Trong những ngày qua, dư luận và giới truyền thông quốc tế tiếp tục bày tỏ quan ngại và thông tin đậm nét về việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 trái phép trong vùng biển Việt Nam, đưa cả tàu chiến vào uy hiếp tàu làm nhiệm vụ trong vùng biển thuộc thủ quyền của Việt Nam .
Nhiều nước lên tiếng
Nhật Bản, một nước cũng đang có những tranh chấp biển đảo với Trung Quốc, đã lập tức có phản ứng sau khi biết tin về vụ giàn khoan HD-981. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong bài phát biểu tại trụ sở của NATO tại Brussels cho rằng việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh ở biển Hoa Đông và Biển Đông có thể gây ra những căng thẳng mới trong thời hậu chiến tranh lạnh. Ông Abe nhấn mạnh: “Ở Biển Đông, Trung Quốc đã thực hiện một loạt hành động dựa trên các tuyên bố đơn phương, làm dấy lên căng thẳng và gia tăng lo ngại giữa các nước trong khu vực”.
Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida trả lời phỏng vấn của hãng tin Kyodo tại Paris về vụ việc cũng nói: “Hành động này của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Điều này khiến Tokyo không thể không quan ngại. Các bên cần tránh những hành động đơn phương trên Biển Đông”. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nêu rõ: “Chúng tôi vô cùng quan ngại về tình hình căng thẳng leo thang trong khu vực vì việc khai thác bất hợp pháp của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp. Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc không có hành động đơn phương khiến tình hình leo thang và kiềm chế theo đúng luật pháp quốc tế”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore cũng lo ngại về những diễn biến mới tại Biển Đông, kêu gọi các bên tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Người phát ngôn cho biết Singapore sẽ tiếp tục kêu gọi ASEAN và Trung Quốc cùng làm việc để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).
Tại Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Jen Psaki trong phát biểu trước báo giới ngày 6/5 đã tuyên bố: “Căn cứ vào lịch sử căng thẳng ở Biển Đông, việc làm của Trung Quốc là hành động khiêu khích và không có lợi cho nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”. Bà Jen Psaki khẳng định: “Mỹ đang theo dõi sát vụ việc này. Diễn biến mới này càng cho thấy các tuyên bố về chủ quyền của các nước trong khu vực cần phải phù hợp với luật pháp quốc tế và những cam kết đã đạt được, theo đó những hành vi kiểu như vậy không được phép xảy ra trong khu vực có tranh chấp”. Bà Psaki nói tiếp: “Với những căng thẳng từng xảy ra ở Biển Đông, quyết định của Trung Quốc cho vận hành giàn khoan trong vùng biển tranh chấp là khiêu khích và không có lợi cho việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên hành động một cách an toàn và thích hợp, thể hiện kiềm chế và giải quyết những đòi hỏi chủ quyền tranh chấp một cách hòa bình, ngoại giao và phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain ngày 7/5 đã ra tuyên bố chỉ trích Trung Quốc cố tình gây căng thẳng ở Biển Đông. Ông khẳng định hành động của Trung Quốc mang tính khiêu khích, đáng quan ngại và chỉ nhằm leo thang căng thẳng ở Biển Đông, việc các tàu của Trung Quốc bao vây, đâm các tàu Việt Nam là hành vi hung hăng và hiếu chiến. Ông cho rằng Trung Quốc phải gánh chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành động đơn phương hòng thay đổi nguyên trạng này. Thượng nghị sỹ John McCain còn khẳng định các hành động của Trung Quốc dựa trên những yêu sách lãnh thổ không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.
Ngày 8/5, Hạ nghị sỹ Eni Faleomavaega, thành viên Tiểu ban Đối ngoại về châu Á-Thái Bình Dương của Hạ viện Mỹ đã cực lực lên án Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông và kêu gọi Chính phủ Mỹ có những tuyên bố rõ ràng và kiên quyết trong vấn đề này. Hạ nghị sỹ Faleomavaega khẳng định, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc hoàn toàn không có sở pháp lý quốc tế và ông sẽ cùng Thượng nghị sỹ John McCain kêu gọi lãnh đạo Trung Quốc lập tức thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng.
Phát biểu tại Hong Kong, nơi ông đang có mặt ở đây trước khi đến Việt Nam, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel cho hay Hoa Kỳ đang theo dõi vấn đề và kêu gọi các phía liên quan nên thận trọng. Ông nói “Nền kinh tế thế giới đang còn quá yếu, sự ổn định khu vực vô cùng quan trọng nên đừng vì lợi ích kinh tế ngắn hạn mà làm cho nguy hiểm”.
Ngày 8/5, người phát ngôn của Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) cho biết: “Chúng tôi quan ngại về những rắc rối giữa Trung Quốc và Việt Nam liên quan đến hoạt động của giàn khoan Trung Quốc HD981. Cụ thể, EU lo ngại các hành động đơn phương có thể ảnh hưởng đến tình hình an ninh trong khu vực, bằng chứng là các vụ va chạm gần đây giữa các tàu của Việt Nam và Trung Quốc. Theo đó, cơ quan phụ trách đối ngoại của châu Âu kêu gọi các bên cần tuân thủ UNCLOS, tránh những hành động đơn phương có thể ảnh hưởng đến tình hình an ninh khu vực”.
Ông Michael Mann, người phát ngôn của Đại diện Cấp cao EU kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, nhấn mạnh EU đặc biệt quan ngại rằng những hành động đơn phương có thể ảnh hưởng đến môi trường an ninh trong khu vực như đã được thể hiện trong các báo cáo về vụ va chạm gần đây giữa các tàu của Việt Nam và Trung Quốc.
Ngày 8/5, trả lời câu hỏi liên quan tới những diễn biến căng thẳng hiện nay trên Biển Đông, Người phát ngôn Liên Hợp Quốc (LHQ) Farhan Haq khẳng định LHQ mong muốn và tin tưởng rằng các quốc gia liên quan sẽ giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Thượng tọa T.S Sumana Siri – Chủ tịch Liên minh Phật giáo Singapore, Malaysia, đang tham dự Đại lễ Vesak tại Việt Nam, nhấn mạnh “Trong mấy ngày qua, tàu của Trung Quốc tấn công lãnh hải Việt Nam không chỉ là vấn đề quan ngại của Việt Nam mà còn là vấn đề quan ngại của thế giới. Chúng tôi, các lãnh đạo Phật giáo cũng thấy đây là vấn đề quan ngại nghiêm trọng và chúng tôi cảm thấy việc làm như thế là không nên”.
“Kịch bản vô cùng nguy hiểm”
Nhật báo Straits Times của Singapore số ra ngày 7/5, trong chuyên mục Châu Á, dẫn lời Tiến sĩ Ian Storey nói rằng, việc Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu HD-981 ra hoạt động tại vùng biển của Việt Nam mở ra một kịch bản vô cùng nguy hiểm: “Việc đưa một giàn khoan khổng lồ vào vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia khác là một sự leo thang đáng kể của Bắc Kinh trong cuộc tranh chấp”.
Cùng ngày, hãng tin Pháp AFP dẫn lời chuyên gia về Đông Nam Á Carl Thayer (của Học viện Quốc phòng Australia) nói quyết định đưa giàn khoan nước sâu HD-981 đến vùng biển tranh chấp là một động thái bất ngờ và chỉ làm thêm căng thẳng tình hình hiện nay ở Biển Đông. Với động thái này, Trung Quốc một lần nữa vi phạm DOC và đây là một sự thay đổi quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc. Ông nói “Trung Quốc biết chọn thời điểm để phục vụ cho những toan tính khẳng định sự hiện diện của mình tại vùng biển tranh chấp và từ đó tiến tới khẳng định cái gọi là chủ quyền”. GS Thayer nhận định các nước trong khu vực ASEAN cần được thông báo về động thái này của Trung Quốc.
Giáo sư Keith Johnson thuộc Đại học California Berkely viết trong một bài bình luận đăng trên tạp chí Foreign Policy cho rằng HD-981 đang được Trung Quốc sử dụng như một lãnh thổ quốc gia di động để từng bước thay đổi hiện trạng, từ đó xiết chặt gọng kìm khống chế tại Biển Đông. “Việc triển khai giàn khoan HD-981 của Trung Quốc cho thấy một thông điệp rõ ràng Bắc Kinh muốn gửi đến Việt Nam: Sẽ khoan những nơi nào gây thiệt hại nhiều nhất. Tuy đây không phải lần đầu tiên xảy ra va chạm trong việc tìm kiếm năng lượng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, nhưng đây là lần đầu tiên công ty dầu khí Trung Quốc chính thức đặt giàn khoan tại vùng biển tranh chấp với các quốc gia khác”.
Cũng chung quan điểm trên, cựu Đô đốc Mike McDevit, Trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược thuộc Trung tâm phân tích Hải quân Mỹ, cho rằng đây là quá trình mà các động thái nhỏ được tích tụ dần, không dẫn đến xung đột nhưng sẽ dần thay đổi hiện trạng theo thời gian.
Ông Andrew Billo, học giả chuyên nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á thuộc Hội châu Á có trụ sở tại New York, cho việc đưa giàn khoan HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam theo UNCLOS năm 1982.
Theo bà Holly Morrow, chuyên gia về Biển Đông của Trung tâm Belfer, trường Đại học Havard, Mỹ, cho dù vì bất kỳ lý do gì thì chủ trương của Bắc Kinh là hành động mạnh tay trong các mối quan hệ khu vực cũng sẽ gây thiệt hại. Nữ chuyên gia từ Đại học Havard này cảnh báo rằng xét về chính sách đối ngoại, cái giá mà họ sẽ phải trả cho những gì mà họ đang làm là rất lớn, cho dù lợi ích an ninh năng lượng mà họ thu được là gì đi nữa.
Trước sự việc nghiêm trọng này, bà Holly Morrow bình luận rằng việc Trung Quốc làm căng thẳng leo thang bằng hành động dựng giàn khoan dầu ở Biển Đông đã thực sự khiến dư luận khó hiểu vì năm 2011, Trung Quốc đã ký với Việt Nam “Thỏa thuận về những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển”, theo đó hai bên đồng ý giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình, thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Bà Holly Morrow viết: Vậy phải hiểu hành động của Trung Quốc thế nào đây? Chẳng lẽ họ đã quên (hay cố tình quên) những gì họ đã cam kết và đặt bút ký vào Thỏa thuận về những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày 11/10/2011 tại Bắc Kinh? Và ai đó khi hành động phủ định lời nói của chính mình, người ấy đã tự đánh mất lòng tin ở người khác.
Thomas L. Friedman, tác giả cuốn sách nổi tiếng về toàn cầu hóa “Thế giới phẳng”, từng 3 lần đạt giải Pulitzer, chủ bút mục đối ngoại của tờ The New York Times cho rằng, nếu có hành động điên rồ ở Biển Đông thì cái giá mà Trung Quốc phải trả sẽ lớn hơn và nhanh hơn rất nhiều.
Học giả Trung Quốc Lý Lệnh Hoa, cựu thành viên Trung tâm Tin tức, viết trên blog cá nhân của ông trên mạng Sina rằng Trung Quốc nên tuân thủ UNCLOS 1982. Vị học giả này cũng từng trả lời với Thời báo Hoàn Cầu (của Trung Quốc) rằng Trung Quốc là một trong các nước ký kết UNCLOS 1982 thì nên tuân theo điều thứ 74 và 83 của Công ước này, phải tôn trọng chủ trương thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước ven biển xung quanh. Học giả Lý Lệnh Hoa từng khẳng định Trung Quốc không có bất kỳ căn cứ nào để xác định “đường chín đoạn” là đường biên giới quốc gia của mình. Ông Lý cũng từng nhận định các học giả và phương tiện truyền thông của Trung Quốc đã góp phần không nhỏ vào việc kích động người dân Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, trong khi không đưa ra được căn cứ cụ thể để chứng minh những tuyên bố phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông là đúng.
Ông Orville Schell, một học giả chuyên nghiên cứu về Trung Quốc, hiện là Giám đốc trung tâm Quan hệ Mỹ-Trung tại Asia Society ở New York, nói: “Tôi thấy tình hình hiện nay khá đáng báo động bởi mối quan hệ tương đối yên tĩnh giữa Trung Quốc với các nước láng giềng như những năm trước đây có thể sẽ không còn”.
Tại hội thảo về “Vai trò của Italy tại châu Á-Thái Bình Dương” tổ chức tại Rome, nhiều học giả và diễn giả đã lên án mạnh mẽ các hành động gây hấn của Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc đang cố tình gây căng thẳng, đe dọa hoà bình, an ninh và ổn định, an ninh và an toàn hàng hải tại khu vực. Một số ý kiến cho rằng, Italy, với tư cách là một thành viên của nhóm G7 và đang ngày càng quan tâm hơn đến khu vực này, cần phải đóng một vai trò nhất định trong việc cùng cộng đồng quốc tế tháo gỡ tình hình căng thẳng hiện nay ở Biển Đông, tiến tới việc giải quyết những tranh chấp liên quan vùng biển này, theo luật pháp quốc tế.
Hành động có thể dẫn đến những xung đột nghiêm trọng hơn
Nhiều hãng truyền thông lớn trên thế giới như AP (Mỹ), AFP (Pháp), Reuters (Anh), DPA (Đức)… cùng các tờ báo uy tín như New York Times, Wall Street Journal, Deutsch Welles, Straits Times…. đã đồng loạt có bài viết, đưa lại nội dung cuộc họp báo quốc tế tại Hà Nội ngày 7/5 về thông tin các tàu Trung Quốc đã cố tình đâm vào tàu Việt Nam. Các bài viết bình luận nhấn mạnh vụ việc này đã khiến căng thẳng trong khu vực leo thang và sự hung hăng của Trung Quốc là đáng báo động với nhiều nước trong khu vực. Các báo cũng đánh giá hành vi này của Trung Quốc là một trong những bước đi khiêu khích nhất có thể dẫn đến những xung đột nghiêm trọng hơn.
Hãng tin Reuters ngày 7/5 dẫn lời một quan chức dầu mỏ Trung Quốc nói, việc hạ đặt giàn khoan HD-981 của Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) ở vùng biển gần Việt Nam xem ra là một quyết định chính trị, chứ không phải là một quyết định kinh tế. Quan chức Trung Quốc (yêu cầu giấu tên) này nói: “Điều này phản ánh ý chí của Chính phủ Trung ương và cũng có liên quan đến chiến lược Châu Á của Mỹ. Đây không phải là động cơ kinh tế”.
Tờ Thế giới (die Welt) của Đức giật tít: “Trung Quốc dùng tàu chiến đâm vào tàu Việt Nam” và đánh giá hành động Trung Quốc đặt giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một trong hàng loạt hành động khiêu khích của Trung Quốc.
Trang mạng của Forbes dẫn ý kiến của nhà phân tích Gordon G. Chang cho rằng vụ việc xảy ra là cách để các nhà lãnh đạo Trung Quốc thách thức cam kết của Tổng thống Mỹ Barack Obama đối với an ninh khu vực không lâu sau chuyến công du châu Á của ông hồi cuối tháng trước. “Với hành động lần này, Bắc Kinh đã vượt qua hai lằn ranh quan trọng”. Bài báo dẫn nguồn từ Nelson Report, một bản tin nội bộ của Washington, nhận định: “Đây là lần đầu tiên Trung Quốc khoan ở vùng biển Việt Nam. Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc công khai sử dụng tàu thân xám, tức tàu hải quân, để hỗ trợ cho tàu thân trắng, tức tàu hàng hải dân sự.”
Trong bài viết trên trang mạng của mình, kênh truyền hình Mỹ CNBC dẫn ý kiến của hai phân tích gia Ernest Bower và Gregory Poling ở Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington cho biết: “Việc Trung Quốc làm tới để đặt giàn khoan ngay sau khi chuyến Á du của Tổng thống Barack Obama cho thấy rõ quyết tâm của Bắc Kinh muốn thử phản ứng của Việt Nam, các nước trong ASEAN và Washington”. Cũng theo hai vị này thì Bắc Kinh đang tìm cách thay đổi lớn trên hiện trạng vì họ cảm thấy Washington đang bị phân tâm với tình hình ở Ukraine.
Ngày 5/5, Tạp chí Foreign Policy của Mỹ cho rằng, đây không phải lần đầu tiên việc thăm dò, khai thác năng lượng ở Biển Đông gây xung đột giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, nhưng tính chất của sự kiện HD-981 hoàn toàn khác so với các lần trước đó. Thứ nhất, Trung Quốc quyết tâm đẩy mạnh chiến lược xây dựng các “lãnh địa di động ngoài khơi” để từng bước thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Thứ hai, Bắc Kinh muốn thử phản ứng của Washington sau khi Tổng thống Barack Obama vừa kết thúc chuyến công du 4 nước châu Á để tái khẳng định chính sách xoay trục và cam kết bảo vệ đồng minh.
Trong bài viết có tiêu đề “Việt Nam nỗ lực ngăn Trung Quốc triển khai giàn khoan”, hãng tin AP nhận định, hành động của Trung Quốc khiến tình trạng căng thẳng leo thang hơn nữa trong khu vực. AP cho rằng việc Trung Quốc triển khai giàn khoan dầu trên vùng biển Việt Nam là một trong những hành động khiêu khích nhất của nước này.
Tờ New York Times đưa tin, tranh chấp ở khu vực Biển Đông không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, việc Trung Quốc ngày càng tăng cường sức mạnh quân sự trong thời gian qua đã làm xuất hiện một số lo ngại trong khu vực. Theo New York Times, việc Trung Quốc sử dụng vòi rồng để tấn công tàu kiểm ngư của Việt Nam cho thấy lập trường ngày càng thiên về “sức mạnh cơ bắp” của Bắc Kinh trong tranh chấp với các nước láng giềng.
Tờ USA Today bình luận, hành động bành trướng cùng với sự phát triển về kinh tế và quân sự của Trung Quốc đang khiến cho các quốc gia khác trong khu vực lo ngại, ngay cả khi họ biết rằng cần duy trì mối quan hệ cởi mở với một đối tác kinh tế quan trọng.
Tờ The Economist (Anh) nhận định, đây không phải là hành động bình thường. Điều này dường như là để Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, cơ sở của những tuyên bố trên là mơ hồ, cũng giống như bản đồ “đường chín đoạn” khẳng định chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông mà Trung Quốc từng công bố. The Economist cho rằng, điều này không có cơ sở luật pháp quốc tế và Trung Quốc cũng chưa bao giờ làm rõ những tuyên bố của mình.
Tại New Delhi, nhà báo Ấn Độ Dipanjan Roy Chaudhury trong bài viết trên tờ Thời báo Kinh tế ngày 7/5 cũng cho rằng việc Trung Quốc kéo giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam là nhằm tìm cách gây áp lực. Tác giả nêu rõ cái gọi là “tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc” đã vấp phải sự chỉ trích rộng rãi của quốc tế và là một trở ngại đối với nỗ lực giải quyết tranh chấp trong khu vực và rõ ràng Bắc Kinh thiếu chứng cứ pháp lý quốc tế và làm đảo lộn luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản chỉ ra rằng vùng biển mà giàn khoan Trung Quốc đang hoạt động là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. “Hành động của Trung Quốc là không thể chấp nhận được” và “Có vẻ như Trung Quốc đang cố tích lũy một loạt những việc đã rồi có liên quan đến các tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này trong phạm vi của đường lưỡi bò”.
Bình luận về khả năng vấn đề Biển Đông được đưa ra diễn đàn LHQ, phóng viên cấp cao của kênh truyền hình CNN tại LHQ Richard Roth nhận định nếu tình hình trở nên nguy hiểm hơn, ví dụ như một cuộc xung đột vũ trang xảy ra, Việt Nam có thể yêu cầu triệu tập một cuộc họp tại Hội đồng Bảo an để thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.
Nguyễn Chiến