Kể từ khi thống nhứt đất nước và sau hai kế hoạch ngũ niên, CS Việt Nam đã mang lại cho toàn dân Việt một đời sống bần cùng. Người dân từ Bắc chí Nam không còn đủ gạo để ăn mà phải ăn độn khoai, sắn, bo bo. Ngay cả người dân ở ĐBSCL, vựa lúa lớn nhứt của cả nước vẫn thiếu ăn. Tât cả chỉ vì chính sách quản lý kinh tế ngăn sông cấm chợ và thuế khóa ngặt nghèo làm cho người dân không còn hứng thú để sản xuất.
Trước tình thế đó, CS Việt Nam bắt buộc phải mở cửa từ năm 1986 để tiếp nhận viện trợ và đầu tư ngoại quốc cùng chấm dứt chính sách ngăn sông cấm chợ cũng như nới lỏng chính sách thuế khóa. Sau đó, chỉ trong vòng 2 năm sau đó, nông dân Việt đã cân bằng được sản xuất lúa gạo và nạn thiếu lương thực đã được giải quyết tương đối ổn thỏa.
Với chính sách mở, sản phẩm quốc gia (GDP) tăng dần và kinh tế bắt đầu tăng trưởng.
Nhưng sau 26 năm phát triển (2011), Việt Nam hiện đang trực diện trước một vấn nạn mới. Đó là tình trạng môi trường trên toàn quốc đang suy sụp trầm trọng và có nguy cơ không thể giải quyết được. Tất cả điều do việc phát triển quốc gia hoàn toàn không có kế hoạch qua cung cách phát triển “tư bản chủ nghĩa theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, mà cho đến nay, chưa có ai trong chế độ có thể định nghĩa được cung cách phát triển trên như thế nào?
Phát triển quốc gia cần phải có một chính sách toàn diện:
- Phát triển để làm tăng sản phẩm quốc gia;
- Phát triển đồng thời cũng phải làm tăng phúc lợi cho người dân như đường xá, bịnh viện, trường học, cùng những nhu cầu tinh thần khác;
- Phát triển cần phải chú trọng đến vấn đề xây dựng một nền tảng văn hóa dân tộc vững chắc, ý thức và trách nhiện của công dân ngõ hầu nêu cao tinh thần dân tộc tự chủ của toàn dân;
- Và phát triển cần phải cân bằng với việc bảo vệ môi trường ứng hợp theo chiều hướng toàn cầu hóa.
Tình trạng môi trường ô nhiễm cùng khắp và xã hội băng hoại ngày hôm nay nói lên chính sách phát triển mất cân đối của CS VN trong suốt 26 năm qua.
Vì sao nên nỗi?
Tất cả chỉ vì một chính sách phát triển “cận thị” (shortsighted development) hay phát triển theo cung cách ăn xổi ở thì, một chính sách chỉ tính toán những con số lợi nhuận, bỏ qua tất cả những yếu tố cần thiết cho một sự phát triển đúng nghĩa như đã nêu ở phần trên.
Phần diễn giảng sau đây sẽ cho chúng ta hình dung được những vấn đề môi trường mà Việt Nam đang đối mặt. Đó là:
- Tình trạng bất khà dụng của hầu hết các dòng sông từ Bắc chí Nam;
- Nguồn không khí bị ô nhiễm vì khói bụi, và nhiều kim loại nặng như Chì (lead), Thủy ngân (Mercury), cùng các hợp chất hữu cơ như benzen trong xăng dầu, khí SO2 (sulfide oxid);
- Nguồn nước sinh hoạt lần lần bị hạn chế và bị ô nhiễm;
- Nông thủy sản, gia súc, và thực phẩm biến chế bị nhiễm độc vì phân bón quá tải, các loại hóa chất bảo vệ thực vật như thuốc trừ sâu rầy, trừ nấm mốc, bảo quản thực phẩm, cùng các hóa chất phụ gia bị cấm xử dụng trong kỹ nghệ thực phẩm… Điều nầy sẽ mang lại một tương lai đen tối là diện tích đất khai thác dần dần bị bất khiển dụng theo khuyến cáo của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF).
- Tài nguyên quốc gia đang bị khai thác tối đa như việc phá rừng và tận dụng các khoáng sản nằm dưới đất…
Quan niệm về phát triển kinh tế ở thế kỷ 21
Đứng trước tiến trình toàn cầu hóa, trong đó, việc bảo vệ môi trường và việc giảm thiểu sự phát thải khí carbonic, nguyên tố chính trong sự hâm nóng toàn cầu, là ưu tiên hàng đầu trong mọi kế hoạch phát triển quốc gia. Chính vì vậy mà quan điểm mới của các quốc gia trên thế giới nhằm cổ súy việc khai thác “trên mặt đất” (above ground) thay vì khai thác “dưới mặt đất” (underground).
Giá thành của một sản phẩm không những chỉ tính bằng chi phí nguyên liệu, nhà máy, năng lượng xử dụng v.v…mà còn phải tính thêm chi phí cho việc giải quyết những những vấn nạn môi trường trong quá trình sản xuất ảnh hưởng lên không khí, nguồn đất và nước như khí thải, phế thải lỏng và rắn.
Vì vậy, tính trung bình một sản phẩm có giá thành là 1 Mỹ kim ở phần sản xuất cần phải tính thêm 0.50 Mỹ kim cho phần giải quyết các vấn nạn môi trường nữa. Ở các quốc gia đang phát triển như Trung Cộng hay Việt Nam, chính vì phần bảo vệ mội trường không được lưu tâm đến và giá nhân công rẽ cho nên sản phẩm được tung ra thị trường trên thế giới với giá rẽ mạt làm đão lộn cả thị trường trao đổi toàn cầu.
Do đó, tại các quốc gia đã phát triển, các khoáng chất nào gây nên nhiều phế thải và phí tổn cao cho việc bảo vệ môi trường không được các quốc gia trên chú ý đến mặc dù có trử lượng cao. Một thí dự điển hình trên thế giới cách đây vào tháng 10, 2010 là cuộc khủng hoảng “đất hiếm” trên thị trường thế giới. Hoa Kỳ có trữ lượng đất hiếm khoảng 30% so với trữ lượng toàn cầu mà chỉ khai thác và sản xuất 10% nhu cầu trong nước và nhập cảng 90% đất nầy qua các guốc gia sản xuất như Trung Cộng với giá rẽ mạt. Ngược lại TC chỉ có trữ lượng khoảng 15%, nhưng sản xuất 95% đất hiếm cho thế giới. Điều nầy đã làm cho Thủ tướng TC tự mãn, huênh hoang trong một Hội nghị quốc tế là “Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn…thế giới về mặt đất hiếm”.
Những yếu tố phát triển Việt Nam
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng lên phát triển Việt Nam từ khách quan do các điều kiện thiên nhiên qua việc thay đổi khí hậu, và chủ quan do chính sách phát triển không có kế hoạch và không ứng hợp với việc bảo vệ môi trường và việc ứng hợp với chiều hướng toàn cầu hóa.
Mặc dù việt Nam đã phát triển hàng năm từ 6 đến 8% trong 10 năm qua, nhưng phần lớn sự tăng trưởng kinh tế trên là do các đầu tư ngoại quốc cùng việc khai thác nhân công rẽ mạt và việc tận dụng nguồn tài nguyên không thô như khoáng sản và dầu thô, không qua chế biến thành thành phẩm có giá trị cao.
Đứng về tiêu chuẩn phát triển trên thế giới ngày nay, một phát triển được xem là bền vững là sụ “phát triển trên mặt đất” (above the ground) chứ không phải “phát triển dưới đất” (below the grond) và xử dụng công nghiệ tiên tiến. Thành phẩm qua sản xuất cần phải kể đến giá thành sản xuất và 50% trị giá sản xuất cần phải dành cho việc bảo vệ môi trường.
Các điều kiện khách quan như:
- Đất đai: Với trên 3.200 km bờ biển và đất đai chiếm diện tích 325.000 km2, diện tích khai thác đất đai đặt trọng tâm vào hai khu vực là châu thổ sông Hồng và Cửu Long. Các vùng đất có thể khai thác còn lại là những vùng đất xấu, diện tích nhỏ và điều kiện khí hậu khắc nghiệt…
- Khí hậu: Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới, chịu ảnh hưởng của gió mùa.Vũ lượng tương đối cao từ 1.400 đến 2.200 mm, chỉ có vài vùng có vũ lượng kém dưới 600 mm mà thôi. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11, và những tháng còn lại là mùa khô. Do thời tiết toàn cầu thay đổi và một số yếu tố chủ quan khác, trong những năm gần đây, hiện tượng hạn hán cũng như bão lụt xảy ra bất thường và nhiều khi có cường độ dữ dội hơn.
- Trong vòng 100 năm qua, theo LHQ nhiệt độ trung bình ở Việt Nam tăng khoảng 0.10C cho mỗi thập niên. Trong vùng cao nguyên, nhiệt độ có thể tăng nhanh hơn từ 0.1 đến 0.30C. Do việc thay đổi nhiệt đô, lượng nước mưa cũng thay đổi theo và có tính cách bất thường, khó lượng định và tiên đoán trước để có thể hướng dẫn nông dân thay đổi kế hoạch trồng trọt.
- Nạn giông bão cũng xảy ra thường xuyên hơn và không được tiên đoán trước như ở những năm 50 của thế kỷ trước. Lý do là có những ẩn số về sự thay đổi thời tiết quá đột ngột không nằm trong một khuôn mẫu để dự đoán (pattern) nào cả. Miến Bắc có khuynh hướng chịu nhiều tác động của bão trong những năm gần đây. Iền duyên hải bị thiệt hại vì giông bão nhiều nhứt cho con người, tài sản, nhà cửa, nâng sản và chăn nuôi.
- Sau cùng, nước biển dâng cao, bào mòn mũi Cà Mau do hai nguyên nhân chính: – tác động của sự hâm nóng toàn cầu và việc khai thác rừng tràm và đước để nuôi tôm (sẽ nói ở phần nguyên nhân chủ quan.
Và các điều kiện chủ quan do con người có thể được đan kể sau đây:
- Đập thủy điện: Dòng Mékong chảy vào TC mang tên là Lancang (Lan Thương) trong đó có hai đập lớn là Xiaowan (4.200 MW) dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2013, Nuozhadu (5.850 MW) sẽ hoàn tất 2017. Chính hai nơi nầy sẽ là một đại họa không xa, vì phải mất hàng chục năm mới làm đầy hai hồ trên dài hàng trăm Km. Hiện tại TC có 3 đập đang sử dụng là Manwan (1996) sản xuất 1.500MW, Dachaosan (2003) 1.350 MW, Gonguoqiao (2008) với 750 MW. Và vào mùa thu năm nay, đập Jinghong với 1.750 MW sẽ bắt đầu chuyển nước vào hồ chứa. Một nhánh sông khác chày vào địa phận Thái Lan có tên là Mae Nam Khong, cũng được ngăn chận làm hồ chứa nước cho cả vùng Bắc Thái, tưới tiêu một vùng nông nghiệp rộng lớn và biến Thái Lan trở thành nước đứng đầu về xuất cảng lúa gạo trên thế giới (Việt Nam chiếm hạng nhì). (tên Khong theo tiếng Sanskrit có nghĩa là Ganga, tức là sông Ganges bên Ấn Độ (Sông Hằng)). Lào là một quốc gia không có nhu cầu lớn về điện năng nhưng hiện đang nộp lên Ủy hội Mekong dự án xây một đập thủy điện Xayaburi ngay trên dòng chính của sông Mekong giữa biên giới TC và Cambodia. Và ngày 19/4 vừa qua (2011), dự án nầy đã được Ủy hội Mekong gồm Việt Nam, Cambodia, Thái Lan Lào (Mekong River Commission- MRC) cứu xét và đòng ý ngưng việc xây cât đập nầy do nguy cơ biến động sinh thái trong đó có nguy cơ tiệt chủng của loài cá tra khổng lồ chỉ còn độ trên dưới 100 con mà thôi.
- Việc phá rừng: Rừng là một thảm thực vật thiên nhiên lớn nhứt và hữu hiệu nhứt trong nhiệm vụ điều tiết dòng chảy của sông Mékong. Rừng qua rễ cây và lớp đất thịt bao phủ sẽ hấp thụ và giữ nước trong mùa mưa, và trong mùa khô sẽ điều tiết và cung cấp nước cho hạ nguồn để ngăn chặn nước mặn xâm nhập sâu vào ĐBSCL. Đây là một đặc ân của thiên nhiên.
Theo thống kê, trước Đệ nhị thế chiến, diện tích rừng nguyên sinh của Việt Nam chiếm 43% tổng diện tích, nhưng đến năm 1995, rừng chỉ còn lại 28%, nghĩa là mất trắng đi 55.000 Km2. Bắt đầu sau đó, với sự trợ giúp của Liên hiệp quốc, việc trồng rừng mới được bắt đầu; tuy nhiên, tính đến năm 2005, tỷ lệ rừng tăng lên đến 32%, trong đó những vùng trồng cao su, trà, cà phê…vẫn được tính toán trong việc “trồng rừng” để ViệtNam có thêm tài trợ do LHQ bảo trợ; do đó con số thực sự thật ra thấp hơn nhiều. Nhưng trên thực tế, việc phá rừng vẫn tiếp tục gia tăng với nồng dộ phi mã, tính đến năm 2005, rừng nguyên sinh (rừng già) ở Việt Nam chỉ còn 8%. Theo thống kê mới nhựt, rừng vùng Đắc Nông hầu như mất trắng do dự án khai thác bauxite ở Nhân Cơ.
Rừng nghiến vườn quốc gia Ba Bể bị đốn hạ (2010)
Và con người tiếp tục phá rừng cho đến ngày nay, do đó, ngày hôm nay, ĐBSCL phải gánh chịu hậu quả là hàng năm nước mặn tiếp tục tiến sâu vào và làm thiệt hại hàng trăm ngàn mẫu lúa theo thống kê vào giữa tháng 4, 2011, mặc dù cao điểm của mùa khô là vào cuối tháng 5.
lũ lụt … thường xuyên
Việc xây dựng đê bao: Xã hội chủ nghĩa của Việt Nam mang chính sách đê bao vào ứng dụng trong việc làm tăng diện tích trồng lúa, trong việc biến “sỏi đá thành cơm”, cho nên người dân ĐBSCL phải gánh chịu hậu quả ngày hôm nay là lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn và không có chu kỳ tương đối cố định như trước kia nữa. Nguyên do là khi dòng chảy từ Mékong xuống khi mùa nước bắt đầu lên cao ở Tân Châu và Châu Đốc, nước sông hoàn toàn di chuyển ra biển, đợi đến khi nước lớn hơn nữa mới bắt đầu làm đầy hai vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười.
Nhưng hiện tại, hiện tượng nghịch lý đang xảy ra là, với đê bao, dòng nước của Sông Cửu Long chảy thẳng vào hai vùng trên ngay khi chưa tới mùa nước lớn để khai thác nông nghiệp; do đó, khi mùa nước lớn đến, một lượng nước khổng lồ sẽ chảy vào hai vùng đã ngập nước từ trước. Hiện tượng ngập lụt xảy ra là vì thế.
Việc xây dựng đê bao để chuyển vận nguồn nước cho nông nghiệp hoặc chống lụt là một công trình nghiên cứu quan trọng, cần phải mất nhiều năm để tính toán lưu lượng nước cần phải chuyển hướng, đâu phải có thể do quyết định của lãnh đạo địa phương ra lịnh đấp đê chung quanh địa phận xã để tránh ngập lụt và, dĩ nhiên hậu quả tất yếu là các xã chung quanh phải gánh chịu.
Theo những tin tức mới nhứt vào mùa khô nầy (4/2010) một số vùng miền Bắc tỉnh Hậu Giang, vì vấn nạn đê bao, nguồn nước không thể thông thương vào được. Do đó, một số hệ lụy đang xảy ra cho vùng nầy từ mấy năm nay như:
Vì không có dự luân lưu của nguồn nước cho nên đất ngày càng chai mòn vì dư lượng của phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, và nhứt là phù sa không vào được hàng năm như trước kia, vì vậy năng suất lúa không còn như xưa nữa.
Đê bao hạn chế nguồn nước, cho nên nhiều nơi nông dân chỉ trồng lúa cho gia đình, phần thời vụ còn lại thì phải trồng hoa màu để kiếm sống.
Thời gian thiếu nước kéo dài ra, do đó thu nhập của nông dân ngày càng giảm sút.
Tóm lại, vấn đề đê bao ở vùng ĐBSCL cần phải nghiên cứu lại như một số đề nghị của các chuyên gia nông nghiệp và thổ nhưỡng hiện đang làm việc ở hai Đại học Hậu Giang và Cần Thơ.
Rừng ngập mặn: Tại vùng ĐBSCL, rừng ngập mặn chiếm khoảng 300.000 Km2 bao gồm các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Cần Giờ. Nhưng sau 15 năm khai thác việc nuôi tôm, diện tích rừng hiện nay chỉ còn khoảng 200.000 Km2, và phần diện tích mất đi đều bị bỏ hoang vì vùng đất nầy bị ô nhiễm sau vài mùa tôm. Chỉ tính riêng cho vùng Cà Mau, trưo17c 1975, rừng ngập mặn chiếm độ 200.000 Km2, mà nay, chỉ còn độ 70.000 mà thôi.
Nhiệm vụ của rừng ngập mặn rất quan trọng, vừa ngăn chặn sóng gió, vừa là vùng trú ẩn và sinh sản cho tôm cá trong thiên nhiên, và cũng một vùng đệm (buffer) để hạn chế việc nhiễm phèn sulphate và giảm thiểu việc ngập mặn trong mùa khô. Các nhiệm vụ bảo vệ ĐBSCL đã mất đi, do đó, nguy cơ làm cho vựa lúa của một vùng rộng lớn ngày càng giảm vừa diện tích, và vừa năng suất.
Nhà cầm quyền Việt Nam đã nhận nhiều tài trợ của Ngân hàng Thế giới để trồng rừng. Nhưng vì những khó khăn trong việc nầy là do các vùng đất bị bỏ hoang không khai thác nữa đã có chủ hay được cho thuê hàng 50 năm, vì vậy không thể thực hiện lại việc trồng rừng. Một hiện tượng tiêu cực khác nữa là do ý thức của người dân vì không được giải thích tầm quan trọng của sự hiện diện và hữu ích của rừng ngập mặn cho nên nhiều nơi đã được trồng lại nhưng sau đó lại bị phá đi… Một yếu tố không nhỏ nữa là do quản lý yếu kém, hiện tượng tham những và ăn chận tiền viện trợ. Chính những điều trên khiến cho việc tái tạo rừng ngập mặn trở thành khó khăn hơn và không thể nào thực hiện được trên thực tế.
Mức gia tăng dân số: Vì điều kiện sinh sống, dân chúng di dân vào những vùng có thể mưu sinh được như các thành phố lớn, các vùng nông nghiệp tương đối còn thưa dân như tình trạng ở ngoài BẮc di dân vào Nam. Thêm nữa, nạn gia tăng dân số làm cho diện tích đất khai thác ngày càng bị thu hẹp, đặc biệt cho hai vùng châu thổ sông Hồng và Cửu Long. Đất đai ngày càng bị tận dụng, cho nên năng suất giảm dần, thu nhập người dân giảm làm cho đời sống khó khăn thêm…khiến cho người dân lại phải tha hương cầu thực nữa.
Phát triển không đồng bộ về phân vùng: Phát triển công nghiệp tập trung ở các thành phố lớn, còn đại đa số vùng nông thôn và vùng xa rất chậm phát triển hay hoàn toàn không phát triển, bỏ mặc cho địa phương định đoạt kế hoạch và chính sách trong vùng. Thành thử xảy ra nhiều vấn nạn phát triển vì thiếu nghiên cứu tác động môi trường, không tuân thủ phương hướng phát triển bền vững dựa theo tài nguyên, nguyên liệu địa phương. Một thí dụ cụ thể là nhà máy giấy Hậu Giang có công suất dự trù sản xuất hàng nửa triệu tấn bột giấy, nhưng lại xây dựng ở một nơi không có nguey6n liệu. Một thí dụ khác là, hàng chục nhà máy đường xây dựng từ Bắc chí Nam, tiêu tốn hàng tỷ Mỹ kim…đành phải ngưng hoạt động vì không đủ mía để làm đường!
Phát triển không đồng bộ về kế hoạch tổng thể: Vì nhu cầu cần có ngoại tệ nặng cho nên Việt Nam đặt trọng tâm vào vệc phát triển tối đa lúa gạo, cà phê, tôm cá mà quên đi những nông phẩm phụ cho nhu cầu hàng ngày của người dân. Tệ hơn nữa, những nhu cầu thực phẩm khác ngoài lúa gạo không được khuyến khích, cho nên phải nhập cảng từ phương Bắc, ngay cả những vật dụng thông thường như văn phòng phẩm, viết chì, viết mực, bao thơ…cũng phải nhập từ bên Tàu qua. Về hàng nông sản khác như cà rốt, cải bắp đã nhập trong 10 tháng đấu năm 2010 trên 21 ngàn tấn, giết chết vùng Đà Lạt, trung tâm trông các loại nầy ngày xưa, cung cấp cho phân nửa nước nhờ có khí hậu ôn đới. Ngay cả hành lá cũng nhập gần 8 ngàn tấn. Thậm chí tăm xỉa răng cũng phải nhập 1.200 tấn từ Trung Cộng.
Từ những nhận định tổng quát trên, nếu chuyển tầm nhìn qua khía cạnh Bắc Nam, chúng ta sẽ còn thấy thêm nhiều điều nghịch lý khó có thể chấp nhận được nếu xét nghiệm về cà hai phương diện lý và tình. Đó là:
Nghịch lý trong phát triển Bắc – Nam
Từ khi có chính sách đổi mới năm 1986 trở đi, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc phát triển kinh tế toàn quốc. Nhưng khi soi rọi vào công cuộc phát triển chung của cả nước, chúng ta thấy có nhiều điều không ổn trong việc đầu tư, phân phối nguồn vốn phát triển cho các vùng đặc biệt là những vùng ở miền Bắc và Nam Việt Nam. Những điều không ổn trên lại đưa ra thêm nhiều nghịch lý, khi các số thống kê về lợi tức, và khả năng thu hoạch lại đi theo chiều nghịch với số vốn đầu tư ban đầu.
Từ đâu nảy sinh ra những nghịch lý trên?
Phát triển ở ngoại ô Hà Nội
Hai vùng vừa kể trên là hai vùng đứng về mặt địa lý và chính trị có thể được xem như là hai đối trọng Bắc Nam để so sánh về phát triển. Vào năm 2002, Hà Nội và các tỉnh kể tên có 10 triệu cư dân, tăng 2.6% so với năm 1999; trong lúc đó thành phố Sài Gòn và các tỉnh lân cận trong thời điểm nầy có 5.1 triệu cư dân, tăng 5.4% so với năm 1999.Trước hết, có thể nói Hà Nội và các tỉnh phụ cận là một trung tâm kinh tế và quyền lực, có những hải cảng quan trọng ở gần như Hải Phòng, và các tỉnh có tầm vóc kinh tế như Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Tây, Vĩnh Phúc. Đối lại, ở phiá Nam có thành phố Saì Gòn và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa.
Theo Thời Báo Kinh Tế Việt Nam số 4/2004 qua bài viết “Kim ngạch xuất cảng của các tỉnh năm 2003”, kim ngạch xuất cảng trung bình tính theo đầu người ở phía Bắc (gồm Hà Nội và các tỉnh lân cận trên) là $50.00/năm và ở phía Nam (Saì Gòn và các tỉnh chung quanh) là $785.00/năm. Hay nếu tính bằng kim ngạch xuất cảng, trong năm 2003, phía Nam đạt được 4 tỷ Mỹ kim, không tính đến dầu khí. Còn phía Bắc cũng trong thơì gian nầy chỉ thu được $0.50 tỷ tính luôn cả than đá.
Nhìn chung, phía Bắc có nhiều ưu tiên về địa lý, chính trị, và được đặt ưu tiên phát triển hàng đầu về hạ tầng cơ sở như đường xá, cầu cống, chiếm ưu thế trong xây dựng so với phía Nam. Thêm nữa, mọi ưu đãi về thủ tục hành chánh, cũng như quy hoạch đều đứng trên và trước so với phía Nam. Phía Bắc có tất cả những ưu điểm và ưu thế mà vẫn không phát triển được. Như vậy là có vấn đề. Và vấn đề trước mắt là phải kể đến con người và não trạng của cấp điều hành kinh tế phía Bắc. Chúng tôi xin đan cử lần lược ba khía cạnh khác nhau của hai miền Bắc và Nam. Đó là yếu tố nhân sự, trình độ chuyên môn, và chính sách phát triển.
- Yếu tố nhân sự: Nhìn tổng quát và so sánh phát triển của cả hai phía Bắc Nam, hầu hết mọi người đều nhận thức rõ nét rằng: Miền Bắc đã “hấp thụ” chủ nghĩa xã hội từ năm 1945 và miền Nam từ năm 1975. Ba mươi năm sai biệt đã tạo cho người dân sống ở miền Bắc nhiều quán tính ảnh hưởng đến cung cách làm kinh tế và phát triển khác hơn so với phía Nam.
Saigon Financial Tower
Phía Bắc, trong 65 năm qua đã “lào thông” qua hệ thống kinh tế tập trung thể hiện qua các hợp tác xã, công ty quốc doanh. Do đó, cung cách tiếp cận với kinh tế thị trường tự do, vốn đã quá quen thuộc trong cung cách làm ăn ở phía Nam, vẫn còn lúng túng và gây thêm phiền toái trong thủ tục nhất là khi giao tiếp với những nhà đầu tư ngoại quốc. Từ đó, các nhà đầu tư nội địa cũng như ngoại quốc vẫn còn e ngại không muốn làm ăn với các tỉnh phía Bắc.
Thêm nữa, quán tính thụ động “Xin – Cho – Chờ” của cấp thừa hành và lãnh đạo kỹ thuật kinh tế đã làm thui chột mọi sáng kiến cải cách kỹ thuật vì sợ sệt cấp trên. Tất cả đều mang tâm trạng thụ động, chỉ chờ lãnh đạo cấp cao nhất ra chỉ thị. Từ cán bộ cho đến công nhân viên đều mang tâm khảm trên, cho nên bộ máy hành chánh ngày càng nặng nề hơn, nhưng hoạt động không hữu hiệu, và chắc chắn sẽ là một cản lực lớn cho việc phát triển kinh tế. Với cung cách hành xử như thế, làm thế nào các nhà đầu tư nội địa và ngoại quốc có can đảm ghé mắt vào.
Yếu tố trình độ chuyên môn: Từ hệ quả qua sự chậm phát triển, nhân sự chuyên môn ở phía Bắc bắt buộc phải di chuyển vào phía Nam để xây dựng tương lai, do đó chúng ta có thể hiểu được dân số trong vùng phía Nam tăng nhanh hơn phía Bắc trong cùng khoảng thời gian (5.4% so với 2.6%) mặc dù dân số ở vùng nầy cao gấp 2 lần dân số sống ở phía Nam. Đây có thể được xem như là một sự “xuất não” nội địa. Sự kiện nầy giải thích được tại sao lực lượng lao động ở phía Nam tăng lên 479,000 lao động từ năm 2000 đến 2003, so với phía Bắc là 264,000.
Việc di dân vào phía Nam, quả thật là một việc hiển nhiên. Người lao động, cũng như những nhân sự chuyên môn phải tìm đến những môi trường có điều kiện làm việc nhiều hơn, dễ dãi hơn, thông thoáng hơn, và có một đời sống kinh tế dồi dào hơn. Đó là các tỉnh phía Nam.
Hơn nữa, phía Nam, dù đã chịu 35 năm dưới sự quản lý của hệ thống kinh tế xã hội chủ nghiã, nhưng vẫn còn mang nặng những “vấn vương” còn lại trong thời kinh tế thị trường trước kia. Đây là những điểm thuận lợi nhất để giải thích lý do phát triển kinh tế mạnh mẽ ở phía Nam. Vì có đầu óc cởi mở, dễ tiếp cận với doanh thương ngoại quốc, cung cách ứng xử có tính cách chuyên môn và chuyên nghiệp, những rào cản qua thủ tục hành chánh tương đối giản dị hơn phía Bắc, cho nên các tư nhân lớn và ngoại quốc dễ dàng đầu tư vào vùng nầy.
Trong lúc đó, vì còn nhiều quán tính thụ động, cán bộ quản lý phía Bắc thích điều hành doanh nghiệp nhà nước hơn vì không cần động não để đẩy mạnh sản xuất, hay tăng cường phúc lợi cho cơ sở. Lời hay lỗ đều có “nhà nước” lo. Và điều hành doanh nghiệp quốc doanh hoàn toàn không có ý thức trách nhiệm là mong tìm lợi nhuận tối đa cho cơ sở. Đó là lý do tại sao hầu hết các quốc doanh Việt Nam điều phải được bù lỗ hoặc bị phá sản.
Yếu tố Chính sách phát triển: Chúng ta có thể xét qua chính sách đầu tư của Việt Nam. Đứng về phương diện đầu tư, luật doanh nghiệp đã ra đời từ năm 2000, trong đó ghi rõ điều kiện xin giấy phép hoạt động tương đối có bài bản, quy cũ hơn trước. Do đó, số doanh nghiệp tư nhân xin gia nhập tăng lên rất nhiều. Năm 2006 có vào khoảng trên 70,000 doanh nghiệp xin giấy phép hoạt động. Đó là phần do tư nhân, cũng như tư nhân hợp tác với nhà nước theo thể thức liên doanh. Nhưng đó chỉ là những thủ tục trên giấy tờ. Trên thực tế, vẫn còn phảng phất doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp quốc doanh dưới dạng tư nhân.
Một số tỉnh ở phía Bắc có khuynh hướng dễ được chấp thuận khi xin giấy phép hoạt động của những doanh nghiệp tư nhân nhưng có “liên hệ” tốt với chính quyền, hoặc những nhân sự có quyền lực của chế độ. Từ đó, hệ quả từ các liên hệ trên là, dù cùng là doanh nghiệp tư nhân cả, nhưng những doanh nghiệp tư nhân nào không có liên hệ “tốt” sẽ khó tranh dành được các ưu đãi của cơ quan quản lý địa phương. Và điều nầy đã biến một số doanh nghiệp tư nhân trở thành một hình thức quốc doanh mà thôi. Sự kiện trên đã xảy ra rất nhiều nơi ở miền Bắc. Dĩ nhiên là phát triển trong điều kiện trên phải bị trì trệ nếu không nói là thụt lùi so với phía Nam.
Quang cảnh sau hơn 2 năm khởi công dự án Khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Tây (trong đó có gần 100ha đất dành làm sân golf). Những tấm pano quảng cáo dự án cũng đã bị mưa gió, con người xé rách. Bên trong hàng rào lớp tôn là cây cối, cỏ dại mọc um tùm do để hoang hơn 2 năm. Trong khi người dân thì không có ruộng mà cấy. Ảnh: D.T
Tóm lại, qua các phân tích trên, chúng ta nhận thấy rằng các tỉnh phía Bắc, chung quanh Hà Nội, có đủ tất cả điều kiện cần thiết để đẩy mạnh phát triển kinh tế hơn các tỉnh phía Nam và chung quanh Sài Gòn. Các điều kiện gồm cả thiên thời, địa lợi, và nhân hòa:
-
Thiên thời là do Việt Nam đang ở vào thời điểm toàn cầu hóa và thế giới Tây Phương rất muốn và đang trợ giúp Việt Nam có ổn định về an ninh để làm đối trọng cho các bành trướng đế quốc phương Bắc.
-
Địa lợi là do địa thế và nhu cầu của người dân ở vùng nầy thuận lợi hơn cho tiến trình phát triển kinh tế vì nhu cầu của người dân sống nơi đây lớn hơn nhiều so với người dân sông ở phía Nam.
-
Và ưu điểm cao nhất là nhân hòa, vùng phía Bắc được cả một tập thể lãnh đạo Việt Nam tiếp sức, hà hơi, và triệt để ủng hộ trong cả chính sách, nhân sự, và ưu tiên đầu tư … so với phía Nam.
Nhưng ba thuận lợi trên không đem lại ưu thế về phát triển kinh tế cho phía Bắc, mà là một sự phát triển thụt lùi so với phía Nam. Chính yếu tố nhân hòa đã làm tiêu diệt tính cạnh tranh về phát triển kinh tế, một đặc tính người Việt ở miền Bắc có ưu điểm cao hơn nhiều so với người miền Namtrước đây trong lãnh vực thương mãi.
Nghịch lý trong phát triển giữa phía Bắc và phía Nam ít ra cũng nêu lên được một số bế tắc của lãnh đạo Việt Nam trong lãnh vực phát triển quốc gia. Ngày nào các nghịch lý nầy còn tồn tại, niềm hy vọng cho kinh tế Việt Nam cất cánh thành Rồng Đông Nam Á vẫn còn xa vời vợi và con tàu Vinashin vươn ra biển khơi chỉ là ảo tưởng.
Kết luận
Cho đến hôm nay, mặc dù tăng trưởng vẫn đều đặn qua đầu tư ngoại quốc, nhưng Việt Nam thể hiện trong những tháng gần đây nhứt là vào tháng 4 và tháng 5, 2011, nạn lạm phát gia tăng vùn vụt trên dưới 20%. Thưc phẩm tăng. Xăng dầu tăng nhiều lần trong một thời gian ngắn. Điện nưóc cũng tăng phi mã. Tất cả khiến cho người dân vốn nghèo cáng nghèo hơn. Tỉnh Thanh Hóa chiện có trên 260.000 dân đang BỊ ĐÓI.
Chỉ số phát triển người dân (human development index) năm 2010 do Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UN Development Program) xếp hạng Việt Nam thứ 113 trên 169 quốc gia. Ngân hàng Thế giới đánh giá sự phát triển không đồng bộ của Việt Nam tạo ra những vùng nghèo đói, không được hưởng phúc lợi do phát triển như vùng nông thôn và vùng cao nguyên. Và Quỹ tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund) nhận định rằng Việt Nam sẽ khốn đốn trong giai đoạn ảnh hưởng của sự suy thoái toàn cầu kéo theo sự suy sụp của cán cân thương mại, đầu tư, và phát triển đình trệ.
Theo 2010 Economic Freedom Index, Việt Nam có chỉ số 51.6 đứng hạng thứ 139 trên 181 quốc gia, và đứng hạng 30 trên 40 quốc gia vùng Á châu Thái Bình Dương; trong lúc đó chỉ số của Hong Kong là 89.7, Taiwan, 70.8, và Thái Lan, 64.7. Từ những chỉ số trên cho thấy, Việt Nam là một quốc gia phát triển chậm, mặc dù Việt Nam cần nhiều sản phẩm cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của 89 triệu người dân trong nước.
Hiện tại, do chính sách độc đảng cho nên tất cả cơ sở vật chất, tài nguyên, nguồn vốn đều tập trung vào Đảng và các thân thuộc của đảng, tức một thiểu số nhỏ so với đại đa số dân tộc. Vì vậy, tầng lớp trung lưu khó phát triển hay phát triển chậm. Ở các quốc gia đã phát triển ổn định, chính tầng lớp trung lưu sẽ giúp cho quốc gia qua được những cơn suy thoái toàn cầu hay suy thoái vùng. Nhưng ở Việt Nam, tầng lớp trên chiếm tỷ lệ quá nhỏ, do đó, khó có thể làm đối trọng với các tập đoàn kinh tế của “nhà nước” tức là của đảng vốn được tất cả những đặt quyền đặt lợi trong phát triền.
Khi gia nhập vào Tổ chức Thương mãi Quốc tế (WTO) năm 2007, Việt Nam hứa sẽ đẩy mạnh việc giải thể quốc doanh hầu tăng nhanh tiến trình tư nhân hóa trong phát triển. Nhưng cho đến nay, lại có thêm nhiều Tập đoàn gồm nhiều Đại công ty quốc doanh hợp lại; cho nên vì thiếu khả năng quản lý và vì nhiều lý do khác trong đó tham nhũng là một lý do chính yếu khiến cho sự phá sản của đất nước ngày càng xảy ra nhanh hơn trong hiện tại.
Tóm lại, những vấn nạn trong phát triển của Việt Nam thay vì giảm dần qua học hỏi và kinh nghiệm, trái lại Việt Nam ngày càng lún sâu vào chính những sai lầm trong phát triển do chính mình gây ra, cộng thêm não trạng chia rẽ giữa hai miền Bắc và Nam khiến cho Đất và Nước khó có cơ may sánh vai ngang hàng cùng thế giới.
Trừ phi có phép lạ xảy ra cho dân tộc!
© TS. Mai Thanh Tuyết © www.Vietthuc.org
Viết cho Nghị hội Người Việt Toàn quốc năm 2011 tại Dallas.