«Mã Đề Dương Cước Anh Hùng Tận…»
(Nguyễn Bỉnh Khiêm 1491-1585)
Lay hoay với thời sự của những ngày cuối năm Con Dê nầy. Sống đất người, bực mình về những tin (tức mình) thời sự nước người, nước Pháp. Nào đang bị khủng hoảng tinh thần do khủng bố hồi giáo quá khích, nào đang bị khủng hoảng tài chánh và phẩm chất đời sống hằng ngày do tình trạng kinh tế trì trệ từ gần cả chục năm nay chưa ngóc đầu lên nỗi. Thêm những cái bực mình, vì vốn gốc tỵ nạn di cư, bởi thời sự nơi cố hương mình. Đất nước nghèo nàn, không có tin nào phấn khởi về mặt kinh tế sanh hoạt xã hội hằng ngày của đồng hương đồng bào đã đành ; lại toàn là tin tức đấm đá giữa các quan chức chóp bu, giành ăn, giành chổ của Đảng Cộng Sản đương quyền. Gần 40 năm cầm quyền, anh nào chị nấy từ đảng viên chóp bu đến tên đơ dèm cùi bắp, đều giàu có, nhà cao cửa rộng, con cái ngon lành, ăn trên ngồi tróc, tài sản toàn là của ăn của cắp của cộng đồng xã hội, khi thụt két hảng công, khi ăn chận, ăn xớt tiền ngoại quốc giúp đở, tham nhũng gian manh. Gặp thời ăn tràn cổ, ngập họng, nhưng vẫn còn ham, còn tranh còn giành, còn giựt những nơi béo bở, những chổ hái tiền. Trong khi đó, xã hội ngoài đời, vẫn còn chị gánh hàng bán rong, anh phu đạp xích lô, anh cu li cửu vạn ngồi chờ người ta thuê gánh vác, vẫn còn những em bé bán mía găm, những trẻ nhỏ bán thuốc lá lẻ bên lề đường, kiếm lượm từng đồng xu, chắc chiu từng bạc cắc, kiếm sống qua ngày. Thỉnh thoảng, vẫn được tin những người Việt xuất khẩu lao động, em phái nữ thì bán dâm, bán trôn nuôi miệng những nơi những chổ, lúc động điếm chơi bời ở Singapore, khi những khu đỉ ăn chơi ở Nam vang, hay tin anh bán sức lao động khuân vác ở Dubai hay ở Abou Dhabi do anh em bạn bè quen biết đi làm ăn, du lịch, gặp những đồng bào khốn khổ ấy, về kể lại.
Nhơn những ngay cuối năm, nhàn rỗi, ngồi soạn, sắp xếp lại văn phòng, phòng sách, kệ sách, lần dỡ sách xưa, đọc lời văn cũ, ngẫm nghĩ đôi lời, xin mạn đàm cùng quý vị. Trước, chúng tôi xin gởi một bài luận chia sẻ về hai chữ Tự Do, và phân tách vai trò của Tự Do trong tình thế khó khăn Mất An Ninh, An Toàn ngày nay.
Tự Do càng ngày càng bị tước đoạt. Tiết hạnh Tự Do càng ngày càng bị xâm phạm. Là người Việt Nam, chúng tôi người viết, đau buồn vì thấy Tự Do và các quyền Tự Do càng ngày càng xa vời, càng khó tìm trên giải đất hình chữ S thân yêu.
Trong một xứ sở cai trị bởi một lũ bạo quyền, ngu si, hai chữ Tự Do, và quan niệm Tự Do được trá hình, qua những làn xe cộ lưu thông vô trật tự, qua những buổi ăn chơi du hí, rượu chè, ca hát hỗn loạn, vô đạo đức, qua những cuộc đi lại, liên hoan cho những du khách nước ngoài và những quan chức hay những người gốc việt về « chơỉ » ở Việt Nam. Vì tại sao ai (người gốc Việt hải ngoại) về nhà « chơi », khi trở về, cũng « nói » Việt Nam « ta » bây giờ tự do lắm !
Nếu Tự Do chỉ là những hiện tượng bề ngoài, giải trí, giải sầu, « mua vui cũng được một vài trống canh », một không khí gọi là tự do không tự trọng, một tự do không tôn trọng tha nhơn, không tôn trọng thân thề người nữ, tự do bán dâm, tự do bán tiết hạnh, tự do phát ngôn xỉ vả khách, tự do chưởi lộn, tự do buôn bán bừa bãi, tự do nói thách, kể cả quan chức cũng tự do tống tiền du khách thì … Việt Nam có Tự Do đó ! Còn nếu Tự Do là một cái gì khác, một tự do tự hào dân tộc, tự do lễ phép, tiếp đải ân cần, một tự do ngôn luận, nói rõ, những suy nghĩ, tư tưởng, quan niệm cá nhơn, nói rõ quan điểm chánh trị cá nhơn đối với nhà cầm quyền, tham gia đề nghị thay đổi, đề nghị những phương pháp khác, những mẫu kinh tế hay chánh trị, khả dỉ dẫn dắt Việt Nam đi một hướng kinh tế, chánh trị khác với hướng đi do Đảng Cộng Sản già nua thủ cực, lạc hậu đương quyền !
Xin đôi lời xin lỗi bạn đọc đã phải tiếp nhận một bản văn quá chuyên môn. Nhưng theo thiển nghĩ chúng tôi, đây là một bài giải độc xin được hầu tiếp sức với những ai có thiện chi mong được thấy một Việt Nam tương lai Văn Minh, Văn Hóa, Nhơn bản… Bảo Vệ, giữ vững nền An ninh một đất nước mà vẫn giữ được tánh chất Nhơn bản. Giữ được nền Tự Do của đất nước, tôn trọng các quyền Tự Do cá nhơn trong Tình Thương, trong sự Công bằng, đầy Nhơn Hòa, Nhơn Ái !
Đó là thử thách to lớn cho mọi giới lãnh đạo trên thế giới ngày nay !
Làm Sao Vừa Giữ An Ninh Cho Công Dân Của Mình, Mà Vẫn Còn Tôn Trọng Mọi Quyền Tự Do Cá Nhơn?
Đó là thời sự của ngày hôm nay, đó là bài toán nan giải cho mọi nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới trước tai họa khủng bố Hồi giáo quá khích. Năm 2015, năm Con Dê vừa qua, vì khủng bố Daesh đã hai lần gieo rắt kinh hoàng trên đất Pháp. Cho nên đất Pháp, quê hương của Dân Chủ, của Tự Do, của Tình Thương, của Che Chở phải đặt xứ Pháp trong tình trạng Báo Động Khẩn-État d’Urgence. Nghĩa là, từ nay, nhơn danh « giữ An ninh », nhơn danh « phải giữ An lành, Yên ổn cho đất nước, cho dân cư, cho cuộc sống bình thường, an lành của mọi ngày », Cảnh sát, Công an, và Quân đội có những quyền xét xử, bắt bớ, giam giữ, vào nhà khám xét bất cứ lúc nào, vi phạm đến không gian, đời tư cá nhơn thuộc « quyền con nguời », vi phạm đến quyền Tự do cá nhơn thuộc quyền công dân.
Nước Pháp phải ra giải pháp đặt đất nước trong tình trạng Khẩn Cấp –État d’Urgence (Vì Bạo Động), trong tư thế chiến tranh – situation de guerre, tuy chưa đến nỗi dùng Thiết Quân Luật, nhưng gần như vậy, hạn chế, hoặc như cấm hẳn, một vài tự do sanh hoạt, có tánh cách quần chúng, cộng đồng, công cộng (mít tinh, biểu tình) và một vài tự do cá nhơn (khám xét nhà cửa không cần trát Tòa, lục xét, kiểm tra, theo dõi thư từ, điện thoại, điện thư, tự do đi lại, quản thúc tại gia, tại địa phương, tịch thu thông hành…).
Nhưng thử hỏi, những việc ấy có thực sự là thời sự không ? Hay cũng đã xảy ra hằng ngày trên hành tinh chúng ta rồi ? Chỉ riêng đối với người Việt chúng ta chẳng hạn. Không cần giở trang sử cận đại của những thời gian cầm quyền của các chế độ Công sản cầm quyền trên thế giới. Chỉ hạn chế, nói riêng Việt Nam từ ngày 30 tháng tư 1975 thôi !
Cuộc tranh luận giữa An ninh và Tự do đã có tự ngàn xưa rồi và e rằng vẫn mãi mãi khó chấm dứt. Từ bao thế kỷ nay, từ bản Hiến Chương về Tự Do đầu tiên, bản Magna Carta Libertatum ký ngày 15 tháng 6 năm1215, được gọi tắt là Magna Carta – Đại Hiến Chương với 63 điều khoản viết rõ các hạn chế trong quyền hành Nhà Vua do các nhà quý phái Anh quốc buộc Vua Jean phải tôn trọng, đến ngày nay năm 2015, An ninh và Tự do đều được, chẳng những, được tham luận, thương thuyết, thỏa thuận, dung hoà bởi các nhà làm Luật, để phân chia, giới hạn rõ ràng biên giới giữa hai quan điểm trong các bản Hiến Pháp. Các vai trò, quyền lực, giới hạn, tương quan lẫn nhau giữa những vai trò cầm quyền, và công dân đều được định nghĩa rõ ràng dưới hình thức điều luật và điều lệ áp dụng. Nhưng theo thiển ý chúng tôi, chúng ta chỉ tóm tắt trong ba câu hỏi để tìm hiểu và giải thích :
1/ Có thể nào là Tự do trong một tình trạng bất ổn, bắt an ninh ?
2/ Tình trạng chiến tranh có phải bắt buộc phải chấm dứt mọi quyền Tự do cá nhơn không ?
3/ Làm sao tránh đưa tình trạng báo động khẩn sang tình trạng độc tài ?
Không Thể Có Tự Do Trong Một Tình Hình Bất An ninh:
Câu hỏi đầu tiên buộc chúng ta phải trả lời rằng nền An ninh phải bảo vệ các quyền Tự do.
Quyền Tự do mà Hayek (Friedrich Hayek, 1899-1992, người Anh gốc Áo, cha đẻ của trường phái Kinh tế Tự do, Nobel Kinh tế 1974) đã định nghĩa trong Bản Hiến Pháp cho nền Tự do – La Constitution de la Liberté, viết năm 1960 rằng phải là một nền Tự do không bị ràng buộc, không bị đè nén–coercition. Đúng vậy, một con người tự do phải được tự do hành động không bị ràng buộc, bởi một quyền lực, không bị chi phối hay nhận những chỉ đạo đi ngược lại với lương tâm, đạo lý hay ý chí cá nhơn mình.
Hayek lấy làm thí dụ điển hình, bản ghi chú các quyền tự do được hưởng của một người nô lệ sau khi được phóng thích – les esclaves affranchis – dưới thời đại các đô thị Hy lạp để dẫn chứng các quyền tự do con người : « nghị quyết nầy cho phép các người nô lệ được phóng thích được hưởng chế độ hợp pháp của một thành viên của cộng đồng đô thị, từ nay được cộng đồng của đô thị bảo vệ (như một công dân), sẽ được nhận sự miễn tố, không bị bắt một cách vô cớ, có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp theo sở thích, có quyền tự do đi lại như ý muốn… ».
Con người tự do, nói một cách cụ thể, là một con người được cộng đồng bảo vệ. Hơn thế nữa, một con người tự do là một con người được bảo vệ chống lại sự chuyên chế của quyền lực. Nhà chánh trị gia nỗi tiếng, cựu Chủ tịch Hạ Viện, nhiều lần Tổng Bộ trưởng dưới Đệ Tứ Cộng Hòa Pháp, Edgar Faure 1908-1988 thường nói đùa, để dẫn chứng thế nào là quyền tự do của một con người (sống ở một quốc gia tôn trọng quyền tự do của con người) rằng : « Ta biết được rằng ta đang sống trong một thế giới tự do, chỉ khi nào ta nghe tiếng gỏ cửa nhà vào lúc 6 giờ sáng, là tiếng gỏ cửa của anh bán sữa đến nhà giao hàng » (Ở Pháp, cảnh sát không được quyền đến xét nhà trước khi trời sáng hẳn !).
Luật lệ, Phải Chăng Là Tấm Lá Chắn Bảo Vệ Quyền Tự Do?
Trong tình trạng bất ổn, chiến tranh, quyền Tự Do sẽ bị hạn chế, có thể bị mất hẳn ? Chiến tranh bắt buộc phải áp dụng những thủ tụng đè nén, áp chế. Tình trạng chiến tranh tạo ra hai mặt trận : đối phó với bên ngoài, chống ngoại xâm, đối phó với bên trong, chống nội thù, Nhà Nước hay Chánh Phủ của xứ sở nhà bổng nhiên biến thành kẻ độc tài. Những nhà quan sát lý luận chánh trị của trường phái tự do vì vậy, tỏ thái độ bất mãn chống đối, xem đấy là một chánh sách đầy bạo lực và độc tài, và đòi hỏi quyền lực quốc gia cần phải có những hạn chế.
Để trả lời đòi hỏi ấy, chúng ta cũng có thể đi tìm những câu trả lời trong Hiến Pháp Luật lệ của một quốc gia. Trong quan điểm của các quốc gia có truyền thống anglo-saxon (Anh, Mỹ, Úc) Hiến Pháp che chở những quyền lợi cá nhơn của công dân trong mọi trường hợp, mọi khía cạnh. Trong quan điểm Pháp, quan điểm của Montesquieu (Nhà hiền triết, xã hội học, chánh trị học sanh năm 1689 mất năm 1755 nỗi tiếng với cuốn sách De l’esprit des lois-Về quan niệm luật học viết năm 1748, nói rõ ràng quan điểm Tam quyền phân lập, quan điểm nầy vẫn được các quốc gia tiên tiến dân chủ áp dụng ngày nay).Trong quan điểm Pháp và Montesquieu dĩ nhiên, chính tam quyền phân lập che chở nền tự do. Vì Luật do các thẩm phán (tư pháp) hoàn toàn độc lập đối với các cơ quan quyền lực quốc gia (hành pháp hay lập pháp).
Hiến Pháp che chở quyền Tự Do của công dân. Tam quyền phân lập che chở quyền Tự Do của công dân. Đúng vậy không ?
Trong tác phẩm, Luật, Lệ và Tự do- Droit Législation et Liberté Hayek có nhắc chúng ta rằng một bản văn, một bản luật, dù được đưa ra bàn thảo kỹ lưỡng, dù được toàn thể quốc hội, đại diện toàn dân một quốc gia vẫn có thể giết tất cả các quyền tự do của những công dân quốc gia ấy ! Bao nhiêu quốc gia độc tài đang sử dụng trò chơi ấy ? Việt Nam, Tàu, các quốc gia Hồi giáo, Phi Châu Nam Mỹ… Hợp pháp hóa chuyên chế không thể hạn chế độc tài, trái lại càng bao dung và nuôi dưỡng.
Trong đoạn văn nỗi tiếng của tuyển tập Luật lệ – La loi, nhà kinh tế và chánh trị gia người Pháp Bastiat (Frédéric Bastiat 1801-1850, trường phái Tự do, người bảo vệ và cổ xuyến trường phái kinh tế tự do trao đổi thương mại, và kinh tế thị trường) nghi ngờ vai trò của các nhà làm luật (lập pháp) trong những tiến triển hay thay đổi các luật lệ : « Luật lệ không bảo vệ người công dân, trái lại đó là vũ khí của quyền lực, luật lệ không còn là một lá chắn, mà là một mũi giáo – La loi n’est plus le refuge de l’opprimé, mais l’arme de l’oppresseur. La loi n’est plus un bouclier, mais une épée ».
Trái với những suy nghĩ của các luật gia chỉ nhìn khía cạnh hữu ích của Luật học, hay các luật gia trường phái « đẳng cấp các quy tắc – la hiérarchie des normes » mà điển hình là Giáo sư Luật gia người Mỹ gốc Áo dạy học ở Đại học Luật Berkeley –Californie những năm 1960, Hans Kelsen (Hans Kelsen, 1881-1973, người phát minh trường phái quy tắc luật, và hệ thống đẳng cấp các quy tắc luật lệ. Tất cả luật lệ đều dính líu liên hệ trực tiếp, có họ có hàng với nhau cả. Trên thượng từng là Hiến pháp, dưới tận cùng là xử sự quan hệ liên đới hai cá nhơn).- Chúng tôi tự hỏi : « Thế nhưng những luật theo thiên nhiên, thượng từng là Đức Chúa Trời sao ? », chúng tôi thiển nghĩ rằng Luật lệ – La Loi không phải là cội nguồn của Luật Pháp- Le Droit. Luật lệ chỉ là hình thức điển hình, áp dụng của Luật pháp thôi !
Nhà Nước, Phải Chăng Là Lá Chắn Của Những Quyền Tự Do?
Trong đa số các quốc gia, vai trò của Nhà Nước, (của Chánh Phủ) rất mập mờ. Bảo vệ các quyền tự do các công dân, và bảo vệ các tài sản tư hữu của các công dân mình là vai trò của một Nhà Nước, của một Chánh Phủ. Người ta, chúng ta còn nhìn nhận và giao hẳn cho Nhà Nước cái quyền độc quyền chế tài, trừng phạt (cảnh sát, công an) để buộc mọi công dân không được tự ý thay thế Nhà Nước « làm cảnh sát trừng trị », hay « phạt vạ » những đối tượng « phá hoại, xâm phạm trật tự công cộng » !
Nhưng dần dần, Nhà Nước mở rộng vai trò « cảnh sát chế tài » của mình, bắt đầu« xía vào » nhiều địa hạt xã hội khác nhau. Và chẳng chốc, khi bước vào thế kỷ thứ 20, trong nhiều quốc gia dân chủ, biến thảnh những « Nhà Nước Bao Dung, Cha mẹ, – États Providences » lãnh trách nhiệm ở mọi lãnh vực, từ Giáo dục, đến Y tế, qua đến Công Ăn Việc Làm (Lao động), Gia cư Nhà ở, thậm chí, kiểm soát, tổ chức cả Hưu trí, Nghỉ ngơi, Nghệ thuật, Thể thao, Du hí, Du lịch, Vận chuyển, Di chuyển cá nhơn …
Những lần lựa chọn về ngân sách quốc gia, những lần quyết định về lập pháp, đều là những dịp, những cơ hội, để xâm phạm quyền tự do cá nhơn của người công dân (không có tiếng nói, không được tham khảo), đặc biệt đến những luật lệ liên quan đến các quyền tư hữu, như sở hữu nhà đất là một thí dụ. Quên sao, nhà triết học người Anh của thế kỷ 17 Thomas Hobbes 1588-1679 ? (Thomas Hobbes, mặc dù là một thành viên, hưởng ứng trường phái « Nhà Nước độc quyền » đã tiên tri viết trong sách Léviathan (1651), một Nhà Nước biến thành Léviathan, một con hạm khổng lồ đầy quyền lực nuốt trửng mọi quyền tự do).
Nhiều khi vì quá ôm đồn, quá gánh vác nhiều việc, quá đóng nhiều vai trò khác nhau, Nhà Nước quên hẳn, lơi là, những việc làm chánh yếu, và nhứt là những vai trò thứ yếu của một Nhà Nước. Đó là vai trò quản trị những tài khoản, những ngân sách để một quốc gia hoạt động sống còn, và vai trò tổ chức những cơ quan hành chánh và quản trị đất nước. Tại sao, ngày nay, ở Pháp, tổng số những ngân sách để đáp ứng cho các ngành tư pháp, cảnh sát công an, và cho cả quốc phòng chỉ có 6% tồng số ngân sách quốc gia (Pháp) ? Có nghĩa rằng ngày nay, Nhà Nước Pháp đã xem thường những vai trò nhiệm vụ quốc gia – missions régaliennes ? Nhà Nước Pháp ngày nay không còn đủ lực lượng (sức mạnh) để bảo vệ, làm tấm lá chắn để bảo vệ các quyền Tự do của công dân và đất nước mình nữa !
Vào thế kỷ thứ XIX, Bastiat đã nhắc nhở chúng ta: «Chỉ mong chờ nơi Nhà Nước hai nhiệm vụ : Tự do và An ninh. Và hãy mở mắt theo dõi, để có thể mất cả hai, nếu (ham hố) đòi hỏi thêm một nhiệm vụ thứ ba-N’attendre de l’État que deux choses : liberté et sécurité. Et bien voir que l’on ne saurait, au risque de les perdre tous les deux, en demander une troisème ».
Hãy Đặt Tin Tưởng Vào Thể Chế Pháp Trị:
Chúng ta đang ở trong một cái vòng lẫn quẫn ? Chúng ta, hoặc đang sống trong một xã hội mất an ninh, hoặc đang đi vào một chế độ độc tài. Trong chương « Những thủ tục để đi tìm an ninh – les procédures de sécurité » Hayek cắt nghĩa sự đối chọi giữa « Lòng tin tưởng vào các thủ tục » và « lòng tin tưởng vào chế độ Pháp trị ». Nhiều người vẫn tin rằng mọi chuyện sẽ qua, sẽ thành công, sẽ ổn thỏa, khi tất cả các thủ tục được tôn trọng. Thế nhưng, có nhiều áp dụng thủ tục một cách quá lố, hay quá trớn, quá sốt sắng, có thể đưa các thủ tục (mặc dù hoàn toàn « hợp pháp » đi chăng nữa) có thể làm hỏng một cuộc tố tụng, làm trắng án hay khuyến khích kẻ có tội, và có khi làm hại thêm nạn nhơn – những thí dụ điển hình rất nhiều, ngày hôm nay. Và tinh thần Pháp trị sẽ bị lạm dụng.
Trái lại, trong nhiều quốc gia dân chủ tiên tiến ngày nay, các phương pháp thủ tục tố tụng chỉ là ý chí của người công dân đặt lòng « tin tưởng trong nền tảng sự tôn trọng tinh thần tự do cá nhơn và lòng tin tưởng nơi tinh thần Pháp trị », vì Pháp trị là điển hình của sự bảo vệ và tôn trọng nhơn quyền.
Chúng ta không thể thắng nỗi sợ hãi, và hơn nữa, thắng bọn khủng bố Hồi giáo quá khích ngày nay, nếu chúng ta không đặt tin tưởng vào một cái gì cao cả hơn, « một tinh thần hướng thượng, ở một linh hồn cao thượng ở mỗi chúng ta », một đạo đức đầy nhơn tánh, của một văn hóa đầy giáo hạnh, hòa hợp tình thương nhơn loại, tự do cá nhơn, tánh trách nhiệm của mọi hành động cá nhơn và phẩm hạnh cá nhơn xứng đáng !
Có thể những ngày tháng của những ngày cuối năm qua, ở Pháp và đặc biệt hơn, sau ngày 13 tháng 11 ở Paris, đòi hỏi nơi mỗi chúng ta một cố gắng hơn, phải làm một người công dân toàn hảo hơn, với một cố gắng hướng thiện, ráng hội nhập vào các công tác từ thiện, các công tác xã hội, gia nhập các hội đoàn, các xã hội dân sự, làm hơn, làm nhiều hơn, hoàn hảo, hoàn thiện hơn. Nhưng theo thiển ý chúng tôi, muốn cứu một thế giới tự do, muốn cứu một quyền tự do cá nhơn, chúng ta không cần đòi hỏi thế giới chung quanh chúng ta phải thay đổi, nếu mỗi chúng ta không thay đổi ? Mỗi chúng phải thay đổi, từ não trạng đến con tim, mỗi cá nhơn phải tham gia, phải hội nhập. Mỗi xã hội sẽ tham gia, sẽ hội nhập. Mỗi quốc gia sẽ tham gia, sẽ hội nhập. Thế giới sẽ biến chuyển, và chúng ta sẽ hưởng được nền Tự do, cho chúng ta và cho thế giới Tự do, Dân chủ của chúng ta.
Và riêng cá nhơn người viết chúng tôi, chúng tôi hy vọng chuyển tãi được tâm niệm của anhem người Việt Tự Do hải ngoại chúng ta vào hòa hợp cùng các anh chị em đấu tranh Dân Chủ trong nước, cùng nhau gìn giữ được linh hồn người Việt Tự Do, người Việt Dân Chủ, giữ vững một Dân Tộc Việt đầy chất Đại Việt của chúng ta !
Sự mong muốn nầy của tất cả chúng ta, tất cả những người đầy lòng tự tin nầy không có chi là ảo vọng cả, không có chi là không tưởng đâu ! Vì chúng tôi, quả quyết và không tin rằng những người, vì sợ mất an ninh, vì nhơn danh an ninh mà hạn chế, tước đoạt quyền tự do và quyền công dân và quyền sống của công dân là những người thật sự yêu nước.
Việt Nam ngày mai:
«Thân Dậu niên lai kiến Thái Bình»
(Nguyễn Bỉnh Khiêm 1491-1585)
Mở màn năm 2016 nầy, và cũng sẽ khai mạc năm Con Khỉ ngày mai, sẽ là Đại hội thứ 12 bầu lại bốn lãnh tụ chóp bu, tứ trụ triều đình của Nhà Cộng Sản trụ trì đất nước Việt Nam.
Thế giới năm qua, tình hình bất ổn, cả thế giới Âu Mỹ lo nạn khủng bố Hồi Giáo. Việt Nam chúng ta, rất may mắn, nằm ngoài vòng ảnh hưởng các nhóm kháng chiến hồi giáo quá khích. Thế nhưng, chúng ta trái lại ở trong vòng cương tỏa của một thằng tự xưng anh hùng, tự xưng bá hùng cứ phương Đông. Hắn ta, trên đường bành trướng một đế quốc hán tộc, mộng làm bá chủ Đông Nam Á, đang cướp Biển Đông của Việt Nam ta để biến thành một Mare Nostrum – Biển Ta cùa Trung Cộng. Tập Cận Bình đang có giấc mơ muốn mình trở thành một Napoléon, một Thành Cát Tư Hản, Bắc với đường Tơ Lụa, Nam với Giải Quần đảo Ngọc Châu… Thế nhưng, tham chiếu lời sấm truyền của cụ Trạng Trình ta, đang ứng vào người anh hùng Tàu ; quả rằng cuối năm Dê nầy, cho nên, dù hắn hùng hổ cho lắm, bổng nhiên đồng tiền Nguyên tệ sức mạnh của Tàu, đang rơi vào hố sâu của khủng hoảng tiền tệ. Như đồng Yen Nhựt năm xưa, như đồng dollars Mỹ năm nọ. Nhưng, trái với Tàu, quốc gia Nhựt, dân tộc Nhựt có sẳn một ý chí dân tộc, một truyền thống dân tộc, đầy can đảm, một tự hào dân tộc, biết tực túc, tự cường, tự lực, trổi dậy, có một đạo đức dân tộc, biết hy sanh, biết trách nhiệm, nghiến răng bóp bụng vươn lên. Cũng trái với Tàu, Huê kỳ, tuy không là một dân tộc đồng nhứt, nhưng là một liên minh biết hòa hợp, cùng nhau đóng góp thành một mãnh lực chung, có một sức sống, một tự tin, tuyệt vời, biết dựa vào một hệ thống dân chủ có tổ chức, với một xã hội đầy đạo đức tôn giáo, một truyền thống của các người di dân, biết thế nào là làm lại cuộc đời. Nên chỉ sau một thời gian khó khăn Nhựt bổn, Huê kỳ vẫn giữ vững thế đứng thượng phong trong các quốc gia tiên tiến, giàu có, sung túc.
Tàu Cộng khó được như vậy, trước giàu có là nhờ làm gia công, làm xưởng cho cả quốc tế. Tay nghề mới tuy có học, nhưng những cơ sở hạ tầng vẫn chưa hoàn toàn canh tân chỉnh đốn. Các nhà máy vẫn còn dơ, còn bẩn, bản chất cu li khuân vác vẫn còn, vẫn trông cậy vào nhơn công, sử dụng tay chơn công nhơn lao động, nhiều hơn máy móc. Thật là, dỡ dỡ ươn ươn, thợ chánh chưa thành, thợ phụ chưa xong ! Phẩm chất vẫn chưa thật sự hoàn hảo, tay nghề chưa thật sự thuần thục, phẩm chất yếu lại còn vương vấn chuyện ăn gian. Nên ngày nay, khi muốn đưa đồng Nguyên vào giỏ « ngân tệ thế giới » mới lòi ra cái ởm ờ. Vì rõ ràng thế giới không hoàn toàn tin tưởng Tàu và nền kinh tế tài chánh Tàu.
« …dương cước anh hùng tận » là vậy đó !
Và xin nói câu sau là « Thân dậu niên lai… »
Năm Thân chưa đến mà ở Đài loan, phe Đảng Dân Tiến-Democratic Progresive Party của bà Tsai Ing-Wen – Thái Anh-Văn đã toàn thắng và một người chánh gốc Đài Loan lên làm Tổng Thống tuyên bố hoàn toàn độc lập với Tàu Cộng Lục địa. Phe Quốc Dân Đảng-KuoMingTang gốc Tàu Lục địa di cư của gia đình Tưởng Giới Thạch và phe đảng, lúc nào cũng muốn trở về Hoa Lục và sẳn sàng ký kết với Tàu Cộng để trở về đất mẹ, nay hoàn toàn đã thất bại.
Việt Nam cũng vậy. Phải quyết định rõ ràng, rứt áo ra khỏi vòng tay của Trung Cộng.
Chỉ khi nào, với ý chí các nhà Dân Chủ Việt Nam, hoàn toàn gốc Việt Nam yêu chuộng Tự do Độc lập Dân tộc, lên cầm quyền, thay thế Đảng Cộng Sản – tuy mang tên Việt Nam nhưng thật sự chỉ là chi nhánh Đảng Cộng Sản Tàu, lúc nào cũng muốn trở về đất mẹ Hoa Lục Tàu Cộng – quyết định vứt bỏ 16 chữ vàng đầy nợ nần nghẹt thở, đầy tánh đảng, đầy tình chủ tớ giữa những chóp bu lãnh đạo hai đảng Cộng sản. Thì lúc ấy Việt Nam mới sẽ có cơ như Đài Loan ngày nay. Nhưng trước hết toàn dân phải đấu tranh để có bầu cử dân chủ tự do.
Cũng nghe tin hàng lang cho biết trong Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay, có nhiều đảng viên ủy viên trung ương, tai to mặt lớn (bổng nhiên) tỉnh ngộ, nhận rõ lập trường bán nước của chóp bu lãnh đạo Đảng Cộng sản ! Và hôm họp HNTW14, rất nhiều người tỉnh ngộ, đã đứng lên la ó, tố cáo và đòi bắt nhốt tay đầu sỏ Đảng. Thế nhưng, buồn sao, lại để hắn sỏng chuồng.
Có lẽ vẫn còn sợ Tàu, vì đặt nặng tánh cách an ninh, sợ Tàu trừng phạt, sợ Tàu đánh ! Nhơn danh An ninh, An toàn (xa lộ, sanh mạng, tiền tài, của cải, gia đình) nên đành hy sanh vứt bỏ quyền Tự do đất nước, công dân. Vì quyền lợi riêng, nhơn danh An ninh Đảng, vứt bỏ Độc lập, Dân Chủ Tự Do, Chủ quyền của nước Việt Nam, sẳn sàng tiếp tục con đường Hán Hóa đất nước.
Những người Dân chủ đâu ? Những 150 chữ ký can gián, xin xỏ, phân trần, mong ban lãnh đạo Đảng hồi tâm trở về con đường dân tộc đâu rồi ?
Những người công dân đã dám xuống đường biểu tình chống Trung Cộng xâm chiếm đất nước, trên cạn, trên hải đảo, xây địa ốc, nhà cửa, phi trường, quân sự hóa Hoàng Sa Trường Sa năm xưa đâu rồi ?
Đâu rồi những người dân chủ yêu nước mang biều ngữ NO U, Trường Sa Hoàng Sa của Việt Nam ?
Đâu rồi những ai đã dám xuống đường biểu tình khi Tàu đưa giàn khoan ra vào Biển Đông Việt Nam khơi khơi như nhà mình vậy ? Tất cả nay ở đâu ? Các phong trào dân oan nay ở đâu ?
Các chiền sĩ Hải quân Nhơn dân Việt Nam, các anh có còn là người Việt Nam không ? Các quân nhơn của quân đội Nhơn dân Việt Nam, các nhơn viên Công lực Công an Nhơn dân, các anh còn người Việt Nam không ? Hay chất cộng sản đã biến chất Việt trong người các anh để phục vụ ngoại bang Tàu rồi.
Vẫn biết Đảng trưởng Lê Duẫn của các anh đã dạy các anh « là các anh đánh Mỹ Ngụy là chiến đấu giùm cho Nga và cho Tàu ! ». Nhưng ngày nay các anh không đánh Mỹ Ngụy nữa, mà các anh đang đánh vào dân tộc, họ hàng bà con, đồng bào Việt Nam của các anh, giùm cho Tàu đó !
Để kết luận
Chúng tôi người viết xin gởi đến quý bạn, một câu trong những bài sấm của Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Muốn được mãi mãi một nước Việt Nam Hòa Bình, Độc Lập Tự Do, phải hoàn toàn trở về với Đại Việt muôn thuở (Việt Nam CHỈ là tên của Nhà Thanh « tặng » Vua Gia Long sau khi Gia Long thống nhứt sơn hà năm 1802) phải :
«Biển Đông vạn dặm dang tay giữ
Đất Việt muôn năm vững trụ bền ! »
Mong lắm !
Hồi Nhơn Sơn, những ngày cuối của Dương Cước Niên.
TS Phan Văn Song