Cuộc biểu tình vĩ đại
Tại quảng trường Tahrir đã được vực dậy bởi hàng trăm ngàn người tràn vào hình thành một buổi biểu tình được xem là hoành tráng mang nhiều kịch tính. Phản ứng của Trung Quốc như thế nào trước hiện tượng này?
Những khẩu hiệu chống bản thân Tổng thống Hosni Mubarak được người biểu tình hô vang, suốt một ngày dài người biểu tình không gặp bất cứ một sự đàn áp nào từ phe chính phủ bởi trước đó, quân đội đã tuyên bố không tham gia đàn áp người dân vì họ có quyền bày tỏ quyền lợi chính đáng của họ. Đây là một động thái được cho là giờ cáo chung của chế độ Hosni Mubarak đã điểm.
Cuộc biểu tình ngày 1 tháng 2 được xem là vĩ đại nhất trong lịch sử Ai Cập. Có tới hơn 200 ngàn người cùng lúc xuống đường trên hầu hết các thành phố chính trên toàn quốc đã cho thấy mức độ lớn lao của nó như thế nào.
Binh lính quân đội Ai Cập đứng xem hàng ngàn người biểu tình phản đối và ủng hộ Tổng thống Hosni Mubarak đụng độ với nhau tại quảng trường Tahrir Cairo vào ngày 2 tháng Hai năm 2011. AFP photo
Ông Mohamed El Baradei khôi nguyên Nobel Hòa Bình nguyên Tổng giám đốc cơ quan kiểm soát nguyên tử năng IAEA đã từ nước ngoài bay về Ai Cập và bị chính quyền Cairo quản thúc ngay từ những ngày đầu, tuy nhiên sự có mặt của ông là nguồn lực thúc đẩy mạnh mẽ người dân Ai Cập vững tin vào thế hợp pháp khi đứng lên đòi chính phủ thỏa mãn quyền lợi chính đáng của mình.
Hơn 120 người đã chết trong tuần lễ vừa qua nhưng đoàn biểu tình xem ra không một chút nao núng, họ vẫn hô vang những khẩu hiệu chống chính phủ độc tài, tham nhũng và chuyên quyền.
Trong giờ phút hấp hối của chính quyền Mubarak, ông Mohamed El Baradei trở thành lãnh tụ của phong trào đối lập. Ông tuyên bố chỉ có một giải pháp duy nhất cho Ai Cập đó là tổng thống Mubarak phải ra đi và ra đi của Mubarak phải được bảo vệ cho bản thân ông này được an toàn.
Thời gian chót đưa ra cho tổng thống phải rời khỏi đất nước là ngày thứ Sáu tuần này.
Quân đội Ai Cập xuất hiện với những chiến xa nằm dọc trên nhiều đại lộ của Cairo. Các toán binh sĩ tỏa ra bảo vệ các cơ quan trọng yếu của nhà nước cũng như Viện Bảo tàng Quốc gia và các di sản văn hóa nổi tiếng của nước này trước những kẻ phá hoại và trộm cắp như từng xảy ra vài ngày trước khiến một số lớn hiện vật quý giá bị đánh cắp hay hư hại nặng.
Trên màn hình của đài Al Jazeera trực tiếp suốt ngày đêm biến cố Ai Cập, khán giả không thấy bóng dáng quân đội cản trở người biểu tình và khi ánh đèn buông phủ lên quảng trường Tahrir thì hàng trăm ngàn người vẫn tụ tập và cầu nguyện tại nơi đây.
Biến cố Ai Cập và Tunisia đã thay đổi tư duy lãnh đạo của nhiều nước. Thế giới các nước Ả rập hồi giáo nhận thức sâu xa tầm quan trọng của lòng dân qua hai bài học trước mắt này. Những quốc gia từng cai trị dân một cách hà khắc đã nhận thức sự nguy hiểm nếu còn tiếp tục theo đuổi đường lối xem dân như những đối tượng yếu đuối có thể đàn áp bất cứ lúc nào qua hệ thống công an hay quân đội.
Jordan là một ví dụ, vua Abdullah đã yêu cầu Thủ tướng Samir Rifai từ chức cùng với nội các của ông ta khi nhiều nhóm biểu tình bắt đầu nhen nhóm tại Jordan. Giới quan sát chính trị cho rằng sẽ còn nhiều nước trong khu vực thay đổi hệ thống quyền lực hay chính sách cai trị trước khi cơn lốc Cairo tràn vào nước mình. Còn Việt Nam thì sao?
Trong khi biến cố Ai Cập đang ở giai đoạn cuối cùng của chính phủ Hosni Mubarak thì tại Việt Nam người dân còn đang bận rộn với những ngày cuối năm. Mọi tiếp xúc với thông tin bên ngoải chừng như không quan trọng bằng việc chuẩn bị cho ba ngày Tết. Báo chí lề phải như mọi lần hoàn toàn không bình luận gì về hai biến cố này, chỉ đưa tin tình hình một cách tổng quát và tránh tuyệt đối loan báo những nguyên nhân dẫn tới cuộc cách mạng Hoa nhài và biến cố Cairo.
Mạng Thanh Niên Online là nơi duy nhất đăng tin Quân đội Ai Cập sẽ không dùng vũ lực đối với người biểu tình và tờ báo bình luận rằng đây chính là điều báo trước sự khó khăn không tránh khỏi của chính quyền Mubarak.
Mùi hương cách mạng Hoa Nhài hình như không đủ lan tỏa về tới bên kia bờ đại dương mặc dù cuộc cách mạng này được xem là kỳ tích của những con người trong tay không tất sắt, đã lật đổ cả một chế độ độc tài cai trị đất nước hơn ba mươi năm, đến nỗi tổng thống Tunisia là Zine el-Abidine Ben Ali phải bỏ nước ra đi trong nhục nhã.
Sức mạnh của mạng xã hội
Tất cả thành quả này chỉ nhờ vào hai công cụ vô hại đang thịnh hành trên Internet là Facebook và Twitter.
Cuộc cách mạng Hoa nhài đã lan qua Ai Cập cũng bằng Facebook và Twitter. Chỉ một ngày sau Tunisia, trên Facebook xuất hiện lời kêu gọi xuống đường làm cách mạng tại Ai cập, bắt đầu vào ngày 25 tháng Giêng, từ những tin nhắn dầu tiên đã lan tràn với tốc độ chóng mặt khiến hàng trăm ngàn thanh niên nam nữ biết sử dụng internet đã nhanh chóng tụ tập và họ đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo cho toàn thế giới ảnh hưởng của mạng xã hội này như thế nào.
Ông Mohamed ElBaradei tham dự một cuộc biểu tình tại quảng trường al-Tahrir ở trung tâm ở Cairo hôm 30/1/2011. AFP photo
Tất cả mạng lưới Internet toàn Hoa Lục đều không thể truy cập khi đánh hai từ Ai Cập hay Tunisia. Người lướt mạng sẽ nhận được giòng chữ: “Theo pháp luật liên quan cùng với những quy định và chính sách hiện hành, kết quả tìm kiếm không thể hiển thị những gì bạn yêu cầu”. Hình ảnh Thiên An Môn vẫn ám ảnh chính quyền Trung Quốc khi liên tưởng tới những cuộc biều tình của người dân nếu xảy ra trong hoàn cảnh hiện nay. Chắc chắn chính quyền không thể áp dụng biện pháp sắt máu như Đặng Tiều Bình đã áp dụng cách nay hơn hai mươi năm.
Vụ Thiên An Môn là vết sẹo không bao giờ lành của người dân Trung Quốc. Từ ngày 15 tháng 4 đến ngày 4 tháng 6 năm 1989 hàng chục ngàn người biểu tình thuộc nhiều nhóm khác nhau, từ trí thức cho tới những công nhân thành thị tất cả đều tin tưởng rằng chính phủ do Đảng cộng sản Trung Quốc lãnh đạo quá tham nhũng và hà khắc cải cách kinh tế Trung Quốc đã đi quá xa dẫn tới lạm phát tăng cao và tình trạng thất nghiệp lan tràn đe dọa cuộc sống của họ.
Giáo sư Perry Link đang giảng dạy tại Đại học Riverside tiểu bang California nhận xét biến cố Ai Cập làm người Trung Quốc liên tưởng ngay tới Thiên An Môn nhưng ít ra thì chính phủ Ai Cập vẫn hơn hẳn Trung Quốc về khoản đàn áp người dân của mình khi có khủng hoảng xảy ra. Tuy nhiên Giáo sư Perry Link cảnh báo nếu tình hình kinh tế rơi vào tồi tệ thì Trung Quốc sẽ không tránh khỏi những hệ quả như Ai Cập hiện nay.
Người ta không thấy bất cứ một tấm ảnh nào chiếu lại các chiến xa xuất hiện tại đường phố Cairô trên màn ảnh truyền hình Trung Quốc. Có lẽ xe tăng xuất hiện trong thành phố là một biểu tượng đáng sợ nhất cho chính quyền Bắc Kinh vì chính tại quảng trường Thiên An Môn, hình ảnh người thanh niên đứng giang tay chặn xe tăng trên lại lộ Trường An đã đi vào lịch sử thế giới. Chính người thanh niên này đã được tạp chí Times bình chọn là một trong 100 người ảnh hưởng nhất thế kỷ 20.
Với sức mạnh quân sự, Trung Quốc năm 1989 khác xa với Ai Cập hôm nay. Người dân Trung Quốc không may mắn như dân chúng Ai Cập khi súng của binh lính thuộc quân đội Nhân Dân bắn thẳng vào họ không thương tiếc khiến ít nhất 1.000 người thiệt mạng cùng hàng ngàn người khác bị thương. Tiếng súng và tiếng la khóc chừng như vẫn còn đậm nét trong lòng người dân Trung Quốc mãi tận hôm nay.
Dù cấm cửa thế nào chăng nữa thì Trung Quốc sẽ không bao giờ đủ khả năng bịt miệng Facebook và Twitter cũng như các trang mạng xã hội khác. Trí thức Trung Quốc một lúc nào đó sẽ tập họp lại với nhau qua đường dẫn đầy sức mạnh này. Cách đề phòng duy nhất mà các nước độc tài cần áp dụng ngay từ giờ phút này là lắng nghe tâm trạng của người dân và thỏa mãn nguyện vọng chính đáng của họ nếu ngược lại thì luồng sóng Tunisia – Ai Cập sẽ tràn tới không gì ngăn cản nổi.
Mặc Lâm [Nguồn : RFA]