嶺南摭怪列傳- Lĩnh Nam chích quái liệt truyện,
bản chép tay lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam
Trong Khởi Hành số 89, tháng 3 năm 2004, trang 35 – 42, tác giả Trần Văn Tích, trong bài ”Thu Phong Từ, Từ Hán Vũ Đế tới Hồ Xuân Hương”, có đưa ra nghi vấn về bài ” Thu Tứ Ca” trong tập Lưu Hương Ký của nữ sĩ họ Hồ. Theo ông bài này không thể nào là của Hồ Xuân Hương mà là của Hán Vũ Đế. Thực sự thì non bốn năm trước, Nguyễn Ngọc Bích trong Hồ Xuân Hương, tác phẩm do Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ ấn hành năm 2000, trang 66, cũng đã đề cập đến vấn đề này rồi. Theo Nguyễn Ngọc Bích bốn câu đầu của bài này là của Hán Vũ Đế.
Vì không phải là người chuyên nghiên cứu về văn học của nước nhà, tôi không dám lạm bàn thêm. Tuy nhiên vấn đề đã làm cho tôi vốn từ lâu đã thắc mắc, khi đọc bài của tác giả Trần Văn Tích lại càng thắc mắc hơn là những nghi vấn liên hệ tới truyện Việt Tỉnh trong Lĩnh Nam Chích Quái và bài văn tế một vị công chúa (hay hậu phi) người Tàu, tương truyền là của Mạc Đỉnh Chi, một vị trạng nguyên đời Trần.
Kiến Văn Tiểu Lục, A. 32, 6/15a-b
Căn cứ vào tác phẩm Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quí Đôn, Trần Văn Tích, trong phần thứ hai của bài viết của ông và nhằm củng cố thêm cho luận cứ của ông đối với nghi vấn liên hệ tới tập Lưu Hương Ký, với tiểu đề ”Khi tiền nhân phụ hội”, đã xác định truyện Việt tỉnh là của Tàu ( Tuy nhiên chuyện Việt tỉnh lại là của Tàu.) kèm theo những chi tiết trích từ tác phẩm Kiến Văn Tiểu Lục, quyển IV: Thiên Chương, của Lê Quí Đôn. Chưa cho là đủ, tác giả lại chứng minh thêm là bài văn tế một vị công chúa Tàu và một đôi câu đối mà từ trước tới giờ các tác giả Việt Nam như Vũ Phương Đề, Phan Kế Bính, Dương Quảng Hàm … cho là của Mạc Đỉnh Chi, cũng nằm trong trường hợp tương tự: là của Tàu, cũng với bằng chứng dẫn từ Kiến Văn Tiểu Lục, quyển XII: Tùng Đàm.
Mặc dầu đây không phải lần đầu tiên vấn đề tác giả của truyện Việt Tỉnh được đặt ra – vì ít ra trước đó Lê Hữu Mục, trong bản dịch Lĩnh Nam Chích Quái của ông (ấn hành tại Saigon năm 1960 và được Nhà Xuất Bản Trăm Việt in lần thứ nhất tại Hoa Kỳ năm 1982), cũng căn cứ vào những chỉ dẫn của Lê Quí Đôn coi truyện này là có nguồn gốc Trung Hoa – những gì tác giả Trần Văn Tích nêu lên trong bài viết của ông vẫn có những giá trị riêng của nó. Nó đã đưa đến cho người đọc một vấn nạn và từ đó một công tác vô cùng quan trọng mà nếu không theo dõi lịch sử Việt Nam và lịch sử văn chương Việt Nam như hai thực thể luôn luôn gắn bó chặt chẽ với nhau, người ta rất dễ dàng bỏ sót. Tạm bỏ sang một bên những gì Trần Văn Tích kết luận, mà tôi sợ rằng quá vội vã, trước vấn đề đã được nêu lên này, người ta không thể chỉ đưa ra một câu trả lời duy nhất: tất cả đều là của người Tàu. Lý do là vì truyện Việt Tỉnh, bài văn tế một vị công chúa, đôi câu đối kể trên khi cùng lúc hiện diện trong cả hai nền văn học Trung Quốc và Việt Nam có thể do không phải một nguyên nhân duy nhất mà do một trong ba nguyên nhân khác nhau: thứ nhất chúng là của người Tàu và người Việt đã chép lại từ các sách của người Tàu rồi gán ghép cho nhau; thứ hai: chúng là của người Việt và người Tàu đã chép lại của người Việt; và thứ ba cả người Tàu lẫn người Việt đều căn cứ vào cùng một truyền thuyết phát xuất tự miền Lĩnh Nam, miền đất xưa của người Việt hay ít ra không phải là của người Hán trong buổi đầu (truyện Việt Tỉnh).
Cả ba câu trả lời kể trên đều cần phải được đem ra thử thách kỹ càng trước khi người ta có thể đi đến một kết luận, dù là tạm thời. Câu trả lời thứ nhất là câu trả lời dễ được chấp nhận nhất và đơn giản nhất vì khi nói tới liên hệ giữa người Việt và người Tàu điều đầu tiên người ta nghĩ tới là người Việt chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của người Tàu, do đó đã học hỏi và cóp nhặt nhiều thứ của người Tàu. Họ có chép thơ văn của người Tàu thì cũng chỉ là chuyện đương nhiên, không có gì phải bàn cãi. Câu trả lời thứ ba (cả người Tàu lẫn người Việt đều căn cứ vào một truyền thuyết phát xuất từ miền Lĩnh Nam) có thể áp dụng cho trường hợp của truyện Việt Tỉnh. Câu trả lời thứ hai phức tạp hơn nhiều vì làm sao có chuyện người Tàu sao chép thơ văn và tài liệu của người Việt được?
Tôi nghĩ chuyện này vẫn có thể xảy ra. Lý do là vì nghi vấn được nêu lên ở đây liên hệ tối những tác phẩm và những tác giả Việt Nam thuộc hai thế kỷ cách xa nhau khá dài: thế kỷ XIV, thời nhà Trần của Trần Thế Pháp và Mạc Đỉnh Chi, và thế kỷ XVIII (cuối thời nhà Lê của Lê Quí Đôn). Ở giữa hai thế kỷ này, vào đầu thế kỷ XV, có cuộc xâm lăng của nhà Minh và thời kỳ Minh Thuộc. Thời kỳ này tương đối ngắn ngủi nhưng vô cùng quan trọng trong lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử văn hóa Việt Nam nói riêng với sự kiện căn bản là chính sách xóa bỏ văn hóa của người Việt xuyên qua hành động tịch thu toàn bộ các sách vở của người Việt để đốt bỏ hay đem về Yên Kinh và thay thế bằng sách vở của người Tàu. Chánh sách này xuất phát không phải từ các tướng lãnh cầm đầu cuộc chiến tranh xâm lược mà từ chính triều đình Trung Quốc, từ Hoàng Đế nhà Minh là Minh Thành Tổ và được ban hành không phải bằng một sắc chỉ mà bằng ba sắc chỉ liên tiếp trong các năm 1406, 1407.
Vấn đề được đặt ra ở đây là những sách vở bị đem về Yên Kinh này bây giờ ở đâu? Không lẽ người Tàu đem về để hủy bỏ? Còn nếu không hủy bỏ thì chỉ còn hai trường hợp: thứ nhất chúng đã nằm tản mát đâu đó ở Trung Quốc mà ta chưa kiếm ra; thứ hai chúng đã bị sao chép lại và trở thành sách hay văn thơ của người Tàu với những tên tác giả là người Tàu ở bất cứ thời nào người làm công việc mà chúng ta gọi là đạo văn muốn, càng xa xưa càng tốt, nhằm một mặt làm giàu cho kho tàng sách vở của người Tàu, mặt khác đẩy một dân tộc khác xuống hàng man di mọi rợ vì biết rằng dân tộc ấy đã có một nền văn hóa phong phú đáng nể . Điều này rất có thể phần nào giải đáp cho nghi vấn của nhiều người về nhiều tác giả người Tàu sang Việt Nam công cán trong một thời gian không là bao nhiêu, ngôn ngữ địa phương không rành, địa vực công cán giới hạn làm sao biết nhiều chi tiết như vậy? Truyện Việt Tỉnh hay bài văn tế và những câu đối của Mạc Đỉnh Chi mà Trần Văn Tích nêu lên trong bài viết của ông là những trường hợp điển hình. Nghi vấn được nêu lên, công tác cần được thực hiện là phải truy tầm và thâu hồi những tài liệu này.
Một công tác không phải là dễ dàng nhưng cũng không phải là không hữu ích vì như chúng ta đều biết, sau thời kỳ Minh Thuộc, số sách mà tổ tiên ta tìm lại được chỉ bằng hai phần mười số sách mà người Việt đã có sau non bốn trăm năm soạn thảo, sáng tác và tích lũy dưới thời hai triều đại nhà Lý và nhà Trần và có thể từ trước đó. Trong công tác này ngoài việc sưu tầm và tập trung lại những tác phẩm liên hệ tới Việt Nam ở rải rắc ở các thư viện hay văn khố của người Tàu, những phương pháp phân tách và so sánh văn bản và nội dung có thể được áp dụng và tìm ra sự thực. Trở lại trường hợp của truyện Việt Tỉnh và đôi câu đối hay bài văn tế của Mạc Đĩnh Chi kể trên coi như là một thí dụ. Lê Quí Đôn đã thực hiện được bước đầu là kiếm ra những tác phẩm có chứa những gì liên hệ tới điều chúng ta tìm kiếm nhờ sự ham đọc sách, tìm tòi và ghi chép của ông, đồng thời cũng nhờ chuyến đi sứ hay tiếp xúc với các danh sĩ người Tàu của ông và ông đã phần nào kết luận.
Chúng ta và đặc biệt thế hệ những nhà nghiên cứu sắp tới sống sau ông hơn hai thế kỷ, trong những hoàn cảnh và với nhưng điều kiện và phương tiện dễ dàng và phong phú hơn so với thời đại của ông không thể chỉ vội vã thỏa mãn với những gì ông đã làm và đã kết luận. Công việc cần phải được tiếp tục với sự tìm kiếm những sách mà Lê Quí Đôn đã dẫn, đã phân tích và đối chiếu văn bản, phân tích và đối chiếu nội dung để có thể đi xa hơn. Chẳng hạn như trong truyện Việt Tỉnh, ngoài các sách Nam Hải Cổ Tích Ký của Ngô Lại thời nhà Nguyên và Tài Quỷ Ký của Trương Quân Phòng nhà Tống, Lê Quí Đôn có nói tới sách Thuyết Phu là một bộ sách gồm 100 quyển do Đào Tông Nghi nhà Minh biên soạn. Chỉ cần để ý tới khoảng thời gian xuất hiện của Lĩnh Nam Chích Quái và Thuyết Phu người ta cũng có thể đặt ra nhiều câu hỏi rồi từ đó tìm ra thêm chi tiết về liên hệ giữa hai tác phẩm. Tất nhiên người ta cũng phải xem Tài Quỷ Ký và Nam Hải Cổ Tích Ký là những tác phẩm thuộc loại nào, gốc tích ra sao, có giá trị như thế nào?
Về đôi câu đối
Li, mị, võng, lượng, tứ tiểu quỉ
Cầm, sắt, tì, ba, bát đại vương
thì Lê Quí Đôn trong Kiến Văn Tiểu Lục ghi là tục truyền câu đối ấy là của ông Vũ Duệ bản triều (Xem bản dịch của Viện Sử Học Hà Nội, tr. 448- và của Bộ Quốc Gia Giáo Dục Saigon, tập nhì, tr. 343), ta lại gặp một trường hợp khác vì Vũ Duệ không thuộc thời kỳ trước Minh thuộc, nếu theo Lê Quí Dôn. Nhưng nếu theo tác giả Trần Văn Tích (và cũng được Vũ Phương Đề đan cử trong Công Dư Tiệp Ký ) nó được gán cho Mạc Đĩnh Chi, vấn đề cũng còn cần phải xét lại. Cũng vậy, với bài văn tế vị công chúa người Tàu. Lý do như tôi dã nêu trên là vì Mạc Đỉnh Chi là người đời Trần, thuộc thế kỷ XIV trước khi có cuộc xâm lăng của nhà Minh, đầu thế kỷ XV, nên biết đâu những tác phẩm của ông cũng bị người Tàu tịch thu đốt mất hay bị đem về Tàu rồi sau này văn của ông bị đạo luôn. Tất nhiên ở đây ta cũng cần để tới giai thoại liên hệ tới bài văn tế này vì đã có người cho rằng nó là bịa đặt. Có điều giai thoại có thể là bịa đặt nhưng bài văn và tác giả của nó vẫn là sự thực.
Những gì tôi gợi ý kể trên chỉ là một gợi ý. Làm được hay không lại là một chuyện khác. Nó là một chuyện có thể chỉ là mò kim đáy biển. Dù sao tôi cũng cám ơn tác giả Trần Văn Tích về những nhận định mang nhiều ý nghĩa của ông.
Phạm Cao Dương