Hội Đồng Bảo An sắp ban hành các biện pháp trừng phạt gia đình Kahdafi. Tình trạng đàn áp tại chỗ đã làm cho Tây phương huy động một lực lượng hải quân hùng hậu với tốc độ nhanh chóng chưa từng thấy đang tiến về bờ biển Libya. Theo giới phân tích, chiến dịch biểu dương sức mạnh này nhằm cứu trợ nhân đạo nhưng cũng có thể can thiệp quân sự.
Cho đến ngày hôm nay (26/2/2011), chế độ của nhà độc tài Kahdafi gần như sắp cáo chung. Các tỉnh lớn lần lượt rơi vào tay phong trào nổi dậy. Về quân sự, có hơn 30 tướng lãnh và đại tá đã bỏ rơi chủ tướng. Đại tá Kahdafi có 7 lữ đoàn thiện chiến để bảo vệ thủ đô thì một lữ đoàn đã ngả về phe đối lập.
Phe đối lập Libya giành quyền kiểm sóat soát khu vực Benghazi (Reuters)
Theo bản tin của AFP từ Baida thì tướng Salah Matek cho biết là ông về Baida để « tỏ tình đoàn kết với dân chúng ». Một sĩ quan cao cấp thứ hai là tướng Abdel Aziz al-Busta giải thích là ông từ chối lệnh « bắn vào dân » trong khi một sĩ quan khác nói là « mục tiêu mới của họ là tiến về thủ đô Tripoli ». Tin quân đội bỏ rơi chế độ được thông báo liên tục vào lúc tư lệnh bộ binh bị cách chức và quản thúc.
Để bảo vệ chế độ, Kahdafi trông cậy vào 6 lữ đoàn do các con trai và người trong thân tộc chỉ huy là lực lượng lính đánh thuê người châu Phi. Chưa biết lúc nào thì cuộc đọ sức sẽ ngã ngũ nhưng tình hình tại chỗ rất nguy ngập. Hệ thống cung cấp thực phẩm gần như rối loạn trong bối cảnh bạo lực đán áp đã làm hàng ngàn người chết. Không phải chỉ có hàng trăm ngàn nhân viên lao động nhập cư tìm cách chạy thoát thân mà nhiều người dân Libya cũng đang tìm đường lánh nạn.
Hạm đội NATO và EU ngoài khơi Libya
Trong bối cảnh này, nhiều quốc gia tây phương đã khẩn cấp huy động chiến thuyền vào vùng biển Libya. Theo Le Monde Diplomatique trên mạng, thì Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp đã chỉ thị cho các chiến hạm, tổng cộng 15 chiếc phải rời vùng hoạt động ở Ấn Độ dương, Hồng hải trực chỉ bờ biển Libya.
Hải quân Nato và Liên Hiệp Châu Âu trong vùng Điạ Trung hải, được tăng cường tàu đổ bộ và các đơn vị biệt kích tham gia vào một cuộc biểu dương lực lượng nhưng cho đến giờ này mục tiêu chưa phải là can thiệp quân sự.
Theo giới phân tích thì Tây phương đang tiến hành phương án một : trấn an người dân Libya đang bị chính quyền đán áp và trong trường hợp cần thiết sẽ ra tay cứu người tỵ nạn. Trong thực tế thì sự hiện diện hạm đội « đa quốc gia » này còn có nhiệm vụ thiết lập hàng rào an ninh ngăn chận di dân bất hợp pháp và tránh tình trạng người Libya vượt biển tập thể.
Theo tuyên bố của bộ trưởng quốc phòng Pháp Alin Juppé thì ông « mong rằng đại tá Kahdafi đang sống giờ phút cuối cùng của một lãnh đạo » và trong trường hợp « một chính phủ không làm tròn bổn phận bảo vệ dân thì quốc tế phải ra tay ». Còn theo đài CNN, thì nhiều viên chức trong bộ Quốc phòng không nồng nhiệt với giải pháp can thiệp mặc dù Tổng thống Obama có sẵn trong tay mọi biện pháp để bảo vệ kiều dân và quyền lợi của Mỹ tại Libya.
Tuy nhiên tại Mỹ đã có nhiều tiếng nói yêu cầu can thiệp quân sự. Trên blog Foreign Policy, chuyên gia Marc Lynch nói thẳng là Nato phải « gấp rút ngăn chận tình trạng đẩm máu hiện nay, đừng để trở thành xấu hơn » như đã thấy ở Bosnia và Kosovo.
Nhưng ý kiến này đã gặp chống đối. Chuyên gia Justin Raimondo cảnh báo đừng rơi vào bẫy của Kahdafi. Đưa quân Mỹ vào Libya là tạo cho nhà độc tài trong cơ hấp hối này dịp may bằng vàng « động viên tinh thần dân tộc » chống xâm lăng. Can thiệp quân sự còn mang lại hệ quả ngược là cung cấp vũ khí cho thành phần hồi giáo cực đoan thân Al Qaida như ở Irak và Afghanistan. Vậy thì phải làm gì đây ?
Tương lai nằm trong tay giới trẻ trong và ngoài nước
Tại Tunisia và Ai Cập, phong trào phản kháng của dân chúng đã thành công mà không cần can thiệp quân sự. Theo luật sư người Algerie Saad Djerba, tương lai của Libya cũng sẽ như hai nước láng giềng Tunisia và Ai Cập, nằm trong tay giới trẻ khao khát tự do và dân chủ.
Giới trẻ Libya cũng nhờ vào Internet và các mạng xã hội như Twitter có thể thấy thế giới đang diễn biến ra sao. Họ cũng là thành viên của thế giới này và có quyền sống như những thanh niên khác trong một nhà nước mà luật pháp được tôn trọng , trong xã hội tự do với một chính quyền trong sạch.
Tuần báo kinh tế Ạnh, The Economist cũng lo ngại một khi chế độ Kahdafi sụp đổ thì Libya bị hỗn loạn. Nhưng tuần báo Anh cũng nhân mạnh đến hai yếu tố thuận lợi là « tài nguyên dầu khí » và « nhân tài trong khối kiều dân hải ngoại trở về giúp nước ». Theo The Economist thì « vết thương » do 42 năm chế độ độc tài gây ra đã tôi luyện cho người dân Libya một « bản sắc chân thật phát xuất từ đáy lòng » nhiều hơn trước.
Tú Anh [Nguồn RFI]
2. Liên Hiệp Quốc đồng thuận trừng phạt Libya
Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (RFI/ Karim Lebhour)
Trước quy mô đàn áp của chính quyền Libya, cộng đồng quốc tế gia tăng áp lực. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong phiên họp hôm qua (25/02/2011) đã đạt đồng thuận trên các lãnh vực trừng phạt nhắm vào chính quyền Tripoli. Liên Hiệp Quốc cũng yêu cầu gạt Libya ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bản an Liên Hiệp Quốc đề cập đến cấm vận vũ khí, cấm gia đình và những người thân cận của ông Kahdafi ra nước ngoài cũng như phong tỏa tài sản. Một biện pháp khác là truy tố Kahdafi ra tòa án hình sự quốc tế. Hội Đồng Bảo An sẽ tiếp tục cuộc họp vào hôm nay.
Tổng thống Mỹ cũng đã ký sắc lệnh phong tỏa ngân khoản và tài sản địa ốc của gia đình Kahdafi và giới thân cận của lãnh đạo Libya. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng cho biết Hoa Kỳ ủng hộ nghị quyết của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc lập ủy ban điều tra về các hành vi đàn áp của chế độ Tripoli đối với dân chúng. Từ Genève, thông tín viên Laurent Mossu tường thuật :
“Yêu cầu long trọng đình chỉ tư cách thành viên của Libya, của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, giờ đây đang nằm trong tay Đại hội đồng Liên hiệp quốc. Đại hội đồng này sẽ phải đưa ra quyết định nhanh chóng về vấn đề này. Trong một nghị quyết được thông qua với sự đồng thuận tuyệt đối, Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, họp tại Geneva ngày hôm qua, đã yêu cầu tạm gạt Libya ra khỏi Hội đồng Nhân quyền, do các hành động đàn áp hết sức tàn khốc, của chính quyền Kadhafi, nhắm vào những người biểu tình.
Đây là lần đầu tiên, tại Liên hiệp quốc, một biện pháp như vậy đã được thông qua. Như vậy, cộng đồng quốc tế đã đoàn kết chặt chẽ để lên án các vi phạm nhân quyền của chế độ Kadhfi. Cao Ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc đã nói đến các vụ giết người hàng loạt, các vụ bắt người vô cớ và việc đàn áp ngày càng khốc liệt. Một ủy ban điều tra quốc tế đang khẩn trương tới Libya để ghi nhận các chứng cứ và thủ phạm của các « tội ác chống nhân loại » sẽ có thể bị đưa ra trước tòa án quốc tế”.
Trọng Thành / Tú Anh [Nguồn RFI]
3. Obama công bố biện pháp trừng phạt Libya
Tổng thống Obama tuyên bố phong tỏa các tài sản và giao dịch tài chính của ông Gaddafi và các lãnh đạo Libya.
Hoa Kỳ đã công bố biện pháp trừng phạt chống lại chính phủ Libya, trong lúc Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ), ông Ban Ki-moon, thúc giục Hội đồng Bảo an LHQ có “hành động quyết định” trong cuộc khủng hoảng Libya.
Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama, đã ký một sắc lệnh ngăn chặn bất động sản và các giao dịch liên quan đến nước này.
Ngay lập tức các giao dịch liên quan đến tài sản của ông Muammar Gaddafi và một số cộng sự gần gũi đã bị phong tỏa.
Phái viên của Libya tại LHQ đã từ bỏ Gaddafi trong cảnh được tường thuật là đầy ấn tượng tại trụ sở LHQ ở New York.
Ngày thứ Sáu, một cuộc biểu tình chống chính phủ ở thủ đô Tripoli của Libya đã bị hỏa lực loại hạng nặng tấn công.
Khoảng 1.000 người biểu tình được cho là đã bị giết hại bởi quân đội của ông Gaddafi vốn cố gắng dập tắt các cuộc nổi dậy.
“Chính phủ Libya liên tiếp vi phạm các quyền con người, có các hành động dã man đối với nhân dân, và các mối đe dọa quá đáng của chính phủ này đang gây ra sự lên án mạnh mẽ và rộng rãi của cộng đồng quốc tế,” Tổng thống Obama phát biểu trong một tuyên bố vào cuối ngày thứ Sáu.
“Những biện pháp trừng phạt do đó có mục tiêu nhắm vào chính phủ Gaddafi, trong khi bảo vệ các tài sản vốn thuộc về nhân dân Libya.”
‘Kẻ điên’
Gaddafi hô hào dùng bạo lực đối phó với người dân phản đối ông
Các nhân chứng cho biết về nhiều ca tử vong và thương vong mới nhất là do dân quân và quân đội của chính phủ tấn công những người biểu tình gây ra, khi họ vừa ra khỏi một số nhà thờ Hồi giáo, sau buổi cầu nguyện hôm thứ Sáu và bắt đầu tiến hành biểu tình ở một số khu vực của thành phố.
Đồng thời, truyền hình nhà nước Libya cho thấy cảnh Đại tá Gaddafi phát biểu từ khu thành lũy cổ của Tripoli, thúc giục đám đông thân hữu hãy tự vũ trang và bảo vệ đất nước và dầu mỏ, chống lại các phần tử chống đối Gaddafi vốn đã nắm quyền kiểm soát phần lớn đất nước này.
“Chúng ta sẽ tiêu diệt bất kỳ cuộc xâm lược nào”, Gaddafi nói. “Khi cần thiết, chúng ta sẽ mở các kho vũ khí. Để tất cả mọi người Libya, tất cả các bộ lạc Libya có thể được vũ trang… Libya sẽ trở thành ngọn lửa đỏ, một viên than nóng bỏng.”
Trước đó, tại một cuộc họp báo được vội vàng tổ chức tại Liên Hiệp Quốc ở New York, Phó Đại sứ Libya, ông Ibrahim Dabbashi,mô tả Đại tá Gaddafi, người đã nắm quyền suốt 42 năm qua, là một “người điên”. Ông cảnh báo rằng hàng ngàn người sẽ chết ở Tripoli vì nhà lãnh đạo Libya sẽ không bao giờ chạy trốn và sẽ chiến đấu đến cùng.
Phần lớn miền đông của đất nước đã nằm trong tay của những người biểu tình chống Gaddafi cũng như của nhiều đơn vị quân đội Libya phản chiến, nay chống lại nhà lãnh đạo đang níu giữ quyền lực này.
Tổng thư ký Ban Ki-moon cho biết chính phủ Libya đã tiến hành các hành vi vi phạm quyền con người.
Ông cũng cho hay 22.000 người đã rời bỏ Libya qua Tunisia, và hơn 15.000 người khác đi qua ngả Ai Cập.
“Một số lượng lớn bị mắc kẹt và không thể ra đi,” ông nói thêm. “Có các tin đang rộng rãi về người tị nạn bị sách nhiễu và bị đe dọa bằng súng lẫn dao.”
‘Mở ngỏ’
Phát ngôn viên Nhà trắng Jay Carney họp báo công bố quyết định chế tài của Mỹ với chính phủ Gaddafi. Ông nói điều quan trọng đối với các nước láng giềng của Libya, kể cả các nước châu Âu, là cần để ngỏ biên giới cho những người di tản chạy trốn bạo lực.
Ông Ban Ki-moon cũng nói rằng đang diễn ra một cuộc khủng hoảng lương thực, thực phẩm bên trong Libya và rằng Chương trình lương thực thế giới (WFP) dự kiến tình hình sẽ xấu đi.
WFP cho biết đường dây cung cấp thực phẩm của Libya có nguy cơ bị sập vì nhập khẩu đã không được tiếp nhận vào nước này và việc phân phối thực phẩm bị ảnh hưởng do bạo lực.
Trong một diễn biến đặc biệt, Phó Đại sứ Libya tại Liên Hợp Quốc đã rơi nước mắt tại một phiên họp của Hội đồng Bảo an về tình hình khẩn cấp ở Libya.
Các nhà ngoại giao tại Hội đồng Bảo an nói rằng Anh và Pháp đã soạn thảo một dự thảo nghị quyết bao gồm một gói các biện pháp nhằm cô lập các nhà lãnh đạo Libya cả về chính trị và quân sự.
Các biện pháp trừng phạt này có thể bao gồm một lệnh cấm vận vũ khí, và một văn bản soạn thảo đệ trình tình hình của Libya tới Tòa án Hình sự Quốc tế.
Đại sứ Libya tại LHQ, ông Mohamed Shalgham, tố cáo Đại tá Gaddafi hôm thứ Sáu, chỉ ba ngày sau khi ca ngợi ông này là “người bạn của tôi”.
Ông nói với Hội đồng Bảo an, ông “không thể tin được” quân đội của Đại tá Gaddafi đã bắn vào những người biểu tình, nhưng khi chứng kiến nhà lãnh đạo Libya kêu gọi khống chế và đàn áp các cuộc biểu tình bằng vũ lực, ông Shalgham đã ủng hộ lệnh trừng phạt hiện nay.
Khi phát biểu xong, ông này đã được Phó Đại sứ Libya, Ibrahim Dabbashi, ôm hôn trong khi òa khóc. Nhiều nhà ngoại giao quốc tế khác được thấy đã có cử chỉ và động tác chia sẻ với các ông này.
[Nguồn BBC]