Dư luận giới trí thức Việt Nam đang bày tỏ nỗi lo lắng về việc chính quyền Trung Quốc sẽ thành lập một Viện Khổng Tử; một thành công của Thủ tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường trong cuộc công du hai tuần trước ở Việt Nam. Khi chuyến đi kết thúc, hai ông Lý Khắc Cường và Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố đã thỏa thuận về việc này.
Ngay lập tức, những nhà trí thức có ảnh hưởng trên các mạng như Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, học giả Dương Danh Dy, một nhà ngoại giao về hưu đã từng làm việc ở Trung Quốc, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, và nhiều người khác, đã lên tiếng bác bỏ việc lập ra một Học viện Khổng Tử trong lúc chính quyền cộng sản ở nước ta tỏ ra không có một ý thức nào về cuộc tấn công “quyền lực mềm” của Cộng sản Trung Quốc.
Có thể nói ông Lý Khắc Cường đã đạt được một thắng lợi đáng kể trong chuyến đi vừa qua. Vì từ năm 2009, đảng Cộng sản Việt Nam đã có công văn cho phép thành lập một “Học viện Khổng Tử” tại Việt Nam; nhưng chưa làm gì cả. Năm 2011, ông Tập Cận Bình, lúc còn làm phó chủ tịch Trung Quốc, tới Hà Nội cũng đã thúc giục cần“xây dựng nhanh chóng Học viện Khổng Tử tại Việt Nam.” Kể từ năm 2009 tới nay đã là hơn bốn năm, guồng máy chính quyền Việt Nam chưa thấy có một chuyển động nào để thực hiện cái công văn cũ, rồi cũng không ai động đậy gì để đáp lời thúc giục của Tập Cận Bình. Có thể đoán, ngay trong số các đảng viên cộng sản đang ngồi trong guồng máy nhà nước, họ cũng biết lo, và tìm cách trì hoãn, không làm gì cả.
Năm nay, Lý Khắc Cường làm cái gì không biết mà đã buộc Nguyễn Tấn Dũng phải ra đứng trước công chúng chấp nhận việc cho Viện Khổng Tử ra đời. Việc thành lập những Viện Khổng Tử có đáng cho dân Việt Nam lo sợ hay không? Nếu có, thì sợ về cái gì? Ðó là điều chúng ta cần bàn trước khi chọn một cách phản ứng.
Có nhà trí thức đã nhìn thấy trong việc thành lập Viện Khổng Tử một mối đe dọa: Chính quyền Cộng sản Trung Hoa tính “cho đạo Khổng nô dịch dân Việt.” Phản ứng này hoàn toàn do cảm tính, vì lòng yêu nước và vì mối lo sợ khi thấy chính quyền Cộng sản Việt Nam vẫn quen giữ thái độ nhu nhược, hèn yếu, Trung Cộng bảo sao cũng nghe. Chúng ta biết rằng đạo Khổng đã được truyền bá ở nước ta từ hàng ngàn năm trước, mà dân ta vẫn không bao giờ chấp nhận bị nô dịch. Có những chính quyền chịu làm nô dịch, nhưng số phận của họ rất ngắn ngủi, vì đi ngược lòng dân. Các chính quyền sử dụng đạo Khổng đầu tiên là đời Lý, đời Trần, đều biết bảo vệ nền độc lập dân tộc, cả về chính trị lẫn văn hóa! Muốn nô dịch dân Việt, không phải dễ làm!
Kế hoạch đồng hóa dân Việt tàn khốc nhất được thi hành mới cách đây 600 năm. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi mới cho công bố lại những điều ông khám phá trong sách Việt kiệu thư, cho biết và năm 1406, vua Thành Tổ nhà Minh ra lệnh cho quân đội xâm lược nước ta, sau khi đã đánh vào An Nam rồi, trừ các sách kinh, Ðạo giáo, Phật giáo, “hết thảy sách vở văn tự cho đến sách ghi chép lễ tục, sách dạy trẻ con,… một mảnh một chữ đều phải tiêu hủy hết. Khắp trong nước ấy phàm những nơi di tích có bia do Trung Quốc dựng thì giữ lại, còn các bia do An Nam dựng thì phá hủy hết, một chữ chớ để còn. Một sắc dụ gửi Chu Năng còn căn dặn “các văn tịch (sổ hộ khẩu sổ ghi chép về của cải) và bản đồ cho tới cấp quận ấp, thì không được hủy. Cuộc đô hộ của nhà Minh chỉ kéo dài được 20 năm nhưng đã hủy diệt bao nhiêu tài sản văn hóa của dân tộc Việt. Nhưng nếu nước ta chưa bị Trung Cộng chiếm đóng như thời Minh Thành Tổ, thì dù những Viện Khổng Tử lập ra cũng không hủy diệt được văn hóa dân tộc Việt!
Có thể nói người Việt Nam không hề sợ, cho nên đã thành lập những Viện Khổng Tử từ lâu lắm rồi, gọi là Văn Miếu. Vào trong Văn Miếu ở Hà Nội ai cũng thấy đó là nơi thờ các ông Khổng Tử, Mạnh Tử, và các bậc tiên hiền, người Việt cũng như người Trung Hoa. Nhưng cái “Viện Khổng Tử” này, do Lý Nhân Tông lập ra từ năm 1070, đã “làm xong nhiệm vụ lịch sử” của nó từ trăm năm nay rồi. Vì ngay tại các quốc gia Ðông Á còn giữ truyền thống Khổng Mạnh, như Nhật Bản, Ðài Loan, Nam Hàn, Singapore, họ cũng biết lưa chọn. Người ta vẫn bảo vệ các nền nếp đạo đức do hai ông thày này để lại, các quy tắc trong đời sống cá nhân, gia đình, bè bạn; những quy tắc luân lý đó còn nhiều điều ích lợi: Sống ngay thẳng, thành thật, kính trọng cha mẹ, hòa thuận với anh chị em, giữ tín nghĩa với bè bạn, vân vân. Còn tất cả các quan niệm khác do môn đồ các ông Khổng Tử, Mạnh Tử đặt ra, về trị quốc, về bình thiên hạ, thì bây giờ không còn ai cần học nữa. Kho kiến thức của loài người đã đầy các điều mới mẻ, tiến bộ, đáng học là làm theo hơn hai ông thầy cũ này.
Biết như vậy, cho nên cũng không nên mang mối lo sợ thứ hai: Sợ Trung Cộng sử dụng các Viện Khổng Tử để thi thố cái gọi là “quyền lực mềm” của họ. Quyền lực mềm có thể gia tăng ảnh hưởng của các quốc gia trên các nước khác, không khác gì các quyền lực “cứng” như súng đạn, và tiền bạc. Vậy quyền lực mềm là những thứ gì mà gây được ảnh hưởng trên các nước khác? Ðó là những định chế xã hội, các sản phẩm văn hóa, các trường đại học, các viện nghiên cứu khoa học, cho tới hệ thống pháp luật, thủ tục hành chánh, nghệ thuật quản lý, vân vân. Hiện nay thế giới đang “chạy” bằng các sản phẩm tri thức như vậy, tiến nhanh hay chậm, thấy liền.
Những nước tiến bộ đều nhờ có những định chế hay; đời sống tươi đẹp vì các sản phẩm văn hóa phong phú; xã hội bình anh vì cách tổ chức và luật pháp về chính trị, kinh tế có hiệu quả, vân vân. Những thứ đó tự nó hấp dẫn mọi người, không cần ai mua chuộc hay ép buộc phải theo cả. Những nước tiến bộ có “sức mạnh mềm,” vì các nước khác nhìn cảnh tiến bộ của họ mà thèm! Và muốn bắt chước. Do đó, họ có thể gây ảnh hưởng trên các nước khác.
Khi xét như vậy thì các Viện Khổng Tử có giúp chính quyền Trung Cộng sử dụng một thứ sức mạnh mềm nào hay chăng? Có thể nói ngay là không có gì hết! Những nước Á Ðông khác còn biết sử dụng Khổng Giáo để bảo về đạo đức cá nhân trong cuộc sống; còn ngay trong Trung Quốc thì không! Có dân tộc nào muốn thiết lập một xã hội bất công và tham nhũng như ở nước Trung Hoa bây giờ hay không? Có trường đại học hay viện nghiên cứu nào của Trung Quốc đáng để sinh viên các nước khác tranh đua vào học hay không? Có thể nói, Sức mạnh mềm của Trung Quốc bây giờ gần như là số không!
Vậy tại sao họ vẫn chi tiền ra để thành lập các Viện Khổng Tử?
Họ muốn dùng đó làm cơ sở tuyên truyền, một sở trường của các chế độ cộng sản. Ðiều đầu tiên họ muốn tuyên truyền là chứng tỏ chính quyền Trung Cộng có một bộ mặt hiền từ, mô phạm, dưới hình ảnh Khổng Tử. Ai tin thì cứ việc tin, nhất là ở những nước ở xa. Nhưng còn những nước ở gần thì sao? Nếu có ai biết sự thật đầy đủ, thấy cả những bộ mặt hung hãn, gian xảo của họ và dám nói lên, thì họ sẽ tìm cách bịt miệng người ta lại.
Chuyện thứ hai họ sẽ nhắm là đào tạo những người hoàn toàn có thiện cảm với họ, qua các cuộc trao đổi, mua chuộc, rồi tìm cách gài những người này vào guồng máy chính quyền bản xứ để lúc nào cũng đồng ý, nhất trí với chính quyền Trung Cộng. Nếu guồng máy cai trị bản xứ mà đã có sẵn những tay sai như vậy rồi thì càng tốt. Vì chính bọn tay sai này sẽ làm công việc bịt miệng dân, không cho ai nói ngược lại những lời tuyên truyền của Trung Cộng!
Viện Khổng Tử chính nó không nguy hiểm; nhưng sẽ tác hại cho nước Việt Nam nếu chúng được sử dụng cho mục đích tuyên truyền cho chế độ cộng sản Trung Quốc.
Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện biểu lộ nỗi quan ngại của ông: “Phải thừa nhận rằng giới lãnh đạo của Việt Nam có một sự hiểu biết rất hạn chế về văn hóa của Trung Quốc. Mà việc tuyên truyền, gây sức ép cũng như ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc lên Việt Nam là quá mạnh. Ðiển hình là vừa rồi có những công trình tu bổ hoặc xây mới mang đậm dấu ấn Trung Quốc. Thêm vào đó, có hàng loạt các ngôi chùa từ Nam chí Bắc trùng tu, trang trí theo kiểu Trung Quốc.” Ðó là trước khi có chuyện lập Viện Khổng Tử! Chính quý vị tăng, ni trong nước đã bày tỏ mối lo ngại là Trung Cộng đang đưa tiên giúp trùng tu các chùa chiền, để gây ảnh hưởng trên cả cách bài trí cho tới các nghi lễ trong các chùa. Nhạc sĩ Trần Văn Khê từng nghiên cứu các cách tụng kinh của người Việt, mỗi miền (Nam, Trung, Bắc) có giai điệu tụng, xướng, niệm, tán, vân vân, khác nhau. Vì nghe thì thấy ngay âm điệu tụng kinh chịu ảnh hưởng của dân ca mỗi miền. Bây giờ Trung Quốc đang xâm nhập vào các chùa Việt Nam. Bao giờ mà Phật tử Việt cũng tụng kinh theo âm điệu Quảng Ðông, Phúc Kiến, thì chắc lúc đó Bắc Kinh cũng không cần lập nhiều Viện Khổng Tử nữa!
Trong khi đó, nhà ngoại giao hồi hưu Dương Danh Dy, với kinh nghiệm ở Trung Quốc nhiều năm, còn nhắc nhở thêm: “Người Trung Quốc thì ý đồ bành trướng xâm chiếm lãnh thổ của họ rất dài. Họ sẵn sàng chờ đợi 10 năm, 20 năm, 30 năm thậm chí là hàng trăm năm. Chưa lấy được biển Ðông thì họ chưa thôi trừ phi đất nước Trung Quốc suy yếu đi.”
Với những điều đáng lo như thế, chúng ta có thể hiểu được tại sao giới trí thức Việt Nam lại phản ứng mạnh mẽ, chống lại thỏa hiệp giữa Lý Khắc Cường và Nguyễn Tấn Dũng về việc thành lập học viện Khổng Tử.
Ngô Nhân Dụng