Lúc Lẩm Cẩm vận “Nhất Dương Chỉ” gõ máy đôi dòng này hầu chuyện qúy vị, thì cũng là lúc “năm cùng tháng tận”. Rắn sửa soạn bò đi, để cho ngựa tà tà tiến tới. Lại sắp Tết!
Tết năm Ngọ nhắc bà con ta nhớ đến mấy chú ngựa mà danh nổi như cồn hồi xưa ở bên đông và tây phương. Phía đông phương thì xin nhắc đến ba con tuấn mã của ba người anh em kết nghĩa nổi tiếng thời Tam Quốc là Quan Công, Lưu Bị và Trương Phi:
– Xích Thố là ngựa quý của Quan Công. Nó mình dài một trượng, cao tám thước, lông màu đỏ rực và một ngày có thể đi hàng ngàn dặm, cũng như trèo non vượt suối dễ dàng. Xích Thố từng qua tay rất nhiều chủ nhân nổi tiếng như Đổng Trác, Lữ Bố, Tào Tháo, Quan Công và Mã Trung. Sách ghi lại là khi trở thành ngựa của Mã Trung, thì Xích Thố không ngoan ngoãn đi theo chủ mới, mà lại tuyệt thực đến chết.
– Ngựa Đích Lô vốn là ngựa của Trương Vũ, sau đó về tay Lưu Bị. Có lúc Lưu Bị tặng Đích Lô cho Lưu Biểu, nhưng Lưu Biểu trả lại vì nghĩ rằng “con ngựa này có quầng mắt, trên đầu lại có những đốm trắng, rồi tên nó lại là Đích Lô, thì ắt phải là ngựa sát chủ!”. Quân hầu đem chuyện “ngựa sát chủ” nói cho Lưu Bị biết, nhưng ông không tin. Một lần nọ, khi được mật báo có người định sát hại mình, Lưu Bị vội thoát ra ngoài, rồi cưỡi ngựa Đích Lô chạy trốn, nhưng lại chạy nhầm đường! Khi chạy đến suối Đàm Khê, phía trước thì đối mặt với con suối lớn, phía sau lại bị địch quân truy đuổi, Lưu Bị mới nhớ đến lời nói “Đích Lô sát chủ”! Ông tức giận quất mạnh roi vào lưng ngựa rồi hét lên: “Đích Lô, hôm nay mày hại ta rồi!”. Thế nhưng, đúng lúc đó thì Đích Lô bỗng vùng lên, phi một phát cực mạnh sang được đến bờ bên kia, cứu mạng cho Lưu Bị! Kỳ tích này của Đích Lô được xem là vô tiền khoáng hậu! Từ đó, Lưu Bị ngày càng yêu quý con tuấn mã này nhiều hơn.
– Nếu Quan Công có ngựa quý là Xích Thố, Lưu Bị có tuấn mã là Đích Lô, thì Trương Phi có ngựa quý là Ô Vân Đạp Tuyết. Nó còn có tên là Vương Truy Mã. “Vương Truy Mã” có nghĩa là con ngựa đi theo hầu bậc đại vương. Toàn thân ngựa có lông màu đen, nhưng bốn vó lại màu trắng. Nếu Ô Vân Đạp Tuyết có bộ lông đen tuyền, thì Trương Phi là người cũng có sắc da đen. Trương Phi rất mực yêu quý Ô Vân Đạp Tuyết, và thường tự tay tắm cho nó.
Ở bên trời tây thì xin đề cập đến hai con tuấn mã Marengo và Copenhagen:
– Marengo là con ngựa chiến nổi tiếng nhất của hoàng đế Pháp quốc Napoleon Bonaparte. Chính ông đã đặt tên cho nó theo địa danh Marengo là nơi Napoleon đánh thắng một trận lớn vào năm 1800. Marengo đã cùng chủ xông pha trong các trận đánh lớn như Austerlitz, Jena-Auerstedt, Wagram và Waterloo. Trong suốt thời gian dài xông pha trận mạc với hoàng đế Napoleon, Marengo đã bị thương đến tám lần. Sau khi Napoleon bại trận ở Waterloo, Marengo bị bắt và đem bán cho một viên sĩ quan cấp tá người Anh. Nó qua đời năm 1831 vì già yếu. Khi đó, Marengo 37 tuổi. Hầu như toàn bộ bộ xương của con tuấn mã này đã được bảo quản kỹ càng, rồi đưa về Viện Bảo Tàng Quân Sự Quốc Gia của Anh quốc ở Chelsea để trưng bày.
– Nếu Marengo là chiến mã của vị bại tướng Napoleon tại trận Waterloo, thì Copenhagen là chiến mã của công tước Arthur Wellesley, người đã chỉ huy quân Anh đánh bại đoàn quân của Napoleon tại Waterloo. Đây là một chiến thắng quân sự lừng danh của nước Anh. Copenhagen đã cùng chủ nó xông pha trong làn mưa đạn để tỉ thí với quân Pháp. Theo công tước Arthur Wellesley thì Copenhagen rất khôn ngoan và có sức chịu đựng bền bỉ. Sau khi chiến tranh kết thúc, triều đình Anh coi Copenhagen như anh hùng quốc gia, đưa nó về nuôi tại một trang trại ở gần Luân Đôn. Con tuấn mã này sống được 27 tuổi; nhưng khi về già, thì nó bị mù và điếc. Copenhagen được chôn cất với nghi thức dành cho một quân nhân, và công tước Arthur Wellesley đã đích thân theo dõi việc an táng con ngựa quý của ông.
Trên đây vừa nói qua chuyện ngựa hồi xưa, giờ xin lướt qua chuyện ngựa ngày nay.
Trong giới các thầy thuốc tây người Việt ở hải ngoại, có một ông đốc-tờ rất yêu thích âm nhạc, thích đàn, thích hát, có tài sáng tác ca khúc, có tài phổ nhạc thơ, từng viết nhiều bài báo về âm nhạc, cũng như đã và đang tham gia nhiều sinh hoạt văn nghệ… Đó là ông lang tây Phạm Anh Dũng, hiện cư ngụ và hành nghề chữa bệnh tại thành phố Santa Maria, thuộc tiểu bang nắng ấm Cali, bên xứ Mỹ. Nhân dịp sắp sang năm Ngọ, ông thày thuốc kiêm nhạc sĩ Dũng đã ghi lại và gửi cho bạn bè đọc “Ngựa Trong Âm Nhạc Việt Nam”, trong đó có những chi tiết ít người biết:
Những Bản Nhạc Với Tựa Đề Có Chữ “Ngựa”
– Bài hát cổ nhất với tựa đề có chữ “Ngựa” có lẽ là bài “Lý Ngưa Ô”. Nguyên thủy, đây là một bài dân ca miền Nam, nghe nói do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba ghi nhạc lại.
– Phạm Duy có tới ba bài hát với tựa đề có chữ “Ngựa”:
“Chàng Dũng Sĩ Và Con Ngựa Vàng”, tức “Đạo Ca 3” (Phạm Thiên Thư – Phạm Duy);
“Ngựa Hồng”, tức “Rong Ca 9” (Phạm Duy); và
“Vết Thù Trên Lưng Ngưa Hoang” (Ngọc Chánh – Phạm Duy).
– Các bài hát của những nhạc sĩ khác với tựa đề có chữ “Ngựa” là:
“Ngựa Phi Đường Xa” (Lê Yên);
“Vó Ngựa Giang Hồ” (Lê Mộng Nguyên);
“Ngẫu Hứng Ngựa Ô” (Trần Tiến);
“Bông Hồng Cho Người Ngã Ngựa” (Lê Uyên Phương);
“Vó Ngựa Trên Đồi Cỏ Non” (Giao Tiên)…
Những Bản Nhạc Có Chữ “Ngựa” Trong Lời Ca
– Người “dùng” chữ “Ngựa” nhiều nhất trong lời nhạc của mình là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với những ca khúc nổi tiếng như:
“Xin Mặt Trời Ngủ Yên” (…Ngựa hồng đã mỏi vó chết trên đồi quê hương…);
“Một Cõi Đi Về” (… Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa …); “Phúc Âm Buồn” (…Ngựa xa rồi, người vẫn ngồi, bụi về với mây …); “Dấu Chân Địa Đàng” (… Ngựa buông vó người đi chùng chân đã bao lần …);
“Một Ngày Như Mọi Ngày” (… Một ngày như mọi ngày, xe ngựa về ngủ say …);
“Đóa Hoa Vô Thường” (… Ngựa hí vang đường xa, vọng suốt đất trời
kia …);
“Xa Dấu Mặt Trời” (…Vó ngựa trên đời, hay dấu chim bay…);
“Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên” (… Nhớ ngựa thồ ngoại ô xa vắng …); “Chỉ Có Ta Một Đời” (…Đời vẽ tôi tên mục đồng, rồi vẽ thêm con ngựa hồng…).
Ngoài những bài kể trên, nhạc sĩ họ Trịnh còn dùng chữ “Ngựa” trong những sáng tác khác như “Giọt Lệ Thiên Thu”, “Có Những Con Đường”, “Rơi Lệ Ru Người”, “Thưở Bống Là Người”.
– Các nhạc sĩ dùng chữ “Ngựa” trong hai sáng tác của mình là:
Nhạc sĩ Phạm Duy trong bài “Chinh Phụ Ca” (…Ngựa hồng âu yếm bước sang, trên lưng có chàng trai tráng…) và bài “Ra Biên Cương” (… Trăng non dị thường, ngựa tung gió bước …); và Nhạc sĩ Từ Công Phụng trong bài “Như Chiếc Que Diêm” (…Xót dùm cho thân ta ngựa bầy đã xa …) và bài “Một Mình Trên Đồi Nhớ (… Đồi xưa ngựa hồng đã khuất bóng hồn chênh vênh cỏ buồn …)
– Các nhạc sĩ dùng chữ “Ngựa” trong một sáng tác của mình là:
Văn Phụng: “Ghé Bến Sài Gòn” (… Ngựa xe như nước rộn ràng…),
Lữ Liên-Văn Phụng: “Mộng Hải Hồ” (… Lòng ta mơ tiếng vó ngựa chập chùng …);
Y Vân: “Sài Gòn” (…Ngựa xe như nước trên đường vẫn qua mau…); Phạm Đình Chương-Thanh Tâm Tuyền: “Bài Ca Ngợi Tình Yêu” (…Con ngựa buồn lửa trốn con ngươi…);
Vũ Đức Sao Biển: “Hát Trên Đồi Tăng Nhơn Phú (… Ngựa hồng ơi bao nhiêu năm rồi …);
Hoàng Quốc Bảo: “Hồ Như” (… Ngựa hồ như hí đứng thiên thu …);
Cung Tiến-Quang Dũng: “Mai Chị Về” (… Ngựa lạc rừng hoang qua lướt qua …);
Lê Uyên Phương: “Khi Xa Sài Gòn” (… Sài Gòn xe chiều rạt rời vó
ngựa …);
Nguyễn Nhược Pháp-Trần Văn Khê: “Đi Chơi Chùa Hương” (… Thầy theo sau cưỡi ngựa …);
Trần Trung Đạo-Võ Tá Hân: “Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười” (… Ngựa rừng xưa lạc dấu sơn khê …); và Vương Ngọc Long- Phạm Anh Dũng: “Xin Giữ Lại Trái Tim Người” (… Anh sẽ hứa nhưng đừng chờ em nhé, Một mai ngựa thồ mỏi vó chồn chân …).
Qua loa về ngựa bấy nhiêu đó cho đúng thông lệ “năm con nào, xào con nấy”, giờ xin qua chuyện khác. Nói đến Tết, là chắc chắn phải nói đến chuyện ăn. Từ hồi nào tới giờ, bà con ta chả nói “ăn Tết” hay sao?
Người Việt chúng ta có truyền thống thờ cúng tổ tiên tuyệt đẹp, dứt khoát cần được mãi mãi gìn giữ. Và ngay trong việc ăn, bao giờ chúng ta cũng nhớ đến tổ tiên trước. Vào những dịp Tết nhất hay giỗ chạp, hầu như nhà nào cũng lòng thành dâng nhang đèn, hương hoa, phẩm vật lên bàn thờ để cúng các cụ. Riêng ngày Tết, thì hầu như nhà nhà đều bày mâm ngũ quả để cúng gia tiên, thỉnh các cụ về chứng giám lòng thành con cháu nhớ đến ông bà, mời các cụ về vui Tết cùng con cháu và thụ hưởng lễ vật được dâng cúng mà trong đó có năm loại trái cây bày trên mâm ngũ quả.
Mâm ngũ quả, ngoài việc thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu qua việc dâng cúng tổ tiên năm loại trái cây, còn phản ảnh mong ước của gia chủ là những điều tốt lành sẽ đến với gia đình mình trong năm mới. Các loại trái cây được chọn để bày trên mâm ngũ quả, vì thế, đều mang những ý nghĩa tốt đẹp:
– Trái lê có vị ngọt và thanh, ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ.
– Trái lựu có nhiều hạt, tượng trưng cho con đàn cháu đống.
– Trái phật thủ trông giống như bàn tay Đức Phật Tổ, luôn che chở cho mọi người.
– Trái táo: tượng trưng cho sự phú quý.
– Trái hồng và trái quýt tượng trưng cho sự thành đạt.
– Trái thanh long tượng trưng cho sự phát tài.
– Trái bưởi, trái dưa hấu căng tròn, mát lành tượng trưng cho sự ngọt ngào, may mắn.
– Nải chuối như bàn tay ngửa ra để hứng lấy cái may mắn.
– Trái trứng gà có hình dạng giống như trái đào tiên, tương trưng cho lộc trời.
– Trái sung tượng trưng cho sự sung mãn về sức khỏe và tiền bạc.
– Trái đu đủ tượng trưng cho sự đầy đủ, thịnh vượng.
– Trái xoài có âm na ná như “xài”, ngụ ý cầu mong trong nhà ăn tiêu không bị thiếu thốn…
Việc chọn bày năm loại trái cây nào trên mâm ngũ quả tùy thuộc vào cách suy nghĩ riêng của người dân ở từng miền đất nước, cũng như vào việc miền nào có loại trái cây nào. Ở miền Bắc, trên mâm ngũ quả thường có 5 loại hoa quả là chuối, bưởi, đào, hồng và quýt. Vì bà con ta ở miền Trung dung nạp ảnh hưởng văn hóa của cả hai miền Bắc Nam, nên trên mâm ngũ quả ở đây người ta có thể thấy các loại trái cây như chuối, mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài… Trong miền Nam, mâm ngũ quả không bao giờ có chuối, chắc vì chữ “chuối” phát âm gần giống chữ “chúi”, như trong “chúi nhủi”, chỉ sự đi xuống, nên đồng bào trong Nam muốn tránh chuyện không hay này. Tương tự như vậy, vì “cam” là “cam khổ”, nên bà con trong miền Nam ta cũng không bày cúng nó trên mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả miền Nam thường có các trái mãng cầu, sung, dừa, đu đủ và xoài để nói lên điều ước mong “cầu sung vừa đủ xài” của gia chủ.
Trong mấy ngày xuân, bà con ta thường lai rai thưởng thức món hạt dưa Tiếng lách tách khi cắn hạt dưa nghe vui tai và cái vị vừa thơm vừa béo của nó thì vui miệng!
Ăn hạt dưa thì nhiều người ăn, nhưng ít ai biết ăn hạt dưa còn có lợi cho sức khỏe. Hạt dưa lấy từ quả dưa hấu, được chế biến thành hai loại: hạt dưa rang nhuộm đỏ và hạt dưa luộc màu đen. Ngày Tết, bà con ta chuộng hạt dưa đỏ vì tin màu đỏ đem lại may mắn. Theo đông y sĩ Đinh Công Bảy, hạt dưa có tính mát khi chưa rang chín, và sau khi rang rồi, thì có tính bình, có tác dụng làm hạ nhiệt, lợi tiểu, hạ huyết áp và tăng cường sinh lực.
Ngoài hạt dưa, bà con ta còn ăn hạt điều. Hạt điều lấy từ quả của cây điều, tức là cây đào lộn hột, ăn rất bùi. Hạt điều cũng thường được dùng làm nhân trong kẹo và bánh, cũng như được xào với thịt gà.Theo đông y, hạt điều có tính ấm, có tác dụng bổ dưỡng, làm dịu cơn ho và trừ đàm. Vì thế, nó rất tốt cho người bị suy nhược cơ thể, đau cổ họng, bị ho và có nhiều đàm. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Andrew Clark, hiện tùng sự tại bệnh viện Addenbrookes ở thành phố Cambridge bên nước Anh, thì nếu bị dị ứng với hạt điều, thì khi ăn vào người ta sẽ thấy khó thở, bị rối loạn nhịp tim, hay tụt huyết áp.
Ngoài hạt dưa và hạt điều, bà con ta còn ăn hạt hướng dương, lấy từ cây hướng dương. Nó còn được gọi là “thiên quỳ tử”, “quỳ tử” hay “quỳ hoa tử”. Hạt hướng dương đem rang chín ăn rất ngon. Người ta cũng dùng hạt này để làm dầu ăn vì nó có nhiều acid béo. Theo đông y, hạt hướng dương có vị ngọt, tính ấm và có tác dụng cầm máu, sát trùng, thúc phát ban, trị nhức đầu do suy nhược thần kinh và bổ dưỡng cơ thể. Để chữa bịnh kiết lỵ và đại tiện ra máu, ta có thể lấy 30 gram hạt hướng dương đã bóc vỏ đem hãm với nước sôi trong một tiếng, sau đó pha thêm chút đường phèn để uống trong ngày. Nếu bị chứng ù tai, thì lấy 15 gram vỏ hạt hướng dương đem sắc lấy nước uống hàng ngày.
Cuối cùng là hạt bí, lấy từ quả bí ngô già. Trong đông y, hạt bí ngô được gọi là “nam qua tử”, “nam qua nhân” hoặc “bạch qua tử”. Nó có vị ngọt, béo, có tính bình và đi vào các kinh vị cùng đại trường. Hạt bí có tác dụng sát khuẩn, tẩy giun sán, giải nhiệt, giảm căng thẳng thần kinh và giúp cho sinh hoạt tình dục được tốt hơn. Nếu muốn tẩy giun sán, thì lấy hạt bí (để cả vỏ hoặc bỏ vỏ) đem giã nát, hòa với nước sôi, rồi để nguội mà uống. Nhớ đừng luộc chín hạt bí, vì làm như vậy sẽ không còn tác dụng nữa. Ngày nay, người ta còn biết thêm một số tác dụng khác của hạt bí như:
– Làm giảm các triệu chứng của bệnh phì đại tiền liệt tuyến như giúp làm giảm số lần đi tiểu tiện trong đêm, giảm thể tích nước tiểu tồn dư và cải thiện hai chứng khó tiểu cũng như đi tiểu buốt.
– Giúp bàng quang không phải hoạt động quá mức khiến gây ra chuyện tiểu són, tiểu rát và đái dầm. Những chuyện này thường xẩy ra với người cao tuổi.
– Vì có chứa chất kẽm, hạt bí ngô có tác dụng làm tăng tỷ trọng khoáng chất cho xương, đặc biệt là với đàn ông trung niên. Kết quả của một cuộc nghiên cứu vừa được công bố mới đây trên tạp chí “Y Học Dinh Dưỡng” ở Mỹ cho biết là sau khi nghiên cứu 400 người đàn ông trong hạn tuổi từ 45 đến 92, các nhà khoa học thấy là những người nào mà khẩu phần ăn có ít chất kẽm thì dễ bị gãy xương háng và cột sống.
– Giúp phòng ngừa và điều trị chứng rối loạn lipid máu, và làm chậm sự phát triển chứng xơ vữa động mạch.
Xem như thế thì hạt bí ngô vừa là món ăn cho vui miệng, vừa giúp bảo vệ sức khỏe cho bà con ta, rồi lại còn giúp các ông làm “chuyện ấy” tốt hơn nữa. Có lẽ các bà nên thầm cám ơn hạt bí này!
Là người mê phở 24/24; sáng, trưa, chiều, tối lúc nào húp phở cũng thấy “sướng rên mé đìu hiu” (nói theo kiểu nhà văn Duyên Anh – người nổi tiếng với các tác phẩm viết về tuổi thơ tại miền Nam Việt Nam trước 1975), Lẩm Cẩm thấy là trong lúc thưa thốt cùng chư vị về chuyện ăn, thời chẳng có cách chi không đề cập đến món ngon tuyệt vời và hiện đã vang danh trên thế giới này.
Trước hết, ta thấy điều đáng ngạc nhiên là tuy là món ăn quốc hồn quốc túy của Việt Nam, nhưng phở chưa bao giờ được gắn liền với ngày lễ trọng đại nhất trong năm của người Việt ta là Tết. Nói đến Tết, người ta kể ngay đến bánh chưng, bánh tét, thịt mỡ, dưa hành, nem chua, củ kiệu, chân giò ninh măng, thịt kho, dưa giá, thịt đông, mứt hạt sen, mứt gừng…; nhưng tuyệt nhiên không nói đến phở! Lẩm Cẩm chẳng hiểu vì răng, nhưng trộm nghĩ đây là một sai sót trầm trọng! Và rồi, Lẩm Cẩm cứ thấy tức anh ách!
Mới đây, trong bài “Bên Bát Phở” của Trần Thu Dung, người viết đã đưa ra các dữ kiện để chứng minh những việc sau đây:
– Việc chăn nuôi bò để lấy thịt và sữa là do người Pháp đem vào Việt Nam, và điều này khẳng định phở bò chỉ bắt đầu có ở nước ta vào đầu thế kỷ 20 với lý do rất dễ hiểu là chuyến bò đầu tiên nhập vào nước ta xẩy ra vào năm 1898.
– Trong bài khảo luận về dân Bắc Kỳ đăng trong “Tạp Chí Đông Dương”, số ra ngày 15 tháng 9 năm 1907, tác giả Georges Dumoutier có nói về những món ăn phổ biến ở Bắc Kỳ, nhưng không thấy nói đến phở.
– Khi xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, phở sớm được ưa thích, nên nó đã xuất hiện trong văn thơ thời Pháp thuộc; và chỉ hơn một thập niên sau, chữ “phở” đã bắt đầu xuất hiện trong từ điển. Cuốn từ điển “Dictionnaire Annamite – Chinois – Français” do Gustave Hue soạn, được xuất bản năm 1937, đã giải thích “Cháo phở” là “pot-au-feu”. “Pot-au-feu” là món súp hầm thịt bò và là một trong những món ăn truyền thống của người Pháp.
– Phở chính là sự sáng tạo của người Việt khi tiếp xúc với thức ăn Pháp. Xem kỹ các nguyên liệu để nấu món súp hầm thịt bò của Tây và các nguyên liệu để nấu món phở của ta, thì nếu trừ hai thứ là rau và củ ra, người ta thấy các thứ cần dùng để nấu nồi nước súp cổ truyền của người Pháp gần giống như những thứ cần dùng để nấu nồi nước phở của Việt Nam. Người Pháp sống ở Đông dương, xa quê hương, nhớ các món ăn của họ, nên đã bày cho đầu bếp Việt nấu món “pot-au-feu”. Đầu bếp Việt thấy món này dễ ăn, lại hấp dẫn nữa, chi nên họ đã Việt Nam hóa “pot-au-feu” một cách sáng tạo bằng cách dùng thêm các hương liệu Việt Nam như gừng, quế, đồng thời thay thế khoai tây bằng bánh đa tươi thái sợi, để chế ra món phở. Một khác biệt nữa giữa phở và “pot-au-feu” là với phở thì thịt bò được thái thành lát mỏng.
– Vì phở vốn từ món súp bò của Pháp mà ra, cho nên chữ “phở” là từ chữ “feu” mà ra. Tiếng Việt đơn âm, người Việt lúc đó đại đa số lại không biết tiếng Pháp, mà chỉ nói tiếng Tây bồi qua sự tiếp xúc, làm việc, phục vụ cho người Pháp mà thôi, cho nên những người này có khuynh hướng rút ngắn các chữ Pháp, nhất là khi họ nghe không rõ. Họ thường lấy âm đầu, hay âm cuối, trong một chữ để gọi, thí dụ như “galon” (quân hàm) thì gọi đơn giản là “lon”, “biscuit” thì gọi là “bánh qui”, “chèque” thì gọi là “séc”, “essence” thì gọi là “xăng”, “démarrer” thì gọi là “đề”, “alcool” thì gọi là “cồn”… Sự biến đổi chữ đa âm thành chữ đơn âm là cách Việt hóa chữ Pháp, và những người Việt nấu bếp cho dân Pháp thời đó đã phát âm chữ cuối trong “pot-au-feu” thành “phở”. Từ đó chúng ta có chữ “phở”.
– Trong khi người Tàu không bao giờ khẳng định phở là món ăn của họ, thì một số người Việt lại loay hoay chứng minh chữ phở có gốc Tàu vì món phở xuất phát từ món “ngưu nhục phấn” (mì thịt trâu) của Tàu! Và cuốn từ điển Việt-Pháp do Lê Khả Kế và Nguyễn Lân biên soạn, tái bản lần thứ 4, bên trong ghi rõ là có chỉnh sửa, do nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội in năm 1997 tại Việt Nam, thì lại dịch phở là “soupe chinoise” tức là súp Tàu! Thật là thậm vô lý.
Với “Bên Bát Phở”, Trần Thu Dung quả đã trình bày vấn đề rất rõ ràng, lập luận rất vững vàng và có tính thuyết phục.
Nói chuyện phở nhắc Lẩm Cẩm nhớ lại những gánh phở ở Hà Nội mấy chục năm về trước. Hình ảnh những gánh phở, cũng như việc được ông thân dẫn đi ăn phở gánh vào buổi sáng mùa đông lạnh căm căm ở thủ đô ngàn năm văn vật ngày trước, còn rõ nét trong màn ảnh ký ức của Lẩm Cẩm. Kể từ ngày phải rời bỏ quê nhà để lưu lạc xứ người, rồi định cư tại miền Bắc Mỹ này, Lẩm Cẩm chắc nỡm là mình sẽ chẳng còn bao giờ nói đến cái gọi là gánh phở nữa; ấy thế mà “nào ai học được chữ ngờ”, gánh phở lại đã tái xuất giang hồ!
Theo người viết Hà Giang, sau khi hai bạn Eddy Phạm và Mike Baun gặp nhau tại thành phố Phoenix, tiểu bang Arizona, Hoa Kỳ, thì gánh phở của thế kỷ 21 đã ra đời ở thành phố Scottsdale, cũng nằm trong tiểu bang Arizona. Gánh phở này hiện đang bán những tô phở thơm ngon cho người Mỹ tại Scottsdale và các vùng phụ cận. Gánh phở của Eddy và Mike không phải là đôi quang gánh kẽo kẹt, mà là một chiếc xe vận tải sơn mầu sặc sỡ và đi đến đâu là tạo sự chú ý ở đó. Dân địa phương chú ý vì mầu sắc của chiếc xe cũng có, nhưng lý do chính là vì mùi thơm đặc biệt của phở từ xe tỏa ra.
Theo lời Mike Baun thì anh là người chịu trách nhiệm về sổ sách và quảng cáo cho xe phở, còn Eddy Phạm là đầu bếp. Mike kể là sau khi anh mua chiếc xe vận tải để làm xe bán thức ăn trưa, và rồi gặp quá nhiều khó khăn trong lúc điều hành chuyện làm ăn, thì Mike mới thấy là không cách chi anh có thể làm được một mình. Sau nhiều tháng để ý tìm người cộng tác nhưng không có kết quả, Mike quyết định đăng báo bán xe. Lúc đó, chính là lúc anh gặp Eddy, khi Eddy đến hỏi mua xe. Khi Eddy cho biết không có đủ tiền và xin trả một nửa, còn nửa kia muốn trả góp, thì Mike và Eddy đã thương thảo với nhau rất lâu. Chính qua cuộc trò chuyện hợp ý này, mà hai anh đã quyết định làm bạn và bắt tay hợp tác với nhau. Mike cho biết: “Chúng tôi chọn thức ăn Việt Nam vì Eddie là người gốc Việt, giỏi nấu món ăn Việt và vì tôi cũng thích món ăn Việt, cũng như thấy thức ăn Việt Nam ngày càng được người Mỹ ưa chuộng.”
Ừ, thì thức ăn Việt Nam, nhưng nấu món gì thì dễ dàng trên một chiếc xe vận tải? Eddy quyết định: “Phở, nhất định phải là phở”, rồi anh thao thao nói về gánh phở ngày xưa, điều mà Mike cho là Eddy chỉ biết theo những gì mẹ mình kể lại. Hai anh dành rất nhiều thời gian để tìm cách làm sao có thể nấu phở một cách tiện và gọn trên chiếc xe vận tải, mà phở vẫn phải thuần túy và ngon. Họ quyết định đặt tên cho xe phở của mình là “Pho King Food Truck” vì Eddy tự hào là “vua” nấu phở! Eddy tâm sự: “Phải hết sức quyết tâm, và cũng phải nhờ Trời thương, chúng tôi mới có được gánh phở tân thời này!”
Sinh ra và lớn lên tại Arizona, Eddy là một trong năm người con của một gia đình người Mỹ gốc Việt. Từ bé, Eddy đã mê nấu ăn. Cậu thường lẩn quẩn bên mẹ ở trong bếp. Lớn lên, Eddy học nấu ăn tại “Le Cordon Bleu”, một trường dạy nấu ăn của Pháp tại Scottsdale. Sau khi tốt nghiệp, Eddy làm đầu bếp cho một số nhà hàng quanh thị trấn này. Trong thời gian đó, anh đã thử áp dụng kỹ năng nấu món ăn Pháp mà mình đã học được để nấu các món ăn truyền thống của Việt Nam. Kết qủa là Eddy đã nấu được những món Việt rất ngon.
Về phần Mike, dĩ nhiên anh không biết nấu món Việt, nhưng anh có bằng MBA và đã làm việc cho các nhà hàng gần như suốt cả đời. Anh mang kinh nghiệm quản trị tài chánh, hành chánh và phát triển thị trường trong ngành nhà hàng áp dụng cho gánh phở của mình và Eddy. Nếu ngày trước chủ gánh phở phải quẩy gánh đi khắp nơi và phải cất giọng rao hàng, thì ngày nay Mike dùng các trang mạng xã hội như Facebook và Twitter để báo cho khách hàng biết ngày nào xe phở của hai anh sẽ đến bán ở đâu.
Hiện nay, mỗi ngày xe phở của Eddy và Mike bán được trung bình 220 phần ăn. Ngày đông khách nhất thì trên dưới 400 phần. Ngoài phở, hai anh còn bán một vài món ăn Việt khác. Tóm lại, với cố gắng và nhờ ông Trời thương, hai ông chủ của gánh/xe phở đầu tiên trên nước Mỹ làm ăn khấm khá, và trong tương lai có thể còn khá hơn nữa. Mừng cho Eddy và Mike.
Về chuyện ăn, thì phần lớn người Việt ở Bắc Mỹ hiện có khuynh hướng ăn uống cẩn thận hơn: ăn cái gì tốt cho sức khỏe, cái gì không tốt cho sức khỏe; ăn ngày ba bữa, hay nên chia làm sáu bữa; ăn thịt hay ăn chay, vv… Mở báo, mở internet là thấy tá lả không biết bao nhiêu bài hướng dẫn, đề nghị về việc ăn uống! Những hướng dẫn, đề nghị ấy đúng hay sai là tùy theo suy nghĩ, quan niệm của mỗi người. Có vị thì ngày càng ăn uống cẩn thận hơn, sẵn sàng hy sinh việc ăn ngon, sẵn sàng kiêng kem để tốt cho sức khỏe; nhưng cũng có vị vẫn ăn uống tới nơi tới chốn, ăn ngon cho sướng miệng, nhất định tránh tình trạng chết thành ma đói!
Gần đây, bài viết của ông thày thuốc tây Lương Lễ Hoàn bàn về việc “càng cao tuổi càng cần ăn ngon” đã nêu rõ lý do vì sao. Ngoài chuyện bây giờ đa số qúy cụ ở hải ngoại tiền bạc rủng rỉnh nhờ tháng tháng “lãnh lương” của chính phủ, rồi lại còn không cần phải chắt chiu để dành tiền cho con cháu nữa, nên các cụ muốn ăn gì cũng mua được, ông đốc-tơ còn liệt kê các lý do khác khiến các cụ chẳng những chỉ cần ăn ngon, mà còn cần ăn no nữa:
– Suy nghĩ sai lầm là người cao tuổi không cần ăn nhiều đã khiến không ít các cụ bị suy dinh dưỡng một cách oan uổng! Vì lỡ mắc các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, nhiều mỡ trong máu…, chi nên nhiều cụ thường bị con cháu ép phải kiêng cữ quá nhiều hơn mức cần thiết!
– Sai lầm này không chỉ dừng lai ở đây mà còn là nguyên nhân gây ra việc sức đề kháng trong cơ thể các cụ ngày càng giảm đi, dẫn đến việc bệnh bội nhiễm và bệnh thoái hóa cơ khớp trở thành mối đe dọa thường xuyên cho qúy vị có tuổi đời chồng chất!
– Xét về mặt dược lý, bữa ăn của qúy cụ quan trọng không kém viên thuốc tốt. Gần đây, nhiều công trình nghiên cứu cho thấy việc ăn nhiều rau cải tươi, nhiều cá biển được nấu nướng ngon miệng là chế độ dinh dưỡng lý tưởng cho người già. Bằng chứng là người già ở Địa Trung Hải ít bị nhồi máu cơ tim nhờ ăn uống một cách đa dạng, với thực phẩm “xanh” chiếm ít nhất 60% tổng số lượng thực phẩm tiêu thụ; là người Nhật có tuổi thọ cao nhất thế giới vì thực đơn của họ hầu như không bao giờ thiếu cá biển và đậu nành. Ngược lại, người già sống trong các nhà dưỡng lão ở Mỹ, nơi mà chế độ ăn uống kiêng cữ được đặt lên hàng đầu, lại có tỷ lệ tai biến mạch máu não và tử vong vì nhồi máu cơ tim cao hơn nhiều nước khác!
Từ nhận thức đó, thay vì tiếp tục đề cao hình thức kiêng kem tuyệt đối, đa số chuyên viên dinh dưỡng trên thế giới cổ võ cho một chế độ dinh dưỡng cho người cao niên với nhiều đổi mới dựa trên các nguyên tắc sau đây:
– Qúy cụ nên ăn tất cả những món mình thích và thấy ngon miệng miễn là không ăn quá nhiều đến độ gây khó khăn cho việc tiêu hóa.
– Khẩu phần hàng ngày cho các cụ càng đa dạng càng tốt, càng ít thực phẩm công nghệ càng tốt.
– Chú trọng đến chuyện nạp cho cơ thể một lượng nước đầy đủ mỗi ngày bằng cách cho các cụ ăn món canh và các món có nước như rau, trái.
– Đừng nấu cho các cụ những món ăn tuy bổ nhưng không ngon miệng bởi vì cảm giác ngon miệng là đòn bẩy cho sức kháng bệnh.
– Không nhất thiết phải cữ muối tuyệt đối, trừ trường hợp có lệnh của bác sĩ.
– Không nên thiếu món ngọt nếu các cụ chưa bị bệnh tiểu đường.
– Luôn luôn có rau, quả tươi trong khẩu phần hàng ngày.
– Thay vì ngày ăn ba bữa đúng giờ, các cụ nên ăn nhiều bữa nhỏ.
– Mỗi ngày các cụ nên uống một ly rượu vang.
– Chỉ tránh các món ăn gây dị ứng, các món chiên xào nếu qúy cụ đã có bệnh đường tiêu hóa như viêm đại trường mãn, viêm ruột dị ứng, trĩ…
– Các cụ nên ăn cơm với gia đình thay vì ăn riêng một cách buồn tẻ.
– Nhắc các cụ vận động nhẹ trước và sau bữa ăn.
Theo bác sĩ Hoàn, người ta nên nhớ là các nhà nghiên cứu ở Hoa Kỳ đã chứng minh rõ ràng là:
– Người già, nếu có da có thịt một chút, thì ít bị bệnh và sống thọ hơn những cụ đồng tuế mà mình hạc xương mai.
– Lượng mỡ không nhiều ở dưới da là kho dự trữ dưỡng chất để giúp cho việc phục hồi sức khỏe của qúy cụ sau mỗi lần ngã bệnh.
– Không cho các cụ ăn no và ngon miệng, vì thế, là một điều đáng trách cả về mặt lý và tình.
Xin thưa ngay là vì Lẩm Cẩm đọc thấy ý kiến của bác sĩ Hoàn như vậy, nên Lẩm Cẩm tóm lược lại ở trên trong tinh thần “thấy sao nói vậy người ơi” để quý vị đọc qua cho biết, và nếu muốn, thì có suy nghĩ riêng của mình. Lẩm Cẩm tuyệt đối không có ý tán thành, cổ võ hay chống đối, chê bai gì những điều được viết trong bài.
Nãy giờ cà kê chuyện ăn uống nhiều quá, no lắm rồi! Giờ xin chuyển sang thi phú tí ti cho đủ cả nạc lẫn mỡ, thịt heo lẫn thịt bò, bún bó Huế lẫn bún chả Hà Nội.
Cứ mỗi lần Tết đến là trời đất thêm già, người ta thêm tuổi (“Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ”), tức là chúng ta lại già thêm một tí. Tuy nhiên, cho tới khi chúng ta bỏ cuộc chơi để về miền miên viễn cùng các cụ, thì chúng ta vẫn còn ở đây; mà còn ở đây là vẫn còn gặp nhau. Vì thế, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, qua thi phẩm “Còn gặp nhau”, đã gửi đến chúng ta những đề nghị thật ý nghĩa:
Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
Chuyện đời như nước chảy hoa trôi,
Lợi danh như bóng mây chìm nổi
Chỉ có tình thương để lại đời.
Còn gặp nhau thì hãy cứ thương
Tình người muôn thuở vẫn còn vương,
Chắt chiu một chút tình thương ấy
Gửi khắp muôn phương vạn nẻo đường.
Còn gặp nhau thì hãy cứ chơi
Bao nhiêu thú vị ở trên đời,
Vui chơi trong ý tình cao nhã
Cuộc sống càng thêm nét tuyệt vời.
Còn gặp nhau thì hãy cứ cười
Cho tình thêm thắm, ý thêm tươi
Cho hương thêm ngát, đời thêm vị
Cho đẹp lòng tất cả mọi người.
Còn gặp nhau thì hãy cứ chào
Giữa miền đất rộng với trời cao,
Vui câu nhân nghĩa, tròn sau trước
Lấy chữ chân tình gửi tặng nhau.
Còn gặp nhau thì hãy cứ say
Say tình, say nghĩa bấy lâu nay
Say thơ, say nhạc, say bè bạn
Quên cả không gian lẫn tháng ngày.
Còn gặp nhau thì hãy cứ đi
Đi tìm chân lý – lẽ huyền vi
An nhiên tự tại – lòng thanh thản
Đời sống tâm linh thật diệu kỳ.
Đồng ý với lời nhắn nhủ của thi sĩ, Lẩm Cẩm những mong chúng ta cùng nhau thực thi những điều người thơ đã gợi ý, không những trong tân niên Giáp Ngọ, mà còn tới khi nào phải đi thật xa…
Năm Ngọ sắp bắt đầu, xin kể lại hầu quý vị một chuyện vui liên quan đến ngựa mà Lẩm Cẩm đã đọc được ở đâu đó:
Hai anh chàng nhà giàu rủ nhau đi xem đua ngựa ở Monaco. Khi đang chứng kiến vòng đua thứ nhất, bất chợt một anh hỏi:
– Cậu có bao nhiêu du thuyền?
– 2 cái. Anh chàng kia đáp.
– Xoàng quá! Tớ có 3 cái.
– Vậy chúng mình sẽ cùng đánh con ngựa số 5 về nhất nhé.
– Đồng ý.
Và thật bất ngờ, con ngựa số 5 về nhất. Hai chàng thắng lớn. Một lát sau, vẫn dán mắt vào những con ngựa, chàng kia lại hỏi:
– Cậu có mấy phi cơ riêng?
– 3 cái.
– Quá xoàng, tớ có 4.
– Vậy chúng ta cùng đánh con ngựa số 7 nhé!
Như có phép màu, con ngựa số 7 về nhất. Hai chàng lại kiếm bộn tiền. Một lát sau…
– Hỏi câu này hơi tế nhị nhé, mỗi đêm cậu có thể làm “chuyện ấy” mấy lần?
– 4 lần.
– Quá xoàng, tớ 5 lần.
– Ồ, vậy ta đặt cửa con ngựa số 9 nhé!
– Tất nhiên rồi!
Và họ đặt cược tất cả số tiền đã thắng vào con ngựa số 9; nhưng, than ôi, lần này con ngựa số 2 về đến đích đầu tiên. Ngẩn người vì tiếc của, một chàng than thở:
– Tiếc quá, biết thế tớ nói thật!
– Ừ, đáng lẽ tớ cũng nên nói thật luôn!
Cùng nhau bước vào năm Ngọ, Lẩm Cẩm kính chúc quý vị cười thật nhiều bởi vì các ngài thày thuốc đã phán: “Một trận cười bằng mười thang thuốc bổ.”
Lẩm Cẩm