Thế vận hội Mùa đông là sự kiện thể thao được tổ chức bốn năm một lần với nhiều môn thể thao, đây là sự kiện được tổ chức bởi Ủy ban Olympic quốc tế. Thế vận hội mùa đông là sự kiện thể thao được tổ chức dành riêng cho các môn thể thao mùa đông, được thi đấu trên băng hoặc tuyết như trượt băng nghệ thuật, trượt tuyết.
Cũng giống như Thế vận hội Mùa hè, mỗi Ủy ban Olympic quốc gia ở mỗi nước chọn các vận động viên tiêu biểu cho nước đó tới tranh tài cùng các vận động viên ở các quốc gia khác. Trong mỗi sự kiện thể thao, vị trí thứ nhất sẽ dành được Huy chương vàng, vị trí thứ hai với Huy chương bạc và vị trí thứ ba với Huy chương đồng.
Thế vận hội Mùa đông có ít các quốc gia tham dự hơn Thế vận hội Mùa hè, chủ yếu là do điều kiện khí hậu, vì có rất nhiều quốc gia nằm gần xích đạo không có điều kiện để tập luyện các môn thể thao mùa đông.
Cũng giống Thế vận hội Mùa hè, Hoa Kỳ là quốc gia có nhiều lần tổ chức Thế vận hội Mùa đông nhất với bốn lần, lần gần đây nhất là tại Salt Lake City, Utah năm 2002. Pháp đã có ba lần tổ chức Thế vận hội Mùa đông, trong khi Áo, Ý, Nhật Bản, Na Uy và Thụy Sĩ dành được vinh dự này hai lần. Canada sẽ gia nhập các quốc gia tổ chức hai lần sau Thế vận hội Mùa đông 2010, tổ chức tại Vancouver, British Columbia. Đức và Nam Tư đã có một lần tổ chức kỳ đại hội này và Nga sẽ có lần tổ chức Olympic mùa đông đầu tiên năm 2014.
Ba thành phố đã có hai lần tổ chức thế vận hội mùa đông là: Lake Placid, New York, St. Moritz của Thụy Sĩ và Innsbruck của Áo.
Thế vận hội Mùa đông gần đây nhất tổ chức tại Torino (Ý) năm 2006 và thế vận hội tiếp theo sẽ được tổ chức ở Vancouver năm 2010. Vào ngày 4 tháng 7 năm 2007, thành phố du lịch Sochi của Nga đã được chọn đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2014.
Danh sách các quốc gia & địa điểm tổ chức thế vận hội mùa đông
Thảm kịch Thế vận hội mùa đông Vancouver
Sau hơn 5 năm trời chuẩn bị, Olympic Mùa Đông 2010 đã chính thức khai mạc tại thành phố Vancouver của Canada. Ngày lễ trọng đại của làng thể thao thế giới đã bị che phủ bởi một đám mây mù, khi vận động viên Nodar Kumartashvili tử nạn trong buổi tập luyện chỉ vài giờ đồng hồ trước khi ngọn đuốc thiêng Olympic bừng cháy.
Anh vận động viên người Georgia mới 21 tuổi đại diện cho quốc gia để dự tranh môn xe trượt băng cá nhân. Để sửa soạn cho cuộc đua và cũng giống như tất cả những vận động viên khác, ngày 12 tháng 2 năm 2010, anh đến sân tập và tai nạn thương tâm xảy ra khi anh không kiểm soát được chiếc xe lúc đang lao tới khúc cua cuối cùng. Hình ảnh thu được cho thấy anh bị hất văng khỏi đường đua trong lúc xe đang chạy với vận tốc cao và từ trần trên đường tới bệnh viện cho dù các bác sĩ có mặt tại chỗ đã hết lòng cứu chữa.
Tai nạn xảy ra khiến không khí của buổi lễ khai mạc mất đi phần nào sự phấn khởi. Ông Jacques Rogge, Chủ Tịch Olympic Quốc Tế nói rằng ngày hôm nay là ngày thảm sầu, và không ai có thể diễn tả hết nỗi buồn của mất mát quá lớn này.
Theo quyết định của Ban Tổ Chức, buổi lễ khai mạc Olympic Mùa Đông Vancouver 2010 được dành để tưởng nhớ đến anh vận động viên trẻ tuổi. Olympic Quốc Tế và nước chủ nhà Canada cũng quyết định treo cờ rũ để chia sẻ nỗi buồn với làng thể thao hoàn vũ.
Tổng cộng có 2,500 vận động viên nam nữ đại diện cho 82 quốc gia và vùng lãnh thổ dự Olympic Mùa Đông kỳ thứ 21, trong đó có những đoàn vận động viên đến từ những quốc gia Châu Phi nắng nóng quanh năm chẳng hề có tuyết, và đại đa số người dân cũng chưa hề thấy tuyết.
Thời tiết năm nay cũng không chiều lòng người. Thay vì phải là khí hậu lạnh lẽo, băng giá của mùa Đông đầy tuyết phủ thì Vancouver lại ấm áp khác thường, không khác gì những ngày cuối Xuân sửa soạn bước sang hè. Ngay chính người dân địa phương cũng phải lắc đầu không hiểu tại sao thời tiết lạ lùng như vậy.
Dù thế nào đi chăng nữa, cuộc đua cũng đã bắt đầu. Như ông Chủ Tịch Olympic Quốc Tế nói trong bài diễn văn khai mạc, 15 ngày tới sẽ là 15 ngày tranh đua đầy sôi nổi trên thao trường, và vinh quang luôn đi kèm với trách nhiệm vì tất cả các vận động viên đều là những tấm gương cho các thanh thiếu niên thế giới.
VIỆT THỨC [Tin tổng hợp: The Huffinton Post, RFA]