TỪ MẬT ƯỚC ĐÀ LẠT 2005 TỚI ĐẠI HỘI THỤ NHÂN MELBOURNE 2010 VÀ PARIS 2012
lạm bàn với Giáo sư Tiến sĩ Phạm Văn Lưu
Trong những bài chống việc biểu dương Cờ Vàng tại Đại hội Thụ Nhân Paris 2012, bài của Giáo sư Phạm Văn Lưu “Treo cờ hay không treo cờ – Chính trị và Đại học” phát tán ngày 5 tháng 4, là bài làm tôi thích đọc nhất, vì đây là lần đầu tiên tôi không nghe nhai lại sáo ngữ. Không những thích thú, bài viết tiết lộ 3 điều bất ngờ:
1. Bỏ Cờ Vàng tại Paris năm 2012 là mật ước giữa Gs Lưu và Gs Đức, “Hiệu trưởng” Trường Đại học Đà Lạt vào năm 2005
2. Gs Lưu bàn về tự trị đại học mà không hiểu nó là cái gì
3. Gs Lưu cho rằng treo Cờ Vàng là vi phạm luật pháp
Ngày hôm sau (6.4) Tiến sĩ Lê Đình Thông tuyên bố từ chức Trưởng BTC Đại hội Thụ Nhân Paris 2012. Lý do muôn thuở, “các ý kiến chỉ tập trung vào vấn đề chính trị, gây nhiều bất hòa trong đại gia đình Thụ Nhân”, gián tiếp đổ lỗi cho những anh chị em đòi treo Cờ Vàng.
Nhưng vấn đề then chốt gây chia rẽ hay đoàn kết chưa được giải quyết. Vì vậy một lần nữa, tôi lại phải lên tiếng, nói về 3 bất ngờ kể trên.
1. MỘT CUỘC ĐI ĐÊM TỪ NĂM 2005 ĐỂ CHUẨN BỊ CHO NĂM 2012
Gs Lưu cho biết ông và ông Đức (“hiệu trưởng” đương thời của Trường Đại Học Đà Lạt) bàn nhau để làm sao Đại hội Thụ Nhân tại Úc 2010 sẽ không treo Cờ Vàng. Bù lại ông Đức sẽ không treo Cờ Đỏ trong Đại hội 2005 tại Đà Lạt.
Gs Lưu viết nguyên văn, “Anh [Đức] để nghi với tôi không nên làm lể chào cờ, và nếu đươc, không treo cờ nữa thì càng dễ dàng cho Anh Chi Thụ nhân VN. Tôi chỉ dám hứa với Anh ấy, tôi sẽ hết sức thận trọng để chọn một giải pháp nào, để các Anh Chị Thụ Nhân VN tham dự DH mà không gặp phải nhiều phiền phức với chính quyền CS”
Cuộc đi đêm tại Việt Nam năm 2005 nhằm bỏ Cờ Vàng trong Đại Hội TN 2010 tại Melbourne, đã thành công. Năm nay, ông Đức đã chết, nhưng mật ước vẫn được ông Lưu vận động thi hành tại Paris năm 2012.
– Mật ước được lập ra nhân dịp mà Gs Lưu gọi là “Ngày Về Trường Mẹ” năm 2005 tại Đà Lạt.
Theo tôi, nếu hiểu Alma Mater là Viện Đại Học Đà Lạt trước 75, thì Đại hội CSV Đà Lạt năm 2005 không phải là một “Ngày về Trường Mẹ”. Điều này, bao nhiêu anh chị em CSV đã nói; anh Trần Văn Lương (cũng là tiến sĩ nhưng không bao giờ khoe) đã viết trong thư trả lời Gs Lưu, nhưng dường như vẫn có người không chịu phân biệt. Tôi phải nói theo kiểu khác cho dễ hiểu: Dù đội tên gì đi nữa, ĐH CSV 2005 chỉ là một cuộc “tham quan chỗ học cũ của Việt kiều”. Nó không khác chi tôi trở về Bình Thạnh, Sài Gòn, xem cái nhà cũ của tôi nay thành quán lẩu lươn. Dù tôi ngồi ăn lẩu trong căn nhà cũ của tôi, nhưng không thể nói là “về nhà” mình được. Công lao “hết sức thuyết phục” BTC không treo Cờ Đỏ là một việc thừa thãi.
– Gs Lưu phản bạn khi công khai hóa những lời ông Đức phê bình chế độ?
Để chứng minh “Hiệu trưởng” Đức là người chống cộng, Gs Lưu tiết lộ những lời phê bình chế độ của ông Đức trong cuộc mật đàm 2005, như “toàn trị”, “thân phụ bị CS giết”, đừng tin chính sách hòa hợp hòa giải của Cộng sản. Đổi lại ông Lưu thuyết phục được ông Đức bỏ Cờ Đỏ!
Trong xã hội VN ngày nay có nhiều “diện” phê bình:
[1]- Chửi đổng: khá tự do, để cho dân xả xúp-bắp, khỏi mất công xây nhà thương điên. Trước đây Hồ Chí Minh còn được chừa ra trong lời chửi mắng, bây giờ người dân chửi “vô tư”. Công an nghe thấy cũng lờ đi.
[2]- Chửi cò mồi: để thăm dò dân tình và truy tìm “thành phần phản động thực”. Đây là những thợ chửi có môn bài.
[3]- Phê bình rung rinh Đảng: những lời phê bình nhắm vào Đảng, dù đúng 100% cũng là cớ để bị khép tội phản quốc, mưu toan lật đổ chế độ (khung hình phạt là tử hình). Trường hợp mới nhất là vụ án Ls Cù Huy Hà Vũ.
Không biết những lời ông Hiệu trưởng Đức “tâm sự” với Gs Lưu thuộc “diện” nào. Nếu thuộc diện một thì Gs Lưu chả nên lấy đó làm nền tảng cho lý luận sợ hãi treo Cờ Vàng, vì treo Cờ Vàng chỉ là chửi đổng. Còn nếu thuộc diện ba thì, dù ông Đức chết rồi, Gs Lưu vẫn phản bạn khi tiết lộ như thế. Trong chế độ “hồng hơn chuyên”, một “hiệu trưởng” dám bỏ Cờ Đỏ để tiếp “Việt Kiều” và phê bình chế độ, phải là một thợ chửi có môn bài, mới không chết bệnh. Nếu không, ông Đức thuộc diện thứ ba, không chết cũng chung số phận với Ls họ Cù? Buồn cười là có người vẫn “thành thực kính phục” đồng chí Đức và kết ước tráo cờ.
Giao kèo tráo cờ đã được Chủ tịch Thụ Nhân Âu Châu Phạm Trọng Khoát gián tiếp nhắc lại trong thư đề ngày 6.4. Sau khi phiền trách những anh chị đòi treo Cờ Vàng là “chính trị, đâm thọc”, và tiếp tục không rút lại quyết định bỏ Cờ Vàng, Anh Khoát viết: “Chúng tôi cũng khẳng định là không một ai trong chúng ta đòi hỏi phải treo lá cờ Việt Nam mà đang được Quốc tế Công pháp công nhận”. Bằng lời này và lá thư kết án, anh Phạm Trọng Khoát đã khẳng định 3 điều: một, Cờ Đỏ mới là cờ hợp pháp của Việt Nam; hai, nội dung mật ước Lưu-Đức (các anh đừng treo Cờ Vàng, chúng tôi sẽ không đòi treo Cờ Đỏ) đang được áp dụng tại Paris. Ba, ai chống lại mật ước này là làm chính trị!
Mục tiêu tối hậu của mật ước 2005: Đổi một ngày bỏ Cờ Đỏ trong Trường Đại học Đà Lạt lấy suốt đời bỏ Cờ Vàng trong lòng cựu sinh viên ở hải ngoại. Dù những người này sống chẳng bao lâu nữa, một ngày cũng là suốt đời.
2. TỰ TRỊ ĐẠI HỌC VÀ CHÍNH TRỊ
Gs Lưu dành phần chính yếu để lý luận về tự trị đại học và chính trị. Lẽ ra tôi không nên làm phí thì giờ của đồng môn để bàn về một lạc đề (điểm a dưới đây). Đã lạc đề, mà còn không hiểu chính cái đề lầm (điểm b).
a. LẠC ĐỀ: Chúng ta đang bàn về cựu sinh viên. Gs Lưu bàn về đại học.
“ĐẠI HỌC” là một định chế giáo dục và nghiên cứu
“TẬP THỂ CỰU SINH VIÊN” (alumni) là một hội đoàn thân hữu.
Sự nhầm lẫn này của Giáo sư Lưu là căn bản của tất cả nhầm lẫn khi không treo Cờ Vàng. NẾU có đại học nào không treo cờ quốc gia của họ, thì một hội cựu sinh viên không trái tinh thần đại học chút nào khi họ treo cờ quốc gia trong các dịp lễ hội, quy tụ. Vấn đề của những người tị nạn Việt Nam là họ mất nước, chứ không phải vấn đề chính đáng của việc treo cờ. Cũng vậy, vấn đề của cựu sinh viên Viện Đại học Đà Lạt là họ mất trường mẹ, chứ không phải nên treo hay không nên treo.
Giả thiết nếu có đại học không treo cờ đã xảy ra tại Úc (như Gs Lưu nói, và tôi tin). Nhưng Viện ĐH Đà Lạt trước 75 có treo Cờ Vàng (xin coi hình dưới), và Trường ĐH Đà Lạt sau 75 có treo Cờ Đỏ.
Vì mất trường, mất nước, nên mới đặt vấn đề treo Cờ Vàng hay không. Theo Gs Nguyễn Kim Quý, “chào/treo Cờ Vàng là một bổn phận đương nhiên, không phải một lựa chọn”. Rất nhiều giáo sư và cựu sinh viên tán đồng quan điểm này.
Tại sao có người không tán thành? Một tiến sĩ hay một người thất học, nếu không mang nỗi đau lòng mất nước, và đạo lý biết ơn, sẽ không hiểu được nghĩa vụ tinh thần tròn méo như thế nào đâu.
Đó là hố cách biệt giữa hai bên. Và đó là điều tự nhiên – qua cơn bão táp, bước chân lên bờ, mỗi người có một thái độ đối với con thuyền.
b. Thuyết giảng về “tự trị đại học” mà không biết nó là cái gì.
Gs Nguyễn Kim Quý nói Gs Phạm Văn Lưu “lên lớp”, quả không sai chút nào. Đáng tiếc là Gs Lưu không thuộc “giáo án”. Ông lầm lẫn nguyên tắc tự trị đại học với một trường đại học tự trị. Điều này Tiến sĩ Trần Văn Lương đã vạch ra rõ ràng trong bài phân tích viết trước đây.
Tự Gs Lưu không đưa định nghĩa, hay ít nhất mô tả tự trị đại học là gì. Thay vào đó, ông lạm dẫn lời Lm cố Viện trưởng “Chúng tôi quan niệm rằng Đại Học phải đứng ngoài và phải đứng trên mọi khuynh hướng Chính Trị, đảng phái, phải tách biệt khỏi những chi phối về tôn giáo, bè nhóm, phải thoát ra ngoài những dị biệt về sắc tộc, màu da, không bóp nghẹt những khuynh hướng tư tưởng, hệ thống triết học và quan điểm nghệ thuật khác biệt hay đối lập với minh”
– Xin loại ra trong câu phát biểu trên những nét lạ không thuộc về Lm Nguyễn Văn Lập: Chữ “chúng tôi” kênh kiệu không quen thuộc trên miệng Nhà Giáo dục khả kính (nhưng quen thuộc trên ngôn ngữ Tiến sĩ Lê Đình Thông, xem thư ngày 27.03.11). Cách viết hoa tùy tiện, không phải của một nhà văn hóa cẩn trọng như Cha Lập. Lời văn “khẩn trương” xa lạ so với giọng điềm tĩnh cố hữu của Cha Lập. Nhưng chúng ta tạm tin đại khái nội dung trên có thể là lời của Cha Lập. Nhưng chắc chắn không bao giờ đó là định nghĩa của Ngài về tự trị đại học. Một vị viện trưởng đại học không bao giờ ngớ ngẩn như vậy.
– Tự trị đại học, là thế này: quyền độc lập về tổ chức và quản trị, có ngân sách và tài chánh tự trị, tự do tuyển dụng ban giảng huấn, tự do thu nhận sinh viên, tự quyết định học trình đào tạo và đường lối nghiên cứu.
– “Không được dùng đại học làm môi trường chính trị đảng phái”, họa chăng là một truyền thống, một quy tắc bất thành văn, ở một số đại học. Nó không phải là một nguyên tắc nằm trong nguyên tắc tự trị đại học. Trong thực tế, truyền thống này bị chà đạp rất nhiều, trước hết và nhiều nhất là tại Việt Nam, kể cả Trường Đại học Đà Lạt (sau 75). Mật ước Lưu-Đức 2005 là thí dụ hùng hồn việc mua bán chính trị trong trường đại học.
– Đại học đứng ngoài (không đứng trên) các đảng phái. Nhưng không bao giờ đại học đứng trên quốc gia. Một đại học đứng ngoài xã hội và trên quốc gia, là một xác khô, mất gốc (y như những sinh viên của nó). Như vậy không đại học nào có thể “phi chính trị” được. Nếu đại học phi chính trị theo kiểu Gs Lưu, Ts Thông và Chủ tịch Khoát, thì khi quốc gia có tổng động viên, các vị có thể nhảy vào đại học để trốn lính (nhớ treo bảng “vùng phi chính trị”, hoặc “vùng phi quân sự”)
– Đi quân dịch, đi bầu, đóng thuế là hành vi chính trị. Người dân trong vùng xôi đậu vừa đóng thuế cho Việt Cộng vừa đóng thuế cho Quốc Gia, là miễn cưỡng nhưng vẫn là hành vi chính trị. Gs Lưu không treo Cờ Vàng tại Melbourne, là ông làm chính trị 100%, không phải hành vi miễn cưỡng, mà có tính toán, có giao ước với đối tác chính trị.
– Anh Trần Văn Lương (cũng là tiến sĩ, nhưng chưa bao giờ khoe bằng) đặt một câu hỏi: “Tại sao khi chúng tôi ủng hộ việc treo cờ thì bị gọi là làm chính trị mà khi một số người khác đòi bỏ lá cờ thì lại là không?”
Câu hỏi đơn giản như vậy mà bên kia không trả lời. Xem ra những lời giãi bày của Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, Giáo sư Nguyễn Kim Quý, chị Trần Thị Diệu Tâm, chị Lê Khánh Thọ, anh Huỳnh Văn Của, anh Phạm Ngọc Quỳnh, chị Hồng Cúc Tôn Thất, chị Lê Thị Hảo… và hằng trăm vị thức giả bên ngoài “thấy chuyện bất bình” nói lời phải quấy, đều bị đóng dấu “chọc phá”. Không lắng nghe là một đặc tính chung của những người bỏ cờ. Họ vừa hô hào đoàn kết và đóng góp ý kiến, nhưng ai nói ngược ý là họ viết lại “tôi không quen anh, xin bỏ tên tôi ra khỏi mailing list của anh”.
Trong những người từ bên ngoài, có tiếng nói của Bác sĩ Trần Văn Tích, một thầy thuốc tài ba khả kính và một nhà văn học uyên bác. Nếu phe bỏ cờ vẫn bịt tai trước vị này và các giáo sư của mình, tôi nghi là phải có động lực nào đó mạnh hơn lý trí và lương tâm, đứng đàng sau các đồng môn xưa của tôi.
Trên đây là hình một cuộc lễ tốt nghiệp tại Viện Đại học Đà Lạt với cờ Quốc gia mọi nơi, kể cả trên vai người tân khoa. Tôi thắc mắc tân khoa Thông, Lưu và Khoát có nhân danh phi chính trị gỡ gù và tua mũ vất đi không?
c. Mưu đồ ghê gớm nhất: Gây mặc cảm tự ti cho người yêu nước lành mạnh
Thoạt tiên, câu “tinh thần đại học, phi chính trị” được lập đi lập lại hoài như con vẹt, ta có thể nghĩ là vì những người chủ trương bỏ cờ, kiệm lời, hay lúng túng về lý luận.
Sau phân tích kỹ, nhất là nhìn toàn bộ trong liên hệ với mật ước tráo cờ, ta thấy nói như vẹt không phải do lúng túng. Ngược lại, đó là một sách lược, một chiến dịch rất qui mô muốn tạo một hình ảnh xấu xa về người tôn vinh Cờ Vàng. Họ vẽ người cầm cờ như người vô học (hay “có chút học thức”, lời Gs Lưu), “dân xuống đường”, “bọn quá khích”. Anh Phạm Trọng Khoát (thư 4.6) viết đó là những người “ghen ghét oán hờn”, “phạm pháp” (xin xem đoạn 3 bên dưới).
Ngược lại, họ vẽ người trí thức là người không cầm cái gì cả — kể cả tư cách tị nạn chính trị. Trí thức đứng trên chính trị, một siêu nhân!
Nhưng rồi chúng ta chờ xem – người hôm nay không cầm Cờ Vàng, sẽ tới lúc nhìn lại thấy trên tay lá Cờ Đỏ.
3. “TREO CỜ VÀNG PHẢI CHĂNG LÀ VI PHẠM LUẬT PHÁP?”
Giáo sư Phạm Văn Lưu hỏi thế, và tự trả lời: “Thật vậy, khi tổ chức Đại Hội TNTG 2010, chúng tôi phải đăng ký giấy phép với Bộ Tư Pháp Victoria như là một Hội Công Ích (Non profit Incorporation), và điều kiện lập hội là chúng tôi phải chấp nhận cho mọi người tham gia, không phân biệt chính kiến, tôn giáo, ngôn ngữ, sắc tộc…Nếu bây giờ, khi tổ chức DH chúng tôi treo cờ VÀNG nghĩa là chúng tôi chỉ cho những người tị nạn CS tham dự và từ chối không cho những người khác chính kiến tham dự”. Phải trích dài, xin lỗi, để khỏi cắt ý của tác giả.
Lại thêm một vụ bể “giáo án” nữa! Nhưng tôi khỏi cần nói lý thuyết, đôi khi dư thừa cho các bậc khoa bảng. Chỉ xin đưa hai thí dụ:
– Hội Cựu Chiến binh Pháp là một hội theo quy chế hội đoàn vô vị lợi. Hội này gồm các hội viên đã tham gia đủ thứ chiến tranh, chiến tranh Đông Dương, Đệ II Thế chiến, Algerie. Xin Gs Lưu cho biết hội này có chính trị không? Nếu không thì một tên SS hay nazist xin gia nhập, Gs là hội trưởng, ông có cho phép tên này gia nhập không? Nó bảo phải cho nó ghi danh vì hội phi chính trị, Gs trả lời làm sao?
– Hội Hồng Thập Tự là một hội vô vị lợi, nhưng có phi chính trị không? Ông cứ ngưng lại và trả lời thẳng thắn, đừng sợ tôi gài bẫy. Nhá, HHTT phi chính trị 100%. Nhưng tại sao Khối Ả-rập lại không chịu lá cờ nền trắng chữ thập đỏ? Hội cũng có tôn chỉ là “without any discrimination based on nationality, race, sex, religious beliefs, class or political opinions”. Nhưng đố Giáo sư biết tại sao Khối Ả-rập đòi thay chữ thập đỏ bằng vành trăng đỏ, mà HTT Quốc tế “chịu” nhượng bộ? Rõ ràng là một đòi hỏi chính trị (vì khối nhá). Đó là vì hình ảnh thập tự (dù nguyên thủy mang tính trung lập Thụy sĩ, chứ không phải Thánh giá Cơ đốc giáo) làm người Hồi giáo dị ứng. Họ có quyền đưa căn tính của mình vào hội. Nếu giải thích “hội vô vị lợi” kiểu Giáo sư thì không có 2 lá cờ trong một hội uy tín cao như thế.
Then chốt nằm ở chỗ nào? Thưa ở chữ “discrimination”. Cấm kỳ thị, chứ không thể cấm chính kiến. Giáo sư sai lầm vì không hiểu điểm cỏn con này. Hội Cựu Chiến binh KHÔNG cho phép tên nazist vào hội vì nó khác chính kiến!
Tôi rất ngại móc việc treo hay không treo Cờ Vàng vào Nghị quyết 36 của Trung ương Đảng CSVN, nhưng có sự trùng hơp, ít nhất trong việc gọi các sinh hoạt của thành phần yêu nước lành mạnh là chính trị hóa. Họ làm lơ và có thể là tiếp tay với phong trào trồng cần sa tại Canada, Anh Quốc, Bắc Âu, nhưng không ngần ngại gọi những người cầm Cờ Vàng là phạm pháp.
Kết luận:
Từ pháp lý tới luận lý và “khoa học” hay “khiêm tốn” (như hứa hẹn của Gs Lưu), không có điều gì cho thấy nên bỏ Cờ Vàng cả. Thực tế cũng không cho phép bỏ Cờ Vàng, bởi vì – cũng theo ý kiến Gs Lưu – “không nên thấy ai làm thì làm theo” – không nên theo Mỹ 2008, Úc 2010. Mà Paris 2012 nên theo mình, theo tình theo lý. Đừng để nguyên tắc “nhất định không đặt vấn đề treo cờ” trở thành “tiền lệ Paris”. Bởi vì tiền lệ này, ở giai đoạn đầu là không treo Cờ Vàng nhưng chắc chắn sẽ tới giai đoạn treo Cờ Đỏ cũng “ça va”. Lúc đó anh chị cãi “phi chính trị” cũng quá muộn.
Thấy câu hỏi của Tiến sĩ Trần Văn Lương nêu ra bình dân dể hiểu, tôi bị cám dỗ nhắc lại, đặc biệt với các vị tiến sĩ khác:
“Tại sao khi chúng tôi ủng hộ việc treo cờ thì bị gọi là làm chính trị mà khi một số người khác đòi bỏ lá cờ thì lại là không?”
Chẳng cần bằng cấp cao, chỉ cần thật với lòng mình, bình tâm suy nghĩ, là có câu trả lời. Càng nhiều bằng cấp, mà thiếu lương tri, càng thẹn giấy in, nói chi tới lá Cờ Vàng trên cao.
Ngô Thanh Tâm
(Thụ Nhân triết)