Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương- Trans Pacific Partnership TPP giữa 12 quốc gia ven biển Thái Bình Dương đem lại một nguồn hy vọng lớn cho Việt Nam.
Kể từ nay, mọi người Việt, từ người gốc Việt tỵ nạn Cộng Sản năm châu ngoại quốc, đến người công dân Việt tại xứ Việt Nam Cộng Sản, ngay từ loại đảng viên mơ ngủ cho đến cả bần cùn thứ dân, chồng đạp xích lô, vợ bán xôi và con bán thuốc lá, qua đến các Việt Kiều, du sanh con ông cháu cha, hoặc tạm trú kinh tế thương mại mánh mun xuất khẩu lao động tay chơn hay bán trôn nuôi miệng, ngay cả dân công du cha chú ngoại giao, đều mơ một Việt Nam ngày mai « hoàng tráng » đầy tương lai xán lạn ! Giấc mơ rằng, từ nay thành viên của một cộng đồng TPPcường tráng với 12 quốc gia rộng lớn, giàu có (?), sẽ từ nay, tăng gia lợi tức, nghèo hết đạp xích lô, bán xôi, con cái có cơ mang được đi học chữ nghĩa đàng hoàng, giàu sẽ giàu thêm, dinh cơ đồ sộ, xế hộp huy hoàng…Thế nhưng, có ai dám nghĩ là phải cần có một điều kiện phải và cần. Đó là một môi trường tốt để phát triển đàng hoàng tử tế. Đó là một xã hội, một chế độ chánh trị, một thể chế kinh tế trong sáng, trong sạch, đàng hoàng và sạch bóng tham nhũng.
Khó lắm đấy ! Nhưng Phải và Cần Phải làm. Vì
Với những thể chế chánh trị dân chủ đa nguyên, đa diện, đa văn hóa, kinh ban tế thế cao cường, tư bản chủ nghĩa kinh tế thị trường cởi mở phú cường, TPP chắc chắn sẽ giúp Việt Nam ngày càng vững mạnh về mặt, chẳng những là kinh tế, mà còn cả quân sự và chánh trị nữa !
Tất cả, kể cả những tay đảng viên đảng Cộng Sản thân Tàu nhứt, đều có giấc mơ, rằng từ nay, sẽ đổi mới, – lại đổi mới (cả « đổi mới có quỹ đạo » (sic) của Trọng Lú) – từ nay sẽ cải tổ – lại cải tổ – từ nay sẽ sửa sai – lại sửa sai – như là niềm hy vọng lớn nhứt là … sẽ thoát khỏi ảnh hưởng khổng lồ của Tàu Cộng bá quyền ! Từ nay mong rằng, mơ rằng, sẽ không còn tùy thuộc vào anh láng giềng to lớn phương Bắc nữa, chẳng những về mặt « mẫu phương hướng » phát triển mà còn cả về mặt « khung » đối ngoại chánh trị và quản trị kinh tế nữa ! Từ nay sẽ không còn phải, mỗi mỗi hành động, phải « công du » đến Bắc Kinh « khấu đầu đưới trướng liệu điều kêu ca », xin phép, hỏi đường đi, nước bước ; hay hằng năm triều cống Bắc Triều, xưa đã dâng hải phận Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa, nay trao những yếu điểm chiến lược Bản Giốc, Nam Quan, Vũng Án, Nhân Cơ…, và mai kia, có thể tặng cả toàn bộ quê cha đất tổ.
Việt Nam ngày nay:
Việt Nam ngày nay là một quốc gia hoàn toàn không có độc lập, tự chủ, không có quyền tự quyết. Vì vai vế thân phận đàn em chư hầu chánh trị ở cùng một thể chế chánh trị, Đảng trị, cùng một quan niệm và thể chế quản trị kinh tế, cùng một hướng nhìn phát triển, ưu tiên cho Đảng Cộng Sản và đảng viên, người dân chỉ là thứ, là đồ dùng, vật dụng khai thác. Cùng một nhản quan quản trị hành chánh với Trung Cộng, vừa đồng chí đồng Đảng, vừa là đàn anh đồng minh, vừa là láng giềng muôn thuở, truyền thống, to gấp mười lần, mạnh hơn trăm lần, nên đương quyền Cộng Sản Việt Nam đành ngậm miệng ăn tiền. Bài học lịch sử dạy ta chớ quên rằng đất nước và dân tộc Việt Nam đã, suốt trong bốn ngàn năm lịch sử giữ nước và dựng nước, đã bị một ngàn năm đô hộ với ba lần vùng dậy tự giải phóng ; đã bị bảy lần xâm lăng nhưng nhờ lòng dân đã bảy lần thoát hiểm ; nhưng cũng vẫn bị trên mười năm xâm chiếm ! Và ngày nay, và ngày nay, tiếp tục vẫn đang bị láng giềng Tầu Cộng xâm chiếm dần dần, Hán Hóa dần dần, trong sự thờ ơ của thế giới và nhơn loại !
Việt Nam ngày nay chỉ là một quốc gia với một nền kinh tế tụt hậu, non kém, chỉ biết bám vào khai thác nguồn nhơn lực không chuyên môn của những bàn tay cần cù của thứ dân lao động rẻ tiền, ngoài nghề thi công lắp ráp, may vá, chắp nối, thiếu hẳn kỹ thuật tân tiến, sáng chế và đầu óc kỹ nghệ sáng tạo.
Quốc gia Việt Nam ta, thật tình, có nhiều tài nguyên thiên nhiên, con người Việt Nam ta, thật sự có nhiều tiềm năng, đa nghệ đa tài, nhưng những lãnh đạo đương quyền không biết khai thác – vì thiếu khả năng quản trị hay vì thiếu tự tin lãnh đạo, có bao nhiêu của cải đều giao, bán, một cách « lợi nhuận ngắn hạn, ngu xuẩn, phung phí » cho tư bản nước ngoài – và đặc biệt cho các anh láng giềng gốc Á Đông Đại Hàn hay Đài Loan hoặc cả với anh đàn anh Tàu Cộng đầy tham lam, để họ vào nhà mình ung dung, đương nhiên tự tại, đào xới rút ruột, làm ăn, và, dĩ nhiên, sau khi rút hết ruột, nạo hết võ, vứt bỏ vỏ, tàn phá môi sanh một cách vô ích, phung phí đất đai, ô nhiểm môi trường, không một chương trình hậu khai thác, hồi phục môi sanh, tái sử dụng công trường, tạo môi trường bền vững…Tất cả, từ anh Đài Loan, qua anh Đại Hàn hay Tầu Cộng, – thì khỏi phải nói rồi, ngay chính cả xứ anh mà anh vẫn phá họai môi trường huống chi xứ người ! – Hay ngay cả anh Nhựt Bổn, tuy là những công dân có trách nhiệm của những quốc gia gọi rằng có văn hóa văn minh, có luật lệ bảo vệ người lao động, môi sanh, môi trường, thiên nhiên – nhưng, những luật lệ, những phong thái ấy, chỉ áp dụng, chỉ ở quốc gia họ thôi, và đối với công nhơn đồng gia đồng quốc họ thôi ! Nhưng khi họ qua xứ Việt Nam mình hay xứ khác, thì vẫn tiếp tục đối xử một cách thiếu văn hóa, dã man với những công nhơn ở những quốc gia nơi họ đến khai thác làm ăn ! Chỉ vì do cái tham nhũng, do cái vô trách nhiệm của giới lãnh đạo các quốc gia của bản xứ, của nơi khai thác ấy, đã chấp nhận « ăn bẫn » ăn hối lộ, nhắm mắt, ngậm miệng ăn tiền để giới chủ nhơn tư bản nước ngoài vô đạo đức nầy hoành hành như chổ không người, như những ông trời con ! Trường hợp thường đang xảy ra ở các quốc gia Châu Phi hay châu Á và cả, đau đớn thay, ngay cả ở Việt Nam thân yêu của chúng ta !
Trường hợp Việt Nam, thật là một nghịch lý, trái với những quốc gia kém mở mang khác, là một quốc gia tự nhận rằng đầy trí thức thông minh, tự nhận mình là một quốc gia có nhiều nhơn tài, tự phụ rằng có một sức học cao. Việt Nam có rất nhiều vị Tiến Sĩ, Phó Tiến Sĩ, Thạc Sĩ… nói tóm lại có rất nhiều người trí thức với những học vị cao. Có lẽ là một trong những quốc gia có tỷ lệ học vị Đại học rất cao của thế giới ? – Tôi tin rằng như vậy, chả nhẽ tuyên truyền Việt Cộng cao độ đến « lấy cái không làm cái có », biến thằng ngu thành thành Tiến Sĩ sao? Thế nhưng tại vì sao, ngày nay, ta vẫn lại là một quốc gia tụt hậu, không có bằng sáng chế, không có óc sáng tạo, không có một nghiên cứu sáng kiến kỹ thuật đáng kể gì cả?…Tại sao? Chả nhẽ toàn là toàn bằng cấp dỏm?
Khi nói đến, thì nghe trả lời rằng tuy có nhiều tài năng, nhiều nhơn tài, nhưng vì thiếu hạ từng kỹ thuật nên không thi thố được?
Cũng nghe trả lời rằng tuy có nhiều sáng kiến nhiều sáng tạo đó ; nhưng vì chế độ quá sợ, quá hèn, quá nhát, nên chỉ cho phép những gì có thể thấy thôi. Hay là, nói đúng sự thật, là có thể kiểm soát, có thể « ăn được » chấm mút được thôi?
Cũng nghe nói, chế độ rất sợ những cái mới, sợ những cái gì lạ, khó hiểu.
Cũng nghe nói bởi chế độ dựa trên cái đốt của các thế hệ « cha già cách mạng chuyên cướp chánh quyền »nay đang làm chủ ?- Hãy nhìn, kìa là anh Thiến Heo, nọ anh Cai Cạo Mũ Cao su, và đệ nhứt cao thủ, khôn ngoan nhứt, là anh đầu xỏ, « Tay Rửa Chén trên Tàu Tréville – Người Thợ Chỉnh Hình – Người Ôm cục Gạch Nóng để Sưởi Mùa Đông Paris suốt mùa làm chia ly » – Tay chuyên môn đớp tên người, tên chung năm người thành tên riêng mình như Nguyễn Ái Quốc – Tay chuyên môn đạo thơ người, « Ngục Trung Tùy bút » – Thật là tay chuyên gia, đạo văn, đạo thơ lẫn cả đạo tên. Cả cái tên cuối cùng làm nên sự nghiệp, cũng của người ta : Hồ Chí Minh, cướp chánh quyền, cướp công trạng đánh Pháp của người kháng chiến Việt Nam – Nên vì tất cả dựa trên cái dỏm, dựa trên cái lường cái gạt, nên Việt Nam ngày nay không thể có cải cách để đem lại một cái gì mới mẻ, sáng tạo, cải tổ được cả !
TPP và Tham Nhũng
Vì vậy, Việt Nam nhập vào hệ thống TPP là một cuộc « ép hôn », « cưởng hôn », « cưởng bức » kinh khủng, không môn đăng hộ đối tý nào cả ! Cô gái quê vào cung Vua, là anh nhà quê lên tỉnh, là Xuân Tóc Đỏ biến thành Đốc Tờ Xuân ! Phải bỏ tất cả những tập tục « thoải mái của đời sống nhà quê » để đi vào văn minh, văn hóa, tân tiến, nhưng đầy gò bó ở thành thị ! Bỏ đi cái ngậm tăm, cái khạc nhổ. Nào phải « biết » tắm vòi sen, phải « biết » ngồi bàn đại tiện. Nào phải « biết » ăn uống tử tế, không ồn ào, nhai ngấu nghiến, uống ừn ực, dzô dzô … đã đành rồi. Nhưng khi vào TPP, còn phải biết đổi cả thái độ, đổi cả bản chất của 70 năm « văn hiến Cộng Sản » – và – Cái khó nhứt là, phải biết dân chủ, trong nước « biết » lắng nghe người dân mình, ra quốc tế «biết » xét lời người đối diện mình… « Biết trọng người đối tác, đối diện » ăn nói từ tốn, lễ độ văn hóa, không khẩu hiệu rao hàng, không sáo ngữ rỗng tuếch. Trong nước không còn dùi cui, công an trị, (dám không ?) ra quốc tế đàng hoàng lễ phép, chừa « thói » chôm « e phone » nơi siêu thị, chừa thói « đi » buôn hàng lậu ra, mua hàng lậu về… ( dám chừa không ?)
Vào TPP, trong nước, phải không còn « thói » phe ta, đảng ta, nữa, phải chấp nhận đa nguyên đa đảng, phải có cái nhìn khác biệt, không kỳ thị, hiểu được trăm người trăm tánh, biết hòa đồng hòa hợp làm việc…
Và Trao đổi thương mại với quốc tế nghĩa là trong sáng làm ăn ở xứ mình, làm ăn « thật sự » đàng hoàng không ăn gian, không ăn lận… Và KHÔNG ĂN BẪN ! Nghĩa là Không Hối Lộ Tham Nhũng ! Khó lắm đấy !
Việt Nam Muốn góp mặt với Thế Giới. Muốn góp mặt với TPP.
Là Phải Dẹp Tham Nhũng!
Với 11 đối tác bạn bè trình độ phát triển khác nhau, trình độ kỹ thuật khác nhau, Việt Nam nếu thật sự muốn phát triển, phải thật sự có một ý muốn phát triển, phải thật sự có một chương trình giáo dục và huấn luyện để nâng cao trình độ phát triển để có thể « nói chuyện » » « trao đổi » « hợp tác » ngang ngữa, đồng điệu, tương đồng, tương xứng chia sẻ, cân bằng với những hợp đồng cân bằng, hỗ tương, synallagmatiques-win-win.
Muốn vậy, trước hết phải dẹp Tham Nhũng !
Vì với Hiệp Ước TPP, các đối tác với Việt Nam. Sẽ là những đối tác thương mãi, Việt Nam đang cần cân bằng cán cân thương mãi – cần nâng cao xuất cảng hàng hóa có giá trị phụ đính kỹ thuật-à valeur technique ajoutée, cần bớt nhập cảng hàng xa xỉ phẩm. Sẽ là những đối tác quân sự – đứng trước hiểm họa bành trướng nạn Hán hóa mà Việt Nam là một nạn nhơn tự nhiên do bốn ngàn năm văn hiến ảnh hưởng Văn Hóa Hán Nho từ Tư Tưởng Văn Hoá đến Tam Giáo hay tổ chức xã hội gia đình. Ngoài ra, họ còn là những đối tác chánh trị, văn hóa, vì vậy phải quyết tâm thật sự quyét dẹp nạn Tham Nhũng hiện nay đang làm bẫn khuôn mặt người Việt Nam.
1. Tham Nhũng:
Xin chớ vội thêm vào bài viết nầy một vài tên tuổi nào đó, của một vài nhơn vật nào đó, mà các bạn đang nghĩ đến. Chúng tôi ráng giữ văn phong của một người bình luận, một người quan sát đang nghiên cứu cái hiện tượng « tham nhũng » một cách khoa học, không lên án, chê bai, bình phẩm. Ta thử nghĩ đến hiện tượng tham nhũng như … một tật xấu, với tất cả những biến chuyển chung quanh, những hệ luận bên lề, vừa kinh tế, vừa chánh trị vừa cả xã hội nữa !
Tham nhũng: Trước hết chúng ta thử định nghĩa tham nhũng : nói chung chung, tham nhũng là một thái độ xấu xa. Khi ta không tôn trọng luật trao đổi, cung cầu bình thường của một cuộc giao dịch kinh thương, ta xé rào, ta đi lòn, ta đi tắt, ta ăn gian, ta bỏ tiền, ta dùng tiền đi mua chuộc một công việc, một nghiệp vụ một « cách đặc biệt », bằng tiền bạc, đồ tặng. Đó là tham nhũng !
Tham nhũng định nghĩa bởi ba điểu kiện:
Điều kiện thứ nhứt thuộc thành phần đạo đức: tham nhũng là vô luân. Thế nhưng đạo đức chỉ có giá trị khi được mọi người tuân thủ !
Điều kiện thứ hai là điểu kiện kinh tế, mua chuộc bằng tiền bạc nhiều hơn bằng đồ vật.
Điều kiện thứ ba là hệ thống hành chánh, hệ thống xã hội. Tham nhũng phát triển trong một môi trường chánh trị xã hội hành chánh thuận lợi cho tham nhũng.
Một hệ thống hành chánh, một hệ thống xã hội như Nhựt bổn hay Singapore không thể có tham nhũng được.
Tham nhũng chỉ phát triển khi môi trường tạo lợi nhuận (bao thơ, lì xì, đút lót, cúng kiến). Tham nhũng phát triển với những trung gian – nhà nước gọi thầu, bác sĩ làm giấy chứng thương, trọng tài trận đấu thể thao…
Tham nhũng thường đi đôi, dính liền đến quyền lực. Tất cả quyển lực, kể cả quyền lực nhỏ nhen nhứt. Ông quan tỉnh, hay người gác cổng…Ông chủ sự phòng hay cô thư ký trình hồ sơ. Ai quyền lực hơn ai ? Ông quan tiếp nhận người xin hầu chuyện hay người gác cổng cho phép ngườivào hầu quan? Anh chủ sự phòng xét tập hồ sơ, hay cô thư ký trình tập hồ sơ (cô thư ký không trình hồ sơ thì ông chủ sự nào thấy hồ sơ để xét !). Đây cũng phản ánh cái định nghĩa của Hội đồng Âu Châu: « sử dụng và lạm dụng công quyền cho tư dụng ». Nhóm Xã hội Dân Sự NGO Transparency International-Trong Sạch Quốc tế (TI), chuyên môn trong nghiên cứu và quan sát sự tham nhũng toàn thế giới dùng một quan niệm tương đối hơn để dịnh nghĩa là : « lạm dụng một quyền lực được tiếp nhận hay giao phó để tư dụng ».
Vói những quan niệm như vậy, kẻ tham nhũng là một người có quyền lực, hay được giao phó một quyền lực. Và người tạo tham nhũng là một nhơn vật, một nhóm tư doanh, một doanh nghiệp, dùng tiền bạc, đồ vật để « mua chuộc » kẻ tham nhũng để tạo dễ dàng cho những tư đồ.
Thử hỏi, một tờ giấy dollars kẹp trong cái thông hành để dễ dàng qua cổng phi trường, dễ dàng cho hàng hóa mình nhanh chóng qua cổng phi trường không bị xét hỏi rườm rà, mộc dấu đóng nhanh hơn, … ! Ai là người tạo tham nhũng ? Người đi mua tham nhũng kẹp tờ đô trong thông hành ? Hay anh công chức hành chánh phi trường tham nhũng kiếm chát thêm vì lương lậu kém cỏi ?
Nếu đáng trách, thì ta nên trách ai ? Anh đi mua tham nhũng, anh khách du lịch, dùng tiền dùng tờ giấy bạcmua cái « lương tâm nghề nghiệp » anh công chức hành chánh phi trường. Đấy cũng là một thái độ « miệt thị, mất dạy khinh người, kẻ cả của dân nhà giàu đi du lịch, xem thường luật lệ các nước chậm tiến và côngchức các nước chậm tiến ». Chớ quên từ ngữ « bakchich » dùng để chỉ tiền « lì xì mua chuộc các nhơn viên hành chánh các nước chậm tiến » là một từ ngữ gốc ả rập để chỉ một tập quán kém văn minh ở các quốc gia chậm tiến phi châu là việc gì cũng phải « chi » phải « lì xì », phải bakchich cả. Thế nhưng, làm sao có được con mộc, con dấu đóng ? Làm sao có được con tem vào cửa nhanh chóng, nếu không có bakchich ? Ông Phật kia cũng không độ nếu không có nãi chuối « lót đường ». Ông Thiên Chúa, Đức Mẹ Maria sẽ không phù hộ nếu không nghe tiếng « tiền lẻng kẻng » bỏ ống ? (Xin lỗi tất cả bà con thờ Phật Chúa). Hay Chúa và Đức Mẹ không ngưởi được mùi khói khen khét của cây nến ? Và cây nến càng khổng lồ, Thiên Chúa và Đức Mẹ lại càng mau phù hộ nhanh hơn, nhiều hơn ?. Vì vậy ta không ngạc nhiên khi thấy hệ thống kỹ nghệ kinh doanh nghề làm và bán Nhan Đèn Nến để cúng kiến là một kỹ nghệ khá thạnh vượng từ Âu sang Á ! Thiên Chúa, Phật, …gì gì cũng cần cúng kiến, huống chi là người ! Nhan Đèn Hương Nến Muôn Năm là đầu câu chuyện để khởi sự làm ăn ! Thực sự, ngày nay, cặp bài trùng « mua bán tham nhũng » ấy đã thành thông dụng, đã thành tập tục, cã hai vai trò hỗ trợ lẫn nhau, người mua tham nhũng, và kẻ bán tham nhũng, cả hai sống với nhau, tạo guồng máy, tạo trò chơi, luật chơi.
Đứng trước quầy hàng, đứng trước cửa văn phòng, ngồi quanh bàn giấy, giá cả sòng phẳng, kẻ bán người mua, Tham nhũng nay đã biến thành một thị trường cho nhũng nước chậm tiến, được tính toán, đi vào hệ thống. Ở Việt Nam, ở Phi Châu có những những nghề có « cái giá phải trả » của nó, giá đây là giá cả ! Những nghề nầy phải mua mới có ! Như : Nghề cảnh sát đứng đường – thời Việt Nam Cộng Hòa mình gọi là Cảnh sát Công lộ đó mà ! Trái lại, « cảnh sát đứng đường bên Mỹ » là bị đày, là bị « xếp phạt ». Đọc sách trinh thám, hay xem tuồng cinê trinh thám, thường thường tài tử đóng vai thám tử chánh ưa bị Xếp lớn dọa « lạng quạnh tao cho mầy đi đứng đường, múa tay, ông đi qua bà đi lại thổi tu huýt bây giờ ! » – Ở Việt Nam, ở Phi Châu, người cảnh sát nào « mua được cái đứng đường đại lộ giao thông » lại là ngon ơ ! Là ngon lành ! Trúng số, mới « đứng đường », nơi ấy là nơi kiếm tiền ! Dân đi bậy, không đội mũ an toàn, không có giấy bảo hiểm xe, bằng lái xe, hoặc lái xe một tay, lái xe không cầm tay lái, chạy ẩu (định nghĩa của chạy ẩu là gì, không ai biết !) thì bị tu huýt gọi vào, hỏi giấy, muốn đi không bị phạt phải năn nỉ và trả tiền mặt lì xì, hối lộ, thông cảm, để khỏi bị phạt ! Nghề cảnh sát các cửa cảng ra vào bến xe, phi trường, tiếng Việt Cộng gọi là hải quan, tiếng mình gọi là thương cảng cũng là nơi ngon ăn lắm, mua được chổ, làm ăn vài năm, xây nhà lầu ngay !
Tham nhũng, ai là kẻ phạm tội. Người đi mua, đi cho, là người tích cực, người hành động, người phát động. Kẻ nhận, người hưởng thụ, là người tiêu cực, người nhận. Nhưng phát lực thì có phản lực. Vì vậy tất cả là một hệ thống !
Mà đã nói là hệ thống, khi đã là cơ chế rồi, thì đâu là đạo đức ? Đâu là luân lý ? Có lao lực, có làm việc, là có thù lao. Mỗi hành động, tác động đều có giá trị, như vậy, mỗi hành động, mỗi thái độ đều có « Giá » cả ! Giá tính thành tiền ! Như vậy, tội tham nhũng lại càng vô lý nữa ! Sự thành hình kẻ mua người bán gọi là tham nhũng, ấy là có tội ! Phạt ai đây ? Đúng là chuyện quả trứng và con gà mái ! Ai sanh ra ai ?
Cơ Chế:
Có thể quý bạn đọc sẽ phản đối người viết chúng tôi khi chúng tôi bào rằng tham nhũng là con đẻ tự nhiên của những sai lầm của một cơ chế hành chánh. Người tham nhũng, người hưởng tham nhũng. Mà, đổ thừa cho cơ chế ! Dễ giận quá !
Một thí dụ : Ta thử đi tìm một xứ sở xa lạ, của một thời xa xưa, để khỏi đụng chạm ai cả ! Ở xứ Mản Châu hồi đó, tất cả ngành thương mại đều bị cấm, và muốn mua bán trao đổi phải xin phép. Dĩ nhiên, tham nhũng sẽ hoành hành. Vì để được các quan ký giấy cho phép buôn bán, vì mỗi khu vực mua bán trao đổi đều phải được qua tay một ông quan ký tên đóng dấu !
Cơ chế còn những những cái xấu nữa, như những « trục trặc kỹ thuật bất thường », Việt Cộng dùng từ « sự cố ». Thí dụ, để « rút ngắn thời gian nghiên cứu, thẩm định, cứu xét » ; thí dụ « để dễ dàng thông qua một kiểm tra định kỳ vừa tốn thời giờ vừa hao bạc » ; ta có thể mở hầu bao thông cảm nhơn viên, cơ quan hành chánh. Pháp có từ ngữ « Système D », D do động từ débrouiller (se débrouiller đúng hơn cho có vẽ tự túc), ta có thể dịch là «Tự lo liệu, tự chế biến, tự úm ba la». Nhưng tiếng Việt ta có động từ « Chạy chọt » nó tích cực hơn, vì chạy chọt có túc từ, «chạy chọt AI ?). Ai là ai đây ? Vậy thì chạy chọt là hối lộ, là lo lót, là «tham nhũng». Vậy ta nên đổi «Système D» của Pháp đi. Từ nay, nên nói là Système C cho xong chuyện. C là Corruption, là Tham Nhũng. Nói như vậy chẳng riêng gì các quốc gia chậm tiến, Phi Châu, Á Châu Việt Nam gì cho xa lại ! Ở Tây, ở Pháp đây cũng Corruption đầy trời ! Tham Nhũng ! Dân « Tây giấy, da vàng ta » hằng ngày ở Tây vẫn thấy đầy rẫy những tiệm Siêu Thị mở mang xôm tụ bừa bãi, giết các cửa hàng, bạn hàng, bé nhỏ trong trung tâm thành phố ! Các bạn cũng nghe thấy những con số tiền bạc, khổng lổ, cả triệu euros, phung phí của các chiến dịch bầu cử của các đảng phái. Tiền đâu ? Ai cho ? Ai cúng ? Để làm gì ? Nhóm buôn súng bên Mỹ, nhóm Thuốc lá bên Mỹ vẫn hoành hành mặc dù súng dùng bậy bắn bậy, chết người hằng năm chụ vụ trăm người chết ! Còn thuốc lá tạo một lô nạn nhơn tốn một khối tiền cho xã hội Mỹ, nhưng không một ông ứng cử viên Tổng Thống Mỹ nào dám đụng tới ! Tham Nhũng hay Ủng Hộ Đầu Tư hay Vận Động-Lobby ? Tất cả !
Quyền Lực Và Đạo Đức:
Cơ chế và hệ thống của cơ chế ảnh hưởng đến thái độ và đạo đức của các chánh trị gia. Nói như vậy để nói rõ vai trò và ảnh hưởng của quyền lực trong hệ thống cơ chế do quyền lực tạo ra, và tạo cả mức độ của tham nhũng. Nhà triết học và sử học người Anh Lord Acton thốt ra định lý « Quyền lực tạo tham nhũng, quyền lực càng tuyệt đối, tham nhũng càng tuyệt đối ». Sức mạnh của quyền lực không đo bằng những phạm vi mà quyền lực ảnh hưởng, mà đo bằng hình thức ảnh hưởng của quyền lực. Mọi nơi, mọi địa hạt ; đa dạng, đa thể, bất đồng. Với những luật lệ không ổn định, và đăc biệt trong cơ chế và hệ thống thuế vụ. Do đó chúng ta thấy rõ một sự liên quan vô hình giữa chế độ tự do và mức độ tham nhũng : Càng thiếu tự do càng nhiều tham nhũng.
Sau đây là bảng sắp hạng của NGO TI-Transparency International về các quốc gia ít tham nhũng : Từ ít đến nhiều : Đứng đầu sổ, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, (ba quốc gia Bắc Âu Tin Lành Giáo), Tây Tân Lan…Nước Pháp kha khá hạng thứ 20. Cuối bảng của 176 nước, A Phú Hản, Soudan, Bắc Hàn, Somalie. Việt Nam có mặt trong 10 nước đội sổ.
Vì vậy muốn chống tham nhũng, phải có Tự Do, và phải tạo Dân Chủ để người dân thực sự có quyền Tự Quyết. Quyền Lực do người dân chọn và giao phó. Ở các quốc gia Đông Âu, sau 1990, mặc dù dân chủ hóa trở lại rất chậm chạp nhưng cũng xóa bỏ được dần dần những hủ tục tham nhũng tàn dư của chế độ độc tài Sô Viết. Một vài quốc gia, đặc biệt như Hung Gia Lợi, như Ba Lan, Slovénie, Cộng Hòa Tiệp, 3 quốc gia vùng Bal tíc, Dân Chủ và Tự Do Nhơn Quyền đã dẹp bỏ được bức tường tham nhũng.
Tham Nhũng Rất Mắc, Tham Nhũng Hao Tốn Tài Của Quốc Gia:
Xoá bỏ Tham Nhũng phải là một nguyên tắc hàng đầu để có một Chánh quyền tốt và thành công. Bởi Tham Nhũng có một cái giá phải trả rất cao ! NGO Transparency International đánh giá Tham Nhũng rất hao tốn, phí tổn chiếm 3% trị giá của Tổng Sản Lượng trao đổi thương mại thế giới. Trong các trao đổi thương mãi bị dơ dáy, vướng bẫn bởi tham nhũng, tin tức thương mãi bị mất tín nhiệm, chữ tín bị mất, lòng tin không còn, nhịp độ thương mãi dĩ nhiên phải yếu đi nhiều. Thương mãi, tài chánh dựa trên tín dụng, tín dụng là chữ tín, là tin tưởng, là lòng thành. Tham Nhũng phá vỡ chữ Tín, phà vỡ hệ thống Tài Chánh, hệ thống Thương Mãi thế giới.
Tham Nhũng phá vỡ thành trì của một Xã hội đàng hoàng dựa trên chữ Tín. Tham Nhung tạo một Xã hội dựa trên quyền lực, sức mạnh. Thế giới của Vũ Lực thay thế thế giới của Pháp Luật. Thế giới của ma-phi-a, của ma mãnh, canh me. Nghi ngờ, phản bội, khai báo, tố cáo lẫn nhau sẽ thay thế thế giới của danh dự, nghéo tay, khế ước, đàng hoàng, tử tế. Giàu có sẽ mang đến đầy nghi kỵ, giàu có sẽ là điển hình của sự xấu xa, nghi ngờ, bất lương bất thiện. Những mạng lưới nhền nhện, những nhóm lợi ích, lo thủ tư lợi, quyền lợi riêng tư hơn là lo việc công, việc nước, phá hoại nền Dân Chủ, bịt miệng thường dân.
2. Phải Xóa Tham Nhũng:
Thay lời Kết : Muốn Xoá Tham Nhũng Là Phải Dẹp Bớt Quyền Lực.
Thay đổi cơ chế chưa chắc là đáp nhu cầu của toàn xã hội !
Có những dân tộc thích sống, quen sống trong tham nhũng. Những cuộc « cách mạng », « đảo chánh » chánh biến thường do quân đội tạo nên ở Phi Châu những năm tháng gần đây biểu hiện sự thèm muốn thay thế chánh quyền cũ để hưởng lộc. « Bây giờ đến phiên tôi, các anh no đủ rồi hãy xuống đi ! ». Giựt quyền lực để hưởng tham nhũng.
Nhưng cũng có những cơ chế xã hội đầy rẫy các nhóm lợi ích công cộng, các xã hôi dân sự, các tổ chức nghề nghiệp, nghiệp đoàn, công đoàn, các nhóm nầy được hưởng những quy chế đặc biệt, lợi lộc, trợ cấp, công việc làm bảo đảm, quy tế y tế, học đường, nhà cửa đặc biệt… tất cả đều đúng luật lệ, được luật lệ bảo vệ TUY NHIÊN, có phải là do luật lệ đã đi trật chìa không, luật lệ do một nhóm lợi ích nào đó bầu ra không ? Vì vậy mặc dù là được luật lệ bảo vệ nhưng những che chở, quy chế đặc biệt ấy có phải do đâu mà ra, quy chế để bảo vệ thân chủ, hay quy chế để kiếm phiếu thân chủ. Ngày nay, do toàn cầu hóa, rất nhiều quy chế đặc biệt, lợi lộc đặc biệt bị cạnh tranh mạnh, nên những hội đoàn, những nghiệp đoàn công đoàn ấy thường chống Toàn Cầu Hóa, chống Liên Âu, chống thế giới.
Vậy thì làm sao chống Tham Nhũng đây ! Vì Tham Nhũng được cả kể bán tham Nhũng lẫn người mua Tham Nhũng ủng hộ. Có lẽ phải nhơn con số Xã hội Dân Sự để dòm ngó, kiểm soát. Có lẽ phải Dân Chủ hóa nhiều hơn. Có lẽ phải chia bớt quyền lực các cơ quan, các cơ sở, tạo cạnh tranh với các xã hôi dân sự với các hôi đoàn công dân. Có lẽ …Có lẽ… Phải … Phải… Thay đổi, …
Tốt hơn chúng ta phải tạo lại một Xã Hội đầy chữ Tín. Xã hội Lòng Tin, Xã Hội Tình Người. Tạo lại Hãnh Diện làm một người Việt tử tế, đàng hoàng, trong một Xã hội Việt Nam của một quốc gia Việt Nam đàng hoàng. Có thế TPP mới đáng là một cơ hội để Việt Nam biến thể, to lớn hơn, lớn mạnh hơn, đàng hoàng tử tế hơn.
Còn Tham Nhũng thì dân Việt sẽ mãi mãi bần cùn, mãi mãi thi công, nam bán lao lực nuôi thân, nữ bán trôn nuôi miệng, làm ngày nào lo ngày đó, không tương lai, không viễn tượng, cuộc sống tủi nhục, ăn mày, mãi mãi, vô vọng, tuyệt vọng.
Hồi Nhơn Sơn 06 tháng 11 2015
Phan Văn Song, TS