta. Năm 1985, ở tuổi 22, cô được bầu làm hội viên danh dự của Nhạc viện Hoàng gia Anh (London) và trưởng ban giảng huấn vĩ cầm quốc tế. Năm 1988, cô trình diễn lần đầu tại Carnegie Hall, New York. Nhạc cụ trình diễn của cô gồm hai đàn vĩ cằm Stradivarius hiếm quý, và cô không bao giờ dùng đệm vai khi kéo đàn.
Anne-Sophie Mutter được tặng nhiều giải thưởng danh dự của Đức, Áo và Pháp vì tài năng diễn tả âm nhạc độc đáo. Tác phẩm thâu âm của cô cũng dành được rất nhiều giải. Phong cách trình tấu vĩ cầm của cô được thính giả khắp nơi mến chuộng qua những thanh âm dịu dàng, chính xác, và mềm mại.
Janine Jensen (1978 -) sinh tại Soest, Hòa Lan
Janine Jansen là một ngôi sao đang rực sáng. Bắt đầu tập vĩ cầm từ năm lên 6, hiện nay, cô được quốc tế công nhận là một trong những cao thủ vĩ cầm, một nghệ sĩ thực sự hấp dẫn và đa dạng.
Sự nghiệp cô khởi đầu ở London năm 2002 với dàn nhạc Philharmonia Orchestra và Vladimir Ashkenazy. Tiếp đó, cô được các dàn nhạc danh tiếng nhất mời trình diễn, gồm Berliner Philharmoniker, Royal Concertgebouw, London Symphony, Chicago Symphony, Philadelphia, Cleveland và NHK Symphony với các nhạc trưởng danh tiếng.
Cô Jansen có một khế ước độc quyền với hãng đĩa Decca (Universal Music). Năm album trước của cô được trao tặng một đĩa Platinum để bán trong nước Hòa Lan và đạt địa vị số một vì cô thành công với iTunes.
Những thành đạt trong mùa 2010/11 bao gồm các cuộc trình diễn với New York Philharmonic, London Philharmonic, Oslo Philharmonic, Danish National Symphony orchestras và Orchestre de Paris. Ngoài những trình diễn nhạc hợp tấu, Janine cũng tham gia chơi nhạc thính phòng và cô đang lưu diễn tại các đô thị Paris, London, Dortmund, Brussels and Frankfurt.
Tháng 9.2003, Janine nhận lãnh giải thưởng Dutch Music của Bộ Văn Hóa – một giải thưởng cao quý ở Hòa Lan. Ngoài ra cô còn được nhiều giải khác. Phong cách trình tấu vĩ cầm của Jensen rất gần với Itzak Perlman: dũng mãnh, nồng nhiệt nhưng kiêu sa.
Sarah Chang (1980 -) Sinh tại Philadelphia. PA-USA
Sarah Chang, một thần đồng âm nhạc người Mỹ gốc Đại Hàn, được công nhận là một trong những danh thủ vĩ cầm trên thế giới. Cô theo học vĩ cầm tại nhạc viện Juilliard danh tiếng và khởi đầu sự nghiệp với dàn nhạc New York Philharmonic khi mới lên tám, và tiếp tục trình diễn với các dàn nhạc lớn với các nhạc trưởng danh tiếng tại Anh, Pháp, Đức, Hòa lan, Trung quốc, Đại hàn, và Nhật bản trong hơn 20 năm. Sang năm 2012, Sarah Chang có hợp đồng độc quyền thâu âm cho hãng EMI trong 20 năm. Phong cách trình tấu của cô chững chạc, đôi lúc sôi nổi nhưng bao giờ cũng dịu ngọt.
Báo New York Times bình luận: “Tài năng của cô đạt tới một mức xa cách với chúng ta đến độ chúng ta chỉ biết thán phục và suy ngẫm về những bí mật của tạo hóa. Người đời xưa chắc chắn sẽ hình dung cô như một thiên thần xuất hiện từ vỏ một con ngao trong tranh của Botticelli”.
III. Sơ Lược về các Nhạc Tác gia
Ludwig van Beethoven (1770 – 1827)
Từ thuở thiếu thời, Beethoven đã tỏ ra có năng khiếu về âm nhạc. Năm lên 6 tuổi, Ludwig đã biểu diễn âm nhạc trước thính giả. Ludwig sáng tác các bản nhạc đầu tiên vào năm 1783. Trong thời gian sống tại Bonn, Beethoven bắt đầu được nhiều người có danh vọng biết tới tài năng, đặc biệt là tài ứng tác (improvisation).
Năm 1878, Ludwig du hành tới Vienna và đã có dịp theo học Mozart và Haydn. Như vậy Beethoven đã được thừa hưởng được kỹ thuật cùng nhạc phong của Haydn, Mozart, hiểu rõ các nhạc thức cổ điển mà cho tới lúc đó, đã khá phong phú nhưng vẫn còn tiềm năng phát triển. Tài năng đã giúp Beethoven biến cải các di sản âm nhạc tiếp thu được thành những tác phẩm độc đáo, không hẳn là cổ điển, lại không thuần túy lãng mạn, hàm chứa bên trong những nét đặc thù. Về sau này giới âm nhạc coi Beethoven như ông Vua Âm Nhạc xuất hiện giữa hai thế kỷ 18 và 19, ở giữa hai trường phái cổ điển và lãng mạn.
Johannes Brahms (1833 – 1897), sinh tại Hamburg, Đức
Brahms là một sáng tác gia âm nhạc và dương cầm thủ, một trong những nhạc sĩ hàng đầu của Thời kỳ Lãng mạn. Ông gần như suốt đời ở Vienna, Áo quốc, nơi ông là nhà lãnh đạo trong lãnh vực âm nhạc. Danh tiếng và ành hưởng của ông lớn đến độ nhạc trưởng Hans von Bulow ghép ông vào nhóm Ba Bê, tức Johann Sebastian Bach và Ludwig van Beethoven.
Brahms sáng tác nhạc cho dương cầm, nhạc thính phòng, nhạc giao hưởng và cả cho ca khúc lẫn ca đoàn. Là một cao thủ dương cầm, ông tổ chức trình diễn những tác phẩm ông soạn và hợp tác với những dương cầm thủ thời danh như Clara Schumann và vĩ cầm thủ Joseph Joachim. Nhiều tác phẩm của ông đã thuộc về danh mục nhạc hòa tấu hiện đại.
Phong cách nhạc do ông sáng tác vừa bảo thủ lẫn cách tân với cấu trúc và kỹ thuật của các bậc thầy thời Baroque và Cổ điển. Ông sử dụng “nghịch điểm” (counterpoint), một phương pháp sáng tác phức tạp và có kỷ cương đã làm cho Johann Sebastian Bach nổi tiếng. Ông cũng khai triển những đặc điểm sáng tác đã khiến cho Haydn, Mozart và Beethoven thành danh. Mục đích của ông là vinh danh sự “trong sáng” của những cấu trúc nhạc đáng kính nể của Đức và cải tiến chúng thành phong cách diễn đạt Lãng mạn. Như vậy, Brahms đã sáng tạo những cách tiếp cận mới mẻ về hòa âm và nhạc điệu. Mặc cho nhiểu người đương đại cho rằng âm nhạc của ông có tính hàn lâm, sự cống hiến và tài hoa của Brahms đã trở thành khởi điểm và ngưồn cảm hứng cho cả một thế hệ nhạc sáng tác gia.
Pyotr Ilyich Tchaikovsky (1840 – 1893)
Tchaikovsky là một nhà sáng tác nhạc người Nga của thời kỳ Lãng Mạn. Tác phẩm của ông bao gồm nhạc giao hưởng, nhạc kịch, vũ điệu ba-lê, âm nhạc khí cụ, thính phòng, và ca khúc. Ông đã sáng tạo những nhạc bản nổi tiếng trong danh mục nhạc cổ điển như Swan Lake, The Sleeping Beauty và The Nutcracker, Dạo khúc 1812, Giao tấu Dương cầm số 1, ba bản nhạc giao hưởng và nhạc kịch Eugene Onegin.
Tchaikovsky thuộc một gia đình trung lưu, được học hành để làm công chức mặc dầu sớm có tài về âm nhạc. Trái ý muốn của gia đình, ông nhập học Nhạc viện St Petersburg năm 1862 và tốt nghiệp ba năm sau đó. Mặc dầu thành công và thành danh, cuộc đời ông có nhiều khủng hoảng cá nhân và những giai đoạn bị trầm cảm, hôn nhân tan vỡ. Nhưng công danh của ông ngày một tăng gia và ông được Nga Hoàng vinh danh, ban cho hưu bổng suốt đời và ông được ngợi khen trong khắp các nhạc viện hòa tấu trên thế giới.
Tuy nhiên, đầu và giữa thế kỷ 20, các nhà phê bình của Mỹ đã chê bai nhạc của Tchaikovsky, cho rằng nhạc của ông thô tục và không có tư tưởng cao thượng. Nhưng đến cuối thế kỷ, tư thế của Tchaikovsky như một sáng tác gia âm nhạc đáng kể đã trở nên vững bền.
Felix Mendelsson (1809 – 1847)
Felix Mendelssohn, người Đức, là một sáng tác gia âm nhạc, đồng thời là nhạc sĩ dương cầm, đại phong cầm và nhạc trưởng của đầu thời kỳ Lãng Mạn. Ông thuộc một gia đình Do thái, cháu nội của triết gia Moses Mendelssohn, nhưng lớn lên theo đạo Tin Lành Luther . Felix được sớm nhận ra là thần đồng âm nhạc, nhưng gia đình thận trọng và không tìm cách khai thác khả năng của ông.
Ông sớm thành công ở Đức, và làm vực dậy sự quan tâm đến âm nhạc của Johann Sebastian Bach. Sau đó ông du hành khắp châu Âu, được đón nhận nồng nhiệt ở Anh quốc như một sáng tác gia âm nhạc, nhạc trưởng và nhạc sĩ độc tấu. Ông đến đó tổ chức trình tấu nhiều nhạc phẩm của ông, cả thẩy là 10 lần. Cảm thức bảo thủ về âm nhạc của ông khác với những nhạc sĩ thích phiêu lưu hơn như Franz Liszt, Richard Wagner và Hector Berlioz. Ông thành lập nhạc viện Leipzig như một thành trì chống cấp tiến.
Tác phẩm của Mendelssohn bao gồm những bản giao hưởng, giao tấu, nhạc dương cầm và thính phòng. Hay được trình diễn nhất là : A Midsummer Night’s Dream, Italian Symphony, Scottish Symphony, Hebrides Overture, String Octet và bản Giao tấu Vĩ cầm độc nhất của ông. Felix Mendelssohn được coi là một trong những sáng tác gia có tiếng nhất của kỷ nguyên Lãng Mạn.
IV. Giới thiệu các bản Giao Tấu Vĩ Cầm
Trình tự trình diễn đã được sắp đăt một cách võ đoán và không có nghĩa là một bảng giá trị. Chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu cùng quý độc giả những bản giao tấu và danh thủ vĩ cầm trình tấu. Thật ra, bài giao tấu của Mendelsson đã được dành cho cao thủ thần đồng Mỹ gốc Đại hàn, Sarah Chang, nhưng những hình ảnh và âm thanh có trên YouTube quá mờ và yếu bắt buộc chúng tôi phải chọn Janine Jensen thay thế, và Sarah chỉ trình tấu đoạn 2 mà thôi, một điều thật bất đắc dĩ. Ngoài ra, bản giao tấu của Tchaikovsky, theo thứ tự số 3, thật ra là bản được số đông yêu thích nhất.
Beethoven Concerto for Violin in D major
Itzak Perlman trình tấu toàn bài
Bản Giao tấu Vĩ cầm này phản ảnh đúng đắn khía cạnh trữ tình của cá tính âm nhạc Beethoven. Nó không có dấu vết bi thảm, đấu tranh nội tại, khổ đau hay nhiệt tình quá đáng. Trái lại, phẩm chất chủ yếu của nó là sự hài hòa cao độ, một sự thăng bằng âm giai khiến nó trở thành một trong những cao điểm của lịch sử âm nhạc. Itzak Perlman quả đã xứng với danh truyền qua phong cách trình tấu chính xác, biểu cảm và nhiệt tình xuyên qua tất cả ba đoạn – một năng khiếu tài hoa hiếm có.
Đoạn 1. Allegretto ma non troppo (D major)
http://www.youtube.com/watch?v=VZ7SUSUWKok&NR=1
Đoạn 2. Largetto (G major)
http://www.youtube.com/watch?v=3Qhw4ml6CSc&feature=related
Đoạn 3. Rondo. Allegro (D major)
http://www.youtube.com/watch?v=JdYGmPH9fcs
Brahms Concerto for Violin in D major
Janine Jensen trình tấu toàn bài.
Bản Giao tấu Vĩ cầm của Brahms này cũng hay không kém bản của Beethoven. Nó là sự cân bằng giữa trang nghiêm và bùng nổ bi tráng dữ dội, thông qua những phần suy tưởng và im lắng, nói tóm, đây là một diễn trình của tất cả những biến thái của xúc cảm. Rõ ràng là cô Mutter đã thấu hiểu những giá trị nội tại của bản giao tấu này. Đoạn Adagio đẹp vô ngần và đoạn Allegro chót được trình tấu đúng như nhịp độ non troppo vivace – không quá trớn và nghe như một giai điệu khiêu vũ nghiêm trang.
Đoạn 1. Allegro ma non troppo
http://www.youtube.com/watch?v=O2Gslt9q1Iw
Đoạn 2. Adagio (F major)
http://www.youtube.com/watch?v=hsXn_ogPuec
Đoạn 3. Allegro giocoso, ma no troppo vivace – Poco pìu presto (D major)
http://www.youtube.com/watch?v=3c0Veh130NE&NR=1
Tchaikovsky Concerto for Violin in D major
Janine Jansen và Anne-Sophie Mutter trình tấu toàn bài.
Bản giao tấu vĩ cầm của Tchaikovsky là một tác phẫm được yêu chuộng nhất trong các bài cùng thể loại. Là một tiêu chuẩn trong danh mục vĩ cầm, có lẽ nó tương đương với bản Giao tấu dương cầm số 3 của Rachmaninoff về phương diện trình diễn cao độ. Đoạn 1 đầy duyên dáng và thanh nhã toát ra từ một vẻ trữ tình có thề là do ảnh hưởng bình lặng của hồ Geneva. Dàn nhạc rõ ràng là lộ vẻ xúc cảm mạnh. Khi đã tới đỉnh điểm thì vĩ cầm trở lại làm cho cơn bão xúc động bị đứt quãng, nhưng các đàn dây dàn nhạc đã đáp trả một cách mãnh liệt. Sự đối đáp đó chẳng qua chỉ là trọng tâm của thề loại đồng tấu như bài này. Nhưng vĩ cầm độc tấu đã diễn tả toàn thề nhạc đề. Đoạn 2 ngắn và trữ tình: Tiếng nhạc buồn rầu và như nỉ non một tâm sự tuyệt vọng tự đáy lòng, khác hẳn với toàn bài. Đoạn 3 là một kết thúc hùng tráng với tiếng đàn vĩ cầm nhẩy nhót vui chơi khắp nơi, nói lên một tinh thần biểu diễn đặc thù của nước Nga.
Đoạn 1. Allegro moderato (D major)
http://www.youtube.com/watch?v=3L2HTNHNAX0&NR=1
Đoạn 2. Canzonetta: Andante Cantabile (G minor)
http://www.youtube.com/watch?v=BdbM7kZz-lU&NR=1
Đoạn kết. Allegro vivacissimo (D major)
http://www.youtube.com/watch?v=KrVMmRWzRSM&NR=1
http://www.youtube.com/watch?v=KrVMmRWzRSM&feature=related
Mendelssoln Concerto for Violin in E minor
Janine Jansen và Anne-Sophie Mutter trình tấu đoạn 1 và 3, Sarah Chang trình tấu đoạn 2.
Bản giao tấu Mendelssohn khởi đầu Đoạn 1 với một khí thế sáng trưng và nồng nàn, tiếp theo là Đọan 2 chậm rãi, cảm động và đẹp một vẻ khiến người nghe nghẹn lời. Đoạn 3 tươi vui và sống động. Vì khúc cadenza độc tấu được đặt ở giữa bài thay vì cuối đoạn 1, nó có chức năng kết hợp cả ba đoạn thành một nhạc thể liên tục mà thành phần là những biến thiên của cùng một nhạc ý đơn thuần.
Cung Mi thứ của bàn giao tấu này là sáng tạo cùa một bậc thầy đầy tự tin, tự nó đã gây cảm hứng trữ tình và phản ánh sự khai phá về cấu trúc nhạc. Viết bản này, Mendelssohn đã thỉnh ý sáng kiến của người bạn Ferdinand David mà sau đó ông đã đề tặng. Bản Giao tấu vĩ cầm cung Mi thứ của Mendelsson đã được David trình diễn lần đầu năm 1845 ở Leipzig dưới sự hướng dẫn của nhạc trưởng Niels Gade thay thế cho chính Mendelsshn vì ông đau bệnh.
Đoạn 1.. Allegro molto appassionato
http://www.youtube.com/watch?v=fSbCS0BHQQM
http://www.youtube.com/watch?v=gb6GPo24Gzk&feature=related
Đoạn 2. Andante
http://www.youtube.com/watch?v=Hr0ixoV8mtc&feature=related
Đoạn 3. Allegretto non troppo – Allegro molto vivace
http://www.youtube.com/watch?v=z7KpgNRdTDc&feature=related
http://www.youtube.com/watch?v=qAkzQMnJT7g&NR=1
Ghi Chú
Adagio = chậm, thư thả; Allegro = nhanh; Allegretto = thật nhanh; Andante = chậm bước = nỉ non, ca hát; Appassionato = với nhiệt tình; Canzonetta = hát xướng; Giocoso = vui sướng; moderato = vừa phải; Molto = rất; non troppo = không vội vã; vivace = sống động và nhanh; vivassimo = thật sống động và nhanh; piu = thêm; presto = rất nhanh; rondo = trở về ý cũ; vivace = sống động và nhanh; vivassimo = thật sống động và nhanh. (Theo Wikipedia)
MỜI QUÝ VỊ VỀ LẠI NHIỀU LẦN ĐỂ THƯỞNG THỨC NHỮNG TUYỆT TÁC TRÊN
Chu Việt