Người Mỹ thường ưa thích nói đùa rằng: “Hoa Kỳ là một xứ sở tự do, tôi có thể nói gì tôi muốn nói ra” hoặc là “tôi muốn bầu cho ai tùy ý tôi, chính quyền không thể bắt buộc tôi điều gì”. Các lời tuyên bố như kể trên rất đúng và đã được Tu Chính Án Thứ Nhất bảo vệ.
Năm 1791, 10 Tu Chính Án đầu tiên thuộc Hiến Pháp Hoa Kỳ đã được Quốc Hội phê chuẩn để bảo đảm các tự do cá nhân trong đó Tu Chính Án Thứ Nhất bảo vệ các tự do tôn giáo, ngôn luận, báo chí và hội họp, còn các Tu Chính Án từ thứ tư tới thứ sáu không cho phép chính quyền xâm phạm vào các gia đình tư nhân và nói rõ các quyền lợi của một người bị tố cáo về các trọng tội. Sở dĩ Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua Luật Dân Quyền (the Bill of Rights) gồm 10 Tu Chính Án kể trên bởi vì các nhà lập quốc Bắc Mỹ vào thời thuộc địa đã e sợ bạo quyền của Vua nước Anh và muốn phòng ngừa chính quyền mới có thể phủ nhận các tự do căn bản của người dân. Lý thuyết Khế Ước Xã Hội (the social contract theory) của John Locke đã minh xác rằng người dân lập ra chính quyền để phục vụ các nguyện vọng của họ. Họ muốn thiết lập một chính quyền có đủ quyền lực để thi hành luật pháp và bảo vệ người dân, chứ không phải đàn áp người dân.
Các nhà lập quốc Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ 18 cũng lo ngại rằng trong xã hội, khối người đa số sẽ dùng chính quyền để đàn áp khối người thiểu số, và khối đa số sẽ đặt ra các luật lệ để giới hạn các tự do của những người không đồng ý với mình. Nhưng làm sao cân bằng được các quyền lợi trừu tượng về tự do với các lợi ích cụ thể về trật tự, luật pháp và hòa bình? Sự tự do ngôn luận chẳng hạn thường bị đánh giá nhiều hơn theo cách trừu tượng, chẳng hạn như trong thời chiến, có người chủ trương nên đầu hàng và quyền phát biểu ý kiến này đã bị từ chối bằng các quy luật của tình trạng khẩn trương. Các nhà chính trị nắm quyền có thể lạm quyền, dùng tình trạng khẩn trương để giới hạn tự do ngôn luận.
1. Các nguyên tắc về tự do ngôn luận
Tự do ngôn luận là một quyền căn bản trong một xã hội tự do. Nền dân chủ sẽ bị đe dọa nếu người dân không được phép tự do chia xẻ với nhau các ý tưởng, diễn tả các ý kiến một cách cởi mở, thảo luận với nhau và ngay cả chỉ trích các nhân viên chính quyền và các chính sách công. Tuy nhiên, việc lạm dụng tự do ngôn luận cũng sẽ làm hại các cá nhân và xã hội, vì vậy cũng có các trường hợp trong đó quyền tự do ngôn luận của người dân bị giới hạn.
Vào năm 1927, vị chánh án Tòa Tối Cao Louis D. Brandeis đã nói về ý tưởng trong Tu Chính Án Thứ Nhất như sau:Các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã tin tưởng rằng tự do suy nghĩ và nói ra được coi là cần thiết để khám phá và phổ biến các sự thật chính trị, và nếu không có tự do ngôn luận và hội họp, các thảo luận sẽ vô ích…, thảo luận công cộng là một nghĩa vụ chính trị và đây là nguyên tắc căn bản của chính quyền.
Tự do ngôn luận đã là nguyên do của nhiều vụ kiện trên Tòa Án Tối Cao. Ngôn luận có thể gồm nhiều hình thức. Tòa Tối Cao đã phân biệt ba loại ngôn luận: ngôn luận thuần túy (pure speech), ngôn luận với hành động (speech-plus action) và ngôn luận biểu tượng (symbolic speech).
Ngôn luận thuần túy là cách truyền thông chỉ bằng lời nói (spoken word) bao gồm các thảo luận đối mặt nhau, các câu chuyện qua điện thoại, các tranh luận trong lớp học, trong các buổi mít tinh và các phổ biến qua truyền thanh và truyền hình. Ngôn luận thuần túy có thể là khô khan, buồn tẻ hay mang tính xúc cảm (emotional). Hai đặc tính của thứ ngôn luận này là ngôn luận thuần túy chỉ dùng lời nói để chuyển đạt các ý kiến hay các cảm xúc, và thính giả hay người nghe thu nhận tin tức đó do tự nguyện, vì vậy ngôn luận thuần túy không vi phạm các quyền lợi của người khác.
Ngôn luận với hành động mang các hình thức gồm diễn hành, ca hát, đứng đình công hay trưng ra các biểu ngữ. Mục đích của các hành động này là gây ra sự chú ý, quan tâm của những người khác, những người qua đường, hay phản đối nhóm đối lập. Bản chất của ngôn luận dĩ nhiên là hợp hiến nhưng các hành động đi kèm với ngôn luận có thể bị giới hạn bởi một số luật lệ. Thí dụ đi diễn hành trên công viên, trên các vỉa hè của thành phố, trên sân đá bóng có thể bị coi là bất hợp pháp bởi vì đây là những nơi không phải dành cho công việc truyền thông.
Việc đứng đình công cũng là một hành động thường thấy bên ngoài các nhà máy, các cửa hàng, các trường học hay bệnh viện vì chính sách của những cơ sở này bị nhiều người phản đối. Họ mang theo các tấm biểu ngữ và bước đi trong trật tự. Qua vụ án Thornbill v. Alabama -1940, Tòa Tối Cao đã chấp nhận việc đứng đình công một cách hòa bình bằng Tu Chính Án Thứ Nhất nhưng tới năm sau, qua vụ án nghiệp đoàn tài xế các xe chở sữa Milk Wagon Driver Union v. Meadowmoor Dairies – 1941, Tòa đã giới hạn quyền đứng phản đối (picketing) khi có sự đe dọa về bạo lực và quyền hạn này không được trái ngược với các luật lệ đang hiệu lực của tiểu bang.
Loại thứ ba của tự do ngôn luận là ngôn luận biểu tượng. Trong loại ngôn luận này, các hành động và cách phản đối đã thay thế những lời nói trong việc trình bày các ý tưởng hay lời hô hào, vì vậy một vài hình thức của loại ngôn luận này được tòa án coi là hợp hiến, một số khác bị giới hạn. Thí dụ về các trường hợp này là cách phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam. Từ năm 1956, nhiều thanh niên Hoa Kỳ đã chống lại lệnh gọi nhập ngũ. Để bày tỏ sự phản đối, 4 thanh niên đã đốt thẻ động viên và đã bị bắt. Qua vụ án United States v. O’Brien, Tòa Tối Cao đã đồng ý về việc bắt giữ các sinh viên kể trên nhưng vào năm sau, sau vụ án Tinker v. Des Moines School District, Tòa Tối Cao lại ra lệnh rằng các nhân viên trường học không được phép đuổi các học sinh mang băng tay màu đen, một biểu tượng phản đối chiến tranh. Như vậy tại sao đốt thẻ động viên là một việc làm trái luật, trong khi đeo băng tay màu đen chống chiến tranh lại là một ngôn ngữ biểu tượng được luật pháp cho phép? Tòa Tối Cao đã cho rằng đốt thẻ động viên là một việc làm ngăn trở chức năng chính thức của chính quyền tức là chức năng tổ chức quân đội để bảo vệ quốc gia, còn việc đeo băng tay chỉ là cách biểu hiện một ý kiến (opinion).
Năm 1976, Tòa Tối Cao cũng phán quyết rằng việc đốt lá cờ Mỹ là một cách biểu lộ không chấp nhận được của ngôn ngữ biểu tượng rồi tới năm 1989, Quốc Hội đã thông qua một đạo luật ngăn cấm việc xúc phạm tới lá quốc kỳ. Vi phạm luật này bị coi là một trọng tội có thể bị giam một năm và phạt $1,000. Tóm lại, ngôn ngữ biểu tượng (symbolic speech) là loại tự do ngôn luận được Tu Chính Án Thứ Nhất bảo vệ nếu không gây ra bạo động và cần phải phân biệt giữa ngôn ngữ (speech) và hành vi (conduct) và việc đốt thẻ động viên là một hành vi ở bên ngoài sự bảo vệ của ngôn ngữ biểu tượng.
2. Các giới hạn đặt vào tự do ngôn luận
Tự do ngôn luận là một nguyên tắc hiến định căn bản nhưng cũng bị giới hạn trong một số trường hợp. Các tòa án đôi khi phải cân nhắc xem nguyên tắc về tự do ngôn luận có tương phản với các yếu tố khác không, chẳng hạn nền an toàn công cộng, sự an ninh quốc gia và lợi ích an sinh của nhiều người khác.
Mọi công dân của một quốc gia đều phải biết rằng chính quyền có quyền tự bảo vệ khỏi các hành động như phá hoại, do thám, phản bội. Các lời nói dùng để khuấy động việc nổi loạn hay biện hộ cho việc lật đổ chính quyền được gọi là lời xúi dục khởi loạn (seditious speech) và cách xúi dục khởi loạn (sedition) nói một cách tổng quát, thường liên quan tới sự phản nghịch, sự đòi lật đổ chính quyền hay các trọng tội khác chống lại chính quyền. Kể từ thời thuộc địa, các người Bắc Mỹ đã tin tưởng rằng quyền chỉ trích chính phủ và các nhân viên được coi là căn bản trong một xã hội tự do. Như vậy các chỉ trích chính trị khi nào trở thành việc xúi dục khởi loạn? Các chỉ trích đó có được Tu Chính Án Thứ Nhất bảo vệ không?
Tại Hoa Kỳ vào thời lập quốc, các người bất đồng ý kiến với chính quyền thường bị coi là không yêu nước, bị bắt buộc im lặng và vấn đề tự do đã được đặt ra chỉ 7 năm sau khi Đạo Luật Dân Quyền (the Bill of Rights) được ban hành. Năm 1798, khi Tổng Thống John Adams và đảng Liên Bang (the Federalist party) tìm cách đối đầu quân sự với nước Pháp thì đạo luật về xúi dục khởi loạn (the Sedition Act of 1798) đã xác nhận là một trọng tội các lời nói hay lời viết mang tính giả tạo, ác ý, bêu xấu chống lại Tổng Thống, Quốc Hội, chính quyền, với chủ đích tạo ra sự căm ghét chính quyền Hoa Kỳ. Đạo luật này đã coi là bất hợp pháp các ngôn ngữ nói, viết, in, mang tính bất trung thành đối với chính quyền Hoa Kỳ. Bằng đạo luật này, chính quyền Adams đã truy tố hơn 20 đối thủ chính trị và 10 người bị kết tội xúi dục khởi loạn (sedition). Khi lên làm Tổng Thống, ông Thomas Jefferson đã ân xá cho những người bất đồng chính kiến và Quốc Hội đã bồi hoàn lại các số tiền phạt.
Tới thời Nội Chiến Nam Bắc Mỹ, chính quyền Hoa Kỳ đã không dùng quyền lực để đàn áp các phát biểu chính trị ngoại trừ các tờ báo ủng hộ chế độ nô lệ bị đóng cửa. Thế nhưng tới đầu thời kỳ Thế Chiến Thứ Nhất, tại Hoa Kỳ đã tràn ngập làn sóng bất dung thứ (intolerance). Sự thù ghét các người Đức, các người Cộng Sản và các kẻ vô chính phủ (anachists) đã dẫn tới đạo luật về do thám (the Espionage Act) năm 1917 và đạo luật về xúi dục khởi loạn năm 1918 (the Sedition Act of 1918). Đạo luật về do thám coi việc bất tuân lệnh trong quân đội và cản trở việc đầu quân là các tội đại hình, coi là trọng tội việc bày tỏ sự bất trung, dùng các lời lẽ thô tục, chửi bới chính quyền Hoa Kỳ, Hiến Pháp, quân đội, quốc kỳ, quân phục, hay các hành động và lời nói ủng hộ đế quốc Đức… hoặc chống lại chính nghĩa của Hoa Kỳ. Vào thời kỳ này, Tổng Giám Đốc Bưu Điện được ban quyền kiểm duyệt các thư từ, sách báo. Vài tạp chí và nhật báo nổi tiếng bị từ chối không cho gửi bằng đường bưu chính như tờ Saturday Evening Post và tờ The New York Times vì lúc bấy giờ, việc kiểm duyệt thư từ không bị coi là vi phạm Tu Chính Án Thứ Nhất, vì việc xử dụng Bưu Điện được coi là một đặc quyền (privilege), không phải là một quyền lợi (right).
Vấn đề tự do ngôn luận lần đầu tiên được đưa ra công lý khi Charles T. Schenck, một nhân viên của đảng Xã Hội, bị truy tố theo đạo luật do thám vì đã cho in và phân phối 15,000 tập sách mỏng, cho rằng việc động viên là một hình thức nô lệ nên đáng bị chống đối. Ông Schenck đã kháng cáo lên Tòa Tối Cao, nói rằng việc kết án ông là vi phạm Tu Chính Án Thứ Nhất. Tòa Tối Cao trong bản án Schenck v. United States -1919, đã xác nhận hiệu lực của đạo luật do thám và việc kết tội kể trên. Tòa đã phán quyết rằng viết ra và phân phối các tài liệu chống đối như vậy trong thời kỳ chiến tranh đều bị trừng phạt thích đáng. Vị thẩm phán Oliver Wendell Holmes đã nói rằng tự do ngôn luận không được coi là tuyệt đối và để phân biệt lời nói được bảo vệ bởi Tu Chính Án thứ nhất và lời nói không được bảo vệ, quan tòa Holms đã nói các từ ngữ (words) có thể là các võ khí… vấn đề đặt ra trong mỗi trường hợp là các từ ngữ dùng tới có gây nên sự nguy hiểm rõ ràng và hiện tại để tạo ra các điều xấu mà Quốc Hội có quyền cấm đoán…. Từ đó, có cách trắc nghiệm về nguy hiểm rõ ràng và hiện tại (the clear and present danger test) như sau: chính quyền có quyền giới hạn ngôn luận để tránh các điều xấu nghiêm trọng và tức thời (grave and immediate evils). Lời nói bị kết tội nếu tạo ra nguy hiểm lớn vào lúc hiện tại (present) và tòa án sẽ quyết định tùy theo sự nguy hiểm đối với sự an lành công cộng (public welfare) và quyền tự do ngôn luận.
Kể từ thời đó, Charles Schenck là một trong hàng ngàn người đã bị bắt giam vì chống đối nỗ lực chiến tranh. Một nhà lãnh đạo của đảng Xã Hội là ông Eugene Debs, người đã từng ra tranh cử chức vụ tổng thống nhiều lần, cũng bị kết án 10 năm trong tù vào năm 1918 vì lời buộc tội Hoa Kỳ. Trong vụ án Abrams v. United States, Tòa Tối Cao xác nhận việc kết án Abrams vì đã viết ra các tập sách mỏng phản đối Tổng Thống Woodrow Wilson gửi quân đội Mỹ chống chính quyền Bolshevik mới được thành lập tại nước Nga. Vụ án Abrams này đã đặt ra một tiêu chuẩn xét xử mới, đó là cách trắc nghiệm dụng ý xấu (the bad tendency test). Phương pháp này đã cho phép chính quyền truy tố các người dùng tự do ngôn luận để chỉ trích chính phủ, ngay cả khi họ không tạo ra sự nguy hiểm rõ ràng và hiện tại.
Sự việc Tòa Tối Cao không giới hạn các đạo luật do thám và xúi dục khởi loạn đã khiến cho có hàng loạt các vi phạm vào nền tự do cá nhân của những người bất đồng chính kiến về chính trị. Ngày 7-11-1919, 250 hội viên của Nghiệp Đoàn Công Nhân Nga (the Union of Russian Workers) đã bị cảnh sát bắt giam và hành hạ, 39 người sau đó bị trục xuất. Bộ Trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ Mitchell Palmer đã tung ra một chiến dịch săn bắt trong hai năm. Nhiều người đã bị truy tố theo các đạo luật xúi dục khởi loạn của liên bang và tiểu bang. Theo sử gia William Lechtenburg ông Palmer đã vi phạm các tư gia, các bộ chỉ huy nghiệp đoàn, các phòng họp. Nhiều người bị giam giữ mà không được liên lạc với người nhà (incommunicado), bị từ chối về cố vấn pháp lý, bị xét xử theo cách “tòa án nhân dân”(kangaroo trial)… Tại Detroit, 300 người đã bị bắt vì các tố cáo ngụy tạo, bị giam trong tuần lễ và ngủ trên sàn nhà trơ trụi, bị từ chối thực phẩm trong 24 giờ…. Các vị quan tòa Tối Cao vào thời đó đã không đủ can đảm để nói ra các vi phạm luật lệ của ông Palmer. Ông Palmer còn vận động việc ra tranh cử chức vụ Tổng Thống và tiên đoán sẽ có một âm mưu lật đổ lớn lao. Rồi âm mưu này đã không xẩy ra khiến cho ông Mitchell Palmer bị mất uy tín và cơn sốt về xúi dục nổi loạn bị xét lại nhưng đạo luật do thám vẫn được duy trì.
Trong các thập niên 1920 và 1930, việc chống lại các người cấp tiến (radicals) đã giảm đi nhưng vào cuối thập niên sau này, đã có một loạt các biện pháp của liên bang để truy tố các người Cộng Sản. Ngay trước Đại Chiến Thứ Hai, Quốc Hội Hoa Kỳ đã thông qua Đạo Luật Smith (the Smith Act of 1940) kết tội các hành vi: (1) biện hộ cho công việc lật đổ bằng bạo lực bất cứ một chính quyền nào của Hoa Kỳ, (2) âm mưu vào một cuộc nổi loạn (rebellion), (3) điều hành hay tham gia vào một tổ chức chủ trương khởi loạn. Năm 1948, vì bị các người bảo thủ tố cáo rằng chính quyền Hoa Kỳ quá mềm yếu đối với các người Cộng Sản, Tổng Thống Harry S. Truman đã cho phép Bộ Tư Pháp truy tố 11 lãnh tụ của đảng này.
Năm 1950, Thượng Nghị Sĩ Joseph McCathy của tiểu bang Wisconsin đã phát động một phong trào lùng kiếm các người Cộng Sản và những kẻ bị nghi ngờ liên hệ với các đảng viên này, gồm cả các nhân viên chính phủ, các giáo chức, các diễn viên… Các người bất đồng chính kiến với ông McCathy đã bị dán cho nhãn hiệu tìm cách lật đổ (subversive). Nhiều tiểu bang đã ra các đạo luật cấm đoán các tự do về tư tưởng chính trị và cấm phổ biến các ý tưởng nào mà các người bảo thủ không đồng ý. Quốc Hội thời đó cũng thông qua một đạo luật mà Tổng Thống Truman đã phủ quyết, đạo luật này đòi hỏi mọi người Cộng Sản phải đăng ký với chính quyền liên bang và sau đó, chính Tổng Thống Truman đã phải gọi đạo luật này là mối nguy hiểm lớn nhất cho các tự do ngôn luận, báo chí và hội họp, kể từ đạo luật cấm xúi dục khởi loạn năm 1798.
Kể từ cuối thập niên 1950 tới đầu thập niên 1960, cơn kích động quá độ (hysteria) về chống Cộng Sản bắt đầu giảm bớt. Một số vị quan tòa có đầu óc cởi mở hơn được bổ nhiệm vào Tòa Án Tối Cao nên kể từ lúc này, Tòa Tối Cao bắt đầu dùng quyền lực của mình để bảo vệ nền tự do tư tưởng và các tự do cá nhân. Năm 1956, Tòa Tối Cao đã bác bỏ các đạo luật xét xử xúi dục khởi loạn của các tiểu bang và phán quyết rằng Đạo Luật Smith của năm 1940 là một luật quốc gia và tiểu bang không có quyền xử dụng, rồi vào năm sau, Tòa cũng đòi hỏi chính quyền phải trưng ra các bằng cớ rằng những người Cộng Sản thực sự tuyên truyền dân chúng thi hành một hành động gì mà không phải là tin tưởng vào một điều gì.
Năm 1956, Tòa Tối Cao vô hiệu một đạo luật của tiểu bang Arizona đòi hỏi các viên chức của tiểu bang phải ký lời thề trung thành (a loyalty oath) rồi vào năm 1967, Tòa lại cải hồi một phán quyết của tiểu bang New York bắt buộc các giáo chức phải tuyên thệ không tham gia đảng Cộng Sản. Vụ án Denis v. United States năm 1951 đã bị Tòa Tối Cao bỏ phiếu 6-2 đồng ý với việc tuyên án. Đa số các vị quan tòa cho rằng mục tiêu xa của đảng Cộng Sản là làm thay đổi cấu trúc của chính quyền mặc dù họ không hô hào bạo động và việc biện hộ cho cách lật đổ chính quyền đã tạo ra một sự nguy hiểm rõ ràng và hiện tại. Thế nhưng, hai vị thẩm phán là William O. Douglas và Hugo Black đã không đồng ý với quan niệm kể trên và cho rằng quyết định của Tòa Án là một hình thức hiểm độc (a virulent form) về kiểm duyệt ngôn luận và báo chí, một đe dọa nghiêm trọng cho nền dân chủ hơn là các hành động của người Cộng Sản Mỹ. Vị chánh án Douglas biện luận rằng nơi nào người dân thực sự có được tự do thảo luận các ý tưởng (ideas) thì chế độ Cộng Sản không thể có được các người ủng hộ.
Tới năm 1957, trong vụ án Yates v. United States, Tòa Tối Cao đã xét lại vấn đề mối nguy hiểm rõ ràng và hiện tại qua đó Oleta O’Connor Yates và vài đảng viên Cộng Sản bị truy tố vì đạo luật Smith. Khi cải hồi (reverse) sự kết án, Tòa Tối Cao đã phân biệt giữa ngôn ngữ trình bày một ý tưởng với ngôn ngữ xúi dục vi phạm luật lệ hay tạo ra bạo động và phán rằng tin tưởng hay thuyết giảng một ý tưởng, dù cho là một ý tưởng cách mạng, vẫn không phải là một trọng tội nhưng xúi dục những người khác phá luật sẽ là một tội đại hình. Như vậy hội viên của các tổ chức dù cho có thảo luận về các nguyên tắc lật đổ chính quyền vẫn được che chở bởi Tu Chính Án Thứ Nhất trong khi đó, tổ chức một cuộc cách mạng hay trù liệu một vụ đặt bom sẽ không được che chở. Vị chánh án Hugo Black cũng nói: Các nhà độc tài chắc hẳn phải đàn áp các động lực và niềm tin có vẻ như lật đổ các chế độ xấu xa của họ, nhưng sự dẹp bỏ các động lực và niềm tin đó đối với tôi là trái nghịch với điều mà Hiến Pháp đã chủ trương. Tu Chính Án Thứ Nhất cung cấp một loại hệ thống an toàn để bảo vệ một chính quyền tự do.
Trong thập niên 1950, phần lớn các vụ án về tự do ngôn luận liên quan tới các đảng viên cộng sản nhưng các tổ chức chính trị khác cũng bị phán xét về cách trắc nghiệm gọi là mối nguy hiểm rõ ràng và hiện tại. Vào năm 1969, ông Clarence Brandenburg, lãnh tụ của tổ chức Ku Klux Klan tại tiểu bang Ohio, tổ chức một cuộc tụ tập trên hè phố và đốt cây thánh giá để chứng tỏ sự khinh miệt các người da đen và Do Thái. Khi cảnh sát ra lệnh phải giải tán, ông Clarence đã không tuân lệnh nên bị bắt giữ. Trong vụ án Brandenburg v. Ohio -1969, Tòa Tối Cao đã tuyên bố rằng ông Clarence được bảo vệ bởi Tu Chính Án Thứ Nhất bởi vì không thấy có dấu hiệu của mối nguy hiểm rõ ràng. Điều này có nghĩa là một diễn giả có thể hô hào bạo động, lời nói vẫn được bảo vệ theo Hiến Pháp cho đến khi nào cuộc bạo động thực sự xẩy ra. Ngày nay, khi truy tố một số người vì bày tỏ các ý tưởng, chính quyền phải chứng tỏ cho thấy lời hô hào trực tiếp dẫn tới cách bạo hành (violence) hay các tội ác khác (crimes).
Tu Chính Án Thứ Nhất tuy bảo vệ quyền tự do ngôn luận nhưng không che chở việc dùng thứ tự do này để làm hại thanh danh của người khác, thường được gọi là gièm pha (defamation). Thí dụ về gièm pha là nói sai sự thật rằng ông giám đốc nọ ăn hối lộ, ông bác sĩ kia là một lang băm, ngân hàng nào đó đang phá sản… Cách gièm pha có thể dùng tới lời nói hay dùng chữ viết. Nếu dùng lời nói như trong một buổi thuyết giảng hay trên vô tuyến truyền thanh, thì cách bôi nhọ này được gọi là nói xấu (slender) còn cách bôi nhọ bằng báo chí, hình vẽ chế riễu, bích chương, phim chiếu bóng và truyền hình thì được gọi là phỉ báng (libel). Cả hai cách nói xấu và phỉ báng đều bị coi là bất hợp pháp vì đã làm tổn thương đến nghề nghiệp và đời sống của người khác.
Mặt khác, việc chỉ trích các công viên chức (public officials) không bị coi thuộc vào tội gièm pha. Năm 1964, tờ báo New York Times có cho đăng một quảng cáo do một nhóm dân quyền trả tiền. Phần quảng cáo này nói rằng cảnh sát của khu vực Montgomery, Alabama, đã thi hành một loạt khủng bố (a wave of terror) đối với các sinh viên phản đối. Vị chỉ huy cảnh sát là ông L.B.Sullivan cho rằng tờ báo New York Times phỉ báng ông và các viên chức khác cũng kiện tờ báo này, đòi bồi thường tới 5 triệu Mỹ kim. Tòa án Alabama đã tuyên án ông Sullivan được bồi thường $500,000 . Khi tờ báo New York Times kháng cáo lên Tòa Tối Cao thì các vị thẩm phán của Tòa này đã đồng thanh bác bỏ việc bồi thường cho ông Sullivan. Tòa Tối Cao tuyên bố rằng chỉ trích các công viên chức cũng như chỉ trích chính quyền là quyền căn bản được Tu Chính Án Thứ Nhất bảo vệ trừ khi có thực sự ác ý hay không đếm xỉa gì tới sự thật.
Kể từ vụ kiện tờ báo New York Times, tòa án đã nói rằng các công viên chức, các nhân vật nổi tiếng (public figures) thí dụ như các lực sĩ nhà nghề hay các diễn viên sân khấu, là những người có nhiều cơ hội về truyền thông nên có thể chứng minh các lời tố cáo sai sự thực, vì vậy họ không được bảo vệ về các lời chỉ trích.
Thông thường việc chỉ trích các nhân vật nổi tiếng được Tu Chính Án Thứ Nhất bảo vệ nhưng cũng có trường hợp việc phỉ báng của giới truyền thông bị lên án. Năm 1981, diễn viên Carol Burnett đã kiện tờ báo National Enquirer có số phát hành toàn quốc, về tội phỉ báng bởi vì vào năm 1976, tờ báo này đã cho phổ biến một câu chuyện sai sự thực, theo đó ông Burnett đã xỉ nhục (insult) Bộ Trưởng Ngoại Giao Henry Kissenger trong một nhà hàng tại Washington. Căn cứ vào vụ án của tờ New York Times, tòa án đã cho rằng bài báo của tờ Enquirer đã không đếm xỉa gì tới sự thật.
Quyết định về vụ án Burnett này đã chứng tỏ báo chí đã lạm dụng quyền lực và vụ án kể trên đã làm nản lòng các nhà báo vô trách nhiệm, những người tạo ra các vụ tai tiếng giả tạo để bêu xấu những nhân vật nổi danh trong khi đó cũng có một số người e ngại rằng các vụ án về gièm pha kiện báo chí sẽ giới hạn sự tự do ngôn luận và tự do báo chí.
Quyền tự quyết định là căn bản của tự do. Người dân phải có tự do theo đuổi các ý kiến riêng của họ và có quyền không đồng ý với chính quyền hay khối đa số. Việc đàn áp những người không gây ra các mối nguy hiểm, các đe dọa về trật tự xã hội, thường do sự sợ hãi (fear) và lòng bất dung thứ (intolerance), và cũng có khi do các nhà chính trị muốn nổi trội nên đã thao túng công luận, tạo dựng nên sự sợ hãi và thù ghét bằng cách lợi dụng lòng ái quốc.
Ngày nay trên thực tế, vấn đề tự do cá nhân được cứu xét trên sự cân bằng giữa các quyền lợi của cá nhân và các quyền lợi của xã hội, và Tòa Án Tối Cao là cơ quan phán xét các lời cuối cùng về phương cách cân bằng căn cứ vào Hiến Pháp và Luật Dân Quyền.
Phạm Văn Tuấn
One Comment
Hồng Phúc
Một người rất ngưỡng mộ tác giả Phạm Văn Tuấn. Mong được liên lạc trực tiếp (email) với tác giả.
Thành thật cảm ơn.
Hồng Phúc
PO Box 771290
Wichita, Kansas 67277 – USA
Email: ngaynay@cox.net
Tel: 316-393-7778