Cuộc Bầu cử Tổng Thống thứ 57 đã diễn ra vào ngày 6 tháng 11 năm 2012.
Trong cuộc bầu cử năm 2012 Cử Tri Đoàn (CTĐ/Electoral College) trên toàn quốc gồm có 538 cử tri (electors), ngang với tổng số nghị sĩ và dân biểu của 50 tiểu bang, cộng với 3 cử tri của District of Columbia (100 nghị sĩ +435 dân biểu+3 phiếu của D.C.).
Thông thường thì ứng cử viên Tổng Thống và Phó Tổng Thống được coi là thắng cử nếu đạt được số Phiếu Dân Bầu (popular vote) cao nhất và cũng gom được số phiếu CTĐ tối đa, năm nay là 270 phiếu (538 CT chia đôi = 269 CT+1) trên toàn quốc.
Trong mọi trường hợp, quyết định của CTĐ [Electoral College vote] là tối hậu, dù ngược lại với ý định của dân qua số Phiếu Dân Bầu (PDB/Popular vote). Đó là lý do mà lần thứ tư trong lịch sử bầu cử Tổng Thống và Phó Tổng Thống Hoa Kỳ, tại cuộc Bầu cử năm 2000, Bush được chọn làm Tổng Thống dù được ít PDB (50,456,062) trên toàn quốc, nhưng lại đã gom được 271 phiếu CTĐ, hơn số phiếu cần thiết (270) để đắc cử. Ngược lại, ứng cử viên Gore đã thua dù có số PDB cao hơn (51,003,926), nhưng chỉ gom được 266 phiếu CTĐ.[1]
Đáng lẽ ứng cử viên Mit Romney của Đảng Cộng Hoà phải thắng cuộc bầu cử Tổng Thống 2012 một cách dễ dàng, vì cuối nhiệm kỳ đầu của Tổng Thống Obama, dân chúng Hoa Kỳ đang đối mặt với:
- một Đương Kim Tổng Thống[2] [ĐKTT] nhiều nhược điểm;
- một nền kinh tế còn kiệt quệ, thâm thủng, ngoi ngóp;
- một mức độ thất nghiệp cao, gần 8% từ nhiều năm qua;
- một án lệnh của Tối Cao Pháp Viện cho phép tăng trưởng tài trợ kinh phí tranh cử không hạn chế;
- bên cạnh một ứng cử viên Cộng Hoà có thành tích ôn hoà và nhiều kinh nghiệm kinh doanh trong quá khứ, khi làm Thống Đốc Tiểu Bang Massachussetts…
Ấy thế mà kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống cuối ngày mùng 6 tháng 11 năm 2012 lại khác hẳn với dự đoán: ĐKTT Obama dẫn đầu với 60,346,821 phiếu dân bầu [PDB], với tỷ số 50.4%, trong khi Romney nhận được 57,559,156 PDB, VỚI 48.1%.
Số Phiếu Dân Bàu trên cũng đã ảnh hưởng tới sự lựa chọn của Cử Tri Đoàn, do đó Obama nhận được 303 phiếu Cử Tri [CT], trong khi Romney thu được 206 phiếu. Điển hình như là:
Phiếu Cử Tri |
Obama |
Romney |
ELECTORAL VOTES (270 TO WIN) |
303 |
206 |
Với kết quả gây cấn [Phiếu Dân Bầu] tại các Tiểu Bang “Sôi Đậu” nghiêng ngửa [Swing States]:
OBAMA |
ROMNEY |
|
VIRGINIA99% RPT. | ||
FLORIDA100% RPT. | ||
N. CAROLINA100% RPT. | ||
OHIO99% RPT. | ||
NEW HAMPSHIRE99% RPT. | ||
COLORADO94% RPT. | ||
WISCONSIN100% RPT. | ||
IOWA99% RPT. | ||
NEVADA99% RPT. |
Và Tổng Phiếu Dân Bầu Toàn Quốc [National Popular Vote]
OBAMA |
ROMNEY |
|||||
TOTAL |
60,346,821 |
57,559,156 |
||||
PERCENT |
50.4% |
48.1% |
||||
Khi kết quả kiểm PDB đã hoàn tất tại tất cả 50 Tiểu Bang, Obama sẽ lấy nốt tổng số 29 PCT của Florida và sẽ là vị Đương Kim Tổng Thống được tái cử và thắng lớn với 332 Phiếu Cử Tri toàn quốc, so với số 206 PCT dành cho Romney.
Tuy nhiên, đây là một cuộc bầu cử nhiều hào hứng, bất phân thắng bại, với một tỷ lệ Phiếu Dân Bầu sát nút dành cho cả hai đối thủ: Obama 51% PDB và Romney 49% PDB. Với nhiều hân hoan cho người dân ủng hộ Obama[care] của Đảng Dân Chủ. Với nhiều thất vọng tràn trề cho những ai đắm đuối với Romney và Ryan của Đảng Cộng Hoà trong cuộc bầu Tổng Thống Hoa Kỳ 2012 này.
Liệu sự chọn lựa “màu cờ sắc áo” trên có dẫn tới hiện tượng một đất nước chia rẽ trầm trọng về lập trường và định hướng mà cơ quan công luận, các chính trị gia gọi là “a deeply divided nation”?[3]
I. Những Lý Do Khiến Barack Hussein Obama Tái Đắc Cử Tổng Thống
1. Tổ Chức Tranh Cử:
Với tư cách Đương Kim Tổng Thống [ĐKTT], Barack Hussein Obama có gần 4 năm của nhiệm kỳ đầu để sửa soạn “tức khắc” cuộc tranh cử cho nhiệm kỳ 2. Do đó Obama đã gây được rất nhiều hậu thuẫn và tiền bạc để tổ chức hơn 140 trung tâm vận động tranh cử trên toàn quốc, trong khi ứng cử viên Cộng Hoà Mitt Romney chỉ có chưa đầy 3 mùa xuân, hạ, thu để tranh cử, với một quỹ vận động tranh cử ít ỏi hơn nhiều, với vỏn vẹn chưa tới 40 văn phòng vận động thường trực.
2. Kinh nghiệm tổ chức cộng đồng của Obama tại Chicago, Tiểu Bang Illinois, lại giúp Obama trong kỳ tranh cử này thấy rõ nhu cầu của các cộng đồng gặp khó khăn tại các địa danh nhiều trở ngại về mặt kinh tế, xã hội. Dù thực sự các chương trình kinh bang tế thế hãy còn thâm thủng về mặt vĩ mô, nhưng tới cách thức trợ giúp dân khổ tại hạ tầng cơ sở, thì Obama lại có sáng kiến, dù tạm bợ, dù ít ỏi, nhưng khả thi, khả kiến, cốt để làm vừa lòng dân. Mị dân đôi khi cũng có hiệu lực tức thời — an ủi, vỗ về. Dù là biện pháp “band-aid”, nhưng vẫn là những trợ giúp có hiệu lực trông thấy ngay. Chúng ta đừng ngạc nhiên, trong khi kinh tế đang suy thoái, lại thấy chính phủ Liện Bang cấp chi phí cho những dự án mở đường, xây cầu, dựng tường cảnh, đôi khi phí phạm, không cần thiết. Nhưng lại cần để có thêm công ăn việc làm cho dân thấy ngay tức khắc.
3. Nghiêng về Mạng Lưới Xã Hội, Sắc Dân, Giới Tính
Tổ chức tranh cử của Obama tăng cường về mặt kỹ thuật kết nối tinh vi mạng lưới chính trị xã hội, hạ tầng cơ sở; nhằm vào giới trẻ; sắc dân da màu, nhất là Mỹ-Phi Châu, Mỹ gốc Latino [Hispanic/Mỹ La Tinh]; có dấu hiệu móc nối cả với thành phần di dân bất hợp pháp [?], phạm pháp [?], nhằm tăng trưởng số người đi bầu một cách khoáng đại, dễ dãi, miễn thuận lợi cho mục tiêu “kết đầu” chính trị của Đảng cầm quyền. Nếu đó là sự thật, nếu những vi phạm luật bầu cử lại được “hợp thức hoá” một cách tinh vi, gian trá, hay bỏ qua cho tiện, thì những thủ đoạn tranh cử, thu dân, kết nạp lá phiếu đó có khác gì những mánh lới pháp quyền rừng rú của CSVN? Nếu đó chỉ là những tin đồn thất thiệt, vu khống, không đúng sự thực, thì thật là may mắn cho chính nghĩa dân chủ Hoa Kỳ. Rất mong phải là như vậy.
Ở các Tiểu Bang Colorado, New Mexico, Nevada, Ohio, Virginia, Florida, sắc dân Latino đã chọn Obama với tỷ lệ tư 60% tới 87% mà chỉ dành cho Romney một tỷ số rất khiêm nhường. Tổng số người di dân gốc Latino/Mỹ La-Tinh đang vượt quá 50 triệu dân mà một nửa nay đủ quyền ứng cử và bầu cử một cách hợp lệ, hợp pháp.
Thành phần cử tri trên toàn quốc có su hướng bầu và chọn Obama đa số bao gồm giới thành thị; nữ giới độc thân, có học vấn và nghề nghiệp, chủ trương bảo vệ quyền tự quyết phá thai; và các công dân cấp tiến, nam và nữ, đã từng chủ trương hay cảm tình với chế độ phối ngẫu đồng tính, mỗi lúc mỗi hợp pháp hoá tại cấp Tiểu Bang, thị trấn.
4. Đặt Trọng Tâm vào các Tiểu Bang “Đong-Đưa”/Swing States
Kết quả sơ khởi của cuộc Bầu Cử Tổng Thống 2012 cho thấy Obama đã thắng hầu hết tại các Tiểu Bang “Đong-Đưa” [TBĐĐ] hay Swing States như Ohio, Virginia, Colorado, Iowa, Wisconsin, Nevada, New Hampshire, Florida. Số Phiếu Cử Tri tại các TBĐĐ đã hùn hợp với số PTC của hai Tiểu Bang bàn đạp Dân Chủ là New York [29 PCT] và California [55 PCT] để giúp Obama thắng cử với tổng số 332 PCT trên toàn quốc. Lý do là tổ chức tranh cử của Obama đã “xuất quân” sớm và miệt mài gây ưu thế và cảm tình tại các TBĐĐ/Swing States trên, mà đa số dân chúng có lập trường độc lập, cấp tiến, linh động, với thành tích quyết định tối hậu, đóng chốt, của những cuộc bầu cử Tổng Thống trước đây.
5. Cứu Nguy Các Hãng Sản Xuất Xe Hơi và Phụ Tùng
Obama đã quyết liệt bơm 80 tỷ Mỹ Kim vào các hãng sản xuất xe hơi để cứu nguy Chrysler LLC [Jeep], General Motors khỏi bị phá sản, và như vậy đã cứu vớt công ăn việc làm của 150,000 gia đình thợ thuyền cơ xưởng trên và gần 600,000 gia đình nhân công khác thuộc các ngành sản xuất phụ tùng liên hệ. Đó là lý do tại sao hai Tiểu Bang Michigan và Ohio nghiêng về Obama.
6. Về mặt Thực Tế Mưu Sinh, trong năm tranh cử [2012], Chính phủ Liên Bang Obama không quá tệ về cách đối phó thăng trầm mậu dịch trong và ngoài nước, nên dân chúng Hoa Kỳ phần nào cảm thấy bớt áp lực của sự suy thoái kinh tế trước đây. Ngoài ra, thành phần tài phiệt, chủ nhân ông tối cao của quyền lợi Hoa Kỳ cũng đã bắt đầu quen với lề lối làm việc của Obama, nên “không muốn thay ngựa giữa dòng” và đã để yên cho Obama thực hiện nốt những điều hứa hẹn về mặt kinh bang, tế thế, bình thiên hạ. Họ nghĩ Obama trong nhiệm kỳ hai sẽ vững vàng, khôn khéo, hoà hoãn hơn với phe đối lập, như Bill Clinton đã từng làm trước đây, trước khi kết thúc nhiệm kỳ hai.
7. Về Mặt Ngoại Giao, Obama tỏ ra thành công, vì biết dùng thế thế cường lực một cách hạn chế [“mixing muscularity with restraint”],[4] vừa đủ nghị lực rút quân ra khỏi Iraq và Afghanistan; tránh tham chiến trực tiếp tại Syria; tránh hồ đồ khai chiến với Iran; dồn lực triệt hạ quân khủng bố và cứng rắn thay đổi quyền lực tại Libya.
8. Cơn bão Sandy xẩy ra ngay trong giai đoạn cuối cuộc tranh cử có thể được coi là “bùa hộ mệnh” hay cái “hên-trời-cho”[5] của Obama. Với tài dàn cảnh của Chris Christie, Thống Đốc Tiểu Bang New Jersey, qua đài truyền hình toàn quốc, dân chúng lại có dịp mủi lòng và cảm phục Obama đã bỏ tranh cử để “tận tụy” lo lắng cho các nạn nhân của trận bão khủng tại vùng bờ biển phía đông bắc Hoa Kỳ. Khó mà phân biệt nổi thành tâm của sứ mạng vĩ nhân cao cả của một vị Tổng Thống đương nhiệm lo lắng cho dân khổ hay tài năng bắt nắm cơ hội bằng vàng để tranh cữ thu hút lòng dân. Chắc cả hai tiêu biểu đều đúng.
9. Sự trợ giúp của cựu TT Bill Clinton có bề hữu hiệu, khi ông ta tham dự cuộc tranh cử của Obama và giải bầy với công chúng là một Tổng Thống cần có hơn 4 năm, hay được tái đắc cử để hoàn thành sứ mạng cải tiến nền kinh tế trong và ngoài nước. TT Bill Clinton coi mình là trường hợp đáng tin cậy. Nhiều người khi đã tin Bill Clinton sẽ tin Obama. Dù chưa kiểm chứng đầy đủ.
II. Những Lý Do Khiến Mitt Romney Thất Cử Tổng Thống
1. Mitt Romney đã kiệt sức và hết tiền vận động tranh cử ngay sau khi phải đương đầu trong những buổi tranh luận [debates] nội bộ Đảng song song với những cuộc Bầu Cử Sơ Khởi [caucuses/Primary Election] tại cấp Tiểu Bang nhằm chọn lựa Ứng Cử Viên Tổng Thống cho Đảng Cộng Hoà. Do đó, Mitt Romney đã mất quá nhiều thì giờ trong suốt cả mùa hè để lo chạy tiền kinh phí tranh cử, lăn lóc xin xỏ nhà giầu hơn là gần gũi, thăm hỏi, kích thích dân chúng hậu thuẫn. Như vậy Mitt Romney không đủ thời gian cần và đủ để dồn lực vào nội dung, đường lối và tổ chức tranh cử cho hữu hiệu. Nhân lực tổ chức tranh cử của Mitt Romney cũng ít ỏi, lúng túng hơn “giới chuyên nghiệp” đắc lực của Đương Kim Tổng Thống Barack Obama.
2. Muốn được chọn làm Ứng Cử Viên Tổng Thống cho Đảng Cộng Hoà, Mitt Romney dù có thành tích ôn hoà và nhiều kinh nghiệm kinh doanh trong quá khứ, khi làm Thống Đốc Tiểu Bang Massachussetts, cũng đã phải thay đổi lập trường và sát nhập với quan diểm bảo thủ, cứng rắn của Đảng Cộng Hoà.
3. Do đó, vì Đảng, Mitt Romney đã phải tuyên bố lập trường cứng rắn, lỗi thời, vô cảm đối với chính sách di dân; thuế má; hâm nóng toàn cầu; an sinh xã hội; quyền tự quyết và trợ cấp của nữ giới về phá thai; hôn phối đồng tính, v.v.
Kết quả là Mitt Romney đã mất sự ủng hộ cần thiết [đáng lẽ có, nếu Ông ôn hoà, cởi mở như trước đây] của nhóm đầu phiếu trẻ, đàn bà, sắc dân Latino/gốc Hispanic Trung Mỹ, giới trí thức chuyên gia trung lưu. Hình ảnh “khả ái” của Mitt Romney không bao giờ sáng sủa. Nếu không lu mờ thì nhân ảnh đó cũng vướng víu, lệch lạc, thiếu dàn cảnh, đánh bóng như trường hợp của Obama. Dân chúng thì lại sẵn có thành kiến, mà tổ chức của Romney lại không biết cách lay động, chuyển hoá có lợi cho mình.
4. Ngoài những lầm lỗi “của đảng, cho đảng, do đảng”, Mitt Romney cũng phạm vào một số lầm lỗi cá nhân. Thật vậy, Romney đã từng:
[a] tung ra những màn quảng cáo nhạt nhẽo, thiếu chính xác trên đài truyền hình;
[b] tung ra tin thất thiệt, vào thời điểm cuối của cuộc vận động tranh cử, qua các đài truyền hình tại Toledo, Ohio, là hãnh Chrysler sẽ di chuyển cơ sở sản xuất xe Jeep sang Trung Quốc. Do đó đã gây hoang mang và làm mất lòng tin của người dân Ohio;
[c] chống việc tháo khoán cứu nguy các hãng Chrysler, General Motors và sẵn sàng để nền Kỹ nghệ Xe hơi của khu vực Detroit/Lansing phá sản. Như vậy Romney làm cách nào mua chuộc được lại dân Michigan?
[e] tuyên bố xanh rờn là “47% dân Hoa Kỳ không bầu cho Ông, vì họ là lũ ăn bám, ăn hại, sẵn sàng chọn Obama để tiếp tục ăn không” [“…the 47% of Americans who would never vote for me because, basically, free-lunchers want Obama and the free lunch to continue”]. Dù sau đó Romney cố giải thích tới mấy, lời lẽ trên cũng đã làm mất lòng dân vì hàm chứa sự vô cảm, khinh miệt đối 47% toàn dân trong nước; còn tỏ sự kém cỏi thiếu khả năng cải tiến đời sống của dân nghèo túng, nhất là đối với giai cấp trung lưu trở thành “free lunchers” ăn bám bất đắc dĩ, vì bỗng dưng thất nghiệp, sa thải, bỏ quên. Ai sẽ cứu họ, chắc không phải Romney khi đã kỳ thị họ. Những giai cấp này sẽ không bầu cho Romney, vì thất vọng không kiếm ra “minh chúa”, người lãnh tụ mà họ đang trông mong.
5. Mitt Romney bỏ quá nhiều công sức chống đỡ những tuyên truyền bôi nhọ của phe Obama, mà quên hẳn tấn công, hay tấn công quá ít, quá muộn trong việc bới móc những sai lầm của chính phủ Obama, như trong vụ che dấu tin khủng bố giết hại nhân viên ngoại giao tại Benghazi, Libya. Phải đợi tới buổi tranh luận cuối cùng, Romney mới moi lại vụ “Khủng bố Benghazi” khi báo chí và dân chúng đã quên hẳn, nên chả còn gây cấn gì nữa.
6. Khác với cơ duyên dành cho Obama, trái lại cơn bão Sandy lại là cái tai ương điềm sấu bỗng dưng đổ ập xuống cản mũi kỳ đà khi Mitt Romney vừa khai mở ít hào hứng từ cuộc tranh luận lần đầu với đối thủ Barack Obama. “The storm broke Romney’s momentum.”[6]
7. Ngoài ra, tôn giáo “Mormon” của Romney cũng có lúc đặt thành vấn đề với các giáo dân chính thống của Hoa Kỳ, kể cả trong khối tôn giáo bảo thủ của Đảng Cộng Hoà.
8. Cuối cùng, Mitt Romney không hề đưa ra nổi một chương trình quản trị, lãnh đạo đất nước một cách cụ thể, vững vàng, đủ sức và mức độ làm an tâm người dân, nhất là những người dân nhiều nghi kỵ, lưỡng lự, bất mãn của các Tiểu Bang “đong-đưa/swing states”. Hậu quả là giữa một đương kim tổng thống “bết” và một ứng cử viên đối lập “cũng bết”, không xuất sắc hơn, không đáng tin cậy hơn, thì tất nhiên người dân nhắm mắt cũng phải nắm lấy vị đương kim lãnh đạo, dù sao cũng đã quen với công việc giao phó. Đó có lẽ đó là lý do tận cùng khiến 51% dân chúng Hoa Kỳ chọn lại Barack Obama.
Để Tạm Kết
Cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ 2012 tốn kém nhất cho tới nay. Dù sao kết quả cũng là một bài học đáng tiền cho cả hai Đảng Cộng Hoà và Dân Chủ.
1. Đối với Đảng Cộng Hoà và các Khuynh Hướng Bảo Thủ
[a] Không nên coi thường đối thủ [hay địch]. Đừng quá tin vào lẽ tất nhiên, kiểu “laissez-faire” của thời cuộc tự do, thả lỏng. Cũng đừng quá tin lời dạy “bất chiến tự nhiên thành” – “Wait-and-See” Obama tự nhào. Không có đâu. Cả những cây mục nát kiểu CSVN cũng phải tổ chức đốn, nhổ, rồi dọn dẹp, trồng lại cây khác. Tự nó không đổ ngay đâu, vì nó chỉ tự biến thành thân mục nát, thành phân bón, đống ụ ù lì không cho phép trồng trọt lại, cầy cấy, vun xới lại. Phải ra tay đốn cây, phạt bụi, dọn rác, trồng lại.
[b] Dù bảo thủ tới mấy, lương tri và tâm thức vẫn phải linh động hoà đồng với những thay đổi, dịch biến chung quanh. Cần mở cửa quan sát, tiếp nhận thời cuộc và đời sống mới, cần cập nhật, nếu không sẽ lỡ chuyến tàu, bị bạn bè, con cái bỏ quên tại chỗ. Họ đi mà mình cứ đứng xừng xững, bất di bất dịch, sẽ xa cách, sẽ tụt hậu. Sẽ tự nhiên tụt hậu.
[c] Nếu không chịu thay đổi, mở rộng bàn đạp và kết sinh thế lực với những môi trường mới, những nỗ lực mới, toàn diện hơn, Đảng Cộng Hoà sẽ tự cô lập và một lần nữa sẽ lỡ tàu trong cuộc Bầu cử 2016. Dần dà, Đảng Cộng Hoà nguyên thủy, nếu không biết khởi phát, sẽ trở thành một đảng “thiểu số” chìm đắm trong quá khứ huy hoàng.
2. Đối với Đảng Dân Chủ và Các Khuynh Hướng Cấp Tiến
[a] Nhà lãnh đạo chân chính phải thực hiện những điều cam kết, hứa hẹn; không thể cho dân ăn bánh vẽ; tạo công ăn việc làm tạm bợ, cứu nguy cục bộ, phát triển giả tạo. Đó là lừa dân;
[b] Nhà lãnh đạo của dân, cho dân, bởi dân không thể lấy của kẻ này ban ơn cơm áo, quyền lợi cho kẻ khác một cách máy mọc, vô tri. Đó là tước đoạt, bóc lột theo tiêu chuẩn mị dân và ảo thuật vô lương.
[c] An sinh phải là một bảo đảm xã hội, sau khi người dân đã đóng góp. An sinh xã hội phải song hành với phát triển xã hội. Cộng sản sai. Tài phiệt cũng sai. Phân định bình sản và phẩm giá cho con người với một đời sống trung lưu, bảo đảm mới là đáng trọng, đáng sống, đáng thực hiện.
Hoa Kỳ sẽ duy trì thế lực lớn mạnh hơn, nếu đa dạng, đa thức, đa nguyên, biết kết sinh và kết lực bằng tự do và nhân phẩm toàn diện.
Vậy, trong một “đất nước chia rẽ”, kỳ thị về giai cấp tài lực, kiến thức văn hoá, giới tính, sắc tộc sẽ tự băng hoại, tự hủy, tự diệt. Không ai thắng, chỉ nhiều người thua.
Trân trọng,
TS-LS Lưu Nguyễn Đạt
CHÚ THÍCH
[1] “Ai Bầu, Ai Chọn? Ai sẽ Thắng — Obama hay Romney? Lưu Nguyễn Đạt, TS, LS, Việt Thức, October 18, 2012
[2] Incumbent President/Tổng Thống Đương Nhiệm [TTĐN]. The incumbent, in politics, is the existing holder of a political office. This term is usually used in reference to elections, in which races can often be defined as being between an incumbent and non-incumbent(s). For example, in the 2012 United States presidential election, Barack Obama is the incumbent, because he is the president in the current term while the election seeks to determine the president for the following term.
[3] HOFFMAN: With a deeply divided nation, no one wins.Grand Junction Free Press-Nov 2, 2012
[4]“Why the world wants Obama to win”, webgw22.mobile.bf1.yahoo.com/…/why-world-wants-obama-win-…Oct 24, 2012 – Obama has shown he’s capable of “mixing muscularity with restraint,” extricating the U.S. from wars in Iraq and Afghanistan, avoiding direct …“.
[5] “bùa hộ mệnh” hay “cái hên trời cho” của Obama có thuật ngữ tương tự là “dumb luck on Obama’s part” bằng Anh ngữ.
[6] “The storm, former Mississippi Gov. Haley Barbour told CNN on Sunday, “broke Romney’s momentum.”
16 Comments
Quan Luu
Bài bình luận của ông về kết quả cuộc bầu cửa TT Mỹ vừa qua hay.
Tôi đồng ý sự nhận xét của ông.
Quan Luu
VietHai Tran
Merci anh. Bài hay lắm, anh Đạt.
VHLA
TauBui
cám ơn anh Lưu Nguyễn Đạt cho đọc bài nhận xét tham luận về sự thành bại giũa Obama và Rommey quá hay! đúng là một luật-sư, một chính-tri kinh-tế gia …
mấy nguòi bạn của em họ đọc rất thich thú với nhận xét này! … Anh dùng câu rất hay “không ai muốn thay ngựa giữa dòng …nên để cho Obama thực hiện nốt những điều hứa hẹn về “kinh bang tế thê,bình thiên hạ”
vân-tẩu pa.
Đỗ Quý Bái
Kính thưa quý vị độc giả thân mến ,
Tôi chỉ quen biết TS,LS Lưu Nguyễn Đạt qua Tam Cá Nguyệt San Cỏ Thơm [do anh sáng lập] và có một lần gập mặt truyện trò nhân đưa con lên DC nhận việc với bộ Hải Quân . Chúng tôi chỉ có thời gian ngắn trò truyện nên không được biết nhiều về nhà thơ LNĐ dù tôi có tham gia như một thành viên của Foundation do LS đề xuất . Nhưng sáng nay sau khi đọc bài viết này của LS LNĐ Tôi phải thầm kính phục công phu nghiên cứu kỹ càng trước khi hạ bút của anh
nên trân trọng mời quý vị ưu thời mẫn thế kẻ yêu người ghét nên đọc bài viết giá trị của anh và khỏi cần tranh luận thêm nữa cho khỏi mất lòng nhau …
Trân trọng, Đỗ Quý Bái
Uyen Phuong Minh Nguyet
Một bài viết nhận định rất hay! Cám ơn anh Đạt đã chuyển cho em xem. Thân quý,
Uyen Phuong Minh Nguyet
Nguyễn Tấn-Hồng
Xin cảm ơn LS đã cho đọc một bài phân tích rất đầy đủ, chính xác.
Đặc biệt kinh nghiệm của cuộc tranh cử tại Hoa Kỳ cũng là một bài học cho những người Việt (có khuynh hướng chính trị khác nhau) muốn xây dựng một nước Việt Nam Mới,sau khi chế độ hiện tại xụp đổ.
Thân kính,
Nguyễn Tấn-Hồng
Thuy Diem
Cam on anh Dat da gui mot bai binh luan rat co gia tri.
Thuy Diem
Anhcam
Già tôi vẫn tìm đọc hằng ngày những bản tin và bình luận trên trang mạng Việt Thức và Việt Luận. Ls Lưu nguyễn Đạt và Gs Nguyễn hưng Quốc quả là bậc thầy của già tôi. Cám ơn hai vị,việc bầu cử tại Mỹ,già tôi thì có chút cảm tính nghiêng về DC,dĩ nhiên luôn luôn bầu cho DC, tuy nhiên kỳ này cũng hơi bị chao đảo vì đa số phe ta chê ông Obama quá,thậm chí họ viết rằng nếu Obama đắc cử lần hai nước Mỹ sẽ biến thành CNXH,phen này người Việt tỵ nạn CS sẽ phải di tản đi đâu nữa đây?Nói vậy mà không phải vậy,bộ dân Mỹ họ đần lắm sao?Hơn nữa,cơ chế tam tứ quyền của Mỹ đố ông Obama trỏ mòi CS được !Hy vọng ông Obama làm được tiếng tốt cho ông trong lịch sử của Mỹ và đó cũng là điều tốt mai sau cho con cháu Việt sẽ có ngày làm chủ nhà Trắng, mong lắm thay.
Trần Việt Long
Xin cám ơn Anh Đạt thật nhiều.
Anh viết bài phân tích chính trị này rất khách quan, ôn hòa, đáng được tham khảo cho những biên khảo và nghiên cứu về sinh hoạt chính trị tại Hoa Kỳ.
Trần Việt Long
dat nguyen
Xin góp y
Phiếu cử tri đoàn của Obama sau cùng là 332 chứ không phải 303
Cám ơn
DN
Lý Chân Thức
Xin đọc kỹ phần cuối đoạn trích trong bài “Tại Sao Obama Tái Đắc Cử…”:
Ấy thế mà kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống cuối ngày mùng 6 tháng 11 năm 2012 lại khác hẳn với dự đoán: ĐKTT Obama dẫn đầu với 60,346,821 phiếu dân bầu [PDB], với tỷ số 50.4%, trong khi Romney nhận được 57,559,156 PDB, VỚI 48.1%.
Số Phiếu Dân Bàu trên cũng đã ảnh hưởng tới sự lựa chọn của Cử Tri Đoàn, do đó Obama nhận được 303 phiếu Cử Tri [CT], trong khi Romney thu được 206 phiếu. Điển hình như là:
Phiếu Cử Tri /ELECTORAL VOTES (270 TO WIN)
Obama 303
Romney 206
[…]
Khi kết quả kiểm PDB đã hoàn tất tại tất cả 50 Tiểu Bang, Obama sẽ lấy nốt tổng số 29 PCT của Florida và sẽ là vị Đương Kim Tổng Thống được tái cử và thắng lớn với 332 Phiếu Cử Tri toàn quốc, so với số 206 PCT dành cho Romney.
Trân trọng, Lý Chân Thức
dat nguyen
Tác giả nói
[a] Nhà lãnh đạo chân chính phải thực hiện những điều cam kết, hứa hẹn; không thể cho dân ăn bánh vẽ; tạo công ăn việc làm tạm bợ, cứu nguy cục bộ, phát triển giả tạo. Đó là lừa dân;
[b] Nhà lãnh đạo của dân, cho dân, bởi dân không thể lấy của kẻ này ban ơn cơm áo, quyền lợi cho kẻ khác một cách máy mọc, vô tri. Đó là tước đoạt, bóc lột theo tiêu chuẩn mị dân và ảo thuật vô lương.
[c] An sinh phải là một bảo đảm xã hội, sau khi người dân đã đóng góp. An sinh xã hội phải song hành với phát triển xã hội. Cộng sản sai. Tài phiệt cũng sai. Phân định bình sản và phẩm giá cho con người với một đời sống trung lưu, bảo đảm mới là đáng trọng, đáng sống, đáng thực hiện.
Hoàn tòan đồng ý
Ngoài ra người dân thường bầu cho một đảng làm hai nhiệm kỳ liên tiếp, rất ít trường hợp một đảng làm ít hơn hoặc nhiều hơn hai nhiệm kỳ.
Năm 2000 mắc dù Dân chủ (TT Clinton 1992-2000) đã đưa nên kinh tế Mỹ tới chỗ thật phồn thịnh nhưng người dân cũng không muôn Dân chủ làm tiếp nhiệm kỳ thứ ba, họ đã bầu cho ông Bush (CH) mà không bầu cho Al Gore (DC), người ta sợ một đảng làm goài sẽ có thể đưa tới độc tài.
Mặc dù ông Bush và Obama có nhiều khuyết điểm lớn trong nhiệm kỳ đầu nhưng họ vẫn bầu cho hai ông này đi nột đoạn đường còn lại
Năm 2016 chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy CH thay DC
Cám ơn
DN
lãokhờ
Hay quá, nhưng chậm. Chớ chi tiên đóan được và sửa chữa thi kết quả tuyệt hơn???.Còn bây giờ thì chỉ có ráng mà chịu và rút kinh nghiệm???
ChânPhương
Xin trân trọng cảm ơn bài phân tích tỉ mỉ và chu đáo của tác giả Lưu Nguyễn Đạt.
Xin được phép trả lời ý kiến sau đây của anh Dat Nguyen. Anh viết:
“Ngoài ra người dân thường bầu cho một đảng làm hai nhiệm kỳ liên tiếp, rất ít trường hợp một đảng làm ít hơn hoặc nhiều hơn hai nhiệm kỳ.
Năm 2000 mắc dù Dân chủ (TT Clinton 1992-2000) đã đưa nên kinh tế Mỹ tới chỗ thật phồn thịnh nhưng người dân cũng không muôn Dân chủ làm tiếp nhiệm kỳ thứ ba, họ đã bầu cho ông Bush (CH) mà không bầu cho Al Gore (DC), người ta sợ một đảng làm goài sẽ có thể đưa tới độc tài.
Mặc dù ông Bush và Obama có nhiều khuyết điểm lớn trong nhiệm kỳ đầu nhưng họ vẫn bầu cho hai ông này đi nột đoạn đường còn lại
Năm 2016 chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy CH thay DC”
1/ Thật ra, trước đây không lâu lắm, đảng DC nắm được một nhiệm kỳ thì Jimmy Carter đã phải thất cử. Sau đó đảng CH đã nắm được 3 nhiệm kỳ liên tiếp với các TT Ronald Regan và Bush (41). Tiếp theo mới đến Clinton và Bush (43) mới trọn vẹn hai nhiệm kỳ cho mỗi đảng chính trị DC và CH.
Vì thế tôi cho rằng, cử tri sẽ bầu cho đảng nào mà họ cho rằng sẽ hoặc tiếp tục đem đến thịnh vượng và sức mạnh cho đất nước chứ không thay đổi một cách thiếu căn cứ.
2/ Năm 2000, dân Mỹ bầu cho Al Gore nhiều hơn cho Bush tới nửa triệu phiếu. Nhưng Tối Cao Pháp Viện khi đó với đa số Cộng Hòa đã ra phán quyết ngưng cuộc tái kiểm phiếu tại Florida và giao chức TT cho Bush với 271 electoral votes. Vì thế, “người dân Mỹ không muốn DC làm tiếp” tôi e rằng không phải là ý kiến xác đáng. Một lần nữa, Al Gore đã thắng hơn nửa triệu phiếu phổ thông so với GWBush.
Sở dĩ Al Gore đã không thắng được nhiều hơn và đắc cử TT với đa số cử tri đoàn, một phần vì ông ta đã không hoàn toàn nổi bật như Clinton khi hạ bệ GHBush và Bob Dole cũng như khi Obama hạ Mc Cain và Romney, một phần vì ông ấy đã không hoàn toàn suất sắc như Clinton và Obama. Ông ta cũng đã quá tự tin mà không quan tâm đến tiểu bang nhà là Tennessee. Trong thời gian tranh cử, Al Gore tin rằng ông đã nắm chắc được Tennessee. Nhưng kết quả xảy ra ngược lại. Không có lỗi lầm này của Al Gore, GWBush đã không thể bước chân vào Bạch Ốc tháng Giêng 2001.
Ngoài ra, trong khi tranh cử TT năm 2000, với cương vị đương kim phó TT, Al Gore đã phải tự tách rời mình ra khỏi các chính sách kinh tế thành công vô cùng rực rỡ của TT Clinton vì vụ Monica vẫn còn nóng hổi. Điều này khác hẳn với việc vận động lần này của cựu TT Clinton dành cho Obama vừa qua.
Ngày nay vấn nạn của đảng CH, mà các đảng viên cấp tiến của họ cũng phải thừa nhận và chỉ ra rất rõ là, các chủ trương bảo thủ cực hữu đã chi phối đường lối của đảng. Đó chính là nguyên nhân quan trọng nhất đã khiến cho đảng CH trở thành suy yếu và thành thiểu số (underdogs) trong cuộc tranh giành tòa Bạch Ốc cũng như tại Thượng Viện Hoa Kỳ từ 2006 đến nay.
3/ Mùa bầu cử 2012 vừa qua, đảng DC không chỉ thành công trong việc bảo vệ trọn vẹn 23 ghế tại Thượng Viện (nhiều hơn CH chỉ phải bảo vệ 10 ghế). Trước một bối cảnh hoàn toàn bất lợi là nhiều thượng nghị sĩ DC đã về hưu, không tái tranh cử mà họ còn lấy lại thêm được hai ghế nữa tại Indiana và Massachussette.
4/ Từ nay cho đến 2014 và 2016, chúng ta sẽ có được câu trả lời từ đảng CH là liệu họ có bước ra khỏi ảnh hưởng của các thành phần bảo thủ, của “Tea Party”, của cái “base”; để tự lột xác nhằm dành lại đa số tại thượng viện cũng như Bạch Ốc hay không?
Tôi tin rằng không, vì đảng viên CH bảo thủ cuồng tín hoàn toàn không có khả năng tự lột xác để đi theo xu hướng tiến hóa của xã hội!
Xin cảm ơn
Chân Phương.
ChânPhương
“II. Những Lý Do Khiến Mitt Romney Thất Cử Tổng Thống
1. Mitt Romney đã kiệt sức và hết tiền vận động tranh cử ngay sau khi phải đương đầu trong những buổi tranh luận [debates] nội bộ Đảng song song với những cuộc Bầu Cử Sơ Khởi [caucuses/Primary Election] tại cấp Tiểu Bang nhằm chọn lựa Ứng Cử Viên Tổng Thống cho Đảng Cộng Hoà. Do đó, Mitt Romney đã mất quá nhiều thì giờ trong suốt cả mùa hè để lo chạy tiền kinh phí tranh cử, lăn lóc xin xỏ nhà giầu hơn là gần gũi, thăm hỏi, kích thích dân chúng hậu thuẫn. Như vậy Mitt Romney không đủ thời gian cần và đủ để dồn lực vào nội dung, đường lối và tổ chức tranh cử cho hữu hiệu. Nhân lực tổ chức tranh cử của Mitt Romney cũng ít ỏi, lúng túng hơn “giới chuyên nghiệp” đắc lực của Đương Kim Tổng Thống Barack Obama.”
Xin được bổ xung, đóng góp, và làm rõ thêm ý kiến phân tích sâu sắc trên của tác giả Ls Lưu nguyễn Đạt như sau:
1/ Về việc quyên góp tài chính cho các ủy ban tranh cử (UBTC) của Romney và Obama, thì mỗi ủy ban đã hoàn toàn gặt hái được mục tiêu đề ra của mình. Mỗi ủy ban cũng đã quyên góp được với con số hàng tỉ dollars trong suốt thời gian vận động. Ngoài ra, bên cạnh các UBTC còn có được sự ủng hộ đáng kể của các super PACs mà riêng hai super PACs của Karl Rove dành để ủng hộ Mitt Romney, do được thành lập từ trước nên đã quyên góp được gần bốn trăm triệu dollars; thì ưu thế tài chính của Romney không phải là nhỏ nhắn gì…
2/ Liên tiếp trong ba tháng Sáu, Bảy, và tháng Tám vừa qua; UBTC của Romney đã quyên góp được nhiều hơn UBTC của Obama. Và tổng số của sự chênh lệch đó đã lên đến 92 triệu nghiêng về Mitt Romney.
3/ Tuy nhiên cho đến cuối tháng Tám vừa qua, Mitt Romney đã phải vay mượn 20 triệu cho UBTC của mình(!) cho việc chi tiêu quảng cáo và các chi phí khác nữa… Quyên góp được nhiều hơn, nhưng lại túng thiếu hơn đối phương cho những chi tiêu cần thiết. Những sai lầm nào mà Romney đã mắc phải trong việc điều hành UBTC của mình để vướng phải tình trạng đáng trách này? Phân tích các sai lầm này một cách triệt để, chúng ta sẽ dễ nhìn thấy khả năng yếu kém về nhận định của Mitt Romney trong việc điều hành UBTC, chính là nguyên nhân thất bại của ông ta.
Ngoài ra, việc ứng cử viên yếu kém trong vấn đề điều hành UBTC cũng là thước đo sự tin cậy của cử tri vào khả năng điều hành đất nước sau này. Việc thất cử lần thứ hai vào chức TT của Romney đã được báo trước rất lâu!
Xin trở lại với các sai lầm trong phương thức vận động tài chính của Mitt Romney trong thời gian vừa qua:
a) Romney dựa vào sự ủng hộ của các nhà tài trợ lớn là triệu và tỉ phú cũng như các doanh nghiệp khổng lồ. Do đó, tuy quyên góp được có khi bằng có khi nhiều tiền hơn so với UBTC của Obama; nhưng theo luật định, số tiền mà UBTC của Romney được phép dùng lại ít hơn rất nhiều. Vì, theo luật định, các UBTC chỉ được phép dùng tối đa là $2,500 từ mỗi cá nhân ủng hộ cho mỗi vòng bầu cử (sơ bộ và toàn quốc). Do đó, các món tiền ủng hộ lớn hơn $2,500 cho mỗi vòng bầu cử đều được tự động chuyển cho RNC hoặc DNC theo quy định của FEC. 67% cho đến 84% (tùy theo tháng tổng kết) số tiền quyên góp được của Mitt Romney rơi trong trường hợp này!
b) Trung bình 96% tiền quyên góp được của Obama đến từ các đóng góp dưới $250/mỗi cá nhân. Chỉ có khoảng 4% số tiền đóng góp đến từ các trương mục lớn hơn $250. Do đó, năm nay RNC có được rất nhiều tiền do Mitt Romney đem về. Trong khi đó, DNC không được nhiều tiền chuyển đến từ quỹ tranh cử của TT Obama. Khi tổ chức đại hội của đảng Dân Chủ, DNC đã phải mang nợ.
Tuy nhiên như đã phân tích, UBTC của Obama tuy quyên góp được ít hơn nhưng lại được phép dùng nhiều hơn so với UBTC của Mitt Romney, đã là một lợi thế rất lớn khi họ chọn chiến lược đúng.
Điều này còn đúng hơn nữa khi UBTC của Obama dựa vào sự đóng góp rất nhỏ của các cử tri ủng hộ. Vì đó không chỉ là ủng hộ tài chính, mà còn là giá trị của lá phiếu của cử tri ủng hộ trong ngày bầu cử 11/6/12 vừa qua. Riêng con số các cử tri ủng hộ tài chính cho UBTC của Obama đã lên đến hơn mười triệu lượt người. Vài triệu phiếu đến từ những người ủng hộ này, không phải là con số ít ỏi gì… Kết quả cho thấy, Obama đánh bại Romney với con số hơn ba triệu phiếu cử tri phổ thông. Đó chính là kết quả của việc làm đúng trong các chính sách xã hội, kinh tế, đối nội, và đối ngoại… mà Obama đã theo đuổi cũng như việc theo đuổi các cử tri trung lưu và dân nghèo của UBTC của ông ta. Thử hỏi, một tổng thống sẽ đem lại lợi ích gì cho quốc gia nếu không đặt căn bản lợi ích của dân chúng và cử tri lên hàng đầu?
Thương hại thay cho Romney tham lam với các món tiền lớn từ các triệu và tỉ phú ủng hộ, đã không đủ thông minh để suy nghĩ sâu xa hơn trong các chiến thuật và chiến lược của mình trong kế hoạch vận động tranh cử.
Chỉ cần nhìn thấy hai điều nêu trên, chúng ta có thể hiểu vì sao Romney không bao giờ có thể trở thành TT Mỹ được. Không có khả năng điều hành một UBTC nhỏ nhoi của mình, thì Romney sao có đủ tài cán để đòi kinh bang tế thế?
Ls Lưu nguyễn Đạt nhận xét rất chí lý khi ông nói, “Nhân lực tổ chức tranh cử của Mitt Romney cũng ít ỏi, lúng túng hơn “giới chuyên nghiệp” đắc lực của Đương Kim Tổng Thống Barack Obama.”
Vận mệnh nước Mỹ trong giai đoạn khó khăn này không thể giao vào tay một kẻ tài tử sinh ra trong nhung lụa như Mitt Romney. Nó không thể được đặt vào tay một kẻ với lợi tức hằng chục triệu dollars hằng năm và giễu cợt một cách vô ý thức trước con số thất nghiệp 8% toàn quốc rằng, “tôi cũng đang thất nghiệp như các bạn đây!”
Vâng, Mitt Romney đã không có khả năng quản trị và sử dụng món tiền một tỉ dollars quyên góp được cho UBTC của mình một cách hữu hiệu. Dân Mỹ đã không quá ngây thơ giao cho Mitt quản trị ngân sách quốc gia hằng ngàn tỉ mỗi năm. Chưa kể đến các chính sách an ninh, quốc phòng, và ngoại giao khác nữa…
Tương lai và vận mệnh nước Mỹ cũng không thể được đặt trong tay kẻ miệt thị gần như toàn thể nước Mỹ trong câu nói “47% victims” nổi tiếng của Romney.
Tôi cho rằng câu nói trên đã miệt thị gần như toàn bộ dân Mỹ bởi vì nó đã nhục mạ ngay cả các nhà thờ Công Giáo, Hồi Giáo, Hindu, Mormon, Tin Lành, chùa chiền Phật Giáo, và các tổ chức xã hội vô vị lợi khác nữa… Câu nói “47% victims” đó đã minh định rõ ràng rằng các tổ chức tôn giáo và xã hội hoạt động phi lợi nhuận là các phần tử ăn bám và ký sinh vào xã hội vào tiền thuế của dân chúng vì họ không đóng thuế nhưng vẫn đang thụ hưởng các dịch vụ xã hội từ tiền đóng thuế của dân chúng. Các dịch vụ xã hội bao gồm chi phí quốc phòng, an ninh, môi sinh, cứu trợ khẩn cấp, nghiên cứu khoa học…
Có lẽ các Giáo dân, Phật tử, Đạo hữu, và ngay cả các tổ chức tôn giáo không nhìn thấy điều vừa nêu bên trên. Tuy nhiên, các tờ nhật báo lớn của nơi sinh ra đạo Mormon là Salt Lake City Tribune và Denver Post (Colorado) đã nhìn thấy rất rõ và kín đáo nói lên điều này trong các thông báo của họ khi ủng hộ TT Obama (endosement statements)một cách công khai giữa tháng Mười vừa qua!
Một lần nữa, xin cảm ơn sự phân tích về nguyên nhân thất bại của Mitt Romney trong bài viết công phu của tác giả GS-Ls Lưu nguyễn Đạt.
Chân Phương.