Ðồ cổ Tống-Thanh của Trung Quốc
Khi Tập Cận Bình mở chiến dịch bài trừ tham nhũng, từ ruồi con đến cọp lớn đều bị diệt, ta có thể nêu câu hỏi: phải chăng, nếu không diệt tham nhũng thì lãnh tụ mới lên từ gần hai năm nay không thể đưa công cuộc phát triển kinh tế của Trung Quốc qua một hướng tốt đẹp hơn? Nếu hiểu rõ thực tế ngàn năm của xứ này, điều cần thiết cho người Việt Nam vì đang bị Trung Quốc uy hiếp, ta có thể nhìn ra một quy luật khác.
Tham nhũng là một thuộc tính của hệ thống chính trị Trung Quốc và đưa đến sự thịnh suy hay lẽ hợp tan của quốc gia này.
***
Trước hết, xin nhắc lại vài chi tiết về thời sự đã bị lãng quên.
Thuộc thế hệ lãnh đạo thứ tư, tổng lý Quốc Vụ Viện là Thủ Tướng Ôn Gia Bảo được coi là nhân vật ôn hòa có tinh thần cải cách. Là người thân tín của Tổng Bí Thư Triệu Tử Dương, trước khi ông này bị cách chức sau vụ khủng hoảng Thiên An Môn năm 1989 và quản thúc tại gia cho đến chết, Ôn Gia Bảo có cái vẻ thân dân. Cùng Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào, ông tạo ra hình ảnh thực tiễn của một thế hệ lãnh đạo mới sau Chủ Tịch Giang Trạch Dân và “Cánh Thượng Hải” cùng “Thái Tử Ðảng” nổi tiếng tham ô.
Vậy mà trước khi đảng Cộng Sản Trung Hoa tổ chức Ðại hội 18 để đưa thế hệ thứ năm lên lãnh đạo, tờ New York Times trong số ra ngày 25 tháng 10, 2012, có một bài điều tra gần năm ngàn chữ về tài sản của gia đình Ôn Gia Bảo, từ bà mẹ 90 tuổi đến các con cháu, lên tới hai tỷ bẩy (2.7) Mỹ kim. Dĩ nhiên là tờ báo bị chặn và bài viết bị bóc trên trang mạng.
Khi ấy, ta nhớ đến lời phát biểu của Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào: “Không giải quyết nạn tham nhũng, Trung Quốc sẽ sụp đổ. Nhưng nếu ta giải quyết quá mạnh tay, đảng sẽ tan rã.” Bây giờ, thuộc thế hệ lãnh đạo thứ năm, Tập Cận Bình ra tay giải quyết nạn tham nhũng. Và có vẻ như không lo ngại sự tan rã của đảng.
Có thật không?
Trước bài viết của tờ NYT, cuối tháng 6 năm 2012, hệ thống thông tin kinh doanh Bloomberg (và tờ Bloomberg Business Week) có một bài viết về tài sản kinh doanh của gia đình và thân tộc của người sẽ lên lãnh đạo Trung Quốc là Tập Cận Bình: gần 400 triệu Mỹ kim. Trang mạng của Bloomberg dĩ nhiên cũng bị chặn. Và tờ NYT còn cho biết gia đình họ Tập đã kín đáo “giải tư,” bán ra, một số tài sản trước khi ông ta lên nhậm chức để khỏi bị tai tiếng.
Nếu tò mò tìm hiểu thêm, ta còn được biết là phóng viên điều tra của Bloomberg được cho nghỉ, để khỏi gây vấn đề kinh doanh với nhà nước Trung Quốc.
Tức là bên ngoài, từ giới ngoại giao, tình báo, đầu tư và công ty lượng giá trái phiếu cùng rủi ro tín dụng và chính trị, đều biết tới thuộc tính tham nhũng của hệ thống Trung Quốc. Vì quyền lợi, họ luồn lách qua hệ thống đó chứ chẳng mơ hồ gì về chuyện cọp lớn hay ruồi nhỏ.
***
Chuyện ấy đả thông câu hỏi ở trên: Tập Cận Bình có thực tâm giải trừ tham nhũng để phát triển không? Và đưa chúng ta về văn hóa và lịch sử Trung Hoa.
Ngày xưa, hoàng đế nhận “thiên mệnh” nào đó của đấng tối cao để cai trị bá tánh qua hệ thống quan lại của triều đình từ trung ương tới các địa phương. Ngày nay, tổng bí thư đảng cũng nhận lãnh một sứ mệnh của đảng, do nhân dân trao phó, để cai trị quốc dân qua hệ thống quan lại từ trung ương tới địa phương, được gọi là đảng viên và cán bộ.
Hệ thống thư lại ấy có quyền trưng thu ở dưới để dâng một phần lên trên cùng tờ biểu màu hồng về tinh hình sinh hoạt của thần dân. Họ giữ lại một phần cho mình, để ban phát cho vây cánh ở dưới, và mọi người đều ngợi ca sự thái hòa nhờ các đức của hoàng đế hay tấm lòng của đảng…
Chúng ta trở lại chuyện hiện đại là chu kỳ kinh tế, hay “kinh tế cũng là chính trị,” nội dung của cột báo này.
Khi hệ thống quan lại của đảng hay triều đình mà trưng thu quá nhiều và bỏ túi quá chặt thì bá tánh ở dưới bất mãn, hoàng đế hay trung ương ở trên phải ngó xuống. Giải trừ tham nhũng trở thành cuộc đấu trí và đấu lực giữa trung ương và các lãnh chúa địa phương, với tương quan lực lượng có thay đổi theo thời gian.
Nếu trung ương đủ giàu mạnh mà thắng thì sẽ có cải cách hay biến pháp với một số đại thần bị từ hình hay đảng viên cao cấp bị kỷ luật. Nhưng nếu hệ thống tham ô của các quan lại cấu kết với nhau quá chặt thì hoàng đế bó tay ở trung ương. Khủng hoảng có thể bùng nổ, với sự xuất hiện của các thế lực mới, để lập ra triều đại mới. Người ta gọi đó là “cách mạng,” hay cái lẽ hợp tan của một quốc gia quá rộng lớn có quá nhiều dị biệt…
Lịch sử Trung Quốc từ thồi Tần Hán đến nay đã có cả ngàn trường hợp như vậy.
Với kiến thức hiện đại hơn của thế kỷ 21, ta thấy tham nhũng là một vấn đề kinh tế vì liên quan đến tiền tài, lại có khía cạnh luật pháp vì liên hệ đến chính pháp, mà có nguyên nhân và bản chất chính trị. Nó là một biểu hiện kinh tế của bất công chính trị khi thiểu số có đặc quyền lại lợi dụng quyền đó để tìm đặc lợi. Tham nhũng có thể xảy ra trong mọi xã hội, nhưng rất khó giới hạn và diệt trừ trong các xã hội mà người dân không có quyền.
Sau khi Tập Cận Bình lên lãnh đạo, đã có gần hai vạn đảng viên mọi cấp bị điều tra, nhiều con cọp lớn như các tướng Từ Tài Hậu hay Quách Bá Hùng của Bộ Chính Trị cũ, thuộc khóa 16 và 17, đã vào cũi. Trong chiều hướng ấy, việc một lãnh tụ như Chu Vĩnh Khang bị điều tra là điều đáng chú ý vì chưa từng xảy ra trong đảng.
Họ Chu thuộc Thường Vụ Bộ Chính Trị khóa 18, sau khi cầm đầu hệ thống an ninh (Bộ Công An), tình báo (Bộ Quốc An), luật pháp và tòa án (Ban Chính Pháp Trung Ương), làm Bí thư tỉnh Tứ Xuyên và lãnh đạo khu vực dầu khí, v.v… Nhưng có hai chi tiết còn đáng chú ý hơn:
Chu Vĩnh Khang từng đỡ đầu cho Bí Thư Bạc Hy Lai để thách thức quyền lực của Tập Cận Bình, người có cái gáy dầy tới gần 400 triệu Mỹ kim.
Tiếng là một mục tiêu giai đoạn để cải cách và chuyển hướng kinh tế, chiến dịch diệt trừ tham nhũng chỉ thể hiện một vụ tranh đoạt quyền bính để bảo vệ quyền lợi của vây cánh trước sức nặng và sức cản của các thế lực đã cấu kết từ thời Ðặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân. Nói rõ hơn, khi Hoàng đế gọi là Nhân Dân không được có tiếng nói trên cái ngai mơ hồ của cách mạng, triều đình từ trung ương tới địa phương đang mở ra cuộc chiến vì quyền lợi.
Ngẫm chuyện xưa:
Ðược Hoàng Ðế Càn Long sủng ái, Hòa Thân có thể mở chiến dịch diệt trừ quan lại tham ô để triệt hạ các vây cánh khác chung quanh ngai vàng. Sau đại hội đảng năm 1796, khi Càn Long lui về làm thái thượng hoàng, Hoàng Ðế Gia Khánh vẫn chưa dám điều tra Hòa Thân. Chỉ sau sau khi Càn Long tạ thế năm 1799, chiến dịch đánh cọp Hòa Thân mới mở màn, và kết thúc bằng một bảng tổng kết tài sản: bằng 15 năm tích lũy của công khố nhà Ðại Thanh! Cho nên, tham nhũng tại Trung Quốc cũng xưa như chuyện đồ cổ của Trung Hoa.
Chúng ta chỉ nhớ đến hai chi tiết liên quan đến Việt Nam.
Ngoài sự chống đối của phe thủ cựu, việc cải cách gọi là biến pháp của Vương An Thạch đời Tống đã thất bại bên trong cũng vì nạn tham ô của phe tân pháp, và tan vỡ bên ngoài vì chiến công của Lý Thường Kiệt vào năm 1075. Gần với chúng ta hơn, chính thủ lãnh tham nhũng là Hòa Thân, và Tổng Ðốc Lưỡng Quảng là Phúc Khang An, đã ăn hối lộ của Quang Trung Hoàng Ðế mà tác động vào chánh sách đối ngoại của Càn Long theo cái hướng có lợi cho Việt Nam.
Ngày nay, lãnh đạo Việt Nam đang nằm trong cái túi của các Hòa Thân đỏ lè. Khi Trung Quốc khủng hoảng – lại chuyện hợp tan cố hữu – may ra Việt Nam sẽ khá!
Nguyễn-Xuân Nghĩa