Tại lễ bế mạc Đại hội Đảng toàn quốc XI sáng thứ Tư 19/01 ở Hà Nội, ông tổng bí thư phát biểu rằng ông và Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa mới sẽ “tăng cường đoàn kết, thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động, luôn luôn vững vàng về bản lĩnh chính trị”… để đạt mục tiêu trước mắt là đến năm 2020 Việt Nam trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại.
Ông cũng thừa nhận là còn “không ít khó khăn, thách thức đang ở phía trước”.
Tân Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vừa ra mắt Đại hội XI và báo giới,
cam kết đưa Việt Nam “tiếp tục từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội”.
Hôm thứ Ba, trong ngày làm việc cuối của kỳ họp kéo dài tám ngày, ông Nguyễn Phú Trọng, 67 tuổi, đã được Ban Chấp hành TW khóa XI bầu làm lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng Cộng sản.
Người tiền nhiệm của ông, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, đã tặng hoa cho ông Trọng. Hai ông trao hoa và ôm hôn thắm thiết tới hai lần để báo giới ghi hình.
Tại phiên bế mạc, Thường trực Ban Bí thư khóa cũ Trương Tấn Sang cũng thông báo danh sách Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Kiểm tra TW Đảng nhiệm kỳ 5 năm tới.
Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI có thêm năm gương mặt mới là các ông bà Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc, Đinh Thế Huynh, Tòng Thị Phóng và Ngô Văn Dụ.
Quá trình lựa chọn nhân sự được tân tổng bí thư ca ngợi là “rất dân chủ”, với toàn bộ 175 ủy viên trung ương đều giành ít nhất 67% phiếu bầu của đại hội.
Nghị trình của lãnh đạo mới
Ông Nguyễn Phú Trọng, năm nay 67 tuổi, có học vị Tiến sỹ-Giáo sư chuyên ngành Xây dựng Đảng.
Ông từng là Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Bí thư Thành ủy Hà Nội, trước khi trở thành Chủ tịch Quốc hội năm 2007.
Ông Trọng là ủy viên Bộ Chính trị tới bốn nhiệm kỳ liền.
Sau lễ bế mạc, tân tổng bí thư đã có cuộc họp báo.
Ông cho biết vẫn chưa quyết định sẽ đi thăm nước ngoài nào đầu tiên sau khi nhậm chức vì “chưa kịp nghĩ đến việc này”.
Ông Trọng nói: “Nói thật, tôi vừa mới nhận (chức) tổng bí thư xong, nghe gọi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thấy ngượng ngượng, chưa quen tai”.
“Chắc sau này cũng sẽ phải đi, nhưng đi đâu thì còn có Ban Đối ngoại, rồi Bộ Ngoại giao…”
“Thứ hai nữa là người ta có mời hay không thì mới đi, chứ mình chủ động đi thế nào được.”
Đây là câu trả lời khôn khéo của ông tổng bí thư, người trong cương vị là Chủ tịch Quốc hội đã thăm Bắc Kinh trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình.
Vì lý do đó một phần, ông Trọng bị một số nhà quan sát nước ngoài cho là “thân Trung Quốc” và có xu hướng thiên về bảo thủ tuy được đánh giá là nhân vật ôn hòa.
Ông cũng điểm qua với các nhà báo một số trọng tâm trong chương trình hành động của mình. Trước hết, ông nói việc của ông cũng như toàn Đảng là “nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”.
Công việc xây dựng Đảng, chuyên ngành của ông Trọng khi làm công tác lý luận, được coi như ưu tiên hàng đầu của tân tổng bí thư.
Tiếp đó, ông nói sẽ tập trung xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc để đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới.
Sau khi vạch ra các định hướng chung đó, ông Nguyễn Phú Trọng tâm sự: “Tôi làm cái gì không nghĩ tới mục đích tạo dấu ấn… không phải để tỏ ra ta là thế nào.”
Sửa đổi cương lĩnh
Tại lễ bế mạc Đại hội XI, ông Đinh Thế Huynh trong tư cách ủy viên của đoàn thư ký đã thông báo một số sửa đổi trong các văn kiện đại hội, sau khi tiếp thu ý kiến của đại biểu thông qua bỏ phiếu.
Một trong các sửa đổi quan trọng nhất là trong Cương lĩnh về đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội, được sửa từ phiên bản Dự thảo là “Có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất” thành “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp” (như tinh thần Đại hội X).
Khi bỏ phiếu, tới 65,04% đại biểu đồng ý với phương án hai, tức sửa đổi như trên; trong khi chỉ có chưa đến 35% phiếu ủng hộ phương án một, tức giữ nguyên như Dự thảo.
Đánh giá về sửa đổi này, kinh tế gia kỳ cựu Lê Đăng Doanh nói: “Chi tiết này có ý nghĩa bước ngoặt quan trọng.”
“Việc Đại Hội biểu quyết thay đổi khác với Dự thảo nên được ghi nhận là một tiến bộ trong Đại hội này.”
Kinh nghiệm về các chiến dịch công hữu hóa tại các nước cộng sản trong quá khứ rất có thể khiến người nước ngoài cảm thấy lo ngại khi làm ăn.
Theo ông Doanh, sửa đổi cương lĩnh Đảng sẽ bảo đảm rằng “từ nay về sau sẽ không thể còn có các chiến dịch công hữu hóa nữa vì không chỉ Cương lĩnh không cho phép mà lực lượng ủng hộ ý kiến này sẽ ngày càng ít dần đi”.
Bản thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người ủng hộ việc giữ nguyên cụm từ “chế độ công hữu về tư liệu sản xuất”, với lý do các tranh cãi còn nhiều, chưa thống nhất về vấn đề này, chưa chín muồi nên cần được bảo lưu như Dự thảo.
Tuy nhiên, ông Trọng nay thừa nhận ông phải “chấp hành ý chí của toàn Đảng”.
“Biểu quyết thế nào là quyền của Đại hội.” Ông nói: “Chúng tôi nghiêm túc chấp hành”.
“Nhưng dù thế nào đi chăng nữa cũng không ảnh hưởng gì đến chính sách nhất quán của Việt Nam là phải xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội.”
Một sửa đổi khác là chi tiết về Đảng lãnh đạo quân đội và công an trong Điều lệ Đảng. Nay chi tiết này được sửa thành “Đảng quyết định những vấn đề cơ bản xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Nhà nước thống nhất quản lý đối với Quân đội, Công an và sự nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định của Hiến pháp và pháp luật”.
Điều lệ Đảng cũng thêm vào sửa đổi nêu rõ chức danh Tổng Bí thư là Bí thư Quân ủy Trung ương và bí thư cấp ủy địa phương trực tiếp làm bí thư đảng ủy quân sự cùng cấp.
- Sinh ngày 14/04/1944
- Quê quán: Đông Anh, Hà Nội
- Giáo sư Tiến sỹ Chính trị học, chuyên ngành Xây dựng Đảng
- Từng là Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Chủ tịch Hội đồng Lý luận TW, Bí thư Thành ủy Hà Nội
- Chủ tịch Quốc hội khóa XII
Nguồn: BBC