Dân ta có truyền thống tôn trọng những bậc tu hành. Đó là một trong những nền tảng văn hóa và đạo đức của dân tộc. Có rất nhiều vị vua khi lên ngôi, đã cho trùng tu và xây dựng rất nhiều chùa chiền, mà bây giờ đã trở thành di sản văn hóa.
Trong ký ức lờ mờ, tôi nhớ vào những ngày giữa tháng 4 năm 1975, bố mẹ tôi đưa các anh em tôi đến ngôi Chùa gần nhà để trú ẩn, vì sợ “chiến tranh”. Đến khoảng giữa năm 1980, khi đất nước đã thống nhất, bỗng dưng phi trường quân sự ở quê tôi phát nổ. Những tiếng nổ long trời lở đất kéo dài từ sáng sớm cho đến chiều tối, hệt như chiến tranh đang xảy ra. Đến giữa trưa, mọi người lũ lượt kéo đến các nhà Chùa và nhà Thờ để trú ẩn. Sau này khi lớn lên, bố mẹ tôi giải thích là phải vào nhà Chùa hoặc nhà Thờ vì đó là nơi linh thiêng, “chiến tranh” không vào được. Vả lại, ai ai cũng tôn trọng những bậc tu hành. Tôi mang bài học và sự trải nghiệm đó khi lớn lên. Gặp các Cha, các Sư thầy tôi đều lễ phép và kính trọng. Rồi có dịp đọc Kinh Thánh và các sách nhà Phật tôi càng tin rằng những bậc tu hành là biểu tượng của đạo đức và niềm tin. Cuộc đời của các vị không có gì ngoài hai chữ Tu Hành.
Hằng năm, sau giao thừa, rất nhiều người đã kéo đến các Chùa, nhà Thờ để thắp hương cầu nguyện cho một năm mới an lành. Nét đẹp văn hóa đó đã in sâu vào lòng từng người dân Việt Nam. Khi nói đến nhà Thờ, nhà Chùa tôi tin rằng mọi người đều công nhận đó là những nơi tôn kính và linh thiêng. Vậy mà, từ nhà thờ Thái Hà đến nhà chùa Bát Nhã là câu chuyện nhiều bi thương, thể hiện sự xuống cấp của một nền đạo đức và sự suy đồi của nền văn hóa dân tộc.
Câu chuyện bắt đầu từ những buổi ” cầu nguyện lịch sử ” của những người Công giáo ở nhà thờ Thái Hà. Sau sự kiện đó nhiều giáo dân đã bị bắt, bị truy đuổi và đánh đập. Từ đó, các Cha bị xem là “tội đồ”, nhà thờ Thái Hà bị xem là nơi “nguy hiểm” cho Chính quyền. Nhiều “đối sách” đã được đưa ra để “xử lý” nhà Thờ và các Cha. Môt lực lượng “đa thành phần” đã được huy động để bao vây nhà Thờ và các Cha. Đặc biệt trong đoàn quân “Liên hợp quốc” đó có cả đám “xì ke, hút chích” và đám “thanh niên, sinh viên tình nguyện”. Họ hô to: giết, giết, bất chấp đó là nơi linh thiêng. Họ nhổ nước bọt và phỉ báng các cha bằng những lời thô tục, bất chấp các Cha là những bậc tu hành. Đám xì ke hút chích đã đành, ở đây có rất nhiều thanh niên sinh viên. Trong số họ chắc có nhiều Đoàn viên, chắc hẳn có nhiều người từng đoạt danh hiệu “cháu ngoan Bác Hồ”. Mà Bác đâu có dạy những điều mất dạy và vô đạo đức đó! Đi đến đâu, từ trường tiểu học, đến trung học, đến đại học đều thấy nêu cao khẩu hiệu: Tiên học lễ, hậu học văn! Không hiểu sao họ lại hành đông mất hết cả lương tâm và đạo đức như vậy.
Đến Bát Nhã, câu chuyện càng kinh hoàng hơn! Lần này không biết có đoàn quân “Liên hợp quốc” không, nhưng thấy có rất nhiều “côn đồ”. Đám này tấn công trực diện vào các nhà sư. Đánh đập và xua đuổi chưa đủ, đám này tung “tuyệt chiêu” bóp vào “chỗ kín” của các sư thầy. Ở đây, không những đạo đức đã không còn, mà tình người và lương tâm cũng bi đánh mất. Sự kiện này đã gây xúc động cho hàng triệu triệu người. Hàng trăm người đã tình nguyện ký vào danh sách phản đối. Dòng chúa cứu thế Việt Nam cũng đã có sự chia sẻ và cầu nguyện cho Bát Nhã. Phải chăng cả hai đều là nạn nhân của một nền đạo đức suy đồi và xuống cấp? Phải chăng những giá tri xã hội chuẩn mực đã bị xóa nát, nhường chỗ cho những “giáo điều” hoang tưởng, lạc hậu và ngu ngốc?
Đạo đức là gốc của con người. Pháp luật có thể vô tình, nhưng đạo đức thì không. Đạo đức chứa đựng cả tâm tư tình cảm của con người, chứa cả “hồn” của dân tộc. Nếu như pháp luật điều chỉnh con người từ bên ngoài, thì đạo đức điều chỉnh từ bên trong. Pháp luật trừng phạt con người bằng sức mạnh Nhà Nước, thì Đạo đức trừng phạt bằng sức mạnh của dư luận. Một hệ thống pháp luật ổn đinh phải dựa trên một nền tảng đạo đức ổn định. Tôi không có điều kiện để làm thống kê về tội phạm một cách chính xác, nhưng qua những bản án có được, tôi nhận thấy những người có Đạo ít có khuynh hướng phạm tội. Đó là điều cần lưu ý để thấy được sự tác động tích cực của tôn giáo trong việc xây dựng nhân tố con người và ổn định xã hội.
Có người hỏi tôi: “Có phải vì muốn đàn áp tôn giáo nên người ta sử dụng nhiều biện pháp vô đạo đức, hay vì nền đạo đức xuống cấp nên người ta mới đàn áp tôn giáo, hay cà hai đều đúng?”. Câu trả lời xin nhường lại cho quý độc giả.
Sài Gòn ngày 17/10/2009